Hát ca trù – Nét đẹp văn hóa Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của Việt Nam
Ca trù nghệ thuật hát thơ hình thành từ thế kỷ XV, Nhóm trình diễn Ca trù thường gồm một đào nương vừa hát vừa gõ phách, một kép đàn chơi đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu. Trong một số diễn xướng Ca trù còn xuất hiện một vài điệu múa đan xen. Theo các nghệ nhân, Ca trù có 56 điệu hát, mỗi điệu gọi là một thể cách. Ngày nay Ca trù đang có nguy cơ bị mai một hoặc bị biến mất.
Ca trù là gì?
Ca trù là loại hình âm nhạc dân gian truyền thống kết hợp giữa thi ca và âm nhạc. Đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta. Ca trù là loại hình âm nhạc có nhiều lối hát đa dạng như thét nhạc, hồng hạnh non mai, hát nói… Ngoài ra, khi hát ca trù, người nghệ nhân sẽ được thưởng các thẻ làm bằng tre thay cho bằng tiền mặt trực tiếp. Trong dân gian, ca trù còn mang rất nhiều tên gọi khác như hát ở các ca quán với ả đào, cô đầu…
Trong tiếng Anh, ca trù được dịch là ceremonial/festival, tức là bài hát được sử dụng trong lễ hội. Ý của từ là nói đến không gian biểu diễn của ca trù. Nếu so sánh với một số loại hình nghệ thuật của nước ngoài thì ca trù có thể được liên tưởng đến nghệ thuật Geisha của Nhật Bản. Hai dạng biểu diễn nghệ thuật này đều đòi hỏi người biểu diễn phải hiểu biết và có sự cảm thụ sâu sắc với văn thơ, âm nhạc.
Ca trù còn được gọi nôm na là hát cô đầu/ hát nhà trò, đây thực chất là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành từ thế kỷ 15. Đây là loại hình âm nhạc cung đình được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Cho đến những năm 1980 thể loại này hay được gọi cái tên là hát ả đào, nghĩa đen là “hát xẩm cửa đình”, tuy nhiên sang thập niên 1990 thì hay được gọi với cái tên là hát ca trù. Từ “ca trù” được cho là lấy từ chữ Nôm nghĩa là lối hát bỏ thẻ tre, tức là người nghe hát thấy chỗ nào thì ném thẻ cho đào hát. Sau đó người nghe hát cứ đếm thẻ mà trả thành tiền. Các ca nương được gọi là ả đào tuy nhiên cách gọi này không thể hiện sự trang trọng nên đã được gọi chệch là hát cô đào, và dạng biến thể là cô đầu.
Ngày 1/10/2009, ca trù được ghi danh là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đây là danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở nửa phía Bắc Việt Nam. Hồ sơ đề cử Ca trù là Di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc bao gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ca trù là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại chỉ đứng sau hát ả đào pansori của Hàn Quốc.
Hiện tại, nghệ thuật ca trù không chỉ dành riêng cho nữ giới mà nó đã phát triển một cách bình đẳng để mọi người cùng tham gia theo đuổi vì từ xưa nam giới chỉ chơi đàn, gõ trống phụ hoạ cho lời hát là chính. Nam giới (kép đàn) ngày nay cũng có thể vừa diễn tấu đàn vừa hát thay ca nương hoặc thay vào đó là một nữ nhạc công đệm đàn, gọi là "đàn nương".
Ca trù mặc dù đã được khôi phục lại nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quảng bá, bảo tồn, do có một sự đứt gãy trong quá khứ, được cho là mang tính bác học khó hát, các nhạc cụ đàn đáy hay trống đế cũng không dễ chơi, khán giả trẻ tuổi thường không hiểu ý nghĩa của ca từ trong các bài hát (mang tính chất của chủ nghĩa yếm thế - khuyển nho, ca ngợi một cuộc sống đức hạnh hòa hợp với thiên nhiên...)
Ca khúc "Đêm Ả Đào" được tái hiện dưới giọng ca của ca sĩ Lệ Quyên (Video: Youtube)
Nguồn gốc của ca trù
Ca trù có nguồn gốc lâu đời từ xa xưa trong đời sống nhân dân, tùy vào từng giai đoạn lịch sử, tình hình đất nước mà sự phát triển của ca trù sẽ có lúc thăng, lúc trầm. Ở thời Tiền Lê và thời Lý, ca trù ngày càng phát triển và hoàn thiện do nghề ca xướng được triều đình coi trọng và lập ra tổ chức để người dân hành nghề. Thời Trần, ca trù ngày càng thịnh hành, xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội. Sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ sáng chế ra thì ca trù chính thức được xem là ra đời. Thời Pháp thuộc, nhận thức của nhân dân về ca trù lệch lạc mãi đến tận sau này, đây được xem là thời kỳ đen tối trong lịch sử phát triển ca trù do có những người lợi dụng nghệ thuật biểu diễn này để làm nghề “bán phấn buôn hương”. Ca trù đã bắt đầu có từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ (hay Đinh Dự theo một số Giáo phường) sáng chế ra. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…
Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây: Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca. Trước khi có Hát nói, ở Việt Nam đã có những bài hát xoan, hát cửa đền, cửa chùa, những bài thét nhạc. Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ. Các bài hát ả đào bắt đầu từ đó; Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của tư tưởng Lão-Trang. Xưa kia văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng Khổng Mạnh, về hình thức phải đem theo những quy luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, tư tưởng Lão-Trang có cơ hội bành trướng và hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn; Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối… Trong lối Hát ả đào có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gủi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.
Ca trù mang những đặc trưng nổi bật của nghệ thuật văn hóa truyền thống
Các thành phần chính trong ca trù
Một chầu ca trù sẽ bao gồm ba thành phần chính:
- Ả đào: Đây chính là nhân vật quan trọng nhất của tiệc ca trù. Ả đào kiêm vừa hát vừa gõ phách nên được xem là nhân vật linh hồn của một bài ca trù. Với giọng hát của ả đào, những giá trị thẩm mỹ của các áng thơ ca trù sẽ được cất lên và truyền tải đến những người nghe.
- Kép: Đây cũng được coi là thành viên quan trọng của đoàn hát ca trù. Kép là người gảy đàn cho ả đào hát và đôi lúc cũng có tham gia hát.
- Tác giả bài hát: Sẽ được gọi là quan viên, người này sẽ làm nhiệm vụ đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ những đoạn nhạc đắc ý bằng tiếng trống.
Ả đào - ca nương là linh hồn của ca trù (Ảnh: Pinterest)
Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn Đáy, Phách và Trống chầu. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” (được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu, về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc dáo là Hát nói với các tác gia nổi tiếng. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả dào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)…
Một chầu hát cần có ba thành phần chính: Một nữ ca sĩ (gọi là “đào” hay “ca nương”) sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp; Một nhạc công nam giới (gọi là “kép”) chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát; Người thưởng ngoạn (gọi là “quan viên”, thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu”.
Ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống). Ca trù là một bộ môn nghệ thuât lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt Nam. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam.
Ca trù là một Di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngóng, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà… Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với Ả đào – mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.
Hình thức biểu diễn ca trù
Ca trù là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, những ca từ được sử dụng trong ca trù đều là những vần thơ, áng văn giàu nhạc điệu. Đặc biệt, ngôn từ của ca trù đều chan chứa tình cảm của người yêu cuộc sống và được viết nên bởi những tác giả tài hoa. Tác giả ca trù ngày xưa thường sẽ là văn nhân, các thi sĩ hoặc quan viên có tính tình phóng khoáng và từng nổi danh với nhiều giai thoại như Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh…
Không gian biểu diễn của ca trù thường là ngay trên tấm chiếu. Ả đào sẽ ngồi hát ở vị trí giữa chiếu; kép và quan viên sẽ ngồi ở vị trí chếch sang hai bên. Vị trí hát ca trù thường là ở cửa đình, cửa quyền, hát tại gia, hát thi và hát ca quán. Mỗi không gian sẽ có một lối hát và cách thức trình diễn riêng.
Từ xa xưa, ca trù được tổ chức dưới sự quản lý rất chặt chẽ bởi thành phường, giáo phường. Trong đó, ca trù sẽ hoạt động dưới sự cai quản của trùm phường và quản giáp. Sự truyền nghề, học đàn, học hát, đào nương vào nghề, chọn đào nương đi hát thì đều được quy định rõ ràng.
Ca trù gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam, loại hình này thường được biểu diễn trong không gian văn hóa từ thế kỷ 15 đến nay. Vì xuất hiện ở nhiều giai đoạn lịch sử và được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác nên ca trù được xem là nét tinh thần trong tiềm thức nhiều người dân Việt Nam. Ca trù vì thế từng rất thịnh hành ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ca trù ở đâu đi nữa cũng được xem là bộ môn nghệ thuật lâu đời có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc dân gian của người Việt Nam.
Ca trù mang đậm giá trị nghệ thuật, đặc biệt như là loại hình nghệ thuật có rất nhiều thể thức và giai điệu khác nhau. Về âm nhạc, những nhạc khí đặc trưng của ca trù là đàn đáy, phách và trống… Trải qua quá trình sử dụng lâu dài, những nhạc cụ này góp phần đưa ca trù trở thành một thể loai thanh nhạc dân gian kinh điển của Việt Nam.
Hát ca trù "Hồng hồng tuyết tuyết" biểu diễn bởi nhóm ca trù Thái Hà (Video: Youtube)
Ca trù mang giá trị văn hóa
Ca trù mang giá trị nhận thức sâu sắc và là kho tàng tri thức phong phú của dân tộc. Quan điểm, tư tưởng của đất nước qua từng thời kỳ phát triển đều được thể hiện qua ca trù. Bên cạnh đó, ca trù mang giá trị sâu sắc về đạo lý làm người và tôn vinh những tình cảm tốt đẹp của con người. Thêm vào đó, ca trù còn sở hữu giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục và tín ngưỡng sâu sắc trong nhiều giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử, ca trù lại có những đặc trưng riêng, phong phú trong nội dung thể hiện.
Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và làn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình. Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, bởi lẽ giới trẻ ngày nay quen thưởng thức loại hình âm nhạc mới mẻ, trẻ trung, có rất ít người nghe, hoặc rất ít nghệ sĩ nào theo nghề hát ca trù truyền thống… đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc. Vì những giá trị đáng quý, đại diện cho sự phát triển của văn hóa dân tộc, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào ngày 1/10/2009. Do vậy việc cung cấp những hiểu biết sâu hơn và có căn cứ về một số vấn đề của ca trù, không những góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết ấy mà còn góp phần vào việc phục hồi và chấn hưng nghệ thuật và sinh hoạt ca trù. Do đó, để giữ gìn di sản văn hóa này, chúng ta cần phải có những hành động thiết thực đối với nét đẹp văn hóa này như thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn ca trù, hiểu rõ bản chất và nguồn gốc của ca trù; nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn ca trù; cần phải nâng cao nhận thức của mọi người về ca trù; có các chính sách hỗ trợ các nghệ nhân ca trù lớn tuổi, khuyến khích việc truyền dậy ca trù cho các thế hệ sau.
Đúng 0 giờ ngày 23/2/2020, nhằm ngày giỗ tổ nghiệp ca trù, Google lần đầu tiên tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này để khuyến khích giới trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống.