web stats

Mẹo nhỏ để hạn chế xả rác thải nhựa trong mỗi chuyến du lịch

Du lịch – ngành công nghiệp không khói đang là mũi nhọn phát triển của Việt Nam những năm gần đây. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và với khách du lịch nội địa là 45,5 triệu lượt. Tuy nhiên, tương đồng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch là lượng rác thải nhựa thải ra hàng năm không chỉ gây mất điểm du lịch Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy, hạn chế rác thải nhựa từ những việc làm nhỏ nhất sẽ vừa giúp bảo vệ môi trường, đồng thời ghi điểm với bạn bè quốc tế về

Du lịch – ngành công nghiệp không khói đang là mũi nhọn phát triển của Việt Nam những năm gần đây. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế và với khách du lịch nội địa là 45,5 triệu lượt. Tuy nhiên, tương đồng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch là lượng rác thải nhựa thải ra hàng năm không chỉ gây mất điểm du lịch Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy, hạn chế rác thải nhựa từ những việc làm nhỏ nhất sẽ vừa giúp bảo vệ môi trường, đồng thời ghi điểm với bạn bè quốc tế về một Việt Nam trong lành, sạch đẹp.  Bài viết sẽ cung cấp “Mẹo nhỏ để hạn chế xả rác thải nhựa trong mỗi chuyến du lịch”

1. Du lịch Việt Nam mất điểm vì rác thải nhựa

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương. Nếu mỗi năm thế giới ước tính có 13 triệu tấn nhựa thải ra môi trường thì VIệt Nam chiếm đến 1.8 triệu tấn,  tương đương 2.500 tấn mỗi ngày. Trong đó, bao gồm các sản phẩm từ nhựa, nhựa dùng 1 lần và các loại túi nilon. Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF xếp hạng chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường, báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam đang ở mức nguy cấp.

Không còn nhận ra được đâu là điểm du lịch đâu là chỗ xả rác thải tại đây

Một du khách Pháp đã đi khắp Việt Nam cho biết: “Nhiều người Việt có thói quen sử dụng túi nilon và đồ nhựa 1 lần đến mức lạm dụng. Tôi thấy nhiều điểm du lịch tại Việt Nam rất nhiều rác, điển hình như ở Hạ Long hay các bãi biển du lịch…”

“Không gì dễ dàng hơn việc xả rác tại Việt Nam. Mỗi khi muốn vứt cái gì, bạn chỉ cần thả tay ra và mặc kệ cho rác rơi xuống đường. Có thể do nhân viên vệ sinh làm việc hiệu quả. Rác thải thường biến mất sau một đêm. Có lẽ đó là lý do mà người ta không suy nghĩ nhiều khi ném giấy, nhựa, vỏ hộp hay bất cứ thứ gì xuống mặt đất”, Gaspard – một du khách người Pháp khác từng du lịch nhiều nước Đông Nam Á kể lại sau chuyến đi Việt Nam.

Ông Phùng Quang Thắng, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam chỉ ra: “Hơn 3.000 km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến”

Lượng lớn đồ nhựa dùng 1 lần được sử dụng ở khắp mọi nơi

Trong mỗi chuyến du lịch, nếu là khách đi tour, các đơn vị lữ hành thường sẽ phát từ 1 – 2 chai nước, 1 – 2 khăn lạnh mỗi ngày. Chưa kể khách mang theo hay mua đồ ăn, thức uống dọc đường khiến một lượng lớn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày tại các điểm du lịch. Tương tự với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hay lưu trú cũng có một lượng vỏ chai, hộp nhựa, ống hút,… thải ra môi trường. Ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa tràn lan trên bãi biển… khiến cho hình ảnh du lịch trở nên xấu xí và mất điểm trầm trọng. Vì vậy, chính mỗi du khách chỉ cần những hành động nhỏ sẽ góp phần giảm thiểu rác thải, làm sạch môi trường và giúp du lịch Việt Nam ngày càng thu hút, hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

2. Mẹo nhỏ để hạn chế xả rác thải nhựa trong mỗi chuyến du lịch

2.1 Lên kế hoạch chuẩn bị đồ mang theo

Chắc chắn trong quá trình đi du lịch, bạn sẽ thưởng thức các món ăn ven đường, mua đồ hoặc mua mang về, như vậy vô tình bạn sẽ tiêu thụ một số túi bóng, đồ nhựa dùng một lần để bảo quản sản phẩm. Vì vậy, ngoài quần áo, đồ dùng cá nhân cần thiết, bạn nên mang theo một hộp đựng thức ăn, bình đựng nước, một vài túi giấy hoặc túi vải và một chiếc ống hút bằng tre hoặc inox cũng rất cần thiết trong hành lý. Sẽ không tốn quá nhiều diện tích trong vali và mất nhiều thời gian chuẩn bị nhưng bạn đã bước đầu tạo thói quen hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường.

2.2 Ưu tiên ăn tại quán hơn mua mang về

Một điều dễ nhận ra là mua mang về thì sẽ cần đến những túi nilon, cốc nhựa dùng 1 lần để đựng thực phẩm hơn là ăn tại quán. Việc thưởng thức món ăn tại quán sẽ giúp bạn thưởng thức trọn vẹn nhất hương vị thơm ngon của món ăn hơn là mua đem về. Ngoài ra, khi đi du lịch bạn nên hạn chế chọn các cửa hàng đồ ăn nhanh, tiện lợi – nơi thải ra nhiều đồ nhựa dùng một lần hơn những quán ăn địa phương. Nơi sẽ giúp bạn trải nghiệm rõ nhất ẩm thực vùng đất bạn đặt chân đến.

2.3 Tập nói không với đồ nhựa

Theo chủ một homestay chuyên đón khách nước ngoài ở Phong Nha, Quảng Bình chia sẻ, du khách quốc tế khi thấy ống hút, cốc nhựa, họ sẽ không sử dụng. Dần dần, nhiều cơ sở lưu trú tại địa phương đã ý thức được việc nếu muốn có thêm nguồn thu nhập từ việc ăn uống của du khách thì đã đổi sang sử dụng cốc giấy, ống hút làm từ tre, inox có thể rửa và dùng lại, rất tiện lợi. Vì vậy, khi người bán hàng đưa túi bóng, cốc nhựa, ống hút nhựa… để bạn sử dụng. Hãy mang theo sẵn túi vải của mình và nói lời từ chối với đồ nhựa từ người bán hàng. Chính việc làm này ngoài tạo thói quen cho bạn hạn chế sử dụng đồ nhựa còn giúp những người bán hàng, chủ cơ sở lưu trú thay đổi cách bán hàng của mình.

2.4 Lựa chọn quà lưu niệm

Lựa chọn những món quà lưu niệm được người dân địa phương làm thủ công, không từ nhựa

Những món đồ lưu niệm bằng nilon, nhựa thường xuất hiện ở các cửa hàng tại các điểm du lịch. Các sản phẩm này thường xuất xứ từ Trung Quốc và không thể hiện được dấu ấn hay đặc trưng văn hóa địa phương nơi bạn đặt chân đến. Vì vậy, việc lựa chọn các sản phẩm thủ công, handmade do người dân địa phương tự sản xuất cũng là một mẹo nhỏ để hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường trong mỗi chuyến du lịch. Ý nghĩa từ những món quà này mang lại cũng sẽ rất lớn, giúp bạn kỷ niệm về chuyến du lịch của mình. Trên đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn hạn chế xả rác thải nhựa trong mỗi chuyến du lịch. Quan trọng nhất là chính bạn cần ý thức về việc bảo vệ môi trường, tác hại to lớn của việc sử dụng và vứt đồ nhựa ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến nền du lịch và trực tiếp chính thế hệ chúng ta đang dần hứng chịu những ảnh hưởng xấu từ môi trường!

Có thể bạn muốn xem