Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm măng chua Piềng Cú
Khu sản xuất măng chua Piềng Cú của tổ hợp tác sản xuất măng chua Tân Thành, xã Phú Nghiêm.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện Quan Hóa và xã Phú Nghiêm đã lựa chọn măng chua - sản phẩm gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào Thái địa phương để phát triển thành sản phẩm OCOP năm 2022. Ông Phạm Bá Tân, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất măng chua Tân Thành, xã Phú Nghiêm, cho biết: Với nhiều nét văn hóa truyền thống và hương vị đặc trưng của sản phẩm măng chua tại địa phương, UBND xã đã lựa chọn sản phẩm này để phát triển thành sản phẩm OCOP. Vì vậy, tháng 8-2021, 8 hộ gia đình sản xuất măng chua có quy mô lớn tại bản Chăm, xã Phú Nghiêm đã liên kết, thành lập tổ hợp tác sản xuất măng chua Tân Thành. Chúng tôi thống nhất lấy tên gọi măng chua Piềng Cú để làm nhãn hiệu thương mại cho sản phẩm của địa phương.
Trao đổi với các thành viên trong tổ hợp tác được biết, nhãn hiệu Piềng Cú bắt nguồn từ nguồn gốc, địa điểm là thung lũng Piềng Cú mà người dân thu hái măng rừng. Đây là cánh rừng tre, nứa, luồng có từ xa xưa, nơi không khí trong lành, cách xa khu dân cư, không chịu ảnh hưởng, tác động môi trường sống của con người. Măng ở thung lũng Piềng Cú không chỉ sạch, mà còn giòn, ngọt. Với kinh nghiệm lâu năm, những người phụ nữ xã Phú Nghiêm sẽ biết lựa chọn những cây măng ngon nhất để làm món ăn.
Đang nhanh tay thái măng, chị Bùi Thị Tuyết, thành viên tổ hợp tác, cho biết: Thường người dân địa phương thu hái măng dịp chính vụ từ tháng 6 năm trước đến mùa xuân năm sau. Đây là thời điểm núi rừng đủ độ ẩm, măng sẽ ngon, ngọt. Sau khi thu hái về, măng sẽ được bóc, rửa, để ráo, thái và ngâm nước muối khoảng 8 tiếng để khử độ hăng của măng rừng. Măng đã thái để ráo nước, bỏ vào thùng sạch, đổ ngập nước sôi để nguội với muối, nén chặt. Trung bình 1 mùa, các hộ thành viên trong tổ hợp tác sản xuất măng chua Tân Thành có đủ năng lực cung ứng cho thị trường khoảng 20 tấn măng chua, doanh thu khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 260 triệu đồng.
Do sản xuất với số lượng lớn, măng chua Piềng Cú thường được các thành viên ủ trong các bình có kích thước lớn. Dụng cụ ủ măng luôn được rửa sạch sẽ, tráng qua nước sôi. Khi ủ, măng phải nén chìm dưới nước, để tránh măng bị đen. Măng ủ đúng kỹ thuật, sau một tháng có thể lấy ra ăn. Nhưng để măng thơm, đậm vị, thì thời gian ủ phải từ 6 tháng đến 1 năm. Khi bán, măng thường được chiết sang các bình nhỏ, để thuận tiện cho việc giao dịch đến tay khách hàng.
Được biết, sau khi thành lập tổ hợp tác sản xuất, nhiều đơn hàng đã được ký kết. Tiêu biểu như dịp cuối năm 2021, tổ HTX đã ký hợp đồng với một số điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh trưng bày, tiêu thụ sản phẩm măng chua. Qua đó, lượng sản phẩm ký kết qua hợp đồng đạt khoảng 3,5 tấn.
Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Hiện tại, sản phẩm măng chua Piềng Cú của tổ hợp tác sản xuất Tân Thành, xã Phú Nghiêm được lựa chọn để phát triển thành sản phẩm OCOP năm 2022 của huyện. Do đó, từ cuối năm 2021, huyện đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, liên hệ để trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm ở một số điểm trong huyện và trên địa bàn tỉnh. Để vươn tới chất lượng và danh hiệu OCOP, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ tổ hợp tác hoàn thiện quy trình chất lượng và hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Đồng thời, tạo điều kiện để sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá, để góp phần hỗ trợ sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Lê Hòa