Tục cầu may ở các chùa Sài Gòn

Tục cầu may ở các chùa Sài Gòn TP HCMNgười ta tin rằng, đi chùa Ôn Lăng "đánh kẻ tiểu nhân" hay đến chùa Ông chui qua bụng ngựa sẽ mang đến tài lộc, may mắn. Các tập tục dưới đây được người dân Sài Gòn thực hiện từ lâu đời, một số du nhập từ văn hóa thờ cúng nước ngoài, tuy nhiên một số tập tục tự phát, không giống với nơi xuất xứ.Đánh kẻ tiểu nhânCộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn thường đến Hội quán Ôn Lăng (quận 5) để thực hiện "đánh kẻ tiểu nhân" vào tiết Kinh Trập, khoảng ngày 5 hoặc 6/3. Theo quan niệm của người Hoa, ngày này là thời gian hoành hành của "kẻ tiểu nhân", các thế lực xấu trong xã hội hoặc điều xấu trong lòng con người, vì thế cần phải đuổi đánh để đề phòng chúng gây họa.Ở Hội quán Ôn Lăng, một số...

TP HCMNgười ta tin rằng, đi chùa Ôn Lăng "đánh kẻ tiểu nhân" hay đến chùa Ông chui qua bụng ngựa sẽ mang đến tài lộc, may mắn.

Các tập tục dưới đây được người dân Sài Gòn thực hiện từ lâu đời, một số du nhập từ văn hóa thờ cúng nước ngoài, tuy nhiên một số tập tục tự phát, không giống với nơi xuất xứ.

Đánh kẻ tiểu nhân

Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn thường đến Hội quán Ôn Lăng (quận 5) để thực hiện "đánh kẻ tiểu nhân" vào tiết Kinh Trập, khoảng ngày 5 hoặc 6/3. Theo quan niệm của người Hoa, ngày này là thời gian hoành hành của "kẻ tiểu nhân", các thế lực xấu trong xã hội hoặc điều xấu trong lòng con người, vì thế cần phải đuổi đánh để đề phòng chúng gây họa.

Ở Hội quán Ôn Lăng, một số thành viên trong chùa sẽ giúp người đi lễ thực hiện tập tục, với giá 10.000 - 20.000 đồng. Họ cắt những hình nhân bằng giấy mỏng, trên giấy ghi thông tin người cần làm lễ hoặc không viết gì, rồi khấn bằng tiếng Hoa. Sau đó, người làm lễ dùng giày dép đập liên tục vào các hình nhân dưới đất. Họ tin rằng "kẻ tiểu nhân" bị đánh đau sẽ không hại người.

Ngày nay, tục lệ không chỉ diễn ra đúng ngày Kinh Trập và dần được nhiều người Sài Gòn đón nhận, để giải tỏa phiền muộn, lo lắng. Đây cũng là tập tục khá phổ biến ở Hong Kong.

Tục đánh kẻ tiểu nhân ở chùa Ôn Lăng (quận 5). Ảnh: Tâm Linh

Tục "đánh kẻ tiểu nhân" ở chùa Ôn Lăng (quận 5). Ảnh: Tâm Linh

Chui qua bụng ngựa

Sau khi thắp hương ở bàn thờ các vị thánh thần, khách viếng chùa Ông (quận 5) thường tìm đến gian thờ có tượng ngựa gỗ cao hơn đầu người. Tại đây, mỗi người cúi rạp người chui qua bụng ngựa 1 – 3 lần, rồi đứng lên lắc quả chuông trên cổ ngựa gỗ cho phát tiếng kêu vang. Đây là tập tục nổi tiếng ở chùa Ông, do người gốc Hoa quan niệm sẽ mang đến may mắn, lộc tài. Không chỉ chui qua bụng ngựa và rung chuông, khách lễ chùa còn sờ vuốt tượng ngựa, mong muốn có thêm lộc và sức khỏe.

Tượng ngựa gỗ được thờ là ngựa Xích Thố, được biết đến trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" (Trung Quốc). Xích Thố được mô tả trong truyện là dài một trượng (khoảng 4,7 mét), cao tám thước (8m), có lông màu đỏ rực như lửa, chạy nhanh như bay, vượt mọi địa hình. Với đặc điểm này, chiến mã có công giúp chủ nhân đánh thắng nhiều trận, sau này được người đời thờ cúng.

Tập tục chui qua bụng ngựa thường xuất hiện tại các đền, chùa, miếu thờ Quan Công, một vị tướng võ nghệ vang danh thời Tam Quốc, thường gọi là chùa Ông ở các địa phương. Một số ngôi chùa Ông nổi tiếng ở miền Nam tọa lạc ở quận 5 (TP HCM), TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), TP. Phan Thiết (Bình Thuận)... Chùa Ông ở TP HCM còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Hội quán Nghĩa An, do người Hoa xây dựng.

Thì thầm vào tường và sờ vuốt tượng sư tử

Người đi lễ đền Bà Mariamman (đường Trương Định, quận 1) sau khi dâng cúng, thường đi vào phía sau đền, úp mặt vào tường bên cạnh hoặc phía sau điện thờ, hai bàn tay chạm vào mặt đá và nhắm mắt cầu nguyện trong vài phút. Đây là cách thức cầu nguyện của các tín đồ Hindu giáo (Ấn Độ).

Điện thờ được tạo khắc từ các phiến đá nguồn gốc vùng núi cao miền Nam Ấn Độ, được cho là linh thiêng. Do vậy, người cầu nguyện tin rằng những lời tâm sự vào bức tường đá sẽ được thần linh nghe thấy và phù trợ cho họ đạt được mong ước. Ai vào đền cũng có thể thực hiện lễ nghi này, không riêng người theo đạo Hindu.

Cách cầu nguyện này còn được người dân thực hiện tại tượng sư tử đá cạnh cửa chính đền. Ngoài việc áp tay vào sư tử, nhiều người còn liên tục sờ vào tượng rồi vuốt lên thân thể với niềm tin mang đến sức khỏe và tiêu trừ muộn phiền trong lòng. Sư tử có tên Simha Vahanam, linh vật cưỡi của nữ thần Mariamman, được cho là có sức mạnh linh thiêng trong tôn giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhân viên người Việt gốc Ấn ở đền cho biết tục sờ vuốt tượng là do người dân địa phương tự phát thực hiện, không liên quan đến nghi lễ tôn giáo Hindu.

Đền Bà Mariamman ban đầu chỉ dành riêng cho cộng đồng người Ấn ở Sài Gòn, sau này mở cửa cho mọi người dân và trở thành một trong những điểm tham quan hút khách ở trung tâm thành phố. Trong văn hóa Ấn Độ không đón Tết Nguyên đán trùng với Việt Nam, nhưng ngôi đền vẫn chào đón đông khách đến cầu nguyện vào dịp này.

Các ngôi chùa ở TP HCM khuyến khích khách đi lễ chỉ dâng một nén hương để giảm ô nhiễm không khí và đề phòng cháy nổ. Một số chùa không khách cho sờ vào tượng. Khách được yêu cầu đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi vào chùa để phòng chống Covid-19.

Tâm Linh

Có thể bạn muốn xem