Một thoáng Trung Hoa cổ kính tại chùa Ông Biên Hòa
Chùa cổ Việt không phải là công trình hiếm, nhưng ngôi chùa cổ mang phong cách kiến trúc Trung Hoa như chùa Ông Biên Hòa thì không phải nơi nào cũng có.
Đôi nét về chùa Ông Biên Hòa
Chùa Ông là cách gọi dân gian để chỉ các miếu thờ, hội quán của người Việt hoặc người Việt gốc Hoa chuyên thờ các vị thánh, các nhân vật lịch sử hoặc thần Phật. Hiên nay, trên đất nước Việt Nam có tổng cộng 6 chùa Ông, riêng miền Nam có 2 ngôi chùa ở Cần Thơ và Đồng Nai.
Theo đó, chùa Ông Biên Hòa còn được gọi là Thất phủ cổ miếu hay Miếu Quan Thánh Đế, vì thờ chính vị thần Quan Công tượng trưng cho trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trước đây ngôi chùa tọa lạc tại Châu Đại Phố, Cù Lao Phố, còn hiện nay thì thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Chùa Ông cổ kính giữa lòng thành phố hiện đại (Ảnh @voviet88)
Ngôi miếu được xây dựng vào khoảng năm 1684, đến nay đã có tuổi đời hơn 330 năm, vậy nên nó được xem là ngôi chùa cổ nhất ở Nam Bộ, đồng thời đánh dấu cột mức lịch sử quan trọng của người Việt và người Hoa trong quá trình khai hoang và mở rộng vùng đất phương Nam hoang sơ.
Trải qua bao biến đổi của thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi miếu Ông ở Biên Hòa gần như đã bị hư hại hoàn toàn, vì thế nó đã phải qua rất nhiều các đợt trùng tu vào năm 1817, 1868, 1894, 1927 và lớn nhất là năm 2009 – 2010 để có được diện mạo ấn tượng như ngày nay.
Đặc biệt, vào năm 2011, ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nên nó luôn thu hút rất nhiều người đến tham quan và hành hương mỗi ngày.
Kiến trúc độc đáo của chùa Ông Biên Hòa
Ngôi Thất phủ cổ miếu chào đón du khách bởi một cánh cổng tam quan bằng đá sừng sững, mặc dù tên chùa được viết bằng chữ Hán nhưng mái lợp ngói âm dương màu xanh vàng, bên trên thì được chạm khắc tinh xảo hai chú rồng đang chầu long châu, cánh cổng thì có màu đỏ tươi bắt mắt, thêm vài lồng đèn đỏ treo lơ lửng, nên không ai có thể bỏ qua.
Cổng chùa bắt mắt (Ảnh @1zuong0pao2.sle)
Bên cạnh đó, chùa còn được bao bọc bởi một bức tường gạch màu hồng cao 2,5m, phía trước nhìn ra dòng sông Đồng Nai hiền hòa cùng cây si cổ thụ tỏa bóng mát bên đường, tạo cho nó vừa có nét cổ kính lại vừa pha chút hiện đại.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc của chùa Ông Biên Hòa vẫn được giữ nguyên vẹn như ban đầu, mang phong cách chùa chiền đặc trưng của người Hoa là hình chữ “Khẩu” được bố trí theo cấu trúc “nội công ngoại quốc”, gồm 1 tòa nhà ở chính giữa hay còn gọi là chánh điện hình chữ “Công” và hai bên là công trình phụ với tên gọi là đông lang và tây lang.
Chùa có hình chữ Khẩu quen thuộc của Trung Hoa (Ảnh @neyux_ah)
Mái chùa được lợp ngói âm dương đỏ thắm đã nhuốm màu rêu phong và đầu mái có gắn ống lưu ly theo phong cách truyền thống của chùa Việt. Còn trên mái ngói là các công trình nghệ thuật thể hiện cơ sở tín ngưỡng Trung Hoa như: tượng ông Nhật, bà Nguyệt và các lễ hội hát tuồng, đá cầu, múa cung đình…được điêu khắc tinh tế từ gốm men xanh độc đáo, khiến ai cũng không nỡ rời mắt.
Mặt tường của chùa Ông ở Đồng Nai thì được lát một lớp gạch màu hồng, vừa tạo điểm nhấn, vừa làm cho không gian chùa như sáng bừng lên. Đây cũng là điểm khiến nó càng thêm giống với ngôi chùa Ông ở Cần Thơ, chỉ khác là sân rộng rãi, thoáng đãng hơn, có nhiều tiểu cảnh hơn, điển hình như bình lưu ly khổng lồ và cổng được xây dựng công phu hơn, nên nếu chỉ nhìn lướt qua thì bạn rất dễ sẽ bị nhầm.
Tường hồng độc đáo (Ảnh @vincentnk.duy)
Song, nơi nổi bật nhất của chùa có lẽ chính là khu điện thờ chính, gồm có Tiền Điện, Trung Điện và Hậu Điện nối với nhau theo một trục thẳng từ ngoài vào trong, mang đậm nét Trung Hoa, với cột trụ, mái ngói cho đến cánh cửa đều có sắc đỏ lộng lẫy, quyền lực.
Đặc biệt, trên các cột đều có câu đối và hoành phi khắc chữ vàng ca ngợi uy danh của Quan Công, cùng với đó là những bao lam, liễn đối, lọng, võng, khám thờ…đều được trạm trổ tinh tế các hình ảnh thần linh, linh vật, hoa lá và cảnh sinh hoạt của người dân như: gánh nước, đốn củi…
Công trình có màu vàng, đỏ quyền quý (Ảnh @angel240592)
Tại chính giữa chánh điện thờ tượng Quan Công (tức Quan Thánh Đế Quân) mặc áo gấm xanh, toát lên vẻ oai phong, uy nghi. Bên cạnh thờ Quan Bình và Châu Xương Hầu – con nuôi và dung sĩ trung thành của ông. Còn hai gian thờ kế bên thì thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Kim Hoa Nương Nương.
Chính điện thờ Quan Công (Ảnh @binh__huynh)
Ngoài ra, bên trong chùa Ông Biên Hòa còn có nhiề gian thờ khác đặt rải rác khắp nơi thờ: Phật Mẫu Chuẩn Đề, Nguyên Quân, Mẹ Độ, Mẹ Sanh, Bao Công, Thần Tài, Ngũ Hành Nương Nương, Thái Thế, Quan Âm Bồ Tát và các linh vật như: rồng, hổ…
Điển hình trong đó là Quan Âm Các (điện thờ Quan Âm) có 2 tầng ở sau chính điện mới được xây dựng, nên có thiết kế rất Việt Nam. Hay tòa nhà bên trái xưa kia là quán Phước Châu nay để thờ Thần tài.
Quan Âm các có kiến trúc khác biệt hẳn (Ảnh @neyux_ah)
Những hoạt động không thể bỏ qua tại chùa Ông Biên Hòa
Được biết, Quan Thánh là một vị thần cực kỳ linh thiêng, vì vậy vào những ngày lễ, Tết hay thậm chí là mồng 1 và mười rằm hàng tháng có rất nhiều người đem theo lễ vật và những nén hương thơm đến cầu bình an, sức khỏe, may mắn, phát tài phát lộc và cầu duyên cho bản thân và những người thân yêu.
Ai đến đây cũng phải lễ bái thần Phật (Ảnh @tranphuongnam1710)
Bên cạnh đó, do chùa Ông Biên Hòa toát lên “hơi thở” cổ kính, trầm mặc tựa như background của các bộ phim cổ đại, nên nếu đến đây với bộ áo dài thướt tha, trang phục Nhật Bình truyền thống hay những bộ quần áo có sắc đỏ rực rỡ thì sẽ “tậu” được rất nhiều bức hình sống ảo “sang – xịn – mịn” đấy nhé.
Mặc đồ tone sur tone một chút là đẹp mê luôn (Ảnh @tonngodong)
Bạn cũng có thể mua câu đối, những bức tranh chữ thư pháp độc đáo hay bùa may mắn tại các cửa hàng trong khuôn viên về làm quà may mắn cho gia đình sau chuyến thăm chùa.
Đừng quên mua những bức thư pháp về làm quà (Ảnh @anpt_ph)
Đặc biệt, vào khoảng từ 10 đến 13 tháng Giêng hàng năm, nơi đây thường diễn ra lễ hội chùa Ông lớn nhất trong năm, để gắn kết tín ngưỡng dân gian của 2 nền văn hóa truyền thống Việt – Hoa và chiêm bái các vị tiên hiền đã có công mở mang, xây dựng vùng đất Biên Hòa thịnh vượng như ngày nay.
Lúc này, người dân trong và ngoài tỉnh kéo đến rất đông, kín các con đường và khuôn viên chùa Ông Cù Lao, để xem lễ thỉnh và cung nghinh (nghênh đón) thần, lễ dâng hương, lễ cúng trời, thả Phúc Khí Cầu (bóng bay kèm ước nguyện), thả Hoa Đăng, các màn biểu diễn văn nghệ truyền thống của cộng động người Hoa như: đờn ca tài tử, hát tuồng cổ, múa lân - sư - rồng, biểu diễn thư pháp và tham gia các trò chơi dân gian…làm cho không khí cực kỳ sôi động và nhộn nhịp.
Lễ hội có nhiều chương trình hấp dẫn (Ảnh @rita.pum269)
Ngoài ra, nếu là người yêu thích sự náo nhiệt và những ánh đèn lung linh buổi tối thì bạn cũng có thể đến vào những ngày lễ lớn khác như: lễ vía Ông, lễ vía Bà, lễ Vu Lan…chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng đâu.
Nếu đã quá chán với các khu du lịch hiện đại, đông đúc và ồn ào của Đồng Nai thì hãy đến ngôi chùa Ông Biên Hòa để cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn và những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn còn mãi với thời gian.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet