Sống lại một thời kháng chiến hào hùng tại hang Quân Y Cát Bà
Bên cạnh các điểm du lịch có vẻ ngoài hoa lệ, mĩ miều trên đảo Cát Bà, hang Quân Y với sự hoang sơ và mang đậm giá trị lịch sử, giá trị nhân văn sâu sắc vẫn không hề bị lu mờ, mà lại tỏa ra một sức hút cực kỳ lớn, nhất là với những người đam mê tìm hiểu quá khứ oanh liệt một thời của dân tộc.
Giới thiệu về hang Quân Y
Hang Quân Y là một hang động nằm lưng chừng núi, thuộc khu Khe Sâu, của xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, đồng thời cách thị trấn Cát Bà khoảng 13km.
Được biết, ban đầu hang động này được tìm thấy bởi một vị tướng thời nhà Trần tham gia đánh giặc trên dòng sông Bạch Đằng, nên có tên gọi là Hùng Sơn. Nhưng sau đó, vào giai đoạn năm 1963 – 1965 khi cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất, người ta đã tận dụng nơi đây làm bệnh viện dã chiến và tránh bom đạn, vì thế nó đã được đổi tên thành Quân Y.
Khung cảnh hang Quân Y trứ danh (Ảnh @papayou_travel)
Sau chiến tranh thì bệnh viện đã được dời đi nhưng vì địa thế vững chãi và an toàn, nên người dân thường chọn để làm nơi trú ẩn khi có bão lũ. Và đến ngày nay thì nó trở thành một di tích lịch sử hàng đầu tại Cát Bà mà du khách không thể bỏ qua.
Kiến trúc độc đáo của hang Quân Y
Trải qua gần 100 năm với bao thăng trầm của lịch sử và biến động của thời tiết, ấy thế nhưng kiến trúc của hang Quân Y Cát Bà vẫn còn khá nguyên vẹn bởi hệ thống bê tông cốt thép vững chắc, với 2 hang động dài 200m và tổng diện tích lên tới 2000 m2, chứa được hơn 100 thương binh cùng lúc.
Hang có 2 cửa vào chính ở phía Đông và phía Tây. Lối lên hang ban đầu được xây dựng là kiểu thang gỗ cơ động, để có thể dễ dàng tháo dỡ hoặc phá hủy khi có báo động quân địch đang đổ bộ vào, qua đó bảo mật được vị trí hang cũng như đảm bảo an toàn cho những người bên trong.
Và tất nhiên, gỗ thì sẽ chẳng thể giữ được lâu như bê tông hay đá, vì thế đã mất khá nhiều lần để tu sửa và xây mới. Nhưng vì muốn giữ nguyên ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị của nó nên người ta vẫn không thay đổi chất liệu làm lên thang.
Đường vào hang đã nhuốm màu thời gian (Ảnh @_emilia_nguyen_)
Sau khi bước qua các bậc thang bạn sẽ không thể tiến luôn vào bên trong hang Hùng Sơn mà sẽ phải đối mặt với 1 cánh cửa sắt kiên cố có 4 chốt sắt phụ và 1 chốt chính, nếu không phải là những người từng trải trong thời chiến thì sẽ không thể mở cửa vào được. Vậy nên, việc thuê một người hướng dẫn viên đi kèm với giá 15.000 đồng / người là điều vô cùng cần thiết.
Điều đặc biệt là cánh cửa này được gia công cố định bằng thép dày vô cùng kiên cố có chức năng chống đạn và cong gồ lên để nếu có đạn được bắn vào thì chúng sẽ văng sang hai bên thay vì găm thẳng vào giữa làm hư hại cửa. Sự khéo léo và tài tình của người xưa quả thật chưa bao giờ làm ta thôi trầm trồ, thán phục.
Cánh cửa kiên cố bảo vệ trong hang (Ảnh @maxlagerholm)
Đến khi đã trải qua “cửa ải” là tấm cửa vững chắc thì chào đón bạn sẽ là một hàng lang sâu hun hút của một bệnh viện dã chiến hoành tráng. Vì hang Quân Y có sự “đụng chạm” của bàn tay con người nên không tối tăm như những hang động khác, với một hệ thống ánh sáng được lắp đặt cẩn thận để phục vụ cho việc đi lại.
Hành lang sâu hun hút trong hang (Ảnh @shockeye_lens)
Tuy nhiên, việc cánh cửa nhỏ khiến ánh sáng mặt trời bên ngoài không thể lọt vào nhiều, kết hợp với những ánh đèn khiến cho hang có một màu vàng khá "huyền ảo", nên với những bạn “yếu tim” thì có lẽ cũng sẽ hơi chút rùng mình trước sự lạnh lẽo và mờ ảo của nó đấy nhé.
Không gian huyền ảo trong hang (Ảnh @nishantdania)
Bệnh viện dã chiến trong hang núi còn được thiết kế thành 3 tầng, gồm 17 phòng. Trong đó: tầng 1 là khu vực chữa bệnh chính với đầy đủ 14 phòng chức năng là: phòng mổ, phòng bệnh nhân, phòng thuốc, phòng phục hồi sức, phòng nghỉ, phòng sinh hoạt, phòng vệ sinh, phòng tắm, phòng bếp, phòng đón tiếp, phòng gác và hội trường…
Tầng 2 với địa hình khá mấp mô nên đã được sử dụng làm phòng chiếu phim, bể bơi và nơi tập luyện, kiểm tra thể lực của các bộ đội địa phương. Từ rầng 2 lên tầng 3 – nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của quân đội thì được thiết kế một lối đi bí mật. Đồng thời trên tầng 3 còn có 1 lối thoát hiểm khẩn cấp ra luôn sườn núi bên cạnh để bảo vệ tính bảo mật và độ an toàn.
Tầng 3 để họp bàn chiến lược quan trọng (Ảnh @lildes86.2)
Bên cạnh đó, khi đi tham quan hết bệnh viện, bạn sẽ thấy nó được trang bị cả một hệ thống thoát nước trên hành lang và hệ thống thông hơi trong các phòng. Hơn nữa, theo lời kể của những người từng trải thì hang được xây dựng bằng các ghép những tấm gỗ lại với nhau thành khuôn rồi đổ bê tông vào khoảng không ở giữa nên các căn phòng cực kỳ vuông vắn và phẳng mịn. Một sự chu đáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết mà sẽ chẳng ai nghĩ rằng ban đầu nó chỉ là một hang động tự nhiên hết sức thô sơ.
Ngày nay, khi du lịch hang Quân Y Hải Phòng, du khách sẽ thấy những giường bệnh, những bộ bàn ghế gỗ hay một số đồ dùng vẫn còn được giữ lại đặt ở giữa phòng, các mảnh gỗ đóng vào tường của tủ đựng thuốc vẫn còn lưu lại dấu tích. Ngoài ra, người ta còn đặt thêm những bức tượng mô phỏng hình ảnh các chiến sĩ đang canh gác hay các bác sĩ đang khám chưa bênh cho thương binh…để tạo nên “hởi thở” chân thật của thời chiến.
Giường bệnh vẫn còn được lưu giữ (Ảnh @ dana.pharand)
Đặc biệt, vì nằm sâu bên trong núi đá nên không khí trong hang luôn giữ được nhiệt độ ôn hòa ổn định, mát vào mùa hè và ấp áp trong mùa đông, vì vậy, ai bước vào cũng có cảm giác rất dễ chịu và thoải mái.
Bật mí, vì hang nằm trên lưng chừng sườn núi, nên khi bạn đứng trên cửa hang nhìn xuống có thể thu trọn vẻ đẹp nên thơ hùng vĩ của núi non mây trời và cảnh vật xung quanh vào tầm mát đấy nhé.
View đẹp từ cửa hang (Ảnh @mariannasciarra)
Cách di chuyển đến hang Quân Y
Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, bạn đi xe máy theo hướng đến bến phà Cái Viềng để đến đường Cát Tiên, sau đó đi qua đường 1/4, đường Tùng Dinh và đường Tùng Thu để tiến vào con đường xuyên đảo Cát Bà là sẽ thấy hang động Quân Y nằm ở bên phải đường. Tổng thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 30 phút và hang cũng rất dễ tìm vì có biển chỉ dẫn lớn nằm ở ngay ven đường.
Biển dẫn vào hang (Ảnh @mayuri.lifebeyondusual)
Nếu đã vui đùa chán chê, mê mệt trên các bãi biển thơ mộng của Cát Bà rồi và muốn lắng mình lại nhớ về một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam thì hang Quân Y chính là một điểm đến lý tưởng cho bạn.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet