web stats

Núi Bình San ở Kiên Giang

Núi Bình San ở Kiên Giang Kiên GiangNúi Bình San là một trong 10 thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Tiên, gắn liền với dòng họ Mạc có công khai khẩn vùng đất này 300 năm trước. Núi Bình San nằm trong khu vực nội đô TP Hà Tiên, từng đi vào thơ ca trong tác phẩm Hà Tiên Thập Vịnh của Mạc Thiên Tích với tên chữ Hán là Bình San điệp thúy, nghĩa là núi dựng một màu xanh. Ngọn núi cao khoảng 50 m, còn có tên khác là núi Lăng, bởi trên núi có lăng mộ của Mạc Cửu cùng các thân nhân, tướng quân họ Mạc, những người có công khai mở vùng đất Hà Tiên ngày nay.Mạc Cửu vốn là một thương gia người Hoa, vì không muốn sống dưới sự thống trị của nhà Thanh, ông đã đưa gia đình lên thuyền xuôi Nam. Đến đất Hà Tiên hiện...

Kiên GiangNúi Bình San là một trong 10 thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Tiên, gắn liền với dòng họ Mạc có công khai khẩn vùng đất này 300 năm trước.

Núi Bình San nằm trong khu vực nội đô TP Hà Tiên, từng đi vào thơ ca trong tác phẩm Hà Tiên Thập Vịnh của Mạc Thiên Tích với tên chữ Hán là Bình San điệp thúy, nghĩa là núi dựng một màu xanh. Ngọn núi cao khoảng 50 m, còn có tên khác là núi Lăng, bởi trên núi có lăng mộ của Mạc Cửu cùng các thân nhân, tướng quân họ Mạc, những người có công khai mở vùng đất Hà Tiên ngày nay.

Mạc Cửu vốn là một thương gia người Hoa, vì không muốn sống dưới sự thống trị của nhà Thanh, ông đã đưa gia đình lên thuyền xuôi Nam. Đến đất Hà Tiên hiện nay, ông dừng lại định cư, khai phá vùng đất này. Khi nhà Nguyễn tiến hành công cuộc mở rộng bờ cõi về phương Nam vào đầu thế kỷ 18, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn (1708) và được phong làm 'Tổng trấn xứ Hà Tiên'.

Ngày nay, khu di tích lăng Mạc Cửu dưới chân núi Bình San là điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi đến Hà Tiên. Khuôn viên đền thờ họ Mạc lúc nào cũng yên tĩnh, mang vẻ trầm mặc, trong di tích còn có nhiều sắc phong ghi nhận công lao của dòng họ.

Ngọn núi 50 mét nổi tiếng ở Kiên Giang

Đền thờ Mạc Cửu nằm dưới chân núi Bình San, có lối kiến trúc theo hình chữ quốc, xung quanh tường đá dày bao bọc, ở giữa là điện thờ. Ảnh: @bell.beoo/Instagram

Sau khi tham quan đền thờ, du khách men theo con đường bên phải vào khu lăng mộ nằm trên núi Bình San, con đường có bậc cấp thoai thoải lát đá xanh, hai bên đường là rừng cây xanh được chăm sóc cẩn thận, tạo không gian thoáng đãng, xanh mát quanh năm, dọc đường còn có ghế đá cho du khách nghỉ chân.

Trên núi Bình San có khu rừng bạch mai, còn gọi là mai mù u. Khu rừng được nhân giống từ cây bạch mai đầu tiên do Mạc Cửu mang từ Quảng Tây sang trồng vào năm 1720. Vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, hoa bạch mai nở xòe 4 cánh, mọc thành từng chùm có màu trắng tinh, nhụy vàng, mùi thơm dễ chịu, mang vẻ đẹp thuần khiết, lan tỏa hương sắc khắp một vùng núi.

Đường dẫn từ đền thờ lên lăng Mạc Cửu trên núi Bình San. Ảnh: @@bell.beoo/Instagram

Đường dẫn từ đền thờ lên lăng Mạc Cửu trên núi Bình San. Ảnh: @@bell.beoo/Instagram

Đỉnh núi Bình San được xem là nơi có vị trí đắc địa nhất của vùng đất Hà Tiên, khi xưa các bậc tiền nhân họ Mạc thường lên làm lễ tế trời đất, cầu mưa thuận gió hòa. Từ đỉnh núi cũng có đường dẫn xuống các điểm du lịch khác trong khu vực như chùa Phù Dung, sau đó du khách có thể di chuyển sang chùa Phật Đà, còn gọi là chùa Lò Gạch để tham quan.

Trải qua hơn 300 năm, hiện đền thờ, lăng mộ dòng họ Mạc tại núi Bình San vẫn còn nguyên vẹn. Phía trước đền thờ còn có hai ao sen lớn, theo lời kể là hai ao nước được đào để tích nước ngọt cho người dân Hà Tiên dùng. Ngoài khu vực núi Bình San và lăng Mạc Cửu, Hà Tiên còn hút du khách bởi các điểm đến khác như Thạch Động, bãi biển Mũi Nai, núi Đá Dựng, chùa Tam Bảo...

Huỳnh Nhi tổng hợp

Có thể bạn muốn xem