Sử dụng muối trong pha chế cocktail: Tại sao không?
Không chỉ tạo viền trên các ly cocktail như margarita, muối còn mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho các món đồ uống có cồn. Sử dụng muối trong pha chế cocktail thế nào? Công dụng mang lại ra sao? Cần lưu ý gì?... Để GTOP.vn giúp bạn giải đáp nhé!
Bạn đã từng sử dụng muối trong pha chế cocktail chưa?
Sử dụng muối trong pha chế cocktail mang lại tác dụng gì?
Nếu để ý, sẽ có khá nhiều công thức pha chế cocktail hướng dẫn thêm muối vào stir, shake, throwing… cùng các nguyên liệu khác. Tại sao vậy?
Tác dụng lớn nhất và quan trọng nhất khi sử dụng muối trong pha chế chính là giúp cân bằng vị, đồng thời xúc tác mạnh mẽ hương vị đặc trưng của đồ uống. Theo Bartender chuyên nghiệp, muối chứa các nguyên tử sodium giúp ngăn hoặc giảm vị đắng, làm bật lên vị ngọt và chua. Điển hình như các món nước ép cam, chanh, bưởi… việc cho muối vào khi pha chế giúp thực khách cảm nhận được vị chua và ngọt thanh, thay vì đắng, chát. Cứ thế, tùy theo yêu cầu và mức độ đắng của thức uống, nhân viên pha chế sẽ thêm vào lượng muối (vị mặn) phù hợp để điều chỉnh hương vị.
Mặt khác, tạo vòng muối trên viền ly cũng là một cách trang trí độc đáo và thú vị.
Sử dụng muối trong pha chế cocktail thế nào?
Bartender có thể thêm muối trần trực tiếp vào trong quá trình pha chế. Lưu ý chỉ sử dụng một lượng cực nhỏ, tuyệt đối không để quá tay sẽ làm hỏng vị của đồ uống.
Một cách hữu ích khác để tránh “tai nạn” không mong muốn trên đây, hãy pha loãng muối với nước lọc theo tỷ lệ 2g muối : 80ml nước. Khi cần thêm muối vào đồ uống, chỉ việc cho khoảng 2-4 giọt là được.
Muối có thể được cho trực tiếp vào đồ uống hoặc pha loãng với nước (Ảnh minh họa)
Không phải công thức pha chế nào cũng hợp với muối!
Vì để giảm độ chua, chát, cân bằng vị, muối được thêm vào các món đồ uống có sử dụng nguyên liệu là cam, chanh, bưởi… và một số công thức khác. Lưu ý rằng, muối không được dùng trong mọi thức uống. Ngoài ra, tùy vào từng kỹ thuật pha chế mà việc thêm muối vào sẽ nhằm mục đích, tạo công dụng khác nhau.
Một số ví dụ điển hình nhất:
+ Với công thức yêu cầu kỹ thuật stir:
Khuấy (stir) đồ uống có muối làm dậy mùi thơm hơn. Khuấy càng đều tay, hương thơm của ly đồ uống càng rõ nét và dễ chịu.
+ Với công thức yêu cầu kỹ thuật shake:
Lắc (Shake) thường được thao tác với các nguyên liệu, cùng đá và muối (nếu có). Khi đó, muối không chỉ làm nhiệm vụ giải phóng mùi thơm, cân bằng vị, nâng tầm hương vị cho món cocktail, khiến cảm nhận về vị trở nên rõ nét, ức chế vị khó chịu như đắng, chát của cam, chanh hay tanh của lòng trắng trứng.
+ Với đồ uống có nguyên liệu là nước có gas:
Thường gặp là đồ uống dạng Long drinks. Sử dụng muối trong các công thức này sẽ làm tăng lượng bong bóng khí tiết ra, tốc độ nhanh và mạnh hơn, từ đó che lấp mùi vị không mong muốn của CO2, trả lại vị tinh khiết, đặc trưng cho ly đồ uống.
Muối còn được cho vào nhiều thức uống khác
Có thể bạn chưa biết, muối cũng có thể được thêm vào nhiều thức uống khác với công dụng bất ngờ:
- Cho muối vào cà phê giúp giảm vị đắng, tăng độ thanh, đồng thời không làm tăng thêm calo cho ly đồ uống như thêm đường. Muối có thể được cho vào sau khi pha cà phê xong rồi khuấy đều hoặc cho vào bột trước khi pha đều được.
- Rượu vang sau khi lấy ra khỏi tủ, trước khi uống, cho một lượng rất nhỏ muối vào sẽ khiến rượu êm và cân bằng vị hơn.
- Cho muối vào trà (điển hình là trà đen) giúp làm dịu vị đắng chát, tạo kháng sinh (trong trà xanh) thay vì cho sữa sẽ làm giảm tác dụng của trà…
Ngoài cocktail, muối còn được thêm vào nhiều thức uống khác cũng cho tác dụng giảm vị đắng, dậy mùi
Thay vì đổ bỏ những ly cocktail không trọn vị do đắng, chát quá hay nhạt do nguyên liệu không đạt… sao không thử thêm muối vào để “chữa cháy”, cân bằng và xúc tác vị? Sử dụng muối trong pha chế cocktail không lạ nhưng sử dụng để làm gì, sử dụng thế nào thì không phải Bartender trẻ nào cũng biết. Hy vọng bài viết hôm nay hữu ích với bạn!