Trà cúc - thức uống được ưa chuộng hơn cà phê tại Hải Phòng

Trà cúc - thức uống được ưa chuộng hơn cà phê tại Hải Phòng Tại thành phố cảng, trà cúc rất phổ biến, được mọi người uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nếu Hà Nội mời khách với trà chanh, thì trà cúc là thức uống đặc trưng không thể không nhắc đến khi tới Hải Phòng. Mỗi buổi sáng, những quán trà cúc tại phố Phan Bội Châu, Minh Khai... luôn đông người. Không biết từ khi nào, uống trà cúc đã trở thành một thói quen của người dân thành phố cảng, bất kể sáng hay tối. Nhiều người cho rằng, tại đất cảng, món trà này còn được ưa chuộng hơn cả cà phê. Cốc trà cúc Hải Phòng có hình thức không cầu kỳ. Ảnh: Trung Nghĩa Ly trà cúc thơm dịu được ví tương đồng với nhịp sống chậm của người dân Hải Phòng, không hối hả, sôi động như Hà Nội, Sài Gòn. Trà cúc...

Tại thành phố cảng, trà cúc rất phổ biến, được mọi người uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Nếu Hà Nội mời khách với trà chanh, thì trà cúc là thức uống đặc trưng không thể không nhắc đến khi tới Hải Phòng. Mỗi buổi sáng, những quán trà cúc tại phố Phan Bội Châu, Minh Khai... luôn đông người. Không biết từ khi nào, uống trà cúc đã trở thành một thói quen của người dân thành phố cảng, bất kể sáng hay tối. Nhiều người cho rằng, tại đất cảng, món trà này còn được ưa chuộng hơn cả cà phê.

Cốc trà cúc Hải Phòng có hình thức không cầu kỳ. Ảnh: Trung Nghĩa

Cốc trà cúc Hải Phòng có hình thức không cầu kỳ. Ảnh: Trung Nghĩa

Ly trà cúc thơm dịu được ví tương đồng với nhịp sống chậm của người dân Hải Phòng, không hối hả, sôi động như Hà Nội, Sài Gòn. Trà cúc ngon có màu vàng ngả nâu đậm, tỏa hương thơm phức. Một cốc trà đúng điệu phải có chuẩn 3 vị: vị đắng ngọt hơi ngai ngái nơi đầu lưỡi nhưng thanh tao của hoa cúc, vị ngọt thơm của những lát cam thảo và vị chát của trà. Để tất cả những hương vị ấy cùng hòa quyện và lan toả, người pha chế cho thêm vị chua dịu của quất (tắc). Người không quen có thể thấy khó uống lần đầu tiên do vị đắng chát, song dần dần, vị ngọt lan khắp miệng, càng uống càng đượm. "Trà cúc cũng giống như cà phê vậy, đắng nhưng càng uống lại càng nghiện, không uống một hôm là nhớ, nên hôm nào tôi cũng phải uống", Hoàng Hạnh, 36 tuổi, chia sẻ.

Công đoạn chế biến trà cúc tỉ mỉ, tinh tế như chính hương vị của nó. Nguyên liệu để pha trà chủ yếu là bông cúc trắng hoặc vàng nhỏ xíu. Sau khi hái về, hoa được rửa cho sạch bụi bẩn rồi sấy khô. Sau đó, hoa được sao trên chảo để lửa nhỏ li ti, đều tay để hoa không bị cháy, khét. Trước khi hãm cùng trà, hoa cúc tiếp tục được rửa sạch và để ráo. Vào buổi sáng, thực khách thường chọn một ly nhiều trà để tỉnh táo cả ngày. Đến tối, tùy vào nhu cầu, ta có thể chọn một ly trà cúc "không trà, chỉ có cúc và cam thảo" để dễ ngủ. Trà được phục vụ cả nóng và lạnh. Tại nhiều cửa hàng, trà nóng được chuẩn bị cầu kỳ, có thêm một vài vị thuốc bắc, nguyên liệu cho vào phin giống cà phê, rót trà để thẩm thấu đến khi nước chảy hết qua phin thì uống.

Trà cúc nóng được bán trên phố Minh Khai. Ảnh: Trung Nghĩa

Trà cúc nóng được bán trên phố Minh Khai. Ảnh: Trung Nghĩa

Uống trà cúc, ăn hạt dẻ nướng, cắn hạt hướng dương tí tách đã trở thành một đặc trưng của người dân Hải Phòng. Phương Huyền, 24 tuổi, nhân viên văn phòng, cho biết trà cúc bổ, tốt cho sức khoẻ nên được nhiều người ưa chuộng. Cô từng đi uống trà cúc ở nhiều nơi nhưng không đâu trà cúc ngon, ngọt, có vị thanh dịu như ở thành phố hoa phượng đỏ. Đến Hải Phòng, ngoài thưởng thức bánh mì cay, bánh đa cua, nem cua bể... thì thưởng thức trà cúc cũng là một trải nghiệm không thể thiếu để hiểu hơn về cuộc sống của người dân thành phố cảng.

Trung Nghĩa

Có thể bạn muốn xem