Cách làm bánh tro (bánh ú) truyền thống chấm mật mía ngày Tết Đoan ngọ
Thứ Tư, ngày 01/06/2022 01:00 AM (GMT+7)
Hãy cùng học cách làm bánh tro (bánh gio, bánh ú) ngon tại nhà chỉ với vài bước đơn giản để mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ - mùng 5 tháng 5 thêm đủ đầy.
1. Bánh tro là bánh gì?
Bánh tro hay còn được biết đến với 3 tên gọi là bánh gio, bánh ú tro hay bánh nẳng. Cách làm bánh tro cũng không khó. Loại bánh này được làm từ gạo nếp ngâm trong nước tro sau đó dùng lá tre gói lại và đem luộc chín.
Có rất nhiều tài liệu nói về nguồn gốc của bánh tro. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều đồng tình với quan điểm loại bánh này bắt nguồn từ vùng Quảng Đông, Trung Quốc.
Bánh tro là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ
Bánh tro của người Trung Quốc sẽ có nhân mặn, nhân ngọt nhưng khi vào nước ta, loại bánh này được biến đổi để phù hợp với khẩu vị, văn hóa người Việt. Bánh tro truyền thống sẽ không có nhân và được làm rất nhạt để chấm cùng với mật mía.
Trước đây, bánh tro nổi tiếng nhất là làng Cò ở Bắc Giang. Sau này lan rộng ra khắp các vùng miền, mỗi nơi sẽ có những thay đổi phù hợp với khẩu vị của người bản địa.
2. Học cách làm bánh tro (bánh ú) ngon tròn vị
Thoạt nghe tưởng chừng cách làm bánh tro rất khó nhưng thực tế lại cực kỳ đơn giản. Cùng với Bếp Eva khám phá công thức làm bánh tro ngay sau đây:
Nguyên liệu cần có
- Gạo nếp cái hoa vàng ngon: 500g
- Nước tro
- Lá dong (Bánh tro sẽ ngon và chuẩn vị hơn khi bạn sử dụng lá tre để gói)
- Muối
- Mật mía
- Dây lạt buộc bánh
Nếp cái hoa vàng là loại gạo được dùng để gói bánh tro
* Mẹo hay: Hiện nay có rất nhiều loại gạo nếp để làm bánh tuy nhiên muốn bánh tro ngon thì nhất định phải chọn nếp cái hoa vàng. Loại gạo này có hạt tròn, dẹt màu vàng nâu hơi sẫm. Chỉ khi bạn chọn nếp cái hoa vàng thì bánh mới thơm, dẻo ngon đúng ý. Bánh làm từ loại gạo này cũng tỏa mùi thơm đặc trưng khiến bạn muốn ăn mãi không ngừng.
Cách làm bánh tro truyền thống
Bước 1: Làm nước tro
Nước tro là phần vô cùng quan trọng quyết định đến thành công của món bánh tro.
Bạn sử dụng loại tro có bán sẵn đem về hòa với vôi tôi, để chừng 2 tiếng để vôi lắng xuống thì gạn lấy phần nước trong.
Chú ý, nên đổ phần nước này qua khăn lọc để loại bỏ toàn bộ các cặn bẩn còn sót lại. Nước tro vì thế cũng trong và bớt sạn.
Ngoài ra, bạn nên pha theo tỉ lệ phù hợp để nước tro không bị quá nồng mùi vôi nhé. Thường cứ 10g vôi bột sẽ pha với 1 lít nước.
Bước 2: Ngâm gạo
- Cho phần gạo nếp đã chuẩn bị đi vo thật sạch sau đó trút vào chậu nước ngâm khoảng 22 tiếng. Để biết gạo đã đạt chuẩn hay chưa, bạn chỉ cần dùng tay xiết nhẹ, nếu thấy gạo vỡ ra là được.
- Gạo đã ngâm xong, bạn vớt ra rổ cho ráo nước rồi xóc thêm 1 chút muối như thế bánh khi chín sẽ đậm vị hơn.
Ngâm gạo trong nước tro đến khi chạm vào hạt gạo vỡ ra là được
Bước 3: Gói bánh
- Lá dong rửa sạch, lau khô sau đó loại bỏ hết phần cuống cùng gân lá để lúc gói không bị giòn, gãy.
- Đặt lá dong vào một mặt phẳng sau đó rải gạo lên bên trên. Chú ý, nên rải gạo 1 lượng bằng 2 ngón tay là đẹp.
- Dùng tay gói mép lá với nhau, gấp vuông 2 đầu lá sau đó dùng lạt buộc bánh lại cho thật chắc. Ở bước này, bạn phải gói lạt sao cho bánh chắc, không bị rời ra.
Bước 4: Luộc bánh tro
- Xếp 1 lớp lá dong xuống dưới đáy nồi rồi lần lượt cho bánh lên trên. Đổ nước lã ngập mặt bánh và bắt đầu luộc.
Vì bánh khá nhỏ nên dễ bị nổi lên trên, khó chín đều. Bạn nên đặt vật nặng lên bên trên bánh như thế sẽ tránh được tình trạng trên.
- Bánh tro sẽ chín sau khoảng 2 - 3 tiếng luộc. Lúc này, bạn chỉ cần vớt bánh ra rồi để nguội và thưởng thức là được.
Bước 5: Thành phẩm
Bánh tro chín trong màu hổ phách, khi ăn cảm nhận rõ mùi thơm dẻo của nếp cái hoa vàng
- Bánh tro sau khi nguội là có thể bóc ra và thưởng thức rồi. Bánh dẻo dai, thơm mềm, trong vắt. Khi ăn cảm nhận được cảm giác mát lạnh. Nhờ ngâm nước tro nên bánh có màu hổ phách cực kỳ bắt mắt.
- Bạn nên chấm bánh tro cùng với mật mía để món bánh này thêm ngon và đậm đà hơn.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cach-lam-banh-tro-banh-u-truyen-thong-cham-mat-mia-ngay-tet-do...Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cach-lam-banh-tro-banh-u-truyen-thong-cham-mat-mia-ngay-tet-doan-ngo-172220530161819847.htm
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Tết Đoan Ngọ, mạng xã hội lại ngập tràn các mâm cỗ cúng "giết sâu bọ" của hội chị em.