Review phim Chuyện "Ma" Đô Thị
Từng khuấy đảo nền tảng Netflix năm 2020 với tuyển tập 8 câu chuyện ngắn đậm chất kinh dị, nay Goedam 2 - Chuyện “Ma” Đô Thị lại tiếp tục mở rộng hơn với 10 câu chuyện kinh dị không thua gì phần 1. Hơn nữa, với bản điện ảnh này, Bánh Đúc đã có những lúc “quéo càng” bởi tính chất kinh dị của nó nặng đô hơn phần 1 gấp mấy lần.
Mình gặp lại câu chuyện của các nữ sinh, thanh thiếu niên, gã tài xế, kẻ biến thái… Hơn nữa, chuyện tình của hai hai nữ sinh, bí ẩn trong những ma-nơ-canh và tiếng động phòng bên chắc chắn là một trong những nội dung thú vị cho Chuyện “Ma” Đô Thị.
Những ai đã và đang là tín đồ của thể loại kinh dị, Bánh Đúc chắn chắn mọi người sẽ không thể không biết đến thuật ngữ “anthology film”, tức là tuyển tập các mẩu truyện ngắn trong cùng một bộ phim.
Đây là chủ đề khá phổ biến mà mình đã từng gặp rất nhiều ở những bộ phim kinh dị châu Á, nổi tiếng nhất là Âm Dương Lộ - HongKong, Âm Hồn Bất Tán - Thái Lan, gần đây thì có Chuyện Ma Gần Nhà của Việt Nam.
Do đó, để đánh giá chung về cả bộ phim tốt hay dở, khen hay chê thì rất khó vì mỗi câu chuyện đều có những cái hay và lí lẽ riêng của nó.
>>> Xem thêm: Chuyện Ma Đô Thị và những phim ma rùng rợn về truyền thuyết đô thị
Chẳng hạn với truyện đầu tiên - Đường Hầm, hình ảnh cô gái cuộn mình trong chiếc lò nung bê bết “máo” và cố lê đến chiếc xe hơi của người đàn ông để trả thù. Ta nói xem đoạn đó mà cả rạp thiếu điều muốn khóc thét luôn.
Hơn nữa, truyện thứ 3 - “Sâu” Răng, yếu tố ghê sợ đến từ sự lơ là của vị bác sĩ cấp cao, ông một mực khăng khăng nguồn nước sạch nên không tin tưởng lời khuyên của cấp dưới, dẫn đến việc cả thành phố chìm trong bể “siro đỏ” do sự phát tán của thây ma. Nguyên nhân chính là nguồn nước bị nhiễm phải loại giun ký sinh trong răng.
Bánh Đúc thấy sự mới mẻ của Chuyện “Ma” Đô Thị lần này có thêm yếu tố viễn tưởng, giật gân. Khác với mùa 1 chỉ xoay quanh vấn đề báo oán hoặc bùa ngải, phần 2 sở hữu kịch bản đa dạng, nhiều màu sắc.
Mình giả thuyết Đường Hầm (1) có liên quan đến Minh Hôn (7) hoặc Kẻ Cắp Gương Mặt (8) và Cô Gái Đầm Đỏ (2) có cùng một sự gắn kết qua nhân vật Hyun Ju.
Tuy vậy, nhưng nếu xâu chuỗi tất cả lại, mình lại có hẳn một tác phẩm với chừng ấy nhân vật đều giao thoa một cách tinh tế với nhau. Kẻ mà bạn thấy là nạn nhân ở tập này, biết đâu là một tên thủ ác ở tập trước hoặc đứa bé mất tích ở tập này đã từng được đài ra-đi-ô nhắc đến ở đầu tập hai…
>>> Xem thêm: Chuyện “Ma” Đô Thị: Tuyển tập 10 câu chuyện ma Hàn Quốc
Sang đến mùa 2, tính “tam sao thất bản” ấy lại không được thể hiện rõ. Thậm chí khi cố xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau, Bánh Đúc vẫn thấy sự khập khiễng và thiếu logic. Từng tập phim đều có sự khác biệt độc lập, đóng - mở được làm rất rõ ràng, nhiều khi bạn chưa kịp xem câu chuyện trước, bạn vẫn đủ tỉnh táo đón nhận nội dung trong tiểu phẩm tiếp theo.
Điểm hay của Chuyện “Ma” Đô Thị so với Goedam đó là chất liệu kinh dị được pha trộn với tính chất viễn tưởng, tâm lý. Hơn nữa, các yếu tố hù dọa vẫn gây được hiệu ứng tốt khiến những tiếng la thét, giật mình trong rạp phim vẫn vang vọng lên, đôi khi người bạn đi cùng vẫn không hiểu Chuyện “Ma” Đô Thị là gì bởi suốt 2 tiếng mãi bịt mắt, che tai nên lấy gì mà hiểu.
Một lời khuyên chân thành từ Bánh Đúc cho những ai dự định ra rạp xem phim này là hãy xem Chuyện “Ma” Đô Thị với một tâm thế của một tác phẩm kinh dị thuần túy. Tức là đừng cố xâu chuỗi, móc nối 10 câu chuyện lại với nhau vì thật sự bạn đang làm khó “não” bạn đấy.
Vì thế Chuyện “Ma” Đô Thị không phải là bộ phim dành cho những “nhà khoa học” cố gắng liên kết mọi thứ lại với nhau. Đôi khi điều đó sẽ làm mất trải nghiệm xem phim của bạn đấy.
*Bài viết của Bánh Đúc gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Chuyện “Ma” Đô Thị tại Thư Viện Phim và The Amazing Film nhé.