Về Vĩnh Long thưởng thức bánh tráng thanh long Cù Lao Mây cực ngon miệng và lạ mắt
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây đã tồn tại hơn 100 năm. Đến nay, làng nghề cho ra đời nhiều loại bánh tráng mới lạ, trong đó, bánh tráng thanh long Cù Lao Mây được nhiều người yêu thích bởi vẻ ngoài độc đáo, vị ngon mới mẻ.
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây
Bánh tráng vẫn được xem là một trong những món đặc sản của người dân miền Tây bởi vị ngon đặc trưng, dân dã. Đây cũng là món ăn được nhiều người lựa chọn mang về làm quà.
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây nổi tiếng tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Tintucmientay
Tại ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có làng nghề bánh tráng mang tên Cù Lao Mây. Bánh tráng thanh long Cù Lao Mây cũng xuất phát từ chính làng nghề này. Hình thành từ cách đây hơn 100 năm, đến nay, làng nghề vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển.
Ở làng nghề này có hơn 70 hộ gia đình làm bánh tráng. Ảnh: mydongnai
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là vào dịp Tết. Thời điểm này, người dân làng nghề đều hối hả, phục vụ hàng nghìn chiếc bánh tráng phục vụ thị trường.
Tại làng nghề này, có hơn 70 hộ chuyên làm nghề bánh tráng, trong đó có gia đình 3-4 đời vẫn truyền nhau giữ lửa nghề. Theo người dân nơi này, dù lợi nhuận không cao nhưng ngày nào cũng bán hết bánh ngày đó nên ai cũng muốn gắn bó với nghề truyền thống này.
Những chiếc bánh tráng được đóng gói và bán ra thị trường của làng nghề. Ảnh: tintucmientay
Bánh tráng tại làng nghề Cù Lao Mây vẫn giữ phương pháp sản xuất thủ công. Nguyên liệu chính làm bánh được chọn từ gạo hạt tròn. Nhờ đó mà bột làm bánh sẽ có màu trắng tinh, sáng mịn và thơm.
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009.
>>Xem thêm: Vĩnh Long có gì để chơi? Xin thưa Vĩnh Long có những toạ độ check-in hiếm có khó tìm đẹp mê mẩn
Bánh tráng thanh long lạ mắt tại Cù Lao Mây
Hai sản phẩm đặc trưng của làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây là bánh tráng dẻo và bánh tráng ớt. Tuy nhiên, qua thời gian, người dân làng nghề không ngừng sáng tạo, cải tiến sản phẩm, lần lượt cho ra đời nhiều loại bánh tráng mới lạ, hấp dẫn hơn, với đầy đủ mùi vị khác nhau như bánh tráng nem, bánh tráng sữa, bánh tráng mặn, bánh tráng ngọt, bánh tráng ớt, bánh tráng nướng... Với đa dạng loại bánh tráng, tới đây, du khách không chỉ mua dùng mà còn quà biếu mang về.
Quá trình làm bánh là cả một nghệ thuật. Ảnh: Báo Vĩnh Long
Trong đó, bánh tráng thanh long Cù Lao Mây đang được chú ý hơn cả. Muốn sáng tạo bánh tráng để làm mới làng nghề cũng như phục vụ nhu cầu thị hiếu, bà Trần Thị Thúy Liễu (60 tuổi) cho ra đời loại bánh tráng bắt mắt, ngon miệng có tên bánh tráng thanh long Cù Lao Mây.
Bánh tráng thong long Cù Lao Mây có màu sắc bắt mắt. Ảnh: Minh Chơn
Được biết, bà Liễu đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề làm bánh tráng và cũng sáng tạo ra nhiều loại bánh tráng trước đó như bánh tráng tôm, bánh tráng ớt...
Bánh tráng thanh long Cù Lao Mây đến với bà Liễu hết sức tình cờ. Đó là vào khoảng tháng 4/2020, khi ấy đang ngồi ăn thanh long, bà liền cảm thấy màu tím của thanh long rất đẹp và vị mát thanh ngon. Vì vậy, bà quyết định biến thanh long thành vị bánh tráng mới.
Bánh tráng xong phải đem đi phơi ngay. Ảnh: Minh Chơn
Bánh tráng thanh long Cù Lao Mây vẫn được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc. Đó là gạo, mè, nước cốt dừa… nhưng kết hợp thêm với thanh long để màu sắc đẹp mắt hơn, hương vị độc đáo hơn.
Thanh long làm báng tráng cũng được chọn lựa kỹ lưỡng. Để bánh tráng có màu đẹp mắt và ngon, thanh long phải có ruột đỏ, to, nặng từ 1kg/quả. Bởi nếu cho ít thanh long thì màu bánh sẽ không đẹp.
Đĩa bánh tráng ướt được làm từ thanh long thơm phức, bắt mắt. Ảnh: Báo Vĩnh Long
Sau khi mua về, lột vỏ thanh long, cắt nhỏ trộn chung với nước đường, xay nhuyễn ra, rồi đem nấu sôi. Cách này để bánh tráng được bảo quản lâu hơn. Theo chia sẻ của bà Liễu, cứ 2 - 2,2kg thanh long tươi sẽ trộn được với 3kg bột.
Thanh long chọn làm bánh được lựa chọn hết sức cẩn thận. Ảnh: tradekorea
Đến phần bột cũng phải trộn cẩn thận, tỉ mỉ rồi đem đi tráng. Khâu tráng bánh phải chú ý lửa nếu không bánh sẽ bị giòn quá, cứng, khó ăn. Bánh tráng xong phải đem đi phơi ngay, thời gian phơi lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Thường bánh tráng thanh long Cù Lao Mây được phơi trong vòng 3 tiếng, nếu trời nắng gắt thì thời gian rút ngắn còn 2 tiếng.
Thanh long được xay nhuyễn rồi đem nấu sôi. Ảnh: Minh Chơn
Bánh tráng thanh long Cù Lao Mây có hương vị rất mới mẻ, là sự hòa trộn hài hòa giữa vị béo ngọt lẫn vị hơi chua của thanh long. Chính bởi mùi vị độc đáo, loại bánh này được nhiều du khách yêu thích.
Kinh nghiệm đến Vĩnh Long thăm làng nghề bánh tráng
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây thuộc tỉnh Vĩnh Long - một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long cách trung tâm TP.HCM khoảng 140km, không quá xa nên thuận tiện cho việc đi lại.
Thanh long được xay nhuyễn rồi đem nấu sôi. Ảnh: Minh ChơnVĩnh Long có nhiều điểm du lịch níu chân du khách. Ảnh: Vietfun travel
Từ TP.HCM bạn có thể đi xe khách hoặc xe máy tới Vĩnh Long. Nếu di chuyển bằng xe khách, bạn tham khảo các hãng xe Phú Vĩnh long, Phương Trang, Thành Bưởi…Giá vé dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/người/lượt.
Còn nếu đi xe máy, lộ trình gợi ý như sau: Theo quốc lộ 1A đến Bình Trị Đông A. Đi theo hướng đường Tân Tạo đến Chợ Đệm rồi theo hướng đường Hồ Chí Minh – Trung Lương và bạn sẽ đến thành phố Vĩnh Long.
Từ Hà Nội, khách du lịch Vĩnh Long có thể đi xe khách, đi tàu, đi máy bay vào TP.HCM. Từ TP.HCM, bạn di chuyển theo gợi ý như trên.
Ở Trà Ôn có chợ nổi nổi tiếng miền Tây. Ảnh: tuilanguoimientay
Ở Vĩnh Long, bên cạnh nhiều địa điểm nổi tiếng như chợ nổi Trà Ôn, cầu Mỹ Thuận, Khu du lịch Trường Huy... bạn có thể ghé thăm làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây để thưởng thức món bánh tráng thanh long Cù Lao Mây thơm ngon, lạ miệng.
Yến Yến
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)