Tà áo dài dọc miền đất nước

Tà áo dài dọc miền đất nước Hà NộiNhững di sản thiên nhiên, văn hóa Việt Nam được cách điệu trên áo dài truyền thống chất liệu lụa, voan, gấm... hút khách tham quan. 22 bộ áo dài được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (43 Lý Thường Kiệt) nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đồng thời tôn vinh giá trị áo dài, vẻ đẹp các di sản dân tộc, lòng tự hào bản sắc văn hóa, mặc áo dài trong những dịp lễ trọng.Hoạt động trưng bày kéo dài hết tháng 3 trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ các di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể...

Hà NộiNhững di sản thiên nhiên, văn hóa Việt Nam được cách điệu trên áo dài truyền thống chất liệu lụa, voan, gấm... hút khách tham quan.

22 bộ áo dài được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (43 Lý Thường Kiệt) nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đồng thời tôn vinh giá trị áo dài, vẻ đẹp các di sản dân tộc, lòng tự hào bản sắc văn hóa, mặc áo dài trong những dịp lễ trọng.

Hoạt động trưng bày kéo dài hết tháng 3 trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ các di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Diệp

Bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ các di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Diệp

Với chất liệu lụa, voan, gấm..., các nhà thiết kế áo dài cách điệu những di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể nổi bật của Việt Nam lên bằng nhiều cách khác nhau như vẽ sơn dầu trên nền áo lụa, in chuyển nhiệt, thêu tay, đính cườm... Khách tham quan sẽ thấy những địa danh nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện trên tà áo dài như cao nguyên đá Đồng Văn, vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế, thành nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

Những di sản văn hóa phi vật thể cũng được thể hiện qua các chất liệu, hình ảnh đặc trưng. Nhà thiết kế Trung Beret lựa chọn thổ cẩm - chất liệu đặc trưng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhà thiết kế Huệ Thi chọn họa tiết khăn rằn cách điệu trên bộ áo dài.

Tìm hiểu về nhã nhạc cung đình Huế từ năm 2019, nhà thiết kế Ngọc Hân, Hoa hậu Việt Nam năm 2010, mong muốn giới thiệu những di sản văn hóa Việt Nam rộng rãi hơn. "Tôi hi vọng khắc họa một cách rõ nét những chuẩn mực văn hóa, phong cách sống cùng những giá trị nhân văn đậm chất cung đình Huế tới bạn bè quốc tế", cô nói. Nhà thiết kế này in chuyển nhiệt nhã nhạc cung đình Huế trên vải lụa...

Bên cạnh đó, không gian trưng bày có 2 bộ áo dài do Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam trao tặng. Áo dài được bà mặc trong Lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014.

Chị Lan Anh (đeo khăn) lựa chọn áo dài tham quan Bảo tàng. Ảnh: Ngọc Diệp

Chị Lan Anh (đeo khăn) mặc áo dài tham quan bảo tàng ngày 8/3. Ảnh: Ngọc Diệp

Trong 2 ngày cuối tuần, không gian trưng bày thu hút du khách tới tham quan và tìm hiểu. Đa số du khách mặc áo dài để có những bức ảnh đẹp hòa chung không khí ngày Quốc tế Phụ nữ. Chị Lan Anh, 32 tuổi, Cục Hậu cần Cảnh sát biển, ấn tượng nhất với bộ áo dài về nhã nhạc cung đình Huế. "Tôi thấy phần bấm góc mềm mại, tà áo cách tân, khác với các kiểu áo dài truyền thống", chị chia sẻ.

Ngoài ra, du khách tới Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dịp này có thể trải nghiệm các hoạt động cắm hoa Nhật Bản, học thêu tay...

Ngọc Diệp

Có thể bạn muốn xem