Jumpcare "ô dề", bối cảnh ổn nhưng không biết vận dụng
Nếu trước giờ chúng ta chỉ quen thuộc với những bộ phim kinh dị đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, hay Mỹ,… thì bây giờ cùng mình đổi gió qua Thổ Nhĩ Kỳ với Nhập Hồn xem thử có gì hay ho không nhé.
Đầu tiên về cốt truyện, Nhập Hồn sẽ theo chân Araf – một người đàn ông tốt bụng, có khả năng đặc biệt có thể cứu giúp những nạn nhân đang bị thế lực hắc ám quấy rầy. Việc làm đó cũng khiến anh trở thành “tội đồ” của thế lực kia, bọn chúng dùng chính những người mà Araf đã cứu làm “công cụ” gây hại đến anh chàng và biến họ thành những “con rối người”, luôn thực hiện những hành động quỷ dị nhắm vào Araf.
Giờ đây là lúc Araf phải hết sức tỉnh táo để vực dậy khỏi những mộng mị mà quỷ ác giăng ra. Điều này không chỉ để tự cứu lấy bản thân mà còn cho cả những người thân xung quanh anh chàng.
Riêng mình thấy cốt truyện này không hề mới mẻ, thậm chí còn theo lối mòn quen thuộc trong dòng phim kinh dị cổ điển. Nhưng điểm hay mình cảm nhận được ở Nhập Hồn chính là cách dẫn dắt câu chuyện của phim.
Bộ phim không kể tuồn tuột câu chuyện một cách thật rành mạch mà chêm vào đó là những chi tiết “thách thức” sự suy luận của khán giả như mình. Dù hơi khó theo dõi nhưng mình vẫn thích cái cách mà Nhập Hồn lôi kéo mình phải hiểu bằng được câu chuyện mà bộ phim muốn truyền tải.
Bên cạnh đó, những cú plot twist vỡ lẽ sự thật cũng khiến mình khá thích thú, bởi lẽ nó hoàn toàn nằm ngoài những suy đoán của mình. Đó là việc sự thật về bản chất con người của Araf cũng như thân thế thật sự của những người thân xung quanh anh. Không chỉ mình đâu mà còn nhiều người khác cũng ngạc nhiên khi sự thật được phơi bày.
>>> Xem thêm: Trailer Gulliver Du Ký: Chuyến phiêu lưu mang màu sắc cổ tích vui nhộn
Một điều mình khá ấn tượng với Nhập Hồn nữa chính là việc chọn lựa và tận dụng bối cảnh của phim. Bối cảnh hoang sơ cùng những ngôi nhà theo kiểu kiến trúc xưa cũ, tồi tàn thể hiện rõ những vết hằn thời gian càng làm tăng thêm sự u ám cũng như độ quỷ dị cho bộ phim. Ta nói phim mới vô chưa coi được gì mà nhìn lướt sơ qua bối cảnh này thôi là phải rén đôi phần rồi.
Bối cảnh cũ kỹ cộng thêm những hiệu ứng ánh sáng, màu sắc ngả vàng đậm nét hoài cổ là một màn kết hợp ổn áp cho những thước phim của Nhập Hồn. Dù trong điều kiện thiếu sáng nhưng mình vẫn có thể thấy rõ được những cảnh phim, điều này là một điểm cộng khá lớn của Nhập Hồn, khác với nhiều bộ phim kinh dị thường hay mắc lỗi màn hình tối đen như mực đến mức không thể nhìn thấy được gì.
Về phần tạo hình mình cũng thấy khá bạo đó à nha, dù nỗi sợ chủ yếu đến từ những cơ thể người thật nhưng qua cái cách mà nhà làm phim “mạnh tay” sử dụng “siro dâu” cũng tạo ra nhiều pha khiến mình phải nhắm nghiền mắt lại. Khuyến cáo cho những bạo mắc hội chứng sợ “màu đỏ” thì nên cân nhắc thật kỹ trước khi đi coi phim nghen, không thôi lại xỉu trong rạp.
Mình còn thấy phần âm thanh của phim cũng được xử lý khá ổn nữa khi biết cách gieo rắc nỗi sợ vào tâm trí người xem bằng những tiếng động ma mị. Từ tiếng côn trùng kêu trong đêm mịt tối, những tiếng cọ xát khó hiểu, đến cả đoạn âm thanh rùng rợn lồng ghép vào những phân cảnh “thót tim”.
Nhìn chung là Nhập Hồn có truyền tải được không khí kinh dị đó, nhưng đâu đó bộ phim vẫn còn một vài điểm lấn cấn to đùng đó nha.
Thứ nhất thì mình thấy phim khá lạm dụng yếu tố jumpscare, ngay từ lúc xem trailer là mình đã thấy “nhảy” hơi ô dề rồi nhưng đến lúc chiếu phim thì lại càng “quá hớp” hơn nữa. Mình khá tiếc cho trường hợp này vì rõ ràng Nhập Hồn đã có thể gây sợ hãi bằng cách tận dụng những yếu tố về bối cảnh và tạo hình mà phim đang sở hữu. Nhưng không, phim chọn cách “đánh nhanh rút gọn” hơn bằng những pha hù vô nghĩa như vậy.
Phim đan xen khá dày đặc yếu tố thực tế và ảo mộng nhưng không có hệ thống rõ ràng, dẫn đến mạch phim trở nên mơ hồ và lộn xộn. Không những thế, phim còn khiến mình khá “mệt mỏi” khi cố gắng dùng quá nhiều thoại để giải thích vấn đề. Điều này vừa lan man dài dòng mà còn không gây được hiệu quả cao nữa.
Điều khiến mình phải “ngao ngán” nhất chính là cái kết hết sức gượng ép. Mình cảm giác như những thông tin về người thi hành lửa của nhân vật chính Araf ở trong phim qua lời kể của Burhan được dàn xếp một cách hời hợt. Bởi lẽ xuyên suốt bộ phim mình chưa từng thấy những chi tiết “nhá hàng” nào liên quan đến thông tin này nên cách dồn vào đoạn kết như vậy thật khó chấp nhận được.
>>> Xem thêm: Điều Ước Cuối Của Tù Nhân 2037: Câu chuyện nhân văn, dễ lấy nước mắt
Hơn nữa đoạn “voice off” truyền bá tôn giáo khúc cuối cũng làm mình ba chấm vì pha xử lý khá cồng kềnh của nhà làm phim. Cá nhân mình thì không thích những sản phẩm mang tính truyền bá tôn giáo “lộ liễu” như vậy nên phần này đã không lấy được cảm tình của mình.
Tóm lại, nếu so với nền điện ảnh phát triển chưa mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ thì Nhập Hồn cũng ở mức gọi là tạm ổn. Còn so chung với dòng kinh dị của các nước thì phim lại có vẻ “đuối sức”. Bạn có suy nghĩ gì về bộ phim này thì để lại bình luận bên dưới nhé.
* Bài viết của Salonpas chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn là người đam mê thể loại kinh dị và loạt tác phẩm rùng rợn , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Mahlukat (Nhập Hồn)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây