Caffeine trong cafe-cacao và các loại trà có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta?
Trên thực tế, caffeine chứa trong cafe có thể gây nên những ảnh hưởng đáng kinh ngạc tới giấc ngủ của chúng ta. Những ảnh hưởng này (có hại) đã làm mình rất bất ngờ khi được nghe tới lần đầu. Cùng mình khám phá nhé!
Đầu tiên thì, CAFFEINE là gì?
Caffeine, được gọi theo tiếng latin là cà phê in, theine, mateine, guaranine, methyltheobromine hay 1,3,7-trimethylxanthine, là một xanthine ancaloit có thể tìm thấy được trong các loại hạt cà phê, chè, hạt cola, quả guarana và ca cao.
Công thức phân tử: C8H10N4O2.
=> Hiểu đơn giản, nó là chất kích thích được tìm thấy trong các loại thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm khác; và thường được sử dụng để giúp chúng ta tỉnh táo.
Caffeine thuộc 1 nhóm hoạt chất kích thích thần kinh (psychoactive stimulants).
Nó có khả năng đánh thức chúng ta. Nhưng caffeine còn có 2 tính chất ngầm khác mà rất ít người biết. Đó là:
1. Thời lượng tác dụng của Caffeine
Đối với một người trưởng thành, caffeine sẽ có 1 chu kỳ bán phân (half-life) kéo dài từ 5-6 tiếng. Sau khoảng thời gian này kể từ khi tiêu thụ caffeine vào cơ thể, còn đến 50% lượng caffeine bạn đã uống, vẫn còn tuần hoàn trong cơ thể chúng ta.
Chưa hết, caffeine còn hoạt động theo chu kỳ tứ phân (quarter-life) diễn ra từ 10-12 tiếng.
Tức là nếu bạn uống 1 ly cafe vào 2h chiều, thì khả năng cao là đến giữa đêm đó bạn vẫn sẽ phải trằn trọc khó ngủ, hoặc ngủ không được ngon giấc vì 50% lượng caffeine đó vẫn còn trong cơ thể.
Điều này dẫn đến kết quả là không chỉ khiến 1 cá nhân khó rơi vào giấc ngủ, mà còn không được ngon giấc trong suốt quá trình ở trạng thái nghỉ ngơi nữa đấy.
2. Caffeine thay đổi chất lượng giấc ngủ của chúng ta
Kể cả khi một người có thể uống cafe trước khi đi ngủ nhưng vẫn ngủ được dễ dàng, thì sự thật là Caffeine vẫn sẽ làm giảm khoảng thời gian ngủ sâu (ngủ với chuyển động mắt không nhanh (non-REM) mà ta có).
Khoảng thời gian này thuộc giai đoạn thứ 3 và 4 của giấc ngủ, và cũng chính là giai đoạn ngủ sâu mang tính hồi phục. Vậy nên có thể bạn uống cafe và vẫn chìm vào giấc ngủ được, nhưng sáng hôm sau khi thức dậy lại không cảm thấy tươi tỉnh, hồi phục.
Theo tiến sĩ khoa học chuyên nghiên cứu về giấc ngủ Matt Walker, "Có thể bạn không nhớ việc bản thân đã vật lộn để chìm vào giấc ngủ như thế nào, hay cảm giác mệt mỏi thiếu năng lượng sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng; nhưng có thể bạn sẽ nhớ cảm giác không thể tỉnh táo nổi khi chỉ uống 1 ly cafe, mà cần đến 2 ly mới đủ."
Hy vọng rằng những thông tin này có thể giúp chúng ta cân nhắc để lựa chọn thật sáng suốt cho việc cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Vì một giấc ngủ chất lượng chắc chắn là một phần không thể thiếu của một lối sống "healthy và balance" đúng không nào?
Nguồn:
Matt Walker. How caffeine and alcohol affect your sleep | Sleeping with Science, a TED series (2020):
https://www.youtube.com/watch?v=KQ9FfzMKBNc
Wikipedia. Caffeine:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Cafein
Nguồn ảnh: Pinterest.
Cre: Thảo Nhi (Group: Maybe You Missed This F***king News)