Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí ​Ở độ tuổi 23 - bạn có gì trong tay? Nhiều bạn chỉ mới bước ra khỏi cánh cổng trường Đại học. Một số vẫn chưa biết xin việc gì - ở đâu. Số khác lựa chọn con đường sớm bươn chải thì đã “lận lưng” vài năm kinh nghiệm làm nghề. Câu chuyện hành trình 5 năm vào đời của một “số khác điển hình” GTOP giới thiệu sau đây chắc hẳn sẽ đọng lại trong bạn nhiều ngẫm suy…​ “Nằm vùng” trong nhiều Group chuyên ngành khách sạn dẫn lối cơ duyên giúp Ms. Smile đọc được bài chia sẻ rất “già đời” về chuyện người trẻ mông lung với nghề nghiệp từ một anh chàng 23 tuổi không sở hữu bất kỳ bằng cấp chuyên ngành nào. Cảm thấy thú vị và sự tò mò thôi thúc đã mang đến cơ hội cho một câu chuyện được...

Ở độ tuổi 23 - bạn có gì trong tay? Nhiều bạn chỉ mới bước ra khỏi cánh cổng trường Đại học. Một số vẫn chưa biết xin việc gì - ở đâu. Số khác lựa chọn con đường sớm bươn chải thì đã “lận lưng” vài năm kinh nghiệm làm nghề. Câu chuyện hành trình 5 năm vào đời của một “số khác điển hình” GTOP giới thiệu sau đây chắc hẳn sẽ đọng lại trong bạn nhiều ngẫm suy

“Nằm vùng” trong nhiều Group chuyên ngành khách sạn dẫn lối cơ duyên giúp Ms. Smile đọc được bài chia sẻ rất “già đời” về chuyện người trẻ mông lung với nghề nghiệp từ một anh chàng 23 tuổi không sở hữu bất kỳ bằng cấp chuyên ngành nào. Cảm thấy thú vị và sự tò mò thôi thúc đã mang đến cơ hội cho một câu chuyện được giãi bày. Còn gì chân thật hơn khi xuất phát từ lời “gan ruột” do chính chàng trai ấy chia sẻ. Bởi chí ít 5 năm vào đời cũng đủ là cột mốc nhìn lại chặng đường đã qua…

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

Xin tự giới thiệu mình tên đầy đủ là Ngô Khánh Tòng, sinh ngày 01/01/1998 tại Khánh Hoà.

Nói về bản thân, ngay từ bé, mình đã khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Suy nghĩ già dặn hơn, mặc dù đôi lúc hay quên nhưng về bản chất mình làm việc gì cũng luôn trong trạng thái thận trọng, kỹ lưỡng.

Thời đi học, mình luôn nổi trội ở khoản nhiều trò nghịch phá và không tuân theo một quy luật nào cả. Chính vì điều này, trong mắt nhiều thầy cô - bạn bè, mình là đứa học sinh có phần cá biệt. Tuy nhiên hơn ai hết, biết bản thân không hề cá biệt nên trong suy nghĩ mình luôn thích sự tự do, tự tại và ghét sự ràng buộc vì bất kì điều gì. Mình vẫn luôn học tốt các môn hứng thú và ngược lại môn không thích sẽ chẳng màng quan tâm, chẳng để ý đến kết quả. Đâu đó, có thầy cô - bạn bè hiểu được điều này, họ vẫn quý mình dù biết “thằng Tòng luôn là đứa ngang tàng”…

Tháng 6 năm 2016 là thời điểm bọn mình tốt nghiệp cấp 3 và bắt đầu hành trình lên Đại học. Trong khi bạn bè nô nức lựa chọn trường đại học tên tuổi thì mình chọn con đường khác - lao đầu vào công việc với chỉ mục đích “chăm chăm” kiếm tiền. Thật sự khi ấy, vừa sợ lại vừa quyết tâm. Sợ vì nhỡ không làm được những gì mình nghĩ - sau này sẽ thế nào? Quyết tâm vì nghĩ một khi đã chọn thì chỉ có sự cố gắng mới mang lại kết quả.

 

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

 

Định hướng ban đầu khi quyết định không theo đại học mà đi làm kiếm tiền là để theo đuổi ước mơ trở thành một Nhà sản xuất âm nhạc điện tử. Hồi đấy mình mê âm nhạc lắm - thời điểm đó, âm nhạc điện tử đang rất khởi sắc, nên cũng muốn góp phần xây dựng ngành EDM tại Việt Nam phát triển hơn. Vì nghĩ mình còn trẻ nên cứ ung dung mà làm - và trước mắt là phải “có vốn” rồi tính tiếp…

Thực ra mình đã đi làm từ năm 13 tuổi. Nghỉ hè, mình thường xin phụ việc cho quán cà phê hay quán ăn. Tiền dành dụm được dùng cho việc mua sách vở, quần áo đi học và một số đồ cần thiết khác. Nên lúc tốt nghiệp cấp 3 xong mình cũng không ngại chuyện phải đi khắp nơi xin việc.

Có thể nói, công việc lúc đấy khá đa dạng: nhân viên phục vụ cà phê, nhân viên phục vụ quán ăn - quán nhậu - nhà hàng và thậm chí làm công nhân khu công nghiệp. Đó đều là công việc phổ thông, có phần phức tạp bởi vì hằng ngày ngoài chuyện phục vụ khách hàng, còn phải nhìn sắc mặt chủ. Dù chẳng thích, nhưng vì kiếm tiền nên thôi nhắm mắt cho qua. Nói đi cũng phải nói lại, nhờ đó mình học được tính kiên nhẫn, học được cách ứng xử với mọi người xung quanh và quan trọng hơn cả là kỹ năng phối hợp nhóm để công việc hoàn thành nhanh và mượt mà hơn.


Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

Đến khoảng tháng 8/2017, một hôm cảm thấy “chán chán” công việc hiện tại, mình dạo quanh Tp. Nha Trang, ngồi ở một quán nước ven đường và ngắm nhìn những tòa khách sạn cao tầng. Tự dưng khi ấy nảy ra ý định muốn làm việc trong môi trường khách sạn thử xem sao.

Nghĩ sao làm vậy, mình nộp hồ sơ khắp các khách sạn ở Nha Trang. Vốn dĩ công việc khách sạn thời điểm đó là cái gì rất xa vời, trong tư tưởng mình nghĩ công việc đó chỉ dành cho người có học thức, có bằng cấp, có ngoại hình đẹp và vốn ngoại ngữ tốt. Nhìn lại bản thân, không có bằng cấp cao, ngoại ngữ chỉ học vẹt vài ba câu, ngoại hình chỉ cao 1m65 nhưng được cái nhìn cũng hơi sáng sủa. May mắn đến khi một khách sạn 3 sao gọi mình phỏng vấn và nhận vào làm việc. Đó là lần đầu tiên mình cảm thấy vui như chưa bao giờ được vui. Mình mong chờ từng ngày để được đi làm, nào là mua áo quần mới, lên mạng tìm kiếm xem thử dân ngành làm việc thì ăn mặc như nào, nên chuẩn bị gì. Niềm vui và sự háo hức chỉ kéo dài cho đến…

Ngày đầu tiên nhận việc, mình trông cứ như chàng sinh viên ưu tú với quần tây, áo sơ mi, giày sneaker các thứ, tóc tai gọn gàng. Hí hửng bước vào khách sạn mới biết công việc hằng ngày chỉ là dọn dẹp phòng ốc, lâu chùi bụi bặm… Kiểu lúc ấy cũng hơi hụt hẫng, vì lúc phỏng vấn không hỏi kĩ làm gì, chỉ cần được nhận thôi là vui lắm rồi.

Thời điểm đó, là một cậu thanh niên mới lớn, tràn đầy ước mơ và tham vọng thì việc cầm chiếc chổi quét dọn phòng ốc hay chiếc khăn dính đầy bụi kính là điều hết sức khó khăn về mặt tư tưởng. Có lần, mình bị khách nhận xét: “Trông em thế này mà mỗi ngày phải xách chổi xách xô đi dọn dẹp bẩn thỉu thế này, không ngại à em”. Thật sự cảm giác đó không hề dễ chịu, mình từng muốn buông bỏ dừng lại vì sự tự ái trong lòng quá lớn. Không chỉ riêng mình, bất kỳ bạn trẻ mới lớn nào cũng sẽ dễ bị tổn thương như vậy.

 

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

 

Mọi chuyện rồi cũng qua, mình quen dần với công việc, thay bộ sơ vin bằng đồng phục Housekeeping sau bao ngày thử việc. Mỗi ngày mình tự nhủ bản thân phải cố gắng hoàn thành tốt công việc, cố gắng kiếm tiền giỏi hơn để thực hiện ước mơ bước chân vào con đường âm nhạc. Nghĩ vậy nên gạt bỏ những điều tiêu cực, tự an ủi bản thân cho có thêm động lực.

Dần dà, mọi thứ trở nên quen thuộc, từ lúc nào mình cảm thấy yêu thích công việc chẳng hay, có thể nói sự thay đổi lớn đó không hề có trong dự định - nói chính xác hơn là bắt đầu yêu quý công việc ngành du lịch. Tất cả nhờ vào những bài hát, đoạn phim, vlog từ các Moto Vlogger như Go With Minc, DooEZGo… Họ thường xuyên chia sẻ câu chuyện, chuyến hành trình rất hay và thú vị. Thế rồi lúc rảnh rỗi, lại tìm hiểu thêm về du lịch Việt Nam và thấy quê hương mình đẹp vô cùng. Từ đó hun đúc trong mình hy vọng và ước muốn mang hình ảnh du lịch nước nhà vươn tầm quốc tế.

Vì quyết tâm sẽ theo ngành du lịch, sau hơn 2 năm làm ở Wonderland Nha Trang Hotel, nghe mấy anh chị khuyên muốn thăng tiến thì phải học cho có bằng cấp chuyên ngành. Mình chọn trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang để tìm kiếm cơ hội. Song song giữa công việc hàng ngày là thời gian học ở trường với nhiều bạn “nhỏ hơn 3 tuổi”, rồi tối đến học tiếng Anh tại trung tâm.

Nghề khách sạn được biết đến có tỉ lệ nhảy việc khá cao. Nhưng mình vẫn gắn bó với Wonderland Nha Trang Hotel gần 3 năm. Vì ở đó, mình có nhiều đồng nghiệp rất đáng quý. Mọi người chỉ dạy cho từng việc nhỏ nhất, yêu thương mình như đứa em út trong nhà. Thường xuyên chia sẻ chuyện vui buồn trong ngành và công việc hằng ngày, thật sự đó là năm tháng không thể nào quên.

Cho đến đầu năm 2020, sau 4 tháng theo học trường Cao đẳng thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Hàng loạt khách sạn buộc phải đóng cửa, trong đó có nơi mình làm việc. Lúc đó, không thể đi làm và cũng chẳng thể đến trường, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ mình đưa ra một quyết định lớn cho cuộc đời: nghỉ học để Nam tiến…


Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

Quyết định vào Sài Gòn tìm việc, mình chỉ nghĩ đơn giản là bản thân biết một chút kỹ năng về dựng phim và cũng cảm thấy tò mò về những quảng cáo hấp dẫn hay xem trên tivi nên quyết định sẽ đi tìm lời giải cho thắc mắc đó. Cộng thêm ý muốn tìm hiểu về truyền thông nhiều hơn - hướng đến mục đích mang kiến thức đó quay lại cống hiến cho du lịch.

Trước đó, mình từng vào Tp. Hồ Chí Minh năm 2016 (sau khi tốt nghiệp cấp 3) để tìm việc. Với vốn sống ít ỏi và sự ngây thơ, “thằng Tòng 18 tuổi” đã bị lừa hết tiền bằng chiêu trò tuyển dụng việc làm… 4 năm sau quay lại, vẫn cái cảm giác bỡ ngỡ giữa sự ồn ào - náo nhiệt của Sài Gòn nhưng tâm thế đã khác, “bỏ túi” vốn sống tích luỹ được, mình tự tin hơn và sẵn sàng trải nghiệm.

Ban đầu, mình xin vào một công ty media nhỏ tại quận Tân Bình - chuyên sản xuất thể loại phim hài sitcom trên MXH Youtube. Sau 1 tuần thử việc, cảm thấy không phù hợp hướng phát triển công việc nên mình tìm bến đỗ khác là Dream Media ở vai trò một Editor.

Ở Dream Media, mọi người sống như một gia đình, chia sẻ, giúp đỡ nhau rất nhiều. Mình cũng ý thức rằng, bản thân phải cố gắng nhiều hơn để làm tốt công việc. Chính vì vậy, sau giờ làm, mình thường nán lại công ty tìm tòi, học hỏi thêm cái chưa biết. Khi đó, mỗi ngày 24h chưa bao giờ là đủ. Thường xuyên thức đến sáng chạy deadline cho dự án và học hỏi thêm mỗi khi trống việc. Cứ thế ngày qua ngày, cảm giác sống giữa Sài Gòn xô bồ, lại như có một gia đình nhỏ, nơi mọi người sống cùng ước mơ lớn, yêu thương lẫn nhau - đối với mình, đó là một điều đáng trân trọng.

Những đồng nghiệp khác hay gọi tụi mình là Dreamer, vì đã không làm thì thôi, làm cái gì sẽ cố gắng cho tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất, hoành tráng nhất mới chịu. Cũng từ ý chí của người dẫn đầu công ty, mà mình ngày càng trau dồi kiến thức nhiều hơn, càng tốt hơn trong công việc.

Đến tháng 9 năm 2020, công ty quyết định tuyển thêm người và mình làm việc ở vai trò một Post-Leader, thực sự đó là một điều rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì công ty mình gắn bó đã phát triển hơn, hạnh phúc vì ngôi nhà nhỏ của những Dreamer được đón thêm thành viên mới, và hạnh phúc vì từ nay mình lại có thêm một thử thách nữa để chạm đến. Sau thời gian đó, ngoài công việc chính xử lý hậu kỳ, mình còn được hướng dẫn nhiều hơn về kinh nghiệm trong khâu sản xuất. Từ viết, sửa kịch bản cho đến các công việc thực chiến tại hiện trường. Nhờ đó, kỹ năng làm việc trở nên đa dạng hơn.

Post-Leader hay Production Executive ở Dream Media đều là chức vụ không tên. Tụi mình chẳng bao giờ phân cấp bậc, cả team đều làm việc cùng nhau dựa trên tinh thần xây dựng, người có kinh nghiệm thì chỉ bảo, hướng dẫn người mới. Lớn tuổi là anh, nhỏ tuổi là em…

Trong suốt quá trình làm việc tại Dream Media, mình học được rất nhiều thứ - từ kỹ năng quản lý, sắp xếp công việc cho đến việc hoàn thiện kỹ năng, kiến thức ngành media và trên tất cả, đó là tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng với giá trị cao nhất. Cơ hội làm việc tại đây thực sự là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của mình sau này.

 

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí


Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

Đến tháng 2/2021, dù công việc tại Dream Media đang phát triển tốt, tuy nhiên mình vẫn lựa chọn hồi hương và quay lại với du lịch. Vì tâm nguyện lớn nhất khi Nam tiến là học hỏi kiến thức về truyền thông và mang nó về cống hiến cho ngành du lịch quê hương. Thật sự mà nói, Nha Trang là một thành phố đẹp, nhưng sau bao năm phát triển du lịch theo hướng “công nghiệp” thì hình ảnh thành phố đã không còn lung linh trong mắt du khách nội địa. Mỗi lần nhắc đến Nha Trang, người ta sẽ nghĩ ngay đến nơi đầy rẫy du khách Trung Quốc và vô số hình ảnh xấu xí khác như: tình trạng “chặt chém” tại các nhà hàng, quán ăn, phân biệt đối xử khách trong nước… Chính thời gian làm trong ngành du lịch, thấy được những mặt chưa tốt này, mình đã nuôi mong muốn phải làm một điều gì đó để thay đổi. Và khi có được kiến thức cũng như kinh nghiệm trong ngành media, đồng thời cũng là background rất tốt, mình đã quyết định quay trở lại…

Và ngày 19/02/2021, mình bắt đầu công việc tại Stelia Beach Resort Phú Yên, một resort 5 sao boutique ở vai trò Marcom Executive. Lý do mình không về lại Nha Trang như ban đầu mà chọn Phú Yên vì mảnh đất này mới phát triển, còn hoang sơ, nhiều tiềm năng và cũng có khá nhiều nét tương đồng về địa lý so với Nha Trang – Khánh Hòa. Phú Yên là xuất phát điểm cho mình lấy kinh nghiệm trước khi về Nha Trang và thực hiện những gì bản thân đề ra.

Có thể với đa số dân ngành, họ sẽ chọn một bộ phận, vị trí phù hợp và từ đó gắn bó lâu dài - phát triển theo từng bậc. Mình thì chưa bao giờ có suy nghĩ như vậy, mình chỉ biết, thích cái gì - sẽ làm cái đó. Dù không sở hữu bất kỳ bằng cấp chuyên ngành nào, mình vẫn có cơ hội làm việc tại một resort 5 sao cao cấp như vậy, một phần nhờ may mắn, một phần là tinh thần quyết tâm đạt được mục tiêu.

Chính background tại Dream Media là một lợi thế lớn giúp mình ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Người ta nói, muốn phát triển phải sống ở Sài Gòn, mà sống ở Sài Gòn để phát triển được là cả một quá trình vô cùng gian nan, vì ai cũng biết, ở mảnh đất tứ phương hội tụ, cơ hội nhiều đồng nghĩa tính chất cạnh tranh cũng khốc liệt chẳng kém. Và việc một người đã có sự phát triển nhất định, chấp nhận hồi hương và cống hiến như mình chiếm tỉ lệ rất thấp. Mình cũng chẳng xem đó là điều quá to tát, hay tự tôn vinh đề cao bản thân, nhưng nền tảng ấy đã giúp ứng viên Ngô Khánh Tòng chiếm được cảm tình từ nhà tuyển dụng.

Còn nhớ ngày phỏng vấn online, bắt đầu là một cuộc gọi chớp nhoáng với Sales Manager của resort. Thực sự thời điểm đó, bản thân cảm thấy tự dưng bị tụt “mood” vì người phụ trách phỏng vấn không thật sự hiểu về công việc của một Marcom Executive. Sau đó, mình đã gửi một tin nhắn khá dài và đặt ra yêu cầu cho công việc nếu được nhận. Khi gửi đi cũng chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản muốn đặt ra một vài yêu cầu cần thiết cho công việc sắp tới - với mình, đã làm thì lúc nào cũng phải hoàn hảo, chỉ có tốt và tốt hơn chứ không có tốt nhất. Đây là ý chí mình có được khi làm việc tại Dream Media.

 

​    ​Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

 

Cũng chính từ tin nhắn bộc bạch, chia sẻ suy nghĩ bản thân và yêu cầu công việc khiến suýt nữa bị loại. Đúng hơn Sales Manager phỏng vấn không chấp nhận, mình hoàn toàn hiểu được lý do đằng sau. Thực sự ở vai trò một người quản lý đi phỏng vấn nhân viên dưới cấp, mà nhận lại chia sẻ “cứng” như mình là điều rất khó chấp nhận. Thế nhưng, Giám đốc nhân sự tại Stelia đã giữ mình lại vì tin vào năng lực làm việc của thằng bé dám “nói thẳng, nói thật” này.

Đúng như mình nghĩ, người cùng tiêu chí và tần số sẽ rất dễ làm việc cùng nhau, Giám đốc nhân sự khu nghỉ dưỡng có yêu cầu cao và khắt khe trong công việc, đó là lý do vì sao chỉ sinh năm 1991 mà chị đã có 7 năm kinh nghiệm ở cấp bậc Quản lý. 

Về Marcom Executive - đây là một vị trí khá bao quát, bao gồm cả truyền thông và thiết kế. Về cơ bản cũng có khá nhiều điểm tương đồng với công việc tại Dream Media, cộng thêm kiến thức du lịch tự tìm tòi đã phần nào giúp mình làm quen môi trường công việc mới dễ dàng. May mắn hơn, mình đã gặp được người sếp biết quan tâm - chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch nói chung và công việc nói riêng.

Sau 2 tháng, mình được DOSM đánh giá loại A - tổng điểm 92/100 và được đề xuất tăng thêm ~50% lương so với mức thử việc và Giám đốc nhân sự cũng như General Manager phê duyệt ngay sau đó.

 

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí


Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

Mình không cổ súy cho việc không học Đại học, vì để đi con đường này, mình đã phải cố gắng rất nhiều và nhiều lúc cũng cảm thấy “sấp mặt” thật sự. Mà đã chọn thì phải quyết tâm. Học hành tử tế vẫn tốt hơn, nhưng hãy biến nó trở thành thành tựu cụ thể, đừng để mãi chỉ là tấm bằng cử nhân, sống nhàn hạ qua ngày và mong chờ thâm niên lên chức.

Bằng cấp - không và kinh nghiệm - không, có thể sẽ trở ngại không nhỏ cho những ai muốn thăng tiến trong bất kì công việc nào. Nhưng đó lại là động lực lớn giúp mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và đi xa hơn. Định vị được muốn gì, cần gì và nên làm gì, đã giúp mình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bản thân và tìm được đúng đích đến.

Mình không hối hận vì đã bỏ lỡ con đường Đại học, cũng không hối hận về bất kì lựa chọn nào từ trước đến nay. Ngược lại, chính mình có chút tự hào vì bản thân đã đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn, sống một cuộc sống tự lập, tự do và tự chủ tài chính ở tuổi 23.

Vậy nên, điều mình muốn gửi gắm đến các bạn trong ngành và đang có ý định học du lịch đó là: Chúng ta phải biết bản thân cần gì, hãy lựa chọn những gì mình thích và có trách nhiệm với lựa chọn đó, mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng.

Và kế hoạch ngắn hạn sắp tới, mình sẽ phấn đấu trở thành một Marketing Manager, hoặc Marcom Manager để viết tiếp một chương mới cho cuộc đời…

 

Chàng trai “không bằng cấp” và hành trình 5 năm vào đời không dành cho những ai thiếu ý chí

 

--------------------

Câu chuyện trên đây là toàn bộ về con người và chặng hành trình 5 năm dấn thân vào đời - đi tìm đam mê công việc của chàng trai 23 tuổi Ngô Khánh Tòng. Có thể điều Tòng làm được ở thời điểm hiện tại chưa đủ khiến nhiều bạn phải “mắt chữ A, mồm chữ O” nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng đây là một tấm gương người trẻ có chí. Bởi thực tế không nhiều người xuất phát điểm như Tòng lại làm được điều như cậu bạn này.

Bước qua bao nhiêu thăng trầm sự nghiệp, trong cuốn tự truyện tổng kết hành trình 5 năm bước chân vào con đường nghệ thuật, Sơn Tùng MTP có viết: “Tuổi trẻ là tài sản giá trị nhất trong cuộc đời, vì tuổi trẻ cho ta cơ hội làm những điều ta thích, dù là ngông cuồng, điên rồ đi chăng nữa, nhưng còn trẻ là chúng ta còn thời gian để làm lại. Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép… Nếu không tự mình vấp ngã, tự mình trải nghiệm học hỏi thì Tùng không thể nào đạt được giấc mơ của mình.”

Đối sánh câu chuyện về Tòng cũng là một lát cắt 5 năm cuộc đời, ta dễ dàng nhận ra công thức thành công cho người trẻ thực ra rất đơn giản: sống có mục tiêu - luôn hết lòng với công việc đang làm - đừng ngại thay đổi và học hỏi để mình ngày hôm nay phải tốt hơn phiên bản “em của ngày hôm qua”. Và phải chăng sự thành hay bại nằm ở chính độ đầy - vơi ý chí của mỗi người trẻ…

 

Biên tập và Thiết kế: Xanh Berin

Có thể bạn muốn xem