Kinh nghiệm du lịch Tri Tôn tham quan hàng loạt địa điểm An Giang nổi tiếng

Du lịch Tri Tôn An Giang khám phá một miền đất đầy yên bình với những hàng cây thốt nốt thơ mộng bên đồng lúa chín vàng, check in hồ Tà Pạ xanh mát, thăm ngôi chùa Khmer độc đáo và thưởng thức những món ăn dân dã nổi tiếng của vùng Thất Sơn. Tri Tôn – điểm hẹn hấp dẫn Tri Tôn là một huyện có diện tích lớn nhất ở An Giang, cách trung tâm Châu Đốc 44km. Do dân cư thưa thớt nên cảnh đẹp nơi đây vẫn còn giữ được những nét hoang sơ hiếm có, là điểm đến cho những ai yêu thích khám phá non nước yên bình. Nổi bật nhất phải kể đến

Du lịch Tri Tôn An Giang khám phá một miền đất đầy yên bình với những hàng cây thốt nốt thơ mộng bên đồng lúa chín vàng, check in hồ Tà Pạ xanh mát, thăm ngôi chùa Khmer độc đáo và thưởng thức những món ăn dân dã nổi tiếng của vùng Thất Sơn.

Tri Tôn – điểm hẹn hấp dẫn

Tri Tôn là một huyện có diện tích lớn nhất ở An Giang, cách trung tâm Châu Đốc 44km. Do dân cư thưa thớt nên cảnh đẹp nơi đây vẫn còn giữ được những nét hoang sơ hiếm có, là điểm đến cho những ai yêu thích khám phá non nước yên bình. Nổi bật nhất phải kể đến những nơi như: hồ Tà Pạ, cánh đồng Tà Pạ, thốt nốt trái tim, khu rừng tràm, chùa Tà Pạ mang phong cách Khmer độc đáo,…

Ảnh: @kameharris

Ảnh: @filmcuanhonho

Hướng dẫn đi đến Tri Tôn

Để đi đến Tri Tôn An Giang bạn có thể lựa chọn đi bằng xe khách hoặc phương tiện cá nhân như xe máy hay ô tô. 

- Đi bằng xe khách: từ Sài Gòn bắt xe khách đi đến Tri Tôn rồi từ đó đến các điểm tham quan mà mình muốn đi. Các xe mà bạn có thể tham khảo chọn đi như:

Xe Hiệp Tiến: xuất phát từ bến xe miền Tây đi bến xe Tri Tôn - 0296 387 4925 Xe Huệ Nghĩa: đi từ số 4 Tống Văn Hân, Quận 11 đến Tri Tôn - 028 3955 3353

- Đi bằng phương tiện cá nhân: xuất phát từ trung tâm thành phố bạn chạy về hướng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương. Sau đó tiếp tục đi theo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 30 đến Cao Lãnh. Từ đây, rẽ vào Quốc lộ N2B đi Thới Thuận và qua Quốc lộ 91 đến Tỉnh lộ 941 thì rẽ vào là đến nơi.

Ảnh: @tientaivo

Đến Tri Tôn mùa nào đẹp?

Du lịch Tri Tôn An Giang vào bất cứ mùa nào bạn cũng đều có thể cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên mộc mạc và hữu tình, cuốn hút riêng.

- Đến vào tháng 9 khi mùa lúa đổ vàng trên những cánh đồng Tà Pạ, cả nơi đây trải rộng như một tấm thảm ngút ngàn. Khung cảnh sống động của người dân đi thu hoạch, những em bé tung tăng chơi đùa bắt châu chấu. 

Ảnh: @phuongphanphoto

- Mùa gặt xong: khung cảnh đốt đồng với hình ảnh khói lam chiều lan tỏa cũng đẹp không kém.

- Mùa nước nổi miền Tây: khắp những cánh đồng nước trắng mênh mông, bạn lại có dịp được thưởng thức những món ăn mùa nước nổi miền Tây ngon khó cưỡng.

Ảnh: @vietnamnomad

Địa điểm du lịch Tri Tôn nổi tiếng

Không có những địa điểm tham quan rực rỡ hay sang trọng, Tri Tôn ghi điểm riêng cho mình với những điểm đến bình dị, đúng chất mộc mạc của vùng đất Thất Sơn núi non hùng vĩ. 

Chùa Svayton

Chùa Svayton hay còn gọi là chùa Xà Tón, cái tên bắt nguồn cho ý nghĩa của Tri Tôn ngày nay. Quy mô rộng với những bảo tháp cổ kính, rêu phong. Ngôi chùa biểu tượng cho kiến trúc chùa tháp của đồng bào dân tộc Khmer nằm ngay trung tâm thị trấn và đã có lịch đời cách đây hơn 300 năm. Không chỉ lâu đời nhất ở An Giang, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều bộ sách kinh được viết trên lá độc đáo

Ảnh: @vietnam_travel_pics

Hồ Tà Pạ

Hồ nước nằm trên núi Chưn Num là hồ nhân tạo còn sót lại sau những đợt khai thác đá. Nước trong hồ Tà Pạ An Giang là nước mưa và chảy ra từ những mạch đá ngầm nhưng trong vắt tuyệt đẹp được ví như “Tuyệt tình cốc” của An Giang. Đứng từ đây bạn có thể ngắm cả khung cảnh thiên nhiên hữu tình ở cánh đồng bên dưới, ngồi hóng mát, chạm xuống dòng nước mát lạnh hay cắm trại qua đêm bên hồ để ngắm trời đêm đầy sao.

Ảnh: @nhu.y_nhu.y

Chùa Tà Pạ

Ngôi chùa này còn có tên tiếng Khmer là Chưn-Num, chùa được xây dựng trên đồi Tà Pạ và không phải trên nền đất phẳng mà là những cột chống đỡ cao hàng chục mét nên hoàn toàn có thể nhìn thấy từ rất xa. Màu vàng đỏ nổi bật với những chi tiết trang trí và điêu khắc đậm chất Khmer, là nơi du khách đến tham quan, viếng Phật và tận hưởng khung cảnh thanh bình. 

Ảnh: @tutie_tttt

Hồ Soài So

Hồ nước nhân tạo nằm trên đường đi lên núi Cô Tô, cách trung tâm huyện chưa đầy 2km. Sở hữu khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với mây xanh, nước biếc được người dân nơi đây ví như bức tranh thủy mặc. Du lịch Tri Tôn đến đây đi dạo xung quanh hồ tận hưởng không khí mát mẻ, đi sâu vào bên trong bạn cũng có thể tham quan những vườn cây trái trĩu quả do người dân trồng.

Ảnh: @hongocnhung3320

Đồi Tức Dụp

Từ hồ Hoài So đi sâu lên núi Cô Tô bạn sẽ đến được khu vực đồi Tức Dụp nằm ở độ cao 216m. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2km2 nhưng bên trong cấu trúc các hang động sâu, chằng chịt khá độc đáo. Năm xưa nơi đây từng là căn cứ cách mạng quan trọng khó phát hiện, ngay nay đã được tu tạo kiên cố để du khách đến tham quan. Ngoài ra còn có cả khu trải nghiệm bắn súng để giải trí. 

Ảnh: @terryawhile

Cổng trời Tri Tôn

Chiếc cổng nằm lẻ loi ở giữa cánh đồng, mang đậm nét kiến trúc Khmer Nam Bộ là một địa điểm check in được các bạn trẻ yêu thích. Cổng trời Tri Tôn An Giang đầy cổ kính với những đường nét hoa văn và họa tiết tinh xảo. Trên đỉnh là 3 ngọn tháp nhỏ, có biểu tượng rắn thần Nagar nổi tiếng. Đến đây vào sáng sớm, chiều tà hay đặc biệt là mùa lúa chín bạn có thể tha hồ tạo dáng chụp ảnh độc đáo ở nơi này.

Ảnh: @caotoan910

Nhà mồ Ba Chúc

Di tích lịch sử Quốc gia này là một trong những địa điểm tham quan vô cùng nổi tiếng của An Giang. Nhà mồ này là nơi ghi dấu tội ác man rợ của đội quân Khmer Đỏ năm xưa, hiện còn lưu giữ khoảng 1.159 hài cốt được đặt trang nghiêm trong tủ kính. Ngoài nhà mồ còn có khu vực nhà lưu niệm, chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu,… để du khách đến tận mắt chứng kiến về những chứng tích và biến cố đau thương của người dân Ba Chúc một thời.

Ảnh: @ttmn.mn

Lễ hội Tri Tôn nổi tiếng

Lễ hội đua bò

Kinh nghiệm du lịch Tri Tôn, vào khoảng 29/8 đến ngày 1/9 Âm lịch, tức là thời điểm Tết Sene Dolta của đồng bào Khmer đến đây sẽ thấy có hàng ngàn người cùng đến tham gia vào lễ hội đua bò độc đáo. Lễ hội này tổ chức luân phiên giữa 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên hàng năm, ngay sau thời điểm lúa gặt xong. Những đôi bò kéo theo bừa chạy đua trên mặt ruộng tạo nên không khí náo nhiệt, mang đậm nét văn hóa dân gian mà không phải nơi nào cũng có được.

Ảnh: Tân Hiệp Phát

Tết Chol Chơnam Thmay

Hay còn gọi là Tết năm mới, ngày lễ lớn nhất của đồng bào Khmer ở Nam Bộ diễn ra từ ngày 1 - 3 tháng Chét Phật lịch (hay tháng 4 Dương lịch) hàng năm. Nó mang ý nghĩa là xua tan đi những ngày nắng hạn, cầu mưa thuận cho vụ mùa mới. Có nhiều nghi thức được thực hiện như: 

- Cúng giao thừa tiễn Têvôđa cũ.

- Lễ rước lịch Sankran ở chùa ngày đầu năm.

- Lễ dâng cơm sáng và trưa cho sư sải.

- Lễ tắm cho sư,…

Ảnh: @laodong.vn

Lễ cúng trăng Ok Om Bok

Đây cũng là một trong những lễ hội miền Tây được biết đến nổi tiếng, thường diễn ra vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch. Lễ hội diễn ra với mục đích tạ ơn thần Mặt trăng, người đã có công bảo vệ mùa màng cho nhân dân được sống ấm no. Vào thời điểm trăng tròn nhất, mọi người sắm lễ có: chuối chín, cốm, sắn,… đặt tại sân nhà mình hoặc sân chùa, cúng xong thì đặt lên bè chuối và thả trôi theo dòng kênh. Bên cạnh đó, còn tổ chức thả đèn trời và nhiều trò chơi vui nhộn.

Ảnh: @g_nut1995

Ngoài ra, còn có nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc của người dân đồng bào Khmer vùng Bảy núi như: lễ SenDolta, lễ Nhập Lụa, lễ Dâng Y, lễ Ra Hạ Chư Tăng, lễ Sôm Sất, ngày Hội Văn hóa Khmer, Lễ Pisát Bôchia nhớ ơn Phật,...

Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Trải nghiệm phải thử khi đến Tri Tôn

Thăm rừng tràm Tân Tuyến

Rừng Tràm Tân Tuyến An Giang là địa điểm mới ở Tri Tôn nhưng lại sở hữu tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Khung cảnh sinh thái đậm chất hoang sơ, khu rừng tràm sở hữu hệ thống ván trục dài đến 5km mang đến những trải nghiệm mới mẻ trong khu rừng ngập nước đặc trưng của miền Tây. Ngoài tham quan, còn được thử giăng lưới bắt cá và thưởng thức ẩm thực đồng quê ấn tượng. 

Ảnh: FB langthang.angiang

Check in thốt nốt trái tim

Thốt nốt là loài cây biểu tượng của An Giang và du lịch Tri Tôn đến xứ sở của loài cây này bạn đừng quên dành thời gian check in với cụm cây thốt nốt hình trái tim vô cùng nổi tiếng. Giữa cánh đồng bao la, hai cây thốt nốt chụm lại với nhau tạo thành hình trái tim. Đến đây chụp vài kiểu ảnh lãng mạn dưới ánh chiều tà sẽ khiến chuyến đi của bạn thêm thú vị hơn nhiều.

Ảnh: @nguyenoannh

Ở đâu khi du lịch Tri Tôn?

Tri Tôn hiện nay cũng đang trở thành một trong những điểm đến được nhiều người yêu mến. Du lịch Tri Tôn An Giang bạn có thể chọn nghỉ ngay tại đây hoặc xa hơn với các khách sạn và resort ở Châu Đốc, Long Xuyên hay núi Sam,… Mức giá phòng giao động từ 300 – 1 triệu3/phòng tùy từng loại. Một số địa chỉ được gợi ý cho bạn tham khảo như:

Khách Sạn Victoria Núi Sam Lodge Khách sạn Hạ Long Châu Đốc Núi Cấm Resort Khách sạn Phương Nam,…

Ảnh: @lea_pubcorner

Món ngon Tri Tôn nên thưởng thức

Bánh thốt nốt An Giang

Đến với xứ sở của những cây thốt nốt thì bạn không thể bỏ lỡ món bánh bò trứ danh này. Ngoài làm nước giải khát thanh mát, trái thốt nốt còn được mang đi chế biến thành món bánh mềm, xốp và thơm khó cưỡng. Trên dọc đường đi chỗ nào bạn cũng thấy bán với giá rất rẻ, cắn vào một miếng là cảm nhận được độ thanh của đường thốt nốt, mịn màng lan tỏa trong miệng.

Ảnh: @cafe_langthang

Gà đốt Ô Thum

Đây là món ngon An Giang trứ danh mà thực khách luôn muốn được thưởng thức. Món ăn này có nguồn gốc từ Campuchia với cách làm đơn giản. Gà đồi được làm sạch tẩm ướp gia vị, lót một lớp sả và lá chúc, ít dầu ăn, tỏi rồi đặt gà lên trên mang đi đốt. Khi chín có màu vàng ươm, mọng nước chứ không bị khô, chấm với chén muối cay và ăn kèm đĩa rau trộn là một mình bạn có thể chén sạch cả con.

Ảnh: @vivianzh4ng

Cháo bò

Trong hành trình đến Tri Tôn bạn đừng quên ghé quán cháo bò Thủy Đen để thưởng thức món ăn đặc biệt của vùng Bảy núi này. Một tô cháo đầy đủ huyết bò, lòng bò, bò trần, rau giá,… đầy ắp. Điểm đặc biệt là tô cháo bò này sẽ được ăn kèm với quả chúc chứ không phải chanh như ở nơi khác. Thêm đĩa bún cho thêm vào tô cháo ăn hoài không hết mà chỉ có 25 ngàn.

Ảnh: @a.viet.cook

Lạp xưởng bò

Du lịch Tri Tôn thưởng thức ẩm thực đừng bỏ qua món ăn dân dã của người Khmer được khách du lịch yêu thích, khác với lạp xưởng của người Chăm thiên về độ mặn thì lạp xưởng bò ở Tri Tôn lại ngọt hơn. Thịt bò vụn được bằm ra rồi nhồi vào ruột bò, thắt thành những đoạn ngắn sau đó treo lên khi nào muốn ăn thì mang đi nướng trên bếp than. Khi ăn rắc thêm chút muối tiêu để tăng thêm hương vị. 

Ảnh: @linhlikesstreetfood

Bò nướng và đu đủ đâm

Đây là 2 món ăn vặt truyền thống của người dân Khmer ở Tri Tôn. Bò được tẩm ướp gia vị rồi kẹp vào que mang đi nướng, khi chín có màu đỏ thơm phức. Còn đu đủ đâm thì tương tự như món Somtom của Thái Lan nhưng khác là trộn bằng mắm cá và có thể rau muống bào. Hai món ăn này kết hợp với nhau tạo nên hương vị hoàn hảo hòa quyện khiến ai được thử một lần đều khó mà quên.

Ảnh: @diemmy.2411

Tri Tôn vẻ đẹp thiên nhiên hiền hòa, nhiều thắng cảnh đẹp cùng những món ăn ngon độc đáo luôn xứng đáng là điểm đến hàng đầu trong hành trình du lịch An Giang. Nếu chưa có cơ hội đi thì đừng ngần ngại đến một lần, bạn sẽ bị cuốn hút vì những điều đơn giản nhưng khó cưỡng của mảnh đất nổi tiếng nhất vùng đất Bảy núi này.

Hà Lê (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

Có thể bạn muốn xem