Trường Dục Thanh Bình Thuận – cái nôi của tình yêu nước và tinh thần hiếu học
Bạn yêu những nét cổ kính mang đậm dấu ấn lịch sử vẻ vang một thời của dân tộc thì trường Dục Thanh ở Bình Thuận chính là một địa điểm lý tưởng dành cho bạn.
Giới thiệu về trường Dục Thanh
Trường Dục Thanh, Dục Thanh Học Hiệu hay Giáo Dục Thanh Thiếu Niên là một di tích lịch sử nổi tiếng của Bình Thuận, tọa lạc tại số 39 đường Trung Nhị, bên dòng sông Cà Ty hiền hòa, thuộc phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết.
Ngôi trường cổ kính (Ảnh @laam.hihi_)
Ngôi trường được thành lập vào năm 1907 bởi các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận thời bấy giờ là cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp để hưởng ứng phong trào Duy Tân, với ý nghĩa của tên gọi là “giáo dục thế hệ thanh thiếu niên thức dậy ý thức dân tộc” và được xem là ngôi trường tiến bộ nhất lúc bấy giờ mang danh khắp chốn.
Vào năm 1910, ngôi trường Dục Thanh đã vinh dự được đón tiếp người thanh niên yêu nước vĩ đại nhất dân tộc mang tên Nguyễn Tất Thành trên đường đi tìm đường cứu nước đã dừng chân lại và dạy học tại đây. Đến năm 1975 thì ngôi trường được phục dựng lại và được bảo vệ giữ gìn ở tình trạng tốt nhất cho đến hiện đại.
Kiến trúc trong trường được bảo vệ khá tốt (Ảnh @ma.beebe)
Có thể nói, khu di tích lịch sử này không chỉ đơn giản là một ngôi trường mang đến kiến thức cho học sinh bao thế hệ mà còn là cái nôi của tinh thần hiếu học và có ý nghĩa lớn lao đối với thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước và tầm quan trọng của việc học, vì vậy trong bất kỳ chuyến du lịch Bình Thuận nào thì du khách cũng không thể không đặt chân đến đây.
Kiến trúc ấn tượng của trường Dục Thanh
Khu di tích trường Dục Thanh thu hút du khách ngay từ xa bởi những tòa nhà rêu phong cổ kính lấp ló trong những lùm cây xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng, khéo léo mang đến một nét trầm mặc, hoài niệm tựa như các bộ phim cổ trang hay xem trên tivi vậy.
Không khí trầm mặc bao phủ cả ngôi trường (Ảnh @thaothao.231)
Đặc biệt, dù đã trải qua hơn trăm năm nhưng các công trình ở đây vẫn được bảo vệ nguyên vẹn như thuở ban sơ để du khách có thể cảm nhận được rõ nét nhất không khí mà những người xưa đã từng trải qua. Trong đó, có một số công trình kiến trúc nổi bật mà bạn không nên bỏ qua là:
Lớp học chính (gian nhà lớn)
Đây là tòa nhà lớn nhất tại trường Dục Thanh có kiến trúc mang đậm phong cách Á Đông với mái chéo được lợp ngói đỏ nổi bật, còn tường và các cột trụ thì được dựng bằng gỗ lim bóng loáng, vững chãi bất chấp thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, đem đến cho ta cảm giác vô cùng gần gũi và thân thuộc.
Căn nhà được chia làm 3 không gian, 2 gian để làm phòng học và 1 gian lầu. Cũng như bao lớp học khác, phòng học ở đây cũng có bảng đen ở bên trên và các bộ bàn ghế của học sinh và giáo viên. Điểm độc đáo là tường được thiết kế thành hình tổ ong để dễ dàng lấy ánh sáng tự nhiên của mặt trời, giúp cho việc học trở nên thuận lợi hơn.
Lớp học vừa độc lạ vừa thân thuộc (Ảnh @hoaitran2710)
Nhà Ngư và Ngọa Du Sào
Nhà Ngư là tòa nhà được xây dựng từ năm 1906 bên phải gian nhà chính, chuyên để các học sinh nội trú trong trường nghỉ ngơi. Công trình này không quá lớn nhưng vẫn gây ấn tượng với sự chỉn chu đến từng chi tiết, đem đến cảm giác thoải mái nhất.
Còn Ngọa Du Sào là khu chuyên để tiếp khách và bàn luận chính sự của các sĩ phu yêu nước thời ấy, được xây dựng vào năm 1880. Đây cũng là nơi mà cụ Nguyễn Thông ở những năm tháng cuối đời và Bác Hồ dùng để đọc sách, soạn bài, nên rất nhiều dấu ấn vẫn còn in lại rất rõ nét.
Tòa nhà đã khá cũ kỹ (Ảnh @2uangboikha)
Giếng khơi cổ
Một công trình có tuổi đời cổ kính không kém nữa trong ngôi trường Dục Thanh Bình Thuận chính là chiếc giếng khơi bằng đá. Dù cho ngày nay trên thành giếng đã phủ một lớp rêu phong khá dày nhưng dòng nước ngọt bên trong vẫn cứ trong sạch và mát lành đến lạ.
Khu vườn
Điểm ấn tượng nữa mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm trường chính là khu vườn trần ngập cây cối xanh mướt, sai trĩu quả, thậm chí còn có những cây đã có tuổi đời hơn 110 năm như cây khế được chính tay thầy giáo Nguyễn Tất Thành trồng và chăm sóc. Mặc dù bạn không được phép hái quả trên các cây trong khu vườn này nhưng có thể xin các quả rụng để lấy hạt về trồng coi như làm kỷ vật cho chuyến đi đấy nhé.
Cây nào cây nấy đều trĩu quả (Ảnh @huongcun95)
Các di vật của Bác Hồ
Dù không dạy học ở đây quá lâu nhưng những vật dụng Người đã từng sử dụng như: bộ ván gỗ để ngủ, bộ trường kỷ hay ly nước uống…đều được lưu giữ lại nguyên vẹn để khu khách hiện nay có tham quan và chiêm ngưỡng đấy nhé.
Bật mí, khung cảnh đậm chất cổ đại ở trường Dục Thanh rất thích hợp để các bạn tậu những bức ảnh sống ảo thần sầu độc nhất vô nhị đấy nhé. Tất nhiên, bạn cũng nên mặc những trang phục mang hơi hướng vintage, cổ xưa một chút để lên hình chuẩn chỉnh nhất nhé.
Lên hình siêu deep luôn (Ảnh @quangleba174)
Một số lưu ý khi ghé thăm trường Dục Thanh
Giờ mở cửa: từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Giá vé: miễn phí, nếu thuê thuyết minh viên thì sẽ mất 200.000 đồng / đoàn.
Cách đến: từ trung tâm thành phố Phan Thiết, bạn đi dọc theo đường Trần Bình Trọng đến đường tỉnh 715, sau đó rẽ phải vào đường Võ Nguyên Giáp. Tại vòng xuyến, đi theo lối ra thứ 2 vào Nguyễn Thông, đến 1 vòng xuyến nữa thì tiếp tục đi thẳng vào Lê Hồng Phong qua sông Cà Ty. Sau khi xuống cầu thì rẽ phải đường Trung Nhị là đến được trường Dục Thanh Phan Thiết ở bên tay trái.
Xe máy là phương tiện phổ biến đến trường (Ảnh @duyle97)
Ứng xử:
- Ăn mặc trang trọng, lịch sự
- Đi nhẹ, nói khẽ, không cười đùa to tiếng làm ồn, ảnh hưởng đến không khí yên tĩnh của trường
- Không tự ý sờ, di chuyển hay viết bậy bên các hiện vật trong trường
- Không xả rác bừa bãi hay giẫm đạp lên cỏ, cây không khuôn viên khu du lịch
Các điểm du lịch gần đó: bãi biển Đồi Dương, lầu Ông Hoàng, tháp Chàm Poshanư, suối Tiên, bảo tàng Hồ Chí Minh…
Bảo tàng nằm ngay bên cạnh trường (Ảnh @sokheng_chhom)
Tận hưởng hành trình “xuyên không” quá khứ thú vị với chuyến du lịch trường Dục Thanh ở Bình Thuận chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng đâu đấy.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet