Mê mải mùa vàng ở La Pán Tẩn
Mê mải mùa vàng ở La Pán Tẩn
Những thửa ruộng bậc thang ở đây thực sự làm mê đắm lòng người, nhất là vào mùa lúa chín hoặc mùa nước đổ.
La Pán Tẩn là xã nhỏ cách Mù Cang Chải chừng 16km. Chỉ tên gọi La Pán Tẩn thực sự đã gây ấn tượng. Chúng tôi đi từ Hà Nội từ buổi sáng, đến được La Pán Tẩn thi cũng vừa chiều. Con đường đi qua đèo Khâu Phạ đẹp đến độ không vội đi, còn dừng lại những điểm dừng chân để ngắm ngọn đèo uốn lượn, còn đến khu vực bay dù lượn để thỏa mắt nhìn những chiếc dù bay trên cao. Lý do chúng tôi chọn ở lại La Pán Tẩn vì nơi đây gần các ruộng bậc thang nổi danh ở Mù Cang Chải. La Pán Tẩn nhỏ xíu, con đường đi ngang “chênh vênh’ đi dăm chục mét là hết phố.
Ngày mùa ở La Pán Tẩn
Đêm ở La Pán Tẩn rất buồn, gần như không có phương tiện giải trí gì, quán cà phê đã đóng cửa từ chiều và quán nhậu cũng không có luôn. Ở đây ít chỗ nghỉ lại, tuy nhiên, homestay chúng tôi ở thực sự rất tuyệt. Homestay có dãy phòng bên dưới cho khách ở riêng, còn bên trên là hai phòng tập thể, mỗi phòng chứa một lúc khoảng 20 người. Ở La Pán Tẩn như thế là sang lắm rồi.
Ở homestay có nấu cơm luôn cho khách. Hôm đó, chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn đặc sắc mang hương vị núi rừng với cá nướng, mặng rừng kho thịt heo rừng, măng chua, thịt gà kho sả, canh và món cào cào ram. Món cào cào với những con cào cào bé tí, bỏ vào miệng giòn rụm là món ăn lạ, ngon, khác với các món ăn côn trùng ở Campuchia.
Buổi chiều ra khu phố, chen vào khu chợ thì chợ đã đóng cửa dù mới 5 giờ chiều, chỉ có vài hàng tạp hóa bán các trang phục dân tộc và đồ gia dụng gọi mời. Con phố buồn buồn, có những con bò thả rông đi chậm, những con dốc dẫn tới các khu ruộng bậc thang vắng dấu chân người.
La Pán Tẩn có hai tộc người sinh sống là người Thái và H’Mông, nhưng người Thái làm lúa nước dưới thung lũng, còn người H’Mông thì tạo ra ruộng bậc thang.
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải cách La Pán Tẩn không xa. Để đến đây, bạn có thể thuê xe thồ do chính các thanh niên người H’Mông túc trực để chở khách tham quan. Họ tương đối hiền lành, không chèo kéo khách, chỉ chờ đợi khách kêu với giá quy định. La Pán Tẩn ở độ cao 2000 mét và có tới 700 hecta ruộng bậc thang. Cứ đi trên cung đường uốn lượn qua đây, những thửa ruộng bậc thang dẫu trong mùa lúa chín hay mùa nước đổ đều là cảnh quan tuyệt đẹp làm nao lòng du khách.
Mờ sáng, các anh xe thồ đã đợi trước khách sạn, những anh dân tộc H’Mông không hiểu hết tiếng Việt, trao đổi với nhau bằng tiếng bản địa, cứ gật đầu khi nghe chúng tôi nói dẫu “ngôn ngữ bất đồng”.
Cuộc hành trình quả thật là một cảm giác thót tim. Con đường lượn theo núi, có khi chúi xuống thung lũng, xoay một vòng cua góc 45 độ. Chiếc xe lên dốc vào số một thì chồm lên, còn thả dốc giống như đang lao. Anh xe thồ giải thích là bây giờ con đường đã đổ xi măng rộng hơn 1m cho nên dễ đi, còn ngày xưa thì chỉ là đường đất, còn đáng sợ hơn nữa. Đến đồi Mâm xôi, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Đồi Mâm xôi
Trên con đường khi dừng ở các thửa ruộng ở La Pán Tẩn, đã chộn rộn muốn dừng chân, chỉ để nhìn ngắm. Rồi theo chân những người đi trước, leo xuống thung lũng, đi qua những thửa ruộng tam giác mạch do người dân trồng, bán vé chụp hình 10 ngàn/ ngườ i- thuê chiếc gùi có trong đó những bông hoa dại giá 10 ngàn và bộ đồ dân tộc 30 ngàn là đã có thể hóa thân thành người dân tộc H’Mông để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồi Mâm xôi và bạt ngàn ruộng lúa.
Đồi Mâm xôi huyền thoại đang óng ả bởi vào mùa lúa chín đã ở phía trước, và tất nhiên khi đã đi là đi tới tận cùng, tôi lên tận cái “mâm xôi” đó và lưu lại những hình ảnh đẹp. Bên cạnh du khách, có những người chủ của các thửa ruộng, dặn dò xin đừng đạp lúa - vì niềm vui của người này chính là cuộc mưu sinh của người kia.
Ngắm nhìn những ruộng bậc thang, chụp những tấm hình đủ thỏa lòng cho một đêm ngủ ở La Pán Tẩn.