Làng gốm Bát Tràng
Nằm bên tả ngạn Sông Hồng, làng gốm Bát Tràng huyện Gia Lâm, Hà Nội là làng nghề 500 năm tuổi. Là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá vùng đất được mệnh danh là thiên đường của gốm. Đây là địa điểm du lịch gần Hà Nội không thể bỏ qua với các bạn trẻ Hà thành cho dịp cuối tuần ý nghĩa.
Xuất xứ của cái tên Bát Tràng
Nguồn gốc
Bát Tràng có nghĩa là một cái sân lớn, vùng đất nằm ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, ven sông Hồng thơ mộng. Trước đây, vùng đất này là nơi sinh sống của 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh gồm họ Lê, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Vương, họ Trần. Cái tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, là sự hội nhập của 5 dòng họ nổi tiếng đó cùng với dòng họ Nguyễn Minh ở đất Tràng. Những người nghệ nhân trong các dòng họ lớn đó đã quyết định lập nhóm, đưa con cháu, nghệ nhân, thợ gốm...rời làng tiến lên vùng kinh thành Thăng Long lập nghiệp. Họ lựa chọn vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng lập nghiệp tại đây.
Hiện nay
Ngày nay, làng gốm Bát Tràng trở thành một làng nghề nổi tiếng tại Hà Nội chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt, đồ dùng thờ cúng, tín ngưỡng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, danh tiếng của làng nghề trăm năm tuổi này còn vang xa đến mọi miền tổ quốc, sản phẩm của làng gốm Bát Tràng vươn xa ra thị trường quốc tế, đưa thương hiệu gốm Bát Tràng Việt Nam xuất hiện trên nhiều kệ hàng thế giới. Tại đây, những người nghệ nhân vẫn cố gắng lưu giữ những bí quyết làm gốm cổ truyền, truyền thống được cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Trước những thách thức về sự phát triển về công nghệ làm gốm cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường, làng gốm Bát Tràng vẫn là cái tên được nhiều người yêu thích như một điểm đến của văn hóa, truyền thống và là một trong những địa điểm du lịch Hà Nội vô cùng hấp dẫn.
Hướng dẫn di chuyển đến làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng nằm ven khu vực Sông Hồng, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Mặc dù nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội nhưng khu vực này rất thuận tiện giao thông nên bạn không cần quá lo lắng. Bạn có thể lựa chọn các phương tiện khác nhau khi di chuyển đến làng gốm Bát Tràng:
Di chuyển bằng xe bus
Việc lựa chọn di chuyển bằng xe bus có thể khiến bạn gặp một số bất tiện vì thời gian di chuyển khá lâu, với khoảng cách 15km nhưng có thể sẽ khiến bạn mất từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng cho việc đi lại. Nhưng hãy thử trải nghiệm cảm giác ngồi trên xe bus và khám phá từ trung tâm Hà Nội đến làng gốm Bát Tràng nhé! Chắc chắn sẽ rất thú vị. Ngoài ra, việc lựa chọn di chuyển bằng xe bus sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí đi lại, an toàn, không sợ nắng mưa, chỉ cần lên xe bus và ngủ một giấc, đến nơi, phụ xe sẽ gọi bạn dậy.. Bạn có thể lựa chọn 1 trong các tuyến bus sau:
Tuyến bus 47A: Bến xe Long Biên - Bát Tràng
Thời gian hoạt động: Bắt đầu từ 5h00 – 19h28 (chiều di chuyển từ Long Biên), và xuất phát lúc 05h39 – 20h07 (chiều di chuyển từ Bát Tràng) Vào ngày chủ nhật, xe xuất phát sớm hơn vào lúc 5h00 – 19h42 (Long Biên) và 5h25 – 20h40 theo chiều từ Bát Tràng. Thời gian kế hoạch 1 lượt: 40 phút. Giá vé: 7000đ/lượt.
Tuyến bus 47B: Long Biên - Kim Lan
Thời gian hoạt động: Bắt đầu từ 5h14 – 19h42 chiều từ Long Biên và lúc 5h53 – 20h21 nếu xuất phát từ Kim Lan. Vào ngày chủ nhật, xe sẽ xuất phát lúc 5h16-19h58 từ Long Biên và lúc 5h41-20h56 nếu xuất phát từ Kim Lan. Thời gian kế hoạch 1 lượt: 40 phút. Giá vé: 7000đ/lượt.
Tuyến 52B: Công viên Thống Nhất - Đặng Xá
Thời gian hoạt động: Từ 05h10 -20h45 xuất phát từ công viên Thống Nhất và 05h25 – 21h05 nếu đi từ Đặng Xá. Thời gian kế hoạch 1 lượt: 60 phút. Giá vé: 9000đ/lượt. Lưu ý: Nếu bạn lựa chọn xe bus, bạn nên cẩn thận và chú ý bảo quản tài sản cá nhân của mình khi lên hoặc xuống xe.
Lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô
Việc lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô sẽ khiến bạn tự chủ về mặt thời gian (thời gian di chuyển khoảng 20- 25 phút), ngoài ra, bạn cũng có thể tự đi tham quan thêm một số địa điểm du lịch Hà Nội khác gần làng gốm Bát Tràng. Đối với những bạn trẻ yêu thích phượt thì lựa chọn phương tiện xe máy chính là một gợi ý hay. Tuy nhiên, khi lựa chọn loại phương tiện di chuyển này, bạn cần chú ý an toàn, quan sát ký trong quá trình đi. Vì cung đường dành cho xe máy, ô tô từ trung tâm Hà Nội đến làng gốm Bát Tràng có nhiều công trình xây dựng nên khá bụi và nguy hiểm, bạn cần chú ý mang đầy đủ giấy tờ xe, trang bị gương chiếu hậu, khẩu trang chống bụi, mũ bảo hiểm đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn sẽ đi qua sông bằng 4 cầu: cầu Long Biên (chỉ dành cho đi xe máy), cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương. Sau khi qua hết cầu, bạn rẽ tay phải theo đường đê TL195 xuôi theo dòng sông, tiếp tục di chuyển và quan sát bên tay phải, lúc nào nhìn thấy biển làng gốm Bát Tràng là đến nơi. Còn nếu bạn bắt đầu xuất phát từ các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, bạn có thể di chuyển theo đường 5 để về Hà Nội. Khi đến Trâu Qùy, bạn rẽ vào đường Nguyễn Tử Quảng dẫn về trường Học viện Nông nghiệp, ở đó sẽ có biển chỉ dẫn bạn đến làng gốm Bát Tràng. Xem thêm: Địa điểm du lịch gần hà nội 2 ngày 1 đêm
Đường sông
Nếu bạn đã quá chán ngán các loại phương tiện di chuyển kể trên và muốn thử trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên mặt sông Hồng, khám phá, tham quan cảnh sắc dọc bờ sông thì cũng có thể lựa chọn chuyến du lịch trên sông Hồng đến làng gốm Bát Tràng. Vào cuối tuần, tour du lịch sông Hồng đến làng gốm Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử được mở phục vụ du khách với mức giá từ 300k - 400k/ người. Việc di chuyển bằng đường sông có thể sẽ mất khá nhiều thời gian nhưng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong hành trình khám phá làng gốm Bát Tràng của bạn và gia đình.
Khám phá làng gốm Bát Tràng
Làng cổ Bát Tràng
Đây là địa điểm đầu tiên bạn nên ghé thăm khi đến làng gốm Bát Tràng. Rời thành phố chật chội, chen chúc, làng cổ Bát Tràng sẽ mang đến cho bạn cảm giác vô cùng bình yên, nhẹ nhàng với những công trình cổ mang phong cách kiến trúc cổ xưa. Đi dạo quanh khu làng cổ bằng chiếc xe trâu độc đáo mang đặc trưng của vùng quê nơi đây, bạn sẽ cảm giác như mình đang được trở về trên chiếc xe tuổi thơ đong đầy kỷ niệm. Mọi thứ ở đây đều chân chất, mộc mạc, bình dị và thân thương đến lạ. Vừa ngồi trên chiếc xe nhỏ chạy quanh khắp làng, vừa nhìn ngắm những dàn phơi gốm mini gập trong nắng vàng, cảnh sắc vùng quê nông thôn Việt Nam hiện lên thật dung dị.
Ngôi nhà cổ Vạn Vân - ngôi làng cổ đẹp nhất nhì Việt Nam
Ngôi nhà cổ Vạn Vân được xem là một điểm sáng trong khu du lịch làng gốm Bát Tràng thu hút rất đông khách tham quan.
Nhà cổ vạn vân
Ngôi nhà cổ nằm cuối làng gốm, nơi đây là nhà trưng bày các sản phẩm gốm cổ của làng gốm truyền thống được cha ông đời trước lưu truyền và gìn giữ cho đến tận hôm nay như lọ rồng, ấm men lam, bộ khuôn bản dập làm gốm,...các sản phẩm gốm cổ được làm từ thế kỷ 15, nên nhà cổ Vạn Vân được xem như là nơi cất giấu “báu vật” của làng gốm.
ý nghĩ đặc biệt của căn nhà cổ
Ngoài ý nghĩa đặc biệt đó thì bản thân ngôi nhà cổ cũng gây được ấn tượng mạnh với bất kỳ ai đến đây bởi kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngôi nhà rộng hơn 400m2, gồm 3 gian: gian đầu tiên là ngôi nhà cổ được đưa về từ Thái Bình, gian thứ 2 cũng là một ngôi nhà cổ được sưu tập từ vùng quê Nam Định, gian thứ 3 là gian chính của ngôi nhà được xây dựng trước đó. Nhà cổ Vạn Vân mở cửa từ 8h sáng đến 5 rưỡi chiều hàng ngày đón tiếp du khách tham quan.
Đình làng Bát Tràng
Đình làng nằm ngay bên cạnh bờ sông Hồng, nếu đi theo đường sông thì bạn sẽ xuống ngay cổng Đình làng rồi với vào sâu bên trong làng gốm Bát Tràng. Đình làng là nơi thờ Hoàng thành làng và tổ chức các sự kiện, hoạt động tập thể của người dân địa phương ở đây. Nếu bạn đến tham quan làng gốm Bát Tràng vào đúng dịp lễ hội, bạn sẽ có cơ hội được tham gia các hoạt động vui chơi trước đình làng và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Đình làng vốn là một địa điểm thiêng liêng và ý nghĩa đối với người dân địa phương, nơi chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của cảnh vật và con người trong làng, cũng là nơi biểu hiện rõ nhất văn hóa của từng làng, đặc biệt với làng nghề trăm tuổi như làng gốm Bát Tràng.
3.4. Sân nặn gốm
Nếu đến làng gốm Bát Tràng mà không tham gia hoạt động nặn gốm tại sân nặn gốm thì quả là một điều đáng tiếc và thiếu sót trong chuyến đi của bạn. Ở làng gốm Bát Tràng, có khá nhiều gia đình cung cấp dịch vụ vui chơi, trải nghiệm này cho du khách, bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 30k - 50k cho lần trải nghiệm của mình, chủ nhà sẽ cung cấp cho bạn 1 cục đất dùng để nặn gốm và hướng dẫn bạn cách làm. Nếu đã đến đây rồi, tại sao lại không thử một lần chơi lớn đúng không nào? Vừa có thể trải nghiệm văn hóa, vừa tìm hiểu được các công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm đơn giản từ các nghệ nhân của làng nghề. Lần đầu tiên thực hiện có thể sẽ hơi lúng túng và khó khăn, nhưng không sao, những người dân ở đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm, cách xoay. Bạn nên chọn làm những đồ vật đơn giản trước để quen với các tạo dáng trên bàn xoay và điều chỉnh tay. Sau khi hoàn thành tác phẩm của người, sản phẩm của bạn sẽ được đem nung khô để giữ dáng. Sau đó, bạn có thể tha hồ thỏa sức sáng tạo bất kỳ hình thù nào bạn thích nên sản phẩm của mình. Tùy nhu cầu của mỗi người mà đồ vật đó có được mang đi đánh bóng hay không, bạn có thể nhờ chủ nhà đánh bóng lên sản phẩm của mình để đẹp mắt hơn nhé. Đây chắc chắn sẽ là hoạt động không thể bỏ qua khi đến làng gốm Bát Tràng, tham gia trải nghiệm làm cho mình một sản phẩm bằng gốm đẹp mắt đem tặng bạn bè, người thân cũng là một ý hay đấy, đảm bảo là món quà “độc nhất vô nhị”.
Chợ gốm Bát Tràng
Chợ gốm Bát Tràng chính là thiên đường thực sự của các sản phẩm gốm. Ngay từ ngoài cổng chợ, bạn đã phải thốt lên trầm trồ với vô vàn các sản phẩm gốm đẹp mắt được trưng bày trước các cửa hàng, những đôi lục bình to bằng người thật, cặp tượng sứ Chí Phèo - Thị Nở… Các gian hàng đều được trưng bày san sát nhau, tạo thành một “mê cung” đồ gốm kéo dài vô tận khiến không ít du khách “lóa mắt” khi lần đầu đến đây. Tại đây, bạn có thể lựa chọn được những món quà lưu niệm xinh xắn, nhiều màu sắc hay quà biếu tặng bố mẹ, ông bà, người thân sau chuyến đi của mình. Các sản phẩm trong chợ gốm Bát Tràng vô cùng đa dạng, đẹp mắt, các mẫu tinh tế, tỉ mỉ đến từng đường nét...mọi thứ khiến bạn mẩn mê không muốn rời. Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng được xuất khẩu ra thị trường quốc tế nhưng mức giá không quá cao, nếu bạn chịu khó đi thăm thú các gian hàng thì có thể tìm được các món hàng ‘“độc” với mức giá rẻ đến bất ngờ.
Ăn gì ở làng gốm Bát Tràng
Đừng nghĩ rằng đến làng gốm Bát Tràng chỉ để tham quan và mua đồ gốm thôi nhé! Ở đây có vô số đồ ăn đặc sản từ người dân địa phương cho bạn thưởng thức.
Bánh tẻ (bánh răng dừa)
Bánh tẻ làng gốm Bát Tràng được làm từ những nguyên liệu đơn giản, kết hợp với bí quyết truyền thống được người dân địa phương lưu giữ, món bánh tẻ Bát Tràng chắc chắn không một nơi nào khác có thể làm được.
Bánh sắn, bánh khoai nướng
Một đặc sản đường phố của Hà Nội được lan truyền đến mọi góc gách của miền quê Bát Tràng. Thử tưởng tượng mà xem, sua khi tham quan hết 1 vòng làng gốm Bát Tràng, ngồi xuýt xoa vừa thổi vừa ăn miếng bánh khoai thơm lừng, nóng hổi vừa nhấc từ bếp nướng ra trong tiết trời Hà Nội chuyển đông thực sự sẽ là một kỷ niệm đẹp cùng bạn bè trong chuyến đi của mình. Canh măng mực Đây là món ăn nức tiếng của làng gốm Bát Tràng, món ăn này thường được dùng trong các dịp lễ hội, cưới xin, dịp đặc biệt và quan trọng của người dân làng gốm Bát Tràng. Màu vàng ươm từ măng hòa quyện trong vị ngọt lịm của nước dùng, khi ăn thấy sừn sựt, giòn giòn của từng thớ măng...khi đến Bát Tràng, nhớ thử ngay món ăn này nhé.
Gợi ý những quán cafe so deep ở làng gốm Bát Tràng
Nếu bạn muốn tìm kiếm một địa chỉ quán cafe có thể cùng lân la với bạn bè, vừa nghỉ chân, vừa ngồi tâm sự cùng nhau kết thúc chuyến đi tại làng gốm Bát Tràng trước khi quay trở về Hà Nội thì quán cafe Ando là gợi ý cho bạn. Khác xa với sự ồn ào, tấp nập và bụi bặm của thành đô, không gian quán cafe ở đây tĩnh lặng, yên bình, mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Nghe cái tên thì rất Tây nhưng quán lại được derco trang trí bằng những vật dụng trang trí vô cùng dân giã. mộc mạc, từ lối hành lang, nền quán được lát bằng gạch nung đỏ sẫm, loại gạch nung truyền thống của làng gốm Bát Tràng mang đến một cảm giác “thôn quê” cho những vị khách khi tới đây.
Không gian
Không gian bên trong quán rộng rãi, thoáng mát, nội thất và các vật dụng trang trí chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ, xung quanh trồng nhiều cây xanh...cách bài trí, sắp đặt giúp khách hàng có cảm giác chan hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, trong quán còn có một không gian riêng dùng để bài trí các vật dụng bằng gỗ có thiết kế vô cùng kỹ xảo, tuyệt mỹ, khách tham quan có thể mua về làm quà.
menu quán
Menu của quán khá đa dạng với nhiều loại đồ uống khác nhau như nước ép, cafe, sinh tố, sữa chua...với mức giá vừa phải từ 15.000 - 30.000 đồng Nói chung, khi đến tham quan tại làng gốm Bát Tràng, bạn sẽ không quá lo lắng về các dịch vụ ăn uống. Không có “sơn hào hải vị” cao sang, nhưng những món ăn dân giã của người dân địa phương sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm ẩm thực khác.
Một số lưu ý khi tham quan làng gốm Bát Tràng
Phương tiện sử dụng khi tham quan làng gốm Bát Tràng
Bạn có thể trải nghiệm di chuyển bằng xe trâu hoặc thuê xe đạp để tự khám phá làng gốm Bát Tràng.
Ăn uống
Ngoài thưởng thức các đặc sản ở làng gốm Bát Tràng, bạn có thể tự chuẩn bị đồ ăn nhẹ mang đi.
Mua sắm
Nhớ xem thật kỹ trước khi chọn mua vì có thể có những sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc mặc cả giá tại đây là điều chắc chắn thì thông thường, các chủ quán thường báo giá cao hơn rất nhiều so với giá có thể mua được (đừng nên mặc cả quá nhiều mà lại không mua). Khi tham quan, nên nhớ chú ý tránh va chạm làm vỡ các đồ vật được trưng bày tại các gian hàng, nếu bạn dẫn theo trẻ con thì phải thật chú ý. Ngoài ra, thêm một kinh nghiệm nữa mách nhỏ cho bạn là càng đi sâu vào trong thì các sản phẩm có gái càng rẻ, bạn cũng có thể dễ dàng tìm được một vài món đồ lạ mắt tại đây.
Lưu ý:
Làng gốm Bát Tràng là địa chỉ kết tinh văn hóa, truyền thống của người dân vùng quê Bắc Bộ Việt Nam. Với những tiềm năng du lịch vốn có của mình, cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương, Bát Tràng là địa điểm hấp dẫn không thể bỏ qua với du khách khi tìm kiếm một địa chỉ du lịch gần Hà Nội. Nếu bạn chưa đến Bát Tràng, nhanh nhanh chuẩn bị hành trang đi thôi.