Kinh nghiệm khám phá Triệu Hải theo cung đường rừng không theo quốc lộ
Triệu Hải là một cái tên không còn mấy xa lạ với dân phượt ở phía nam, nơi đây có nhiều điểm đến làm những đam mê xê dịch hứng khởi với những con đèo, thác nước, những cánh rừng đầy hoang sơ, kỳ bí.
Triệu Hải là một xã thuộc huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Bảo Lộc khoảng 75km, Sài Gòn 180km tính theo quốc lộ 20. Tuy nơi đây vẫn được nhiều đoàn phượt chinh phục vào dịp cuối tuần, lễ tết, thế nhưng chính vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và nhiều đoạn đường khó đi của nó làm các tay lái hào hứng mới khi nhắc đến.
Khám phá Triệu Hải theo cung nào?
Có nhiều cung đường để khám phá Triệu Hải mà các đoàn phượt thiết lập nên.
Phổ biến nhất là cung Sài Gòn – Quốc Lộ 20 – “chinh phục đèo Triệu Hải” – Đạ Pal – Đập Đa M’bri và về thành phố Bảo Lộc theo hướng ngã 5. Cung thứ hai là Sài Gòn – đèo Triệu Hải” – Đạ Pal – Đập Đa M’bri – Quốc lộ 28 – Hồ Tà Đùng. Cung thứ ba là Sài Gòn – Triệu Hải – dốc 79 – thác Triệu Hải – đèo Triệu Hải – Đạ Pal – Đập Đa M’bri và ra quốc lộ 20 theo đường đá sỏi. Cung thứ tư là cung khó chinh phục, tuy nhiên lại có nhiều trải nghiệm nhất. Thay vì thẳng quốc lộ 20 lên Triệu Hải rồi khám phá. Nhưng, nhiều tay phượt vững tay lái, ưa phiêu lưu mạo hiểm hay chọn cách đi từ Sài Gòn qua đò Trị An (Đồng Nai), qua phà Hiếu Liêm, khám phá con đường xuyên rừng ở Mã Đà, tham quan di tích chiến khu D, đi qua Phủ Lý, vòng đường ven rừng ở vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Sau đó, mới cập đường ĐT 725 lên Triệu Hải và khám phá các địa danh ở đây.
Nhìn chung, mỗi cung có mức độ khó, lịch trình đi, thời gian khác nhau, tùy vào thể lực, sức khỏe, sự hiểu biết và chuẩn bị chu đáo của mỗi đoàn mà lên cung cho phù hợp. Với những đoàn đi đông người, hạn chế đi cung thứ 4 vì mất thời gian di chuyển và chờ đoàn khá lâu.
Thế nhưng, trong giới hạn bài viết, tác giả chỉ chia sẻ những điểm đến nổi tiếng ở khu vực xã Triệu Hải mà thôi, để các bạn có thông tin lên lịch khám phá cụ thể và tốt nhất.
Đoạn chinh phục cung đường ven rừng Phủ Lý – Nam Cát Tiên.
Dốc 79, điểm đến ít người biết
Dốc 79 là một địa điểm mà đoàn chúng tôi vô tình đặt chân đến khi đi lạc đường. Kể cũng có duyên, vô tình khám phá thác Triệu Hải theo đường mới mà tìm ra một nơi mang tên dốc 79 ít có đoàn phượt nào đặt chân đến.
Nếu các bạn từ thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai) đi vào, bạn rẽ hướng đường ĐT 721 khoảng chừng 15km, đến trường tiểu học Triệu Hải, rẽ vào con đường mòn nhỏ nằm đối diện với trường. Nếu khó định vị thì cứ search tọa độ định vị trước khi đi (Dốc 79: điểm đầu 11.4490800, 107.4874982; kết thúc 11.4490800, 107.4874982).
Trên đường đi bạn sẽ bắt gặp những ngôi làng dân tộc, cây cầu treo thôn Đạ Huoai, sông Đạ Huoai uốn lượn, những nương rẫy bắp, cà phê,…
Cầu treo thôn Đạ Huoai.
Kéo xe chết máy trên dốc 79
Con dốc này có 3 đoạn tất thảy dài chỉ hơn 1.1km, khó nhằng nhất vẫn là dốc 2 vì thẳng đứng cao ngoằn ngoèo. Xe máy nào yếu thì nên xuống dắt bộ nổ máy lên, chứ không là bị chết máy là kéo kiệt sức.
“Đây là con đường mà công ty 79 san lấp mở đường cho dân địa phương khai hoang làm rẫy, và cũng để phía công ty khai thác trồng trọt cao su và thuận tiện di chuyển đi lại. Con đường dốc này mùa khô thì còn dễ đi, chứ mùa mưa, chỉ còn cách bỏ xe máy dưới dốc đi bộ lên mà thôi”, một anh dân địa phương cho hay.
Sông Đạ Huoai uốn lượn đầy thơ mộng
Bật mí một điều nữa, trong cung này không có nhà dân, chỉ có một gian nhà duy nhất của mấy anh em công ty 79 ở. Lỡ may các bạn chưa tìm đường ra thì có thể xin hạ trại ở đây và hỏi thăm đường đi hôm sau. Đường tuy khó đi những đi cũng sẽ dẫn ra thác Triệu Hải.
Thác Triệu Hải
Từ chợ Triệu Hải chạy vào thác khá gần chỉ vài cây số, đường cũng khá dễ đi. Chỉ khi nào bạn khám phá theo cung dốc 79 mới khó đến thác mà thôi. Thác Triệu Hải được dân địa phương chọn làm điểm picnic vào những dịp cuối tuần. Họ đến đây để tổ chức tiệc nướng, tắm thác, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên.
Ngọn thác khá đẹp, lọt thỏm giữa một thung lũng đầy yên bình, có khu vực bãi trống rộng lớn chăn thả trâu, con suối chảy uốn lượn một vòng cung núi, hai bên núi cao vời vợi, xa xa thác nước ầm ầm như đang giận giữ, tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên hết sức sinh động và đẹp.
Thác Triệu Hải
Từ xa cả cây số là du khách có thể thấy ngọn thác cao ngút nước chảy trắng xóa. Thác cao 70m nếu tính từ đỉnh, khu vực khách thấy được chỉ tầm 50m, nếu muốn khám phá thêm có thể leo qua núi và chinh phục 6 thác giật cấp còn lại.
Đèo Triệu Hải
Nếu lịch trình của đi Triệu Hải xuất phát từ xã Triệu Hải thì bạn cứ hỏi người dân hướng đi đèo Đạ Tẻh, Đạ Pal, đừng tin google maps quá nhiều vì khu vực này định vị đường không rõ lắm.
Cung đường đèo khó đi, nhiều đoạn quanh co khúc khủy, vững tay lái mới có thể dám thử thách được. Nếu đi vào mùa mưa thì sình lầy là đặc sản nơi này, có khi đi vài cây số nhưng mất vài tiếng là bình thường, chủ yếu ngã xe và kéo xe.
Bù lại, trên đường đi bạn sẽ được thiết đãi với biết bao cảnh đẹp, những con đường đèo uốn lượn theo triền núi, những cánh rừng nguyên sơ hay nước đập thủy điện Đambri một màu xanh lam tuyệt đẹp, những nương rẫy của người dân địa phương,…Cảnh vật thật xinh đẹp, trong lành và yên bình biết nhường nào.
Đập Đambri khá đẹp, rộng lớn có khu vực hạ trại được. Nếu lịch trình của bạn về thành phố Bảo Lộc thì cứ thằng hướng tay trái mà đi, không biết đường hỏi người dân về ngã 5 Đambri, sau đó về thành phố.
Cung đường sỏi đá từ đập Đambri về quốc lộ 20
Còn những tay máu lửa, có thể chinh phục tiếp con đường “chưa có tên” bên phía tay phải đập hồ. Đường này được san lấp khai thác nhưng chưa tráng nhựa, hay rải sỏi gì cả. Hai bên đường rừng núi âm u, hung vĩ, cỏ cây mọc um tùm vì ít người qua lại. Có chăng cư dân địa phương đi rẫy mà thôi. Đường chỉ toàn đá dăm núi to đùng, nếu không vững tay lái là loạng choạng xe máy lao xuống vực hoặc sang vách núi.
Đi thẳng, con đường này dẫn ra quốc lộ 20, chiều dài quãng đường khoảng 30km, nhưng mất khá nhiều thời gian để hoàn thành. Bạn nào thích thử thách cung này, khuyên nên chuẩn bị xăng kỹ, xăm xe, bộ đồ nghề vá xe chu tất vì đường đá trơn trượt dễ bị thủng lốp.
Vĩnh Hy/Theo Báo giao thông
3.7 / 5 ( 3 bình chọn )