thừa thời cơ nhưng thiếu cả lượng lẫn chất
Hầu hết các chuyên gia đầu ngành và các nhà quản lý cấp cao đều nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có mảng Khách sạn - Du lịch phát triển nhanh nhất trong khu vực; tuy nhiên, tiềm năng phát triển vô vàn như thế nhưng thực trạng nguồn nhân lực Nghề Khách sạn Việt Nam đang thực sự ở mức đáng báo động: thiếu cả về lượng lẫn về chất…
Du lịch Việt Nam “thừa thời cơ” cho nghề Khách sạn phát triển
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch dẫn đầu trong khu vực, đứng thứ 6 trong 10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới (theo Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO năm 2017). Lượng khách quốc tế ghé thăm qua mỗi năm tăng dần với tốc độ đáng thèm muốn. Trung bình mỗi năm, du lịch Việt Nam đón khoảng hơn 14 triệu lượt khách quốc tế (riêng năm 2018 đạt hơn 15,5 triệu lượt), tốc độ tăng trưởng du lịch đạt 30% mỗi năm, mang lại nguồn doanh thu hàng nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế nước nhà; hiện đứng thứ 67/136 quốc gia trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. Dự kiến, đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón hơn 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa – kéo theo đó là sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành dịch vụ khách sạn - nhà hàng trên cả nước. Ngoài ra, nhìn chung, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam cho đến nay đã vượt kế hoạch – các mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch đến năm 2025 thì đã đạt được từ năm ngoái – mục tiêu năm 2030 dự kiến sẽ đạt được trong năm nay.
Lượng khách du lịch ngày càng tăng – nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng và tận hưởng những dịch vụ hoàn hảo yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch, bao gồm cả công ty du lịch lữ hành, cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở kinh doanh ăn uống phải nâng cao chất lượng phục vụ, từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực, trong đó, đào tạo nhân sự từ cấp quản lý đến nhân viên là vấn đề cốt lõi và cấp bách nhất hiện tại. Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể các cơ sở kinh doanh du lịch trên cả nước khiến việc tuyển dụng nhân sự mảng việc làm khách sạn - nhà hàng - du lịch gặp nhiều khó khăn.
Đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực Nghề Khách sạn
Du lịch Việt Nam được đánh giá là “thừa thời cơ” để phát triển bùng nổ nhưng ở một diễn biến khác, ngành khách sạn - du lịch đang đứng trước nguy cơ “đói” nguồn nhân lực nghiêm trọng.
Mỗi năm, các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam tiếp nhận và đào tạo hàng chục nghìn cử nhân các nhóm ngành khách sạn; tuy nhiên, chỉ có 1/3 trong số đó đáp ứng được các tiêu chí mà ngành đề ra. Tính đến hiện tại, lượng lao động trong lĩnh vực khách sạn - lữ hành mới chỉ chiếm 2,5% tổng lượng lao động cả nước, trong khi tiềm năng và quy mô ngành lại cần nhiều hơn thế.
Đó là chưa kể, một số lượng không nhỏ nhân sự nghề - vì không chịu nỗi áp lực công việc, thiếu sức khỏe và sức bền, thiếu đam mê và tình yêu nghề mà không “trụ” nỗi chỉ sau 1,2 tháng thử việc; thậm chí, có người dù gắn bó với nghề nhiều năm nhưng vì đặc thù công việc phải làm ca, tăng ca, không nghỉ những ngày lễ Tết… buộc họ phải dừng lại, từ bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác ổn định hơn để có nhiều thời gian bên gia đình…
Nhân sự Nghề Khách sạn tại Việt Nam: không chỉ thiếu về lượng, mà còn yếu về chất
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, tuy nhiên, lượng sinh viên, học viên tốt nghiệp mỗi năm đảm bảo cả về chất lượng và năng lực thực hành lại chưa cao. Xét về năng suất lao động, Việt Nam mới chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia – một con số vô cùng khiêm tốn so với tiềm năng phát triển hiện tại. Một trong những hạn chế rõ rệt nhất phải kể đến của nhân lực ngành khách sạn Việt Nam là yếu ngoại ngữ và thiếu nhiều kỹ năng. “Tình trạng thiếu nhân lực chất lượng ngành khách sạn là vấn đề kéo dài lâu nay chứ không đợi tới giờ. Nguồn nhân lực nói tới ở đây chính là số lượng ứng viên nộp hồ sơ khá đông nhưng ít người hội đủ tiêu chuẩn đáp ứng thực tế, chưa kể một khâu quan trọng khác là kỹ năng ngoại ngữ của ứng viên rất kém, dẫn đến chuyện khách thì đông mà người phục vụ đi theo thì rất ít.”
Bên cạnh đó, nhiều quản lý cấp cao và chuyên gia nhân sự trong ngành còn cho biết, ngay cả khi tốt nghiệp cử nhân du lịch hoặc lăn lộn nhiều năm trong nghề, lao động ngành này vẫn thiếu kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý nhân sự, điều hành và quảng bá khách sạn… “Những người phục vụ mà không có một nụ cười, chuyên môn lại không cao, không nhanh nhẹn chẳng hạn, thì du lịch chúng ta sẽ luôn đi sau các nước phát triển về nguồn nhân lực”.
Ngoài ra, trong số 1,3 triệu nguồn nhân lực du lịch Việt Nam nói chung hiện chỉ có 42% được đào tạo đúng chuyên ngành, 38% từ các ngành khác chuyển sang (tức nhân sự làm trái ngành), còn 20% là chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính điều này cũng dẫn đến một lượng không nhỏ nhân sự vừa học vừa làm, chưa đáp ứng ngay lập tức và tốt nhất yêu cầu công việc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sự cố khi phục vụ khách, nhất là những vị khách khó tính...
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Sau nhiều năm hỗ trợ tuyển dụng nhân sự khối ngành Khách sạn - Nhà hàng & Du lịch, cá nhân GTOP nhận thấy, tồn tại một số nguyên nhân chính yếu sau đây khiến nhân sự nghề khách sạn tại Việt Nam không chỉ thiếu về lượng mà còn yếu về chất:
- Nguyên do muôn thuở phải kể đến là chất lượng giáo dục - quy mô đào tạo nguồn nhân lực du lịch nói chung, nhân lực ngành khách sạn nói riêng tuy tăng mạnh qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu – hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp với thực tiễn ngành nghề - sự liên kết giữa nhà trường và cá nhân, doanh nghiệp làm du lịch chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ - các chính sách và hành lang pháp lý cho việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa được đổi mới…
- Sự thiếu linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu nhân sự của các cấp, doanh nghiệp liên quan; trong khi với 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, nếu cần thì sẽ đào tạo nghiệp vụ rồi chuyển qua làm nghề thì không thể thiếu được.
- Chính sách và thu nhập của ngành du lịch nói chung, ngành khách sạn nói riêng của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn nên số lượng lớn ứng viên không làm đúng ngành nghề
- Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của ngành nghề trong sự phát triển chung của đất nước – chưa đủ quyết tâm để theo đuổi và “sống chết” với nghề - chưa thực sự chủ động và tự tin nắm bắt cơ hội mới…
Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Chưa dám bàn đến những giải pháp mang tính "quốc gia", hãy cứ bám vào việc tạo sự liên kết chặt chẽ và thống nhất giữa nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp du lịch, giữa chất lượng đào tạo với yêu cầu thực tiễn trong công việc, giữa kiến thức lý thuyết và quy trình thực hành… Muốn có nguồn nhân lực làm việc hiệu quả, doanh nghiệp cần vào nhà trường để phối hợp đào tạo – liên kết, mời sinh viên về thực tập để làm quen với công việc thực tế, làm căn cứ tuyển người phù hợp sau mỗi kỳ thực tập đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự - thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên môn, đào tạo tại chỗ, đào tạo chéo, đảm bảo luôn có nguồn nhân sự chất lượng và đồng bộ phục vụ khách, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các trường đào tạo, các khóa học bên ngoài…
Thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2018, cả nước còn 200.000 cử nhân và Thạc sĩ thất nghiệp. Sinh viên thì đi học theo phong trào, cứ chọn ngành nghề có vẻ kêu như Quản trị khách sạn, Quản trị Du lịch chẳng hạn; trong khi thị trường lại cần những ngành cụ thể. Thí dụ lữ hành thì cần hướng dẫn viên, cần thiết kế tour, điều hành tour… Nhà hàng khách sạn thì cần buồng, bar, bếp, phục vụ… chứ không cần cái quản trị chung chung mà từ chỗ đó nảy sinh cái thừa và cái thiếu. Hơn nữa, những lớp đại học chuyên ngành du lịch, sinh viên học xong đi làm chưa tới 10%, một sự lãng phí ghê gớm...
Ms. Smile
(Tham khảo từ nhiều nguồn)