The Boss Baby - Em Bé Đại Chiến Thú Cưng
Hẳn tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nhằm khuyến khích gia tăng dân số đã khuyến khích các nhà làm phim DeamWorks cho ra đời phim mới The Boss Baby.
Cùng chung ý tưởng với Storks – Tiểu Đội Cò Bay ra mắt vào năm ngoái, The Boss Baby dựng nên một thế giới nơi các em bé được sản xuất và đóng gói bằng một quy trình khép kín. Khác với phim chiếu rạp Storks – khi em bé được quản lý bằng những con cò, The Boss Baby có một đội ngũ quản lý siêu ngầu – cũng chính là những em bé.
Hãy quên đi những khái niệm thông thường và gặp Tim – một cậu bé đáng yêu đang sống yên bình trong vòng tay cha mẹ. Thế giới của Tim hoàn hảo với tam giác ba người, mỗi ngày kết thúc bằng những bài hát, câu chuyện cổ và cái hôn chúc ngủ ngon của hai vị phụ huynh.
Cho đến ngày… một em bé xuất hiện.
Bước xuống từ taxi, nghênh ngang vào nhà trong bộ đồ vest, bằng một lý do không thể hiểu được, cậu bé trở thành em trai của Tim.
Ba mẹ không ở bên Tim trước khi ngủ nữa vì họ phải cho em bé ăn. Ba mẹ không quan tâm Tim nữa vì họ đang ru em bé ngủ. Những bài hát không còn, truyện cổ cũng không. Căn nhà bỗng bị xâm lấn bởi hằng hà món đồ không tên cho em bé dùng, những gì liên quan tới Tim bỗng bị một kẻ xa lạ thay thế. Cậu nhóc cảm thấy trống rỗng và tổn thương.
Thế rồi, Tim tình cờ phát hiện ra, đứa trẻ trong nhà mình không chỉ là một thằng bé thích khóc nhè và bập bẹ “gu gu ga ga”. Nó biết nói, biết vung tiền và thật ra là một Boss Baby/Nhóc Trùm- Quản lý của công ty Trẻ Em.
Hóa ra, vì con người đang ngày càng dành nhiều thời gian cho thú cưng hơn là sinh con, công ty Trẻ Em đã phái Nhóc Trùm đến nhà cha mẹ Tim – đang làm việc tại công ty Thú Cưng. Nhóc Trùm phải trà trộn để điều tra manh mối về một loại cún sắp thống trị khắp toàn cầu sắp được ra mắt.
Nhóc Trùm muốn kết quả điều tra để thăng chức, Tim muốn Nhóc Trùm ra đi. Cả hai nhanh chóng bắt tay làm hòa và chiến đấu vì một mục tiêu duy nhất.
Có thể nói, thành công lớn nhất của các nhà sáng tạo DreamWorks là sáng tạo ra một thế giới trẻ con vô cùng phong phú và hết sức chân thật. Xem The Boss Baby, ta dễ dàng tìm thấy chính bản thân mình khi còn nhỏ. Những trò chơi nhập vai bảo vệ thế giới, những trận đánh hết sức “hoành tráng” với bạn bè cũng thò lò mũi xanh, những lần bị cấm túc cứ ngỡ căn phòng thường ngày như nhà giam… The Boss Baby như một chiếc vé về tuổi thơ, giúp những người lớn sống lại thời thơ ấu một lần nữa- những tháng ngày họ đã lãng quên khi làm mất “núm vú cao su”.
Xây dựng một thế giới trẻ con, các tình huống trong phim đều hết sức dễ thương, đáng yêu. Thậm chí các nhà làm phim cũng chú ý đến vấn đề an toàn thông qua chi tiết Tim đội mũ bảo hiểm cho Nhóc Trùm dù cả hai đang bị truy đuổi gắt gao. Tuy nhiên, trong một vài tình huống, sự sáng tạo của The Boss Baby có phần quá tay. Điển hình là phân cảnh cả hai bay qua một chiếc xe lửa đang chạy. Hẳn nhiều bậc phụ huynh khó tính sẽ thót tim trong rạp chiếu phim và không hài lòng trước tình huống hết sức nguy hiểm này.
Đồ họa của The Boss Baby rất đẹp với tạo hình nhân vật cực kỳ đáng yêu. Đầu to, mắt to, tay chân ngắn cũn cùng bàn tay bé xíu. Nhóc Trùm như thế thì ai lại không yêu cho được? Các nhân vật khác như Tim hay băng đảng của Nhóc Trùm tại khu nhà cũng hết sức dễ thương và mỗi đứa một vẻ đặc biệt riên. Đáng tiếc, có lẽ vì chú trọng đến trẻ con, tạo hình các chú cún trong phim có phần nhàm chán. Ngay cả vũ khí bí mật – chú cún đáng yêu bậc nhất cũng khá bình thường, không tạo được cảm giác bất ngờ.
Phần nhạc của The Boss Baby cũng là một điểm sáng vượt trội. Tạo kịch tính, gây cảm động, tất cả đều dễ dàng đưa cảm xúc của khán giả lên đến cao trào. Có thể nói là xuất sắc vượt tầm một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ con. Đó là công trình của Steve Mazzaro và Hans Zimmer. Hai nhà sản xuất âm nhạc đã từng thực hiện những dự án khủng như The Dark Knight Rises, Interstella, Batman v Superman: Dawn Of Justice, The Lion King, Inception…
Người cầm trịch chính của phim – đạo diễn Tom McGrath không phải là một cái tên nổi bật trong giới. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm phim hoạt hình phong phú và sự thấu hiểu với trẻ con qua các tác phẩm nổi bật của ông là ba phần Madagascar và Megamind, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Kịch bản The Boss Baby ngoài những tình tiết về trẻ con còn có các easter egg khá hay “nói kháy” Disney hay nhắc đến ban nhạc huyền thoại The Beatles. Biên kịch Michael McCullers vốn nổi tiếng với các phần Austin Powers cũng đang là nhân vật gây chú ý khi đang chịu trách nhiệm cho kịch bản của Shrek 5 và Hotel Transylvania 3.
Phản diện của The Boss Baby được cài cắm khá bất ngờ và thú vị hơn các phim hoạt hình “chuẩn” trẻ con của DreamWorks thông thường. Kết phim cũng hoàn hảo đến mức không thể hoàn hảo hơn và có thể xem là một trong những kết phim hoạt hình đẹp nhất của hãng. Dẫu rằng, với cái kết này thì việc làm phần tiếp theo sẽ khá khó khăn với một studio thích làm phim ăn theo.
Quy tụ một dàn diễn viên lồng tiếng nổi tiếng nhưng hào quang của phim thuộc về diễn viên gạo cội Alec Baldwin với vai Nhóc Trùm. Chất giọng trầm của ông đối lập với tạo hình đáng yêu của nhân vật thành một điểm nhấn hết sức đáng yêu. Ngoài ra, “cựu Người Nhện” Tobey Maguire cũng góp giọng với một nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng hết sức quan trọng trong phim.
Nguồn: Galaxy Cinema