Howl’s Moving Castle: Lâu Đài Di Động Của Howl

Howl’s Moving Castle: Lâu Đài Di Động Của Howl Sophie là một cô bé 18 tuổi chăm chỉ và ngoan ngoãn. Cô làm việc trong cửa hàng nón của cha. Một lần ra phố, Sophie bị hai gã lính chọc ghẹo. Chàng phù thủy tóc vàng Howl xuất hiện, giải cứu và dắt tay cô qua những con phố...

Sophie là một cô bé 18 tuổi chăm chỉ và ngoan ngoãn. Cô làm việc trong cửa hàng nón của cha. Một lần ra phố, Sophie bị hai gã lính chọc ghẹo. Chàng phù thủy tóc vàng Howl xuất hiện, giải cứu và dắt tay cô qua những con phố hẹp. Bằng phép thuật, Howl đưa Sophie lên không trung, dưới nền một bản Valse nhẹ nhàng, cả hai bước đi trên bầu trời, qua những con phố tấp nập đầy sắc màu. Đó là khởi đầu lãng mạn và đầy mộng mơ của bộ phim Howl’s Moving Castle (Lâu đài di động của Howl), một kỳ quan đẹp đẽ lạ lùng của Studio Ghibli vào năm 2004.

Sophie không biết rằng, cuộc gặp gỡ đó sẽ dẫn cô đến một loạt rắc rối. Biết được Howl quí mến Sophie, mụ phù thủy Rác, kẻ vẫn mong muốn chiếm lấy trái tim Holw, tỏ ra bực tức. Bà ta nguyền rủa Sophie, biến cô thành một bà lão 90 tuổi. Cô còn không thể nói ra được sự thật mình là ai. Sophie phải dấn thân vào một cuộc phiêu lưu để lấy lại tuổi trẻ.

Bà lão Sophie lúc này chỉ biết cách tìm đến Howl, chính là manh mối duy nhất xóa đi lời nguyền. Bà tiến đến ngọn núi phủ sương, nơi “Lâu đài của Howl” thường xuất hiện. Đó là một ngôi nhà kỳ dị, với những phòng ốc sắp xếp lộn xộn, hơi nước tỏa ra từ những ống khói, và di chuyển liên tục bằng chân. Sophie gặp gỡ một con bù nhìn và đặt tên nó là “Đầu củ cải”. Con bù nhìn chỉ đường cho bà vào trong lâu đài phép thuật.

Bên trong lâu đài, không như Sophie tưởng tưởng, chỉ là một loạt phòng ốc bừa bãi. Ở đó có ngọn lửa ma Calcifer, kẻ điều khiển mọi hoạt động của lâu đài. Nó hứa hẹn sẽ giúp Sophie phá bỏ lời nguyền nếu bà cũng giúp nó giải phóng khỏi thỏa thuận với Howl. Bà cũng kết thân với cậu bé học việc dễ thương Markl. Sophie thích thú phát hiện rằng, cánh cửa thần kỳ của lâu đài có thể dẫn đến nhiều nơi khác nhau. Khi Howl trở về, Sophie tự giới thiệu mình là người giúp việc mới và được chấp nhận.

Trong khi ấy, chiến tranh giữa các vương quốc đã sắp bùng nổ, bởi sự mất tích của hoàng tử Justin. Sư phụ của Holw, một phù thủy quyền lực là Madame Suliman triệu tập anh đến vương quốc để chuẩn bị tham chiến. Anh từ chối tham chiến, biến thành một con chim và gây trở ngại cho các phe. Cả vương quốc săn đuổi Howl và lâu đài của anh. Trong quá trình sống chung, Sophie yêu mến Howl cùng những người bạn. Bà quyết định sẽ bảo vệ những người mình yêu thương, thay vì tìm cách giải lấy lời nguyền của chính mình.

Như mọi khi, Studio Ghibli và đạo diễn Hayao Miyazaki biết cách thỏa mãn cả trí tưởng tượng và cảm xúc người xem, khi vẽ ra một thế giới cổ tích đẹp đẽ và mộng mơ. Bên cạnh đó, là những bài học ý nghĩa, những câu chuyện ngụ ngôn đáng giá ẩn phía sau lớp vỏ về phù thủy, về nụ hôn, hoàng tử, về chiến tranh vương quốc và những lời nguyền cổ xưa.

Đầu tiên là bài học về tinh thần cố gắng và không bao giờ bỏ cuộc. Sophie, khác biệt hoàn toàn so với những nhân vật nữ khác của Ghibli, trải qua tất cả khó khăn dưới hình dáng một bà lão. Có thật nhàm chán khi xem một bà lão nhăn nheo, già nua với cái lưng khòm và giọng nói khàn khàn, là nhân vật chính trong một câu chuyện tình? Nhưng không ai nhìn thấy một bà lão Sophie khi xem phim, mà chỉ thấy một cô bé đầy niềm tin, mạnh mẽ và đáng yêu. Cô bé đã kết nối mọi người với nhau, kể cả mụ phù thủy Rác và thay đổi họ chính bằng sự trẻ trung trong tâm hồn.

Đó lại là so sánh đầy tình ngụ ngôn với mụ phù thủy Rác. Để giữ lại sắc đẹp và tuổi trẻ, mụ ta phải dùng đến phép thuật, để rồi cuối cùng vẫn không thể tránh khỏi sự già nua. Đứng bên cạnh Sophie, thì sự già nua đó lại càng hiện ra, bởi ánh sáng từ sức sống và tình yêu cô dành cho mọi người. Tuổi trẻ của một người không chỉ là trẻ trung bề ngoài, mà còn là sự trẻ trung về tâm hồn. Và nét đẹp của một người được đáng giá bằng tâm hồn người ấy. Chính vì thế, mụ phù thủy Rác không bao giờ có được trái tim của Howl.

Hay bà ta cũng từng có được, khi nắm Calcifer trong bàn tay mình. Bà ta chộp lấy nó rồi tự khiến mình bị bỏng, nhưng không chịu buông ra. Sự ích kỷ này có thể khiến Howl mất mạng. Phù thủy Rác yêu Howl nhưng lại luôn muốn sở hữu anh, đó là điều giết chết tình yêu, nó chỉ có thể bay nếu mang trên mình đôi cánh tự do. Một chi tiết đẹp và giàu ý nghĩa. Ích kỷ và sở hữu trái tim không chỉ giết chết tình yêu, mà còn làm chính đôi tay kẻ chiếm đoạt đớn đau.

Dòng cảm xúc đẹp đẽ còn hướng về sự hy sinh và lòng nhân ái, trong một cốt truyện hoang đường mà đẹp đẽ. Khi cánh cửa ký ức mở về thời thơ ấu của Howl, Sophie thấy được rằng vì lòng tốt muốn cứu một vì sao, anh đã đánh đổi bằng con tim và tình yêu của mình. Calcifer, ở chiều ngược lại, muốn thoát khỏi lời nguyền để cứu Howl khỏi sự biến đổi. Bằng lòng biết ơn và sự quan tâm, nó không màng đến sự tồn tại của bản thân mình. Đó chính là tình bạn, giữa không phải một mà hai vì sao sáng.

Howl’s Moving Castle vẫn thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ và khả năng chạm đến trái tim tim khán giả, những người vốn đã quá quen và quá yêu phong cách riêng biệt của đạo diễn Hayao Miyazaki. Những nét vẽ tay mộc mạc, một thế giới sắc màu, kết hợp với âm nhạc của Joe Hisaishi, lối dẫn truyện dung dị, tinh tế mà xúc động, vẫn đủ sức mê hoặc bất kỳ người xem ở độ tuổi nào.

Bộ phim vẫn mang những nét trong trẻo của trẻ thơ, thỏa mãn trí trưởng tượng và lấp đầy bờ môi chúng bằng những nụ cười. Những nhân vật đáng yêu như cậu bé Markle với bộ râu hóa trang, quỉ lửa Calcifer hài hước, chú chó Heen ngộ nghĩnh, hay cả “đầu củ cải’ tinh nghịch, luôn ấn tượng và mới mẻ. Với người lớn, “Lâu đài của Howl” lại mang đến xúc cảm ấm áp về gia đình, về tình yêu, tình bạn đẹp đẽ. Không có người xấu hay nhân vật phản diện, kể cả mụ phù thủy Rác hay Madame Suliman, theo đúng với tiêu chí của Ghibli. Họ luôn muốn mang đến niềm tin rằng, chỉ có những người tốt lầm lạc, chứ không có kẻ xấu thật sự trong tâm hồn.

Để làm điều này, đạo diễn Hayao Miyazaki đã chấp nhận thay đổi hình tượng và cắt bỏ một vài nhân vật trong tiểu thuyết gốc cùng tên của Diana Wynne Jones. Nhân vật Howl, dưới góc nhìn của một người theo chủ nghĩa hòa bình như Hayao, thay vì trốn tránh đã quyết định chiến đấu để ngăn chặn chiến tranh. Bộ phim cũng gắn chặt sâu sắc với cuộc chiến tranh Iraq trong nhiều chi tiết, như lời đạo diễn thừa nhận. Qua cuộc chiến giữa các vương quốc trong phim, ông muốn góp một tiếng nói rằng, chiến tranh chỉ mang đến khổ đau và nước mắt. Ông gửi gắm mong muốn của mình, khi để hoàng tử Justin trở lại và kết thúc mọi cuộc chiến trong phim.

Bộ phim đã vượt biên giới Nhật Bản, được chuyển thể tiếng Anh và công chiếu tại Bắc Mỹ bởi hãng Disney. Ngoài giá trị về mặt nghệ thuật, khi được đề cử hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” của Oscar lần thứ 78, Howl’s Moving Castle còn thành công rực rỡ về mặt thương mại khi thu về hơn 230 triệu USD trên toàn thế giới.

Nguồn: 35mm

Có thể bạn muốn xem