Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhắc đến "địa ngục trần gian" thời kháng chiến, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến Côn Đảo đầy đau thương, nhưng ít ai biết rằng nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là nơi đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh kiên cường của bao chí sĩ yêu nước.
Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khoảng 1km về phía Đông Nam, đang là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với những người có đam mê nghiên cứu lịch sử kháng chiến của đất nước.
Lịch sử hình thành nhà đày Buôn Ma Thuột
Cuối những năm 1920 đầu 1930, phong trào chống thực dân tăng mạnh, làm chính quyền Pháp buộc phải mở rộng các nhà tù để giam giữ các tù nhân chính trị và những nhà cách mạng dân tộc.
Đồng thời vào thời điểm đó, cao nguyên Đắk Lắk bị bao vây giữa núi rừng rậm rạp, khí hậu khắc nghiệt, nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao gây ra nhiều nhiều bệnh nguy hiểm ngư: số rét, thổ tả, kiết lỵ, xung quanh thì nhiều thú dữ ăn thịt, lại khác biệt khá lớn về ngôn ngữ với người Ê đê và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, vì thế rất “thích hợp” để giam giữ tù nhân.
Ban đầu thì nhà tù được chọn vị trí xây dựng ở huyện Lắk, nhưng do quá xa đi lại tốn thời gian và thời điểm đó Pháp cũng đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, không có chi phí lớn vì thế đã chọn ngay trung tâm thành phố để xây, với tên gọi Pénitencer de Ban Mê Thuột.
Nhà đày được xây ngay trong trung tâm thành phố
Từ năm 1930, nhà đày Buôn Ma Thuột chuyên giam giữ những đảng viên bị xử án nặng trên 5 năm ở Tung Kỳ, cũng như những người đi đầu trong các phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, điển hình như: Hồ Tùng Mâu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu, Ngô Đứ Độ, Hồng Chương và Ngô Xuân Hàm…
Đến cuối năm 1941, ngay tại đây đã lan tỏa phong trào cách mạng “lực lượng trung kiên”, để rồi vào năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc kháng chiến chống Pháp và giải phóng những nhà cách mạng yêu nước ra khỏi “địa ngục trần gian” này.
Sau đó, khi Mỹ có âm mưu thôn tính nước ta thì nơi đây lại được đế quốc tiếp tục sử dụng để giam giữ tù nhân yêu nước của Việt Nam. Và khi đất nước đã hoàn toàn độc lập thì nhà tù ở Buôn Ma Thuột bị bỏ hoang, rồi hiện nay thì trở thành một “bảo tàng chiến tranh” để du khách vào tham quan. Chính vì vậy, vào năm 2019, nó đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Kiến trúc nhà đày Buôn Ma Thuột
Vào thời Pháp thuộc
Ban đầu, nhà đày Buôn Ma Thuột được xây khá đơn giản với phần khung hoàn toàn bằng gỗ, tường thì được trát bùn và rơm, bên trong là lõi tre, ngoài cùng là lớp xi măng mỏng, còn mái thì chỉ được lợp bằng lá.
Tuy nhiên, các vật liệu thô sơ khiến nhà tù ngay lập tức bị xuống cấp, khiến nhiều người vượt ngục thành công, đồng thời do số lượng tù nhân tăng lên nên vào năm 1930 nó đã được xây dựng lại với quy mô kiên cố hơn trên một mảnh đất rộng khoảng 20.000 m2. Điều đặc biệt là các tù nhân phải tự xây dựng nơi để giam giữ chính họ và bản thiết kế cùng kế hoạch xây dựng đều do kỹ sư trưởng, giám đốc công chính Trung Kỳ soạn thảo.
Nhà giam ở Buôn Ma Thuột được thiết kế theo kiến trúc hình chữ U cổ điển của thực dân, để vừa tận dụng được mặt bằng lại vừa có thể dễ dàng kiểm soát thực dân, bao gồm 6 nhà lao, các công trình phụ như nhà quản ngục, bếp ăn, bệnh xá và có tường dày 40cm, cao 4m bao bọc xung quanh với dây thép gai bên trên và điện chiếu sáng vào ban đêm để phòng trường hợp tù nhân trốn thoát.
Công trình được xây theo hình chữ U chặt chẽ
Trong đó, nhà lao 1, 2 dài khoảng 30m, rộng 6,5m trên tường có sửa sổ nhỏ để ánh sáng chiếu vào và trần nhà có dây thép gai bao bọc, chuyên để giam giữ các tù nhân chính trị được thực dân coi là “nguy hiểm”. Nhà lao 3, 4 thì nối với nhau bằng một phòng tra tấn, bên trong được kê sạp gỗ ở hai bên làm chỗ ngủ, dưới sạp thì được đặt một cùm gỗ và treo lên ống tre làm chỗ đi vệ sinh. Còn nhà lao 5, 6 thì được thiết kế giống nhà lao 1 và 2 nhưng để làm chỗ ở cho người đi làm những công việc nặng nhọc, vất vả.
Nhà làm việc của quản ngục thì không đơn giản chỉ là nơi mà quản ngục làm việc như cái tên của nó mà còn diễn ra các cuộc tra tấn tàn bạo khi tù nhân mới được chuyển đến nhà đày Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, dãy xà lim 21 phòng, mỗi phòng rộng 1m, dài 2,5m thì chuyên dành để giam giữ những tù nhân nguy hiểm mà cứng đầu, trong phòng chỉ có 1 ô cửa sổ nhỏ để lính canh dễ dàng giám sát. Đặc biệt, chúng còn xây ở đây một hệ thống tháp canh ở bốn góc tường có lính canh 24/24 để có thể quan sát được toàn bộ hoạt động của nhà đày.
Tháp canh để quan sát toàn bộ nhà đày
Vào thời đế quốc Mỹ xâm lược
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang năm 1954, thực dân Pháp buộc phải rút quân khỏi Việt Nam thì sau đó đế quốc Mỹ lại sang xâm lược với những thủ đoạn nham hiểm, tinh vi và hiện đại hơn. Chúng đã cho xây một bức tường chi đôi ngục giam Buôn Ma Thuột thành 2 phần, một bên giam giữ tù nhâ, một bên để chứa quân nhu.
Theo đó, cổng vào đã được chuyển từ phía Nam sang phía Tây và xây thêm các công trình khác như: nhà nguyện – nơi sinh hoạt của những tù nhân theo Công giáo, phòng biệt giam, nhà lao nữ - nằm tại nhà lao số 5 lúc đầu và nhà “quốc thái dân an” dành cho những tù nhân theo Phật giáo…
Công trình được xây thêm vào thời Mỹ xâm lược
Nhà đày ở thì hiện tại
Sau khi đế quốc Mỹ thua trận và rời đi thì nhà đày Buôn Ma Thuột bị bỏ hoang, vì vậy kiến trúc ngày nay chúng ta nhìn thấy cũng không thay đổi gì so với thời Mỹ chiếm đóng. Chỉ khác là trong các phòng giam lại được đặt những hình ảnh và hiện vật mô phỏng về những tháng ngày bị đàn áp của dân ta như: cảnh lính Pháp, Mỹ đang dùng roi để đánh tù nhân hay những người tù đang phải lao động khổ sai vất vả…
Hình ảnh mô phỏng cuộc sống tù nhân trong nhà đày
Đặc biệt, việc bảo tồn mà không phá hủy đi nhà đày không phải đang bi lụy kể lể về những quá khứ đau thương mà muốn chúng ta cảm nhận được tình yêu nước mãnh liệt và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ Cộng sản từng bị giam cầm ở đây, dù họ bị hành hạ đau đơn thế nào thì vẫn không chịu khuất phục, đầu hàng, đó chính là những điều chúng ta cần phải học tập và noi gương.
Một số thông tin lưu ý khi tham quan nhà đày Buôn Ma Thuột
Giờ mở cửa: từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hàng ngày.
Giá vé: từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng.
Trang phục: là nơi tưởng niệm đến quá khứ chiến tranh đau thương của dân tộc nên khi đi vào hãy ăn mặc trang trọng, lịch sự và kín đáo.
Ứng xử: không nô đùa, cười nói to tiếng và vứt rác bừa bãi trong khuôn viên nhà đày.
Có thể nói, nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ là một di tích lưu giữ lịch sử dân tộc, mà còn là nơi lên án đanh thép những tội ác tàn độc của đế quốc và thực dân, qua đó thúc đẩy lòng yêu nước cho mỗi thế hệ hôm nay và mai sau hãy biết bảo vệ, trân quý và phát triển đất nước mạnh hơn nữa, để báo đáp công lao của những người đã hi sinh cho chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc như bây giờ.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet