'Xuyên không' về thời Hậu Lê huy hoàng tại khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa

'Xuyên không' về thời Hậu Lê huy hoàng tại khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa Nói đến các kinh thành cổ người ta sẽ nghĩ ngay đến Hoàng Thành Thăng Long hay cố đô Hoa Lư nhưng ít ai biết rằng nước Đại Việt xưa còn có một kinh thành khác mang tên khu di tích Lam Kinh tọa lạc ở vùng đất Thanh Hóa anh hùng. Lịch sử hình thành khu di tích Lam Kinh  Khu di tích Lam Kinh là một di tích lịch sử cổ kính nằm ở xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50km về phía Tây Bắc. Được biết, Lam Kinh là nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Lê Lợi, là quê cha đất tổ của nhà Lê và cũng là nơi phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế...
Nói đến các kinh thành cổ người ta sẽ nghĩ ngay đến Hoàng Thành Thăng Long hay cố đô Hoa Lư nhưng ít ai biết rằng nước Đại Việt xưa còn có một kinh thành khác mang tên khu di tích Lam Kinh tọa lạc ở vùng đất Thanh Hóa anh hùng.

Lịch sử hình thành khu di tích Lam Kinh 

Khu di tích Lam Kinh là một di tích lịch sử cổ kính nằm ở xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50km về phía Tây Bắc.

Được biết, Lam Kinh là nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Lê Lợi, là quê cha đất tổ của nhà Lê và cũng là nơi phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ 15 khiến người người ngưỡng mộ cho đến ngày nay. Chính vì vậy vua Lê Thái Tổ đã chọn nơi này để xây dựng một kinh thành thứ hai gọi là Tây Kinh (để phân biệt với kinh đô chính là Đông Kinh – Thăng Long Hà Nội).

'Xuyên không' về thời Hậu Lê huy hoàng tại khu di tích Lam Kinh Thanh HóaKhu di tích cổ kính, bình yên (Ảnh @trangmy262)

Theo đó, quá trình xây dựng điện Lam Kinh được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại như sau:

Năm 1430, Lê Lợi sau khi lên ngôi xưng vua Lê Thái Tổ, niên hiệu là Thuận Thiên đã đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh.

Năm 1433, khi vua Lê Thái Tổ mất được đem về Lam Kinh để an táng thì hệ thống đền miếu, lăng tẩm có quy mô lớn cũng bắt đầu được xây dựng để thờ cúng tổ tiên và làm nơi an nghỉ cho các vị vua, Thái Hoàng, Thái Hậu, nơi cử hành nghi lễ khi vua bái yết sơn lăng.

Đến Năm 1448, vua Lê Nhân Tông ban chiếu chỉ cho Thái úy Lê Khả và Cục bách tác trùng tu lại các ngôi điện miếu đã bị xuống cấp và đến tháng 2/1449 thì công việc xây dựng đã được hoàn thành.

Vào năm 1456, trong dịp đến hành lễ ở điện Lam Kinh Thanh Hóa, vua Lê Nhân Tông đã đặt tên cho 3 tòa nhà của chính điện là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diễn Khánh.

Năm 1962 thì nơi đây được công nhân là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trải qua sự tàn phá của thời gian, thời tiết và ác liệt của chiến tranh, công trình này đã bị hư hại và xuống cấp khá nhiều, vì thế vào năm 2002 Thủ tướng Chính Phủ đã ra văn bản quyết định quy hoạch, trùng tu lại để có một kiến trúc hoàn thiện như hiện nay.

khu di tích Lam Kinh - điểm hành hương nức tiếng ở Thanh HóaĐiểm du hành về quá khứ nổi tiếng hiện nay (Ảnh FB Hoàng Nam Trường)

Đến năm 2013 thì khu di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định giá trị lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời được xem như chiếc “nôi vàng” của thời kỳ Hậu Lê mà con cháu đời đời sau luôn phải bảo tồn.

Kiến trúc bề thế, hoàng tráng của khu di tích Lam Kinh

Kinh Thành Lam Kinh tựa lưng vào núi Dầu, mặt hướng ra sông Chu – núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm còn bên phải thì được ôm ấp bởi dãy núi Hương và núi Hàm Rồng, tạo nên một vị thế địa linh nhân kiệt mê hoặc lòng người.

Dù đã được trải qua trùng tu nhưng nơi đây vẫn in đậm những dấu tích của một thời vương giả với tổng thể công trình nằm trên một vùng đất rộng tới 30ha có hình dáng chữ “Vương” (王) với chiều dài 314m, rộng 254m. Tường thành hình cánh cung có bán kính 164m và dày 1m ôm lấy rất nhiều các kiến trúc độc đáo như:

Sông Ngọc – cầu Bạch

Đường dẫn vào khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm dọc theo con sông Ngọc hiền hòa bắt nguồn từ Tây Hồ, hai bên bờ sông là hai hàng cây xanh mướt điệu đà soi bóng dưới mặt nước trong veo. Đáy sông có rất nhiều sỏi tròn đủ màu sắc đẹp mắt và bắc qua sông là cây cầu cầu Bạch bằng đá trắng cong cong uốn lượn đã nhuốm màu rêu phong, trông như một khung cảnh cổ trang đầy thơ mộng mà ta thường được xem trên vivi.

sông Ngọc - cảnh đẹp tại khu di tích Lam Kinh Con sông thơ mộng tựa phim cổ trang (Ảnh FB Tuyết Tuyết)

Giếng cổ

Qua cầu khoảng 50m bạn sẽ được chiêm ngưỡng một giếng khơi cổ khổng lồ có từ thời tằng tổ của Lê Lợi, trước kia có thả sen, nhưng bây giờ thì để không nên mặt nước trong veo tựa như một tấm gương soi bóng vạn vật. Điều thú vị của giếng là nước bên trong quanh năm không cạ, bờ phía Bắc thì được lát bậc đá lên xuống nên đến hiện nay thì nó vẫn là nguồn cung cấp nước quan trọng của hoàng thành Lam Kinh.

Ngọ môn (Nghi môn)

Ngọ môn hay Nghi Môn của khu di tích Lam Kinh là cửa phía Nam có kiến trúc khá hoành tráng với 3 gian, trong đó gian giữa rộng 4,6m, hai gian bên rộng 3,5m, và 3 cửa ra vào với cửa giữa rộng 3,6m, hai cửa hông rộng 2,74m cùng hàng cột sừng sững có đường 78cm ở chính giữa để làm trụ.

Phía trước Ngọ môn được đặt hai con nghê đá hung dữ có niên đại hàng trăm năm tuổi đứng canh như để bảo vệ cho sự bình yên của ngôi đền bên trong. Xưa kia, đây là nơi đón tiếp nghi thức trước khi vào điện chầu còn hiện nay thì nó là cánh cổng duy nhất đón tiếp bạn để vào tham quan bên trong.

Ngọ môn - cổng chào của khu di tích Lam Kinh Khu di tích ấn tượng ngay từ cổng vào (Ảnh FB Nguyễn Hương)

Sân rồng

Bước qua Ngọ môn là đến Sân rồng - khu vực chiếm diện tích lớn nhất trong khu di tích quốc gia Lam Kinh với hơn 3.500 m2 và có 3 lối đi lên chính điện, đây cũng là nơi chuyên để phục vụ tế lễ vào các dịp lớn trong năm.

sân rồng - không gian rộng lớn tại khu di tích Lam Kinh Không gian rộng rãi thoáng đãng nhất trong khu di tích (Ảnh FB Quỳnh MinShu)

Chính điện uy nghi

Chính điện được xây dựng theo hình chữ “công” (I) với 3 tòa nhà lớn được làm hoàn toàn bằng gỗ, với những hàng cột trụ khổng lồ có đường kính lên đến 62cm, giúp cho tòa điện luôn vững chãi và chắc chắn dù bao khắc nghiệt của thời tiết và sự tàn phá của thời gian. Đây cũng là công trình có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ.

chính điện - công trình nổi bật tại khu di tích Lam Kinh Chính điện đã nhuốm màu thời gian (Ảnh FB Hà Ly)

Thái miếu

Đi ra phía sau chính điện ta sẽ bắt gặp 9 tòa Thái miếu của Lam Kinh được bài trí trang nghiêm, mỗi tòa được thiết kế theo hình vuông có diện tích gần bằng nhau từ 180 m2 – 220 m2 xếp lại thành hình cánh cung ôm lấy chính điện, mái điện thì được lợp ngói mũi hài toát lên một khung cảnh cổ kính, trầm mặc. Đây là nơi thờ cúng các vị vua và Thái hậu triều đại Hậu Lê nên lúc nào cũng nghi ngút khói hương và mang đậm không khí linh thiêng, thành kính.

Thái Miếu - nơi thờ cúng tại khu di tích Lam KinhKhung cảnh trầm mặc tựa như thời cổ đại (Ảnh @yucherry_makeup)

Hệ thống lăng mộ

Khu di tích Lam Kinh là nơi an nghỉ của các vị vua và hoàng thái hậu nên sẽ không thể thiếu được hệ thống lăng mộ bề thế của vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thánh Tông, vua Lê Hiến Tông, vua Lê Túc Tông và hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, với mỗi khu có diện tích khoảng 400 m2 gồm phần lăng và phần sân.

Trong đó, nổi bật nhất là Vĩnh Lăng - lăng của vua Lê Thái Tổ được xây dựng ở phía Tây Nam kinh thành với địa thế tuyệt đẹp là lưng tựa vào núi Dầu, mặt hướng về núi Chúa, hai bên có 2 dãy núi cao bao bọc tạo thành thế “hổ phục rồng chầu”, giản dị nhưng uy nghiêm.

Phía trước lăng được đặt hai bức tượng đá hình quan chầu và 4 đôi tượng con vật (nghê – ngựa – tê giác – hổ) như để trấn giữ sự yên bình trong lăng. Cách lăng 300m thì được dựng một bia đá làm bằng trầm tích nguyên khối đặt trên lưng rùa đá cao 2,97m, rộng 1,94m và dày 0,27m. Trên bia có nội dung do danh hào Nguyễn Trãi biên soạn ghi lại thân thế và sự nghiệp của vua, với nghệ thuật trang trí tinh xảo, vừa có giá trị nghệ thuật, vừa là một tư liệu lịch sử quý giá cho các nhà nghiên cứu sử học ngày nay.

Vĩnh Lăng - công trình ấn tượng tại khu di tích Lam Kinh Lăng mộ vua Lê được xây dựng rất hoành tráng (Ảnh @gioitran96)

Những di vật lịch sử quý giá

Ngoài các công trình kiến trúc ấn tượng thì kinh thành cổ Lam Kinh còn có rất nhiều di vật, cổ vật lịch sử quý giá như: 4 bảo vật quốc gia là Bia Vĩnh Lăng – Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi, bia hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao – Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng, bia vua Lê Thánh Tông – Dại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi và bia vua Lê Hiến Tông – Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi.

Cùng 18 cây di sản quý hiếm hàng trăm năm tuổi trong khuôn viên như: cây đa đặc biệt không vươn tán ra xa như các gốc cổ thụ khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa chung thành một gốc cao chừng 20m, cả chục người ôm không xuể. Và cây thị sống trong gốc đa thì vẫn xanh tốt quanh năm và ra quả đều đều thơm lừng cả một góc trời, tạo thành chuyện tình Đa – Thị nức tiếng một vùng.

cây Đa Thị - di sản quý giá tại khu di tích Lam Kinh Gốc Đa - Thị nức tiếng gần xa (Ảnh @trinhminhang)

Hay cây lim “hiến thân” khoảng 600 năm tuổi đang xanh tốt thì bỗng dựng rụng hết lá và đến khi dự án thi công phục hồi chính điện của khu di tích Lam Kinh được hoàn thành thì cây cũng chết. Nên người dân đã coi nó như một góc cây kinh thiêng, hiến thân mình để phục dựng chính điện.

Bên cạnh đó còn có cây ổi biết “cười” cao hơn 3m bên lăng vua Lê Thái Tổ, chỉ cần tác động nhẹ vào các ngã nhánh của cây (hay còn gọi là phần nách của cây) là các tán lá rung lên như đang cười – 1 hiện tượng thú vị, huyền bí mà không ai có thể lý giải được.

Lễ hội ở khu di tích Lam Kinh

Nếu vào những ngày bình thường khu di tích Lam Kinh trầm lắng và bình yên bao nhiêu thì khi đến lễ hội Lam Kinh tổ chức ngày 21 (giỗ Lê Lai) và ngày 22 (giỗ Lê Lợi) của tháng 8 âm lịch hàng năm thì không khí nơi đây lại sôi động và nhộn nhịp bấy nhiêu, người người nô nức kéo nhau đến để xem hội và tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.

Phần Lễ sẽ diễn ra trong không khí hào hùng của tiếng trống, tiếng chiêng vang trời cùng đoàn rước kiệu vua Lê Thái Tổ và Lê Lai uy nghiêm theo đúng nghi thức cổ truyền. Còn phần Hội thì sôi động với các tiết mục văn nghệ tái hiện lại các sự kiện lịch sử đáng nhớ như: hội thề Lũng Nhai, khoảng khắc Lê Lai cứu chứa, thời điểm giải phóng thành Đông Quan hay giây phút vua Lê Thái Tổ lên ngôi…cùng các trò chơi dân gian thú vị như: múa rồng, xuân phả, trống hội, ném còn, múa pồn pông, bắn nỏ và trò Bình Ngô…

lễ hội - ngày đến lý tưởng tại khu di tích Lam Kinh Lễ hội sôi động ở khu di tích (Ảnh FB Khu di tích Lam Kinh)

Đặc biệt, khi đến du lịch Lam Kinh trong thời điểm này du khách còn được thưởng thức nhiều món đặc sản nổi tiếng ở đây như: chè lam Phủ Quảng cay cay ngọt ngọt, bánh gai Tứ Trụ dẻo quánh hay cá rô Đầm Sét rán vàng gòn rụm, béo ngậy…đảm bảo là thơm ngon quên lối về luôn đấy.

đặc sản - điểm thú vị của khu di tích Lam Kinh Món chè lam nức tiếng ở Lam Kinh (Ảnh FB Lê Tiến)

Đi du lịch Thanh Hóa đừng để sóng nước mây trời ở các bãi biển níu chân bạn quá lâu, vì chuyến du hành về thời Lê tại khu di tích Lam Kinh chắc chắn sẽ làm chuyến đi của bạn thêm phần đáng nhớ và tuyệt vời hơn đấy nhé.

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn

Ảnh: Internet

Có thể bạn muốn xem