Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - Áp dụng mô hình nào cho hiệu quả?

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu - Áp dụng mô hình nào cho hiệu quả? Theo dự kiến, sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) đầu tiên do Bảo Việt – đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu triển khai cung cấp sản phẩm BHTDXK, sẽ ra mắt thị trường vào quý II/2010. Để cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ hơn về loại hình bảo hiểm đặc thù và khá mới mẻ, chúng tôi xin giới thiệu những nét chính của BHTDXK và kinh nghiệm của các nước khi triển khai sản phẩm này.    BHTDXK là hình thức bảo đảm tài chính cho nhà xuất khẩu trong các hợp đồng xuất nhập khẩu có điều kiện thanh toán theo hình thức tín dụng mở (open account) trước rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu do mất khả năng thanh toán, phá sản hoặc vì bất ổn chính trị tại quốc gia nhập...

Theo dự kiến, sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) đầu tiên do Bảo Việt – đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu triển khai cung cấp sản phẩm BHTDXK, sẽ ra mắt thị trường vào quý II/2010. Để cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ hơn về loại hình bảo hiểm đặc thù và khá mới mẻ, chúng tôi xin giới thiệu những nét chính của BHTDXK và kinh nghiệm của các nước khi triển khai sản phẩm này.   

BHTDXK là hình thức bảo đảm tài chính cho nhà xuất khẩu trong các hợp đồng xuất nhập khẩu có điều kiện thanh toán theo hình thức tín dụng mở (open account) trước rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu do mất khả năng thanh toán, phá sản hoặc vì bất ổn chính trị tại quốc gia nhập khẩu. Tùy theo tính chất, giá trị hàng hóa (hàng hóa thông thường như nông sản, nguyên liệu, thiết bị điện tử,…; hàng hóa tư liệu sản xuất như trang thiết bị, máy móc đến các dự án lớn) và phương thức thanh toán, hình thức sản phẩm BHTDXK có thể là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Nếu như WTO hay OECD quy định các sản phẩm BHTDXK trung hạn và dài hạn được phép có sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ (được các tổ chức tổ chức tín dụng thuộc Nhà nước trợ cấp và bảo lãnh kinh doanh) thì sản phẩm BHTDXK ngắn hạn, về cơ bản là sản phẩm bảo hiểm thương mại (trừ bảo hiểm cho rủi ro chính trị).

 

Công cụ thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả

 

Không chỉ đóng vai trò là công cụ che chắn và giảm thiểu rủi ro cho nhà xuất khẩu, BHTDXK tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho nhà xuất khẩu trong việc chủ động cung cấp tín dụng cho người mua (không có được ở các phương thức thanh toán L/C, thanh toán trả trước), tự tin khi xâm nhập thị trường xuất khẩu mới, tăng năng lực tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng và tổ chức tài chính, qua đó phát huy tối đa năng lực sản xuất và cung cấp hàng hóa dịch vụ, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) cũng là nguồn cung cấp thông tin thị trường, năng lực và tình trạng tài chính của người mua giúp nhà xuất khẩu thực hiện các giao dịch kinh doanh an toàn và hiệu quả. Các quốc gia xuất khẩu cũng được hưởng lợi nhờ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng thu ngoại hối cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Vì những lợi ích đó nên hầu hết các nước phát triển đều thành lập các tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (ECA) để tăng cường năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

 

Châu Âu là khu vực có sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, chiếm trên 80% thị phần doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu toàn thế giới.  Hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ở Châu Âu phát triển ở một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Đức, Anh và Tây Ban Nha. Đến nay, thị trường thuộc sự kiểm soát của 3 tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chủ chốt là Coface (Pháp), Atradius (Hà Lan) và Euler & Hermes (Đức) với hơn 80% thị phần toàn cầu.

 

Các quốc gia châu Á đã đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này trong một thời gian dài để thúc đẩy xuất khẩu. Ấn độ hình thành ECGC với số vốn 100 triệu USD từ năm 1957, đến năm 2008, ECGC bảo hiểm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của Ấn độ. Năm 2001 – một năm sau khi vào WTO, Trung Quốc thành lập Tổng công ty Sinosure từ sáp nhập hai bộ phận tín dụng xuất khẩu của Công ty bảo hiểm PICC và Ngân hàng EXIM Bank với số vốn khoảng 500 triệu USD. Trong gần 10 năm hoạt động Sinosure đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc từ 300 tỷ lên hơn 1.000 tỷ (năm 2009). Tính đến tháng 12/2009, Sinosure bảo hiểm cho trên 75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu ở những nhóm ngành hàng chủ đạo từ nông lâm sản đến công nghiệp chế biến, máy móc, thiết bị điện tử, ô tô,… Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều lập tổ chức TDXK chuyên biệt như NEXI, KEIC, ECICS trong đó NEXI là một trong 10 tổ chức tín dụng xuất khẩu lớn nhất thế giới, ngoài lĩnh vực BHTDXK ngắn hạn, tổ chức này còn cung cấp bảo lãnh đầu tư và bảo hiểm tín dụng đầu tư cho hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản ở nước ngoài.

 

Một lĩnh vực kinh doanh quốc tế mang tính chuyên môn cao …

 

Dù cho là sản phẩm ngắn hạn hay trung, dài hạn, quy trình cung cấp BHTDXK tương đối phức tạp do phát sinh yêu cầu đánh giá và thẩm định năng lực trả nợ của đối tác nước ngoài cũng như các yếu tố kinh tế chính trị xã hội của quốc gia nhập khẩu.  Doanh nghiệp xuất khẩu có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm cho toàn bộ kim ngạch hay một nhóm người mua hoặc một hợp đồng cụ thể (thường có giá trị lớn hơn 2 triệu USD) nhưng trong từng trường hợp, mức độ đánh giá năng lực tài chính và khả năng trả nợ của người mua, môi trường kinh doanh vẫn là yếu tố quyết định để ECA có nhận bảo hiểm hay không, nếu nhận thì với hạn mức tín dụng thế nào và phí bảo hiểm bao nhiêu. Bên cạnh phí bảo hiểm, nhà xuất khẩu cũng phải chi trả thêm khoản lệ phí đánh giá và xác lập hạn mức tín dụng đối với nhà nhập khẩu yêu cầu (thường từ 10-15% phí bảo hiểm).

 

Để có thể thực hiện các quy trình nghiệp vụ từ thẩm định rủi ro, xác lập hạn mức tín dụng, tính phí bảo hiểm đến bồi thường, thu hồi nợ và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu khác như tư vấn thông tin, ủy thác thu hồi nợ, bảo lãnh đầu tư … các ECA phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp toàn cầu, về tình hình kinh tế chính trị xã hội của các quốc gia cùng với việc đẩy mạnh quan hệ với các ECA và tổ chức quốc tế khác. Hiệp hội các Công ty bảo hiểm tín dụng và đầu tư Bern Union được thành lập năm 1934 hiện có 51 thành viên từ 27 quốc gia (đáng chú ý là trong 5 năm vừa qua đã có thêm 15 ECA mới gia nhập) nhằm chia sẻ thông tin tín dụng, thống nhất các chuẩn mực hoạt động nghiệp vụ của ECA (theo chuẩn OECD) và là cầu nối cho các hoạt động chia sẻ rủi ro tài chính thông qua tái bảo hiểm, hoán đổi danh mục rủi ro giữa các tổ chức tín dụng thành viên. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng xuất khẩu cũng đẩy mạnh quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức đa phương, ngân hàng quốc tế như IMF, World Bank, ADB, EBRD, các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế như S&P, Moody’s, AM Best,… các tổ chức nghiên cứu dự báo thị trường, các công ty tư vấn doanh nghiệp quốc tế để mở rộng quy mô và tăng độ tin cậy của cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.

 

Các mô hình tổ chức và lịch sử phát triển của các tổ chức BHTDXK trên thế giới cho thấy, sự bảo trợ của Nhà nước trong việc thành lập các tổ chức tín dụng xuất khẩu là yếu tố quyết định. Lúc đầu, tổ chức bảo hiểm tín dụng cần phải được Nhà nước đầu tư về công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và khả năng tài chính. Sau một thời gian dài tích lũy tài chính, các tổ chức này mới từng bước có thể tự kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm hoạt động BHTDXK phù hợp với nguyên tắc WTO (không được coi là trợ cấp xuất khẩu), tổ chức BHTDXK cho dù là thuộc sở hữu nhà nước (phục vụ mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu) thì cũng phải thực hiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và chịu sự điều chỉnh của luật pháp về bảo hiểm và thương mại./.

 

 

Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng bảo hiểm hỏa hoạn rủi ro TCT Bảo hiểm Bảo Việt

Có thể bạn muốn xem