web stats

Loài quả hay ăn trở thành đặc sản có giá tới 500.000 đồng/kg

Độc đáo với măng cụt xanh trở thành món ăn đặc sản Măng cụt là loại trái cây mùa hè nổi tiếng của vùng Đông Nam Bộ, ngon nhất là ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Mùa măng cụt kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 6. Thời điểm này, nhiều tiểu thương, lái buôn từ khắp nơi đổ về các nhà vườn ở đây để thu hoạch măng cụt chín. Trên thị trường, loại quả này được bán với giá khoảng 45.000-70.000 đồng/kg. Không chỉ đắt khách lúc chín, măng cụt ở Bình Dương còn được lùng mua khi vẫn xanh. Bởi đây là nguyên liệu chế biến nên món gỏi thơm ngon nức tiếng mà không phải mùa

Độc đáo với măng cụt xanh trở thành món ăn đặc sản

Măng cụt là loại trái cây mùa hè nổi tiếng của vùng Đông Nam Bộ, ngon nhất là ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Mùa măng cụt kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 6. Thời điểm này, nhiều tiểu thương, lái buôn từ khắp nơi đổ về các nhà vườn ở đây để thu hoạch măng cụt chín. Trên thị trường, loại quả này được bán với giá khoảng 45.000-70.000 đồng/kg.

Không chỉ đắt khách lúc chín, măng cụt ở Bình Dương còn được lùng mua khi vẫn xanh. Bởi đây là nguyên liệu chế biến nên món gỏi thơm ngon nức tiếng mà không phải mùa nào cũng có.

Thậm chí, giá của măng cụt xanh còn cao gấp nhiều lần loại quả này khi chín, khoảng 350.000 - 400.000 đồng/kg. Lúc cao điểm, lượng măng cụt xanh không có nhiều, giá mỗi cân lên tới cả nửa triệu đồng.

Măng cụt xanh là nguyên liệu chế biến món gỏi gà măng cụt nổi tiếng ở Bình Dương (Ảnh: Trúc Green).

Ruột quả măng cụt xanh có màu trắng ngà, vị giòn hơi chua chát. Bước gọt vỏ măng cụt phải cẩn thận, không để mủ vàng dính vào phần ruột trắng ngà bên trong, làm giảm chất lượng và tính thẩm mỹ của món ăn (Ảnh: Trúc Green).

Chị Phạm Ngọc (ở TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) bán măng cụt xanh vài năm nay cho biết, từ tháng 3 đã có nhiều khách hỏi và đặt mua. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có măng cụt xanh để bán. Đặc biệt, nếu đến không đúng thời điểm, du khách sẽ khó mà mua được loại trái cây nổi tiếng này.

"Trước mỗi vụ măng cụt, tôi phải liên hệ và đặt hàng từ sớm với một vài nhà vườn. Nếu mua được nhiều thì có thể vận chuyển ra cho khách ở Hà Nội hay TPHCM. Thời điểm măng cụt xanh khan hiếm, tôi gom được khoảng 15-20kg, chỉ đủ phục vụ khách nội tỉnh", chị Ngọc cho biết.

Theo tiểu thương này, măng cụt xanh không chỉ khó mua mà cách chế biến cũng cầu kỳ, tốn nhiều thời gian và công sức. Để làm gỏi gà măng cụt, người ta phải chọn quả có vỏ hơi xanh, còn ương hoặc vàng nhẹ nhưng già đủ độ. Riêng phần vỏ phải cứng thì ruột bên trong mới trắng giòn, vị chua dịu, hơi chát, xen lẫn chút ngọt.

Các nguyên liệu làm món gỏi gà măng cụt được tuyển chọn kỹ càng, sơ chế kỳ công trước khi chế biến (Ảnh: Trang Nguyễn).

Ẩm thực Bình Dương: Đặc sản gỏi gà măng cụt xanh vừa đậm đà, thơm và ngon khó cưỡng

Gà cũng phải chọn loại gà ta hoặc gà tre. Những giống gà này có lớp da vàng, thịt săn chắc, vị ngọt tự nhiên. Gà được làm sạch, đem luộc chung với chút mắm, tiêu, hạt nêm... giúp phần thịt thêm đậm đà và dậy mùi thơm hấp dẫn.

Gà chín thì để nguội, xé phần thịt trắng thành sợi nhỏ, còn da thì thái mỏng vừa ăn. Riêng nước luộc gà được tận dụng nấu cháo, thêm ít nấm rơm, tăng vị ngọt tự nhiên.

Măng cụt sau khi thu hoạch được ngâm trong nước muối loãng để bớt mủ rồi gọt ngay dưới vòi xả nước liên tục làm sạch phần nhựa vàng. Gọt xong, người ta lại ngâm ruột măng cụt trong nước đá giúp tăng độ giòn, giảm độ chát và giữ được màu trắng hấp dẫn.

Măng cụt thái lát mỏng trộn với nước chấm chua ngọt, thịt gà xé sợi, lạc rang, rau húng,... Tùy từng nơi và khẩu vị từng người mà món gỏi này được chế biến thêm hoặc bớt nguyên liệu khác nhau (Ảnh: Trang Nguyễn).

Gà luộc sau khi lọc thịt được giữ lại xương, đem hầm cháo cùng nấm rơm, ăn kèm gỏi măng cụt rất hấp dẫn (Ảnh: Nguyễn Chi Chi).

Ruột măng cụt được giữ nguyên hạt, thái thành các lát mỏng vừa ăn có tạo hình bông hoa đẹp mắt. Sau đó trộn măng cụt với đường và giấm (hoặc nước cốt chanh) để nguyên liệu không bị thâm, tránh dập nát.

Chờ một lúc cho măng cụt ngấm đều gia vị thì đem trộn với thịt gà xé sợi, cà rốt nạo, hành tây và rau răm rồi cho thêm chút muối, đường, hành phi, lạc rang. Để món ăn đậm đà và ngon hơn, người dân Bình Dương còn pha chế nước mắm chua ngọt, đặc sánh rồi trộn ăn cùng gỏi.

Vị mềm, ngọt của thịt hòa quyện với vị hơi chua và chát nhẹ của măng cụt, thêm chút bùi bùi của lạc rang, giòn giòn của cà rốt khiến thực khách thích thú. Sự tổng hòa của các loại nguyên liệu thanh mát giúp gỏi gà măng cụt trở thành món ăn "giải ngán" mùa hè.

Măng cụt để nguyên hạt nhưng được sơ chế kỹ nên không đắng, hay chát. Ngược lại, nguyên liệu này còn có vị giòn, bùi, tạo cảm giác lạ miệng khi thưởng thức (Ảnh: Nguyễn Chi Chi).

Một số người còn biến tấu hương vị món gỏi bằng cách trộn măng cụt với thịt lợn luộc hoặc tôm (Ảnh: Hòa Nguyễn).

Ngoài hương vị hấp dẫn, gỏi măng cụt xanh còn được nhiều người ưa chuộng bởi chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.

Không chỉ nổi tiếng ở Bình Dương hay các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, món gỏi gà măng cụt hiện còn được lan tỏa rộng khắp, trở thành thức quà lạ miệng hút khách thập phương.

Món gỏi măng cụt có hương vị thơm ngon, lại bổ dưỡng. Đặc sản này hiện có mặt ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là ở Lái Thiêu (Bình Dương) (Ảnh: Đặng Tài Giỏi).

Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức "của ngon vật lạ" của thực khách cả nước, nhiều tiểu thương ở Bình Dương còn vận chuyển măng cụt xanh bằng đường hàng không ra miền Bắc hay miền Trung.

Việc chế biến măng cụt đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nên một số người còn làm sạch, lột vỏ sẵn loại quả này để hút chân không và đóng gói trước gửi tới tay thực khách. Điều này giúp các bà nội trợ có thể trổ tài làm gỏi gà măng cụt để chiêu đãi cả gia đình mà không tốn thời gian, công sức.

Có thể bạn muốn xem