10 lầm tưởng về chứng rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm

10 lầm tưởng về chứng rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm 1. RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM HOÀN TOÀN ĐỘC LẬP? Sarah Johnson, giám đốc Landmark Outpatient Services (một phòng khám sức khỏe tâm thần ở Louisville, bang Kentucky, Hoa Kỳ), cho biết: “Thực chất, rối loạn lo âu và trầm cảm vốn là 2 mặt của một đồng xu. Cả 2 bệnh lý này đều ảnh hưởng đến cùng một vùng não, bao gồm: amygdala, đồi hải mã và vỏ não trước. Do đó, chúng có khả năng kích hoạt lẫn nhau. Rối loạn lo âu là một trong những triệu chứng lâm sàng của bệnh trầm cảm. Đồng thời, trầm cảm cũng có thể được gây ra bởi rối loạn lo âu”. 2. CHỨNG LO ÂU VÀ BỆNH TRẦM CẢM KHÁ HIẾM GẶP? Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 850.000 người chết vì bệnh trầm cảm. Ước tính...

1. RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM HOÀN TOÀN ĐỘC LẬP?

Sarah Johnson, giám đốc Landmark Outpatient Services (một phòng khám sức khỏe tâm thần ở Louisville, bang Kentucky, Hoa Kỳ), cho biết: “Thực chất, rối loạn lo âu và trầm cảm vốn là 2 mặt của một đồng xu. Cả 2 bệnh lý này đều ảnh hưởng đến cùng một vùng não, bao gồm: amygdala, đồi hải mã và vỏ não trước. Do đó, chúng có khả năng kích hoạt lẫn nhau. Rối loạn lo âu là một trong những triệu chứng lâm sàng của bệnh trầm cảm. Đồng thời, trầm cảm cũng có thể được gây ra bởi rối loạn lo âu”.

2. CHỨNG LO ÂU VÀ BỆNH TRẦM CẢM KHÁ HIẾM GẶP?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 850.000 người chết vì bệnh trầm cảm. Ước tính đến năm 2020, đây sẽ là căn bệnh phổ biến thứ hai trên thế giới với 121 triệu bệnh nhân.

Theo Luana Marques, phó giáo sư khoa Tâm thần học tại Đại học Y khoa Harvard, chủ tịch Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, có gần 29% người dân nước này bị rối loạn lo âu và khoảng 20,8% mắc bệnh trầm cảm.

3. KHÔNG NÊN ĐẶT CÂU HỎI KHI AI ĐÓ NÓI RẰNG HỌ BỊ RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM?

Chelsea Giacobbe, một nhà tư vấn tâm lý tại bang New Jersey (Hoa Kỳ), nhận định: “Khi ai đó tâm sự rằng họ đang mắc kẹt trong chứng lo âu và trầm cảm, chúng ta thường ngừng ngay cuộc chuyện trò vì cho rằng nếu tiếp tục đặt thêm câu hỏi, họ sẽ cảm thấy khó chịu”.

Thế nhưng, đây là một lối nghĩ sai lầm, bởi theo cô, khi người ta mở lòng tâm sự vấn đề cá nhân thì họ đã sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào. Điều này có nghĩa là họ đang thật sự rất cần được an ủi và sẻ chia. Vì vậy, một buổi hàn huyên nhẹ nhàng bên tách trà xanh ấm nóng có thể là khoảnh khắc kết nối ý nghĩa nhất mà bạn dành cho những người bạn đang mắc chứng lo âu và trầm cảm của mình.

[inline-article id=380853]

4. CÁCH DUY NHẤT ĐỂ VƯỢT QUA LÀ DỰA VÀO NỘI LỰC BẢN THÂN?

Amanda Stemen (một nhà trị liệu tâm lý ở Los Angeles, Hoa Kỳ) cho rằng, thay vì cố gắng che giấu hay phớt lờ cảm xúc tiêu cực, những người bị rối loạn lo âu và trầm cảm nên dũng cảm chấp nhận hiện thực và tìm cách điều hòa chúng.

Bên cạnh đó, nếu cảm thấy việc trò chuyện cùng gia đình, bạn bè về căn bệnh của mình quá khó khăn, bạn có thể chia sẻ vấn đề này với những người có cùng trải nghiệm hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ tại website của Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA).

5. TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI MẮC 2 BỆNH LÝ NÀY ĐỀU TRẢI QUA CÁC TRIỆU CHỨNG GIỐNG NHAU?

Biểu hiện của chứng rối loạn lo âu ở mỗi người khá khác nhau. Đó có thể là sự lo lắng thái quá cho tương lai, cơn hoảng loạn kéo dài vài tuần hay nỗi sợ hãi đối với những điều cụ thể, nhỏ nhặt…

Tương tự, trầm cảm cũng xuất hiện những triệu chứng đa dạng ở mỗi cá nhân như: mất tinh thần kéo dài trên 2 tuần, tuyệt vọng, mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, ăn uống không kiểm soát hoặc biếng ăn, ngủ nhiều hơn bình thường hoặc mất ngủ, có ý nghĩ tự sát hay muốn làm hại chính mình…

6. NHỮNG NGƯỜI MẮC BỆNH CÓ THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC TÌNH TRẠNG BỆNH CỦA MÌNH?

Winfried Sedhoff (một bác sĩ gia đình chuyên điều trị bệnh tâm thần ở Brisbane, Úc) cảnh báo: Người bệnh thường chủ quan về sự bất ổn tinh thần của mình cho đến khi họ bắt buộc phải điều trị do thường xuyên đau ngực, chóng mặt, mệt mỏi, liên tục căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, lo lắng quá mức… Như vậy, không phải ai cũng nhận thức được rằng mình đang rơi vào trạng thái trầm cảm hay rối loạn lo âu cho đến khi có người chỉ ra cho họ.

7. RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM CÓ THỂ TỰ ĐIỀU TRỊ?

Rối loạn lo âu và trầm cảm nên được xem là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được theo dõi và chăm sóc hợp lý. Cho dù bệnh nhân đang dùng thuốc hay trị liệu tâm lý cùng bác sĩ, họ thật sự cần nhiều thời gian để thay đổi suy nghĩ, củng cố niềm tin và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực.

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, tình trạng bệnh của khoảng một nửa số bệnh nhân được cải thiện đáng kể sau 15 ‒ 20 buổi trị liệu. Vì vậy, nếu mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm, bạn cần kiên nhẫn và tin tưởng vào hiệu quả của các phương pháp điều trị.

8. RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM CHỦ YẾU DO DI TRUYỀN?

Nhiều người tin rằng rối loạn lo âu và trầm cảm là do di truyền. Tuy nhiên, đây là một niềm tin sai lầm. Hiện tại, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều yếu tố khác liên quan đến 2 bệnh lý này, bao gồm: bất thường sinh lý não, mất cân bằng hormone (thường gặp ở phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, người bị bất thường tuyến giáp), rối loạn chất dẫn truyền thần kinh…

9. NHỮNG NGƯỜI BỊ BỆNH CHỈ ĐANG CƯỜNG ĐIỆU HÓA VẤN ĐỀ CỦA MÌNH?

Rối loạn lo âu và trầm cảm không phải là những cảm xúc tiêu cực nhất thời mà là vấn đề sức khỏe lâu dài với các triệu chứng cụ thể. Những người mắc phải 2 bệnh lý này không hề yếu đuối, kém cỏi hay cố tình cường điệu hóa vấn đề. Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn thấu hiểu hơn và sẵn sàng giúp đỡ họ vượt qua những giai đoạn khó khăn.

10. RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM SẼ TỰ BIẾN MẤT?

Rối loạn lo âu và trầm cảm không thể tự biến mất. Tùy thuộc mức độ bệnh lý, người bệnh cần được thường xuyên theo dõi và điều trị bằng thuốc cũng như tham gia các buổi trị liệu tâm lý.

Khi có hiểu biết đúng đắn về 2 bệnh lý này, bạn sẽ tự tin, chủ động hơn trong việc nuôi dưỡng, chữa lành cảm xúc sâu thẳm trong trái tim mình, đồng thời biết cách nâng đỡ tinh thần của những người thân yêu.

Có thể bạn muốn xem