Trải nghiệm làng nổi bồng bềnh đậm sắc màu miền Tây
Làng nổi Tân Lập nằm ngay sát quốc lộ 62. Ảnh: Văn Công
Ngôi làng suýt bị "bỏ quên"
Nằm ngay dọc quốc lộ 62, thuộc vùng trung tâm Đồng Tháp Mười nhưng làng nổi Tân Lập trước kia ít được người ta chú ý đến. Làng vốn là một hệ sinh thái rừng tràm ngập mặn, cư dân rất thưa thớt, những ngôi nhà tạm bợ được dựng bằng bè gỗ, mái rơm và nổi chìm theo dòng nước. Thậm chí, có mùa nước nổi, người dân phải sống chung với lũ, ở trên các gò cao và ít có quan hệ với các làng xã lân cận.
Cung đường tình yêu trong làng nổi. Ảnh: Văn Công
Năm 2016, Làng nổi Tân Lập được quy hoạch thành khu du lịch với 11 hạng mục cơ bản, bao gồm: Khu thể thao-vui chơi-giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Tháp Mười, khu vực nuôi thú hoang dã, thuần dưỡng chim, khu câu cá, cắm trại... và các hộ dân cũng chuyển ra ngoài sinh sống để đảm bảo môi trường bảo tồn được trong lành nhất.
Làng nổi Tân Lập là một của "hiếm" để phát triển du lịch sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tân Lập có diện tích rộng tới 135 ha và vùng đệm rộng khoảng 500 ha đang được quy hoạch phục vụ du lịch.
Cảnh quan cầu chữ X và hồ Bán nguyệt. Ảnh: Văn Công
Rừng tràm là cây có diện tích lớn nhất tại Tân Lập, có những mảng rừng tự nhiên lâu năm và những mảng rừng mới được trồng cách đây khoảng chục năm. Vào mùa nước nổi, hầu hết diện tích làng nổi ngập trong nước, nếu đứng từ trên cao, làng nổi Tân Lập như một chiếc bè xanh bồng bềnh giữa biển nước trắng xóa.
Thả mình trên con đường bê tông xuyên suốt rừng tràm. Ảnh: Văn Công
Từ chỗ là một ngôi làng ít người biết đến, Tân Lập hiện nay là điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Long An, nhất là du khách trẻ từ vùng thành thị đến để thả mình vào không gian yên bình, thư thái và trong lành của Tân Lập. Từ TP. Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 2 giờ chạy xe là đã đến với khung cảnh bình yên, dân giã, đậm chất miền tây Tân Lập.
Trở về với thiên nhiên
Làng nổi Tân Lập được xây một cây cầu bằng bê tông dài khoảng 5km xuyên suốt qua các khu rừng. Trải nghiệm đầu tiên của du khách chính là tản bộ hết con đường này. Điều độc đáo là con đường chỉ rộng khoảng 1 mét, có nhiều đoạn được nối bằng cầu khỉ và phải rất chú ý đường nếu không dễ bị lạc.
Dọc hai bên đường là cây tràm cao vút, mùa khô cây tràm rụng lá, mùa nước nổi cây tràm khoác lên mình bộ áo xanh bởi cây cỏ, cây dây leo. Tản bộ rừng tràm khiến du khách có cảm giác như đang trong bối cảnh của bộ phim nổi tiếng Đất rừng phương Nam, bộ phim có bối cảnh chính từ các khu rừng tràm.
Chèo đò xuyên qua những khu rừng tràm. Ảnh: Văn Công
Điểm đến quan trọng nhất của hành trình 5km là hồ Bán Nguyệt, nơi đây có các mảng hồ hoa súng, hoa sen rất thơ mộng. Khu vực này còn được gọi là cầu chữ X, nơi giao nhau của các con đường.
Hồ có diện tích khoảng 22.000 m2, giữa lòng hồ có một cồn đất nhiễm phèn, trơ trọi như một hòn đảo nhỏ trông khá lạ mắt. Nếu du khách đến vào dịp tháng Tư, tháng Năm, sẽ được chiêm ngưỡng những hồ sen, hồ súng tuyệt đẹp, rực tím, rực hồng và ngan ngát hương thơm.
Người dân địa phương chở khách tham quan khu rừng tràm. Ảnh: Văn Công
Đi tản bộ là phương tiện đầu tiên để khám phá Tân Lập, ngoài ra còn đi đò hoặc đi xuồng máy trên các lạch, sông. Nếu chọn đi đò, du khách sẽ được người dân bản địa chèo đò xuyên qua các khu rừng tràm rậm rạp, nơi mà du khách có thể quan sát được nhiều loại chim chóc như cò, diệc, le le, xít....đang kiếm ăn.
Một con chim xít trong làng nổi Tân Lập . Ảnh: Nguyễn Luân
Còn đi xuồng, du khách sẽ được đưa đến đảo thuần dưỡng cò nằm sâu trong khu rừng tràm. Nơi đây, vào mỗi sáng và chiều, hàng ngàn con cò chao liệng trên bầu trời. Do sống tách biệt với con người, môi trường sống được bảo vệ nên số lượng đàn cò tăng lên mỗi ngày, chung sống với chúng còn có một số loài chim quý khác.
Sau một ngày khám phá thiên nhiên trong Tân Lập, du khách có thể tìm đến khu vui chơi trò chơi dân gian rộng khoảng 100.000 m2 ở ngay đầu làng. Nơi đây có nhiều trò chơi như leo cầu khỉ, bập bênh, câu cá hoặc học chèo đò...
Ẩm thực trong làng nổi Tân Lập mang đậm hương vị quê. Ảnh: Văn Công
Ẩm thực trong Tân Lập chủ yếu xoay quanh các loại cá, điển hình là cá linh nấu chua với lục bình, cá rô đồng rán, ốc luộc hoa sen, ngọn su su xào, gà nướng miền Tây, bông điên điển... Làng nổi Tân Lập là nơi lý tưởng tổ chức teambuiding, hiện nay các villa đã được xây dựng hoàn thiện và tiện nghi để phục vụ du khách với số lượng lớn qua đêm.
Khu villa hiện đại cao gần 40 mét phục vụ du khách nghỉ dưỡng. Ảnh: wikipedia
Tuy nhiên, là khu du lịch sinh thái nên Ban quản lý rất khắt khe trong việc xả rác ra môi trường. Du khách chỉ nên mang đồ nấu chín, trái cây, lương khô theo mà không được tự nấu nước, còn muốn dựng lều thay vì ở villa cần có sự đồng ý của Ban quản lý. Mọi hành vi xả rác bừa bãi trong Tân Lập đều bị xử phạt khá nghiêm khắc. Du lịch Tân Lập vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 - 12 âm lịch) miền Tây là trải nghiệm rất thú vị để tạm quên đi chốn xô bồ, khói bụi.