Lăng Thiệu Trị - công trình kiến trúc lăng tẩm độc đáo bị lãng quên trên đất Huế
Lăng vua Thiệu Trị hay còn gọi là Xương Lăng, nơi an nghỉ của vị vua thứ 3 triều đại nhà Nguyễn. Đây chính là một trong những khu lăng tẩm nổi tiếng nhất ở Huế. Vào ngày 11/12/1993, công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Xét về cấu trúc và kiến trúc, lăng vua Thiệu Trị có nhiều điểm tương đồng với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng nhưng công trình vẫn mang nhiều nét rất riêng, vì được đúc kết, chọn lọc từ kinh nghiệm xây dựng lăng từ hai đời vua trước đó thậm chí có thể coi là độc nhất vô nhị. Lăng có những vườn cây trái xanh mát làm hàng rào bao bọc tự nhiên thay cho những bức La thành bảo vệ xung quanh.
Vị trí đặc biệt của lăng Thiệu Trị
Vị trí: Xương Lăng nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Kinh Thành Huế chừng 8km.
Lăng tẩm của vị vua thứ ba nhà Nguyễn nằm ẩn mình khiêm tốn giữa đất trời bao la của xứ Huế, tựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, xung quanh được bao bọc bởi những đồng lúa tươi tốt và vườn cây xanh ngát trải dài từ sông Hương đến tận cầu gỗ Lim nức tiếng vừa được xây dựng gần đây. Ấn tượng và khác biệt hơn là Xương lăng hướng mặt về hướng Tây Bắc - hướng không hề được dùng khi xây dựng cung điện hay lăng tẩm thời Nguyễn.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết đường đi đến lăng vua Thiệu Trị: Trong số các lăng tẩm ở cố đô Huế thì lăng vì vua thứ ba triều Nguyễn khá rõ ràng và dễ đi và bạn hoàn toàn có thể dựa vào Google Maps để đến nơi. Nếu xuất phát từ đường Điện Biên Phủ thì bạn chạy đến hết đường, đến khi gặp đàn Nam Giao thì sắp đến lăng vua rồi nhé. Ngoài ra, du khách cũng có thể hỏi thăm người dân đường đi cụ thể nếu sợ lạc đường.
Nên viếng thăm lăng Thiệu Trị vào thời gian nào?
Nếu bạn đang thắc mắc nên đi du lịch Huế mùa nào đẹp nhất thì câu trả lời chính là vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Đây cũng đồng thời là thời điểm ghé thăm Xương lăng phù hợp nhất. Vì lúc này thời tiết Huế rất dễ chịu, khí hậu không quá nóng và mùa mưa thì chưa đến.
Quần thể lăng vua Thiệu Trị cũng không quá rộng lớn nên du khách chỉ mất từ 1-2 tiếng để có thể khám phá và tìm hiểu sơ lược về nơi này.
Giá vé và thơi gian mở cửa:
Hiện nay, giá vé vào Xương lăng được cập nhật mới nhất là:
- Người lớn: 150.000VNĐ/vé
- Trẻ em từ 7-12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0.8 – 1.3m: 30.000VNĐ/vé.
- Trẻ em dưới 7 tuổi hoặc cao dưới 0.8m: miễn phí vào cửa. Nhớ mang theo giấy tờ tùy thân nhé.
Lăng vua Thiệu Trị đón khách vào tất cả các ngày trong tuần, từ thứ Hai đến chủ nhật, mở cửa từ 7h - 17h30 mỗi ngày.
Quá trình xây dựng lăng Thiệu Trị
Vua Thiệu Trị lên ngôi vua năm 1841, tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông (1807 – 1847), là vị vua thứ ba của nhà Nguyễn, con trưởng của vua Minh Mạng.
Dù có thời gian tại vị ngắn ngủi, chỉ 7 năm thì vua lâm bệnh và băng hà vào ngày 4/11/1847 nhưng ông cũng có nhiều công lao mà đáng ghi nhớ nhất là đã cho đắp đê, đập chắn ngang cửa sông Cửu An.
Vì mất sớm nên lúc sinh thời, nhà vua chưa tiến hành xây cất sơn lăng cho mình nên khi băng hà, thi hài của ông được quàn tại điện Long An - cung Bảo Định trong 8 tháng. Đến khi vua Tự Đức lên nối ngôi vua cha và bắt đầu xây Xương lăng.
Lăng của vị vua thứ ba của nhà Nguyễn được khởi công xây dựng vào ngày ngày 11/2/1848 và mất 10 tháng để hoàn thành.
Vua từng căn dặn con trai trưởng của mình, đồng thời là vua Tự Đức sau này rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Còn đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiêm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân”.
Cấu trúc và kiến trúc độc đáo của lăng Thiệu Trị
Cũng như top 4 lăng tẩm đẹp nhất của Huế, về mặt tổng thể, Xương lăng gồm có hai khu vực chính lăng và tẩm. Nhưng giống với lăng Gia Long, lăng vua Thiệu Trị không có La thành mà chỉ có khu vực lăng mộ và tẩm điện nằm biệt lập, song song nhau.Bên phải là khu lăng, hồ Nhuận Trạch nằm phía trước và qua hệ thống cống ngầm và nối với hồ Ngưng Thúy ở trước Bửu thành mà thông với hồ Ðiện thuộc khu vực tẩm. Sắp đặt thế này tạo nên thế “chi huyền thủy” chảy quanh co trong khu vực lăng.
Ngay phía sau hồ Nhuận Trạch là Nghi môn bằng đồng dẫn thẳng vào Bái đình (còn gọi là sân chầu) rộng lớn với hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu. Những bức tượng này thể hiện nghệ thuật dựng sân tượng tiêu biểu của thế kỷ XIX ở Huế.
Công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế còn có nhà bia và lầu Đức Hinh nằm trên quả đồi cong có hình dạng mai rùa. Qua năm tháng, lầu Đức Hinh đã bị sụp đổ nhưng nhà bia (còn gọi là Bi đình hay Phương đình vẫn còn đó, khắc 2.500 chữ của vua Tự Đức ca ngợi công đức của vua cha Thiệu Trị.
Du khách du lịch Huế, đi qua hồ Ngưng Thúy sẽ lần lượt qua ba cây cầu là Chánh Trung (giữa), Đông Hòa (phải) và Tây Định (trái) để đến tam cấp bước vào Bửu thành. Đây chính là nơi đặt thi hài vua Thiệu Trị. Nếu nhìn xa hơn về phía phải của lăng, bạn còn thấy gác Hiển Quang. Đây là nơi nghỉ ngơi và suy tưởng của nhà vua ở cả cõi âm và dương.
Trong khu vực chánh điện có điểm đặc biệt là phía trên những cỗ diêm ở bộ mái và ở cửa Hồng Trạch có khắc trên 450 ô chữ. Các ô này đã chạm khắc công phu các bài thơ có giá trị văn học và giáo dục. Ngoài ra còn có một số công trình phụ làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm của chính điện như Tả Hữu Phối điện (phía trước) và Tả và Hữu tùng viện (phía sau) nằm quây quần xung quanh điện Bửu Ðức.
Với tất cả những đặc điểm trên, lăng vua Thiệu Trị được xem là sự dung hòa có chọn lộc hai mô thức kiến trúc của hai lăng vua tiền nhiệm.
Ngoài ra, trong khuôn viên lăng Thiệu Trị còn có 3 ngôi lăng mộ khác của hoàng tộc. Đó là lăng Hiếu Đông của mẹ vua - bà Hồ Thị Hoa, nằm chếch phía trước, Xương Thọ Lăng của vợ vua - bà Từ Dũ nằm gần phía sau bên trái, khu lăng "Tảo thương" tức là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ nằm phía trước bên trái.
Xét về phong thủy, Xương lăng của vua Thiệu Trị vừa có thế "sơn chỉ thủy giao" vừa có hướng quay mặt về hướng Tây Bắc, khác biệt với phần lớn công trình kiến trúc lớn ở Kinh Thành Huế lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, đồi Vọng Cảnh nằm cách lăng khoảng 1 km, núi Ngọc Trản chầu nằm phía bên trái là nên vị thế "tả long hữu hổ".
Cách đó khoảng 8 km lại có ngọn núi Chằm đứng làm "tiền án" cho khu vực lăng. Còn động Bàu Hồ ở gần hơn giữ thế bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, hậu chẩm chính là một mô đất cao lớn, xa xa là ngọn núi Kim Ngọc. Trong khuôn viên lăng có ba hồ nước hình bán nguyệt là Hồ Điện, hồ Nhuận Trạch, và hồ Ngưng Thúy cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên - ngày nay là công viên bỏ hoang ở Huế chạy ra bên phải, rồi hợp lại với nhau bằng những đường cống xây ngầm được xây ẩn dưới các lối đi.
Lăng Thiệu Trị có kiến trúc đơn giản mà chắc chắn, hiện rõ sự thâm trầm, thanh thoát giữa không gian núi rừng mát mẻ và yên tĩnh với việc bố trí các công trình chính phụ vô cùng hài hòa với thiên nhiên. Nếu có cơ hội đến với cố đô, bạn đừng bỏ qua cơ hội tham quan quần thể lăng tẩm độc đáo này nhé, sẽ là là một trải nghiệm rất khác so với với việc check in những điểm sống ào đẹp ở Huế khác đấy.
Thanh (Tổng hợp) - luhanhVietNam.com.vn
Ảnh: Internet