Những điều cần biết về lịch sử ngành khách sạn thế giới và Việt Nam
Đã bao giờ bạn thắc mắc ngành khách sạn thế giới bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Khách sạn đầu tiên tại Việt Nam có tên là gì? Được xây dựng vào năm nào?... Nếu đó là những câu hỏi bạn đang muốn tìm hiểu, hãy đón đọc bài viết “Những điều cần biết về lịch sử ngành khách sạn thế giới và Việt Nam” được GTOP chia sẻ dưới đây…
Ảnh nguồn Internet
Lịch sử ngành khách sạn thế giới
Nhắc đến ngành khách sạn, không ít người trong chúng ta nghĩ rằng đây là nhóm ngành mới xuất hiện và phát triển trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lịch sử ghi nhận ngành khách sạn đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVI TCN – khi hoạt động thương mại, du lịch phát triển và nhu cầu ăn ở - giải trí của con người, đặc biệt là giới thương nhân ngày càng cao.
Giai đoạn mới xuất hiện, các dịch vụ này vẫn còn ở mức sơ khai, nghèo nàn và thiếu chuyên nghiệp. Qua thời gian, ngành khách sạn dần dần phát triển và hoàn thiện. Năm 1790, cuộc cách mạng công nghiệp Anh nổ ra đã đem đến nhiều ý tưởng kinh doanh mới cho ngành khách sạn.
Hãy cùng GTOP điểm qua những cột mốc quan trọng của ngành khách sạn thế giới:
Năm 1794, khách sạn đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại New York (Mỹ) với quy mô 73 phòng. Năm 1800, Mỹ là nước đi đầu thế giới trong ngành khách sạn – nhà hàng với khả năng phát triển ngành dịch vụ khách sạn một cách có hệ thống. Năm 1829, khách sạn Tremont House Boston (Mỹ) được xây dựng với quy mô 170 phòng – trở thành khách sạn lớn nhất và hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ.
Khách sạn Tremont House Boston - Ảnh nguồn Internet
Năm 1908, khách sạn Buffalo Statler được xây dựng với nhiều cải tiến vượt bậc: được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, có gương lớn để khách soi toàn thân, lắp công tắc đèn ở cửa ra vào, khách hàng được phục vụ báo miễn phí hàng ngày, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản… Chính vì điều này mà Buffalo Statler trở thành khách sạn kiểu mẫu thời điểm đó. Năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra khiến ngành khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt khách sạn rơi vào tình trạng vắng khách, 85% khách sạn được đem ra cầm cố hoặc bán rẻ để sử dụng cho mục đích khác. Giai đoạn 1950 – 1960, ngành khách sạn bước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng với công suất phòng bình quân đạt 90%/ năm. Từ năm 1960 đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là sự phổ biến của phương tiện hàng không đã giúp ngành khách sạn – du lịch ngày càng có nhiều bước đột phá mới.
Tìm hiểu thêm: “Bí mật kinh hoàng” ẩn trong tòa khách sạn hoành tráng
Lịch sử phát triển ngành khách sạn Việt Nam
Năm 1880, Continental là khách sạn đầu tiên của Việt Nam được xây dựng hoàn thành tại Sài Gòn. Tiếp đến, năm 1925 – khách sạn Majestic, năm 1930 – khách sạn Grand. Những khách sạn tại Sài Gòn được xây dựng trong giai đoạn này chủ yếu là để phục vụ nhu cầu ăn ở - giải trí của bộ phận quan chức chứ chưa quảng bá rộng rãi mời gọi khách nước ngoài.
Khách sạn Continental - Ảnh nguồn Internet
Khách sạn Majestic - Ảnh nguồn Internet
Tại Hà Nội, vào năm 1901, Sofitel Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên được xây dựng bởi 2 nhà đầu tư người Pháp. Khách sạn còn có 1 hầm tránh bom mới được phát hiện vào năm 2012.
Hầm tránh bom của khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội - Ảnh nguồn Internet
Thời kỳ 1930 – 1945, du lịch nội địa Việt bắt đầu phát triển. Một số nhà nghỉ, khách sạn nhỏ được xây dựng ở Hạ Long, Non Nước, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên… Trong khi đó, tại Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt… một số trung tâm nghỉ dưỡng được mọc lên. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ chính chỉ là thiểu số cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu.
Do ảnh hưởng của chiến tranh nên một khoảng thời gian sau đó, du lịch Việt Nam bị đình trệ. Tại Sài Gòn, do nhu cầu lưu trú của phóng viên nước ngoài đến nước ta làm phóng sự và quân đội Mỹ nên có một số khách sạn được xây dựng: Đồng Khánh, Bát Đạt, Rex, Palace, Caravelle…
Sau này, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, chính sách mở cửa nền kinh tế đã thu hút các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Nhiều khách sạn lớn được xây dựng: Saigon Prince, Sheraton, Renaissance Riverside… với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng phong cách quản lý chuyên nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu lưu trú của đa số khách nước ngoài.
Đặc biệt từ năm 2003, khi Việt Nam chế ngự thành công đại dịch SARS, cùng với yếu tố tình hình chính trị - xã hội ổn định đã giúp nước ta được du khách quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới. Bên cạnh đó, cùng với việc sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp là những lý do chính thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, hệ thống cơ sở lưu trú của nước ta đã có bước đột phá mạnh mẽ về số lượng lẫn chất lượng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển. Nếu như tổng kết năm 1998, cả nước chỉ mới có 2.510 cơ sở lưu trú thì đến hết năm 2017, con số này đã lên đến 25.000 cơ sở với hơn 500.000 buồng, trong đó có 116 khách sạn, resort đạt chuẩn 5 sao. Đặc biệt, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã 4 lần liên tiếp được vinh danh là “Khu nghĩ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” tại lễ trao giải World Travel Awards – giải thưởng được ví như “Oscar ngành du lịch”.
Xem thêm: Hành trình sự nghiệp của “ông Hoàng resort” phác họa nên InterContinental Đà Nẵng