web stats

Khám phá đình Tân Lộc Đông

Cần Thơ là mảnh đất luôn mang đến nhiều điều thú vị, bất ngờ cho du khách bởi nhịp sống sôi động, nhịp nhàng qua những phiên chợ nổi tấp nập. Hay sự trong veo, thơ mộng của những khu vườn cây trái trĩu quả. Thế nhưng, có những điểm đến khiến người ta phải trầm ngâm, suy tư về một thời đã xa đó chính là những ngôi nhà cổ hay công trình đền chùa linh thiêng. Đâu đó, nét đẹp hoài cổ với kiến trúc đặc sắc của những ngôi đình, ngôi chùa khiến người ta biết sống chậm lại và tìm lại sự thanh tao trong tâm hồn. Và trong chuyến đi lần này, chúng mình về với

Cần Thơ là mảnh đất luôn mang đến nhiều điều thú vị, bất ngờ cho du khách bởi nhịp sống sôi động, nhịp nhàng qua những phiên chợ nổi tấp nập. Hay sự trong veo, thơ mộng của những khu vườn cây trái trĩu quả. Thế nhưng, có những điểm đến khiến người ta phải trầm ngâm, suy tư về một thời đã xa đó chính là những ngôi nhà cổ hay công trình đền chùa linh thiêng. Đâu đó, nét đẹp hoài cổ với kiến trúc đặc sắc của những ngôi đình, ngôi chùa khiến người ta biết sống chậm lại và tìm lại sự thanh tao trong tâm hồn.

Và trong chuyến đi lần này, chúng mình về với Cù Lao Tân Lộc để được chiêm ngưỡng sự cổ kính, linh thiêng với mái đình cong cong, chạm khắc tinh xảo của đình Tân Lộc Đông bạn nhé.

Đình Tân Lộc Đông ở đâu Cần Thơ?

Vị trí: Tân Mỹ 1 - Phường Tân Lộc - Quận Thốt Nốt - TP. Cần Thơ

Thuộc khu vực Tân Mỹ 1 - P. Tân Lộc - Q. Thốt Nốt, đình Tân Lộc Đông cách trung tâm thành phố Cần Thơ tầm khoảng 40km theo hướng Tây Nam. Có tuổi đời gần 100 năm tuổi, ngôi đình cổ này vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống đặc sắc dân tộc. Đặc biệt, trong đời sống tâm linh của người dân Thốt Nốt nói riêng và người Cần Thơ nói chung.

Lịch sử hình thành đình Tân Lộc Đông

Năm 1787, đình được xây dựng khi họ Nguyễn, Cao, Võ chỉ định đến vùng đất này để lập ấp, khai khẩn đất hoang. Lúc đầu, khi mới xây dựng, đình chỉ được lợp bằng lá tre đơn sơ ở Cù Lao Cát nay là phường Tân Lộc. Mục đích để thờ cúng các vị thần linh.

Sang đầu thế kỷ XIX, thì dân cư đổ về đất Cù Lao Cất để an cư lập nghiệp nhiều hơn. Thế nên, thôn Tân Lộc Đông được hình thành ngay sau đó. Và ngôi đình này cũng đã được tu bổ thêm với tên gọi là đình Tân Lộc Đông.

Ngày 29/11/1852 (Nhâm Tý), vua Tự Đức sắc phong thần Bổn Cảnh Thành Hoàng cho dân làng. Kể từ khi sắc phong, mọi chuyện làm ăn, kinh doanh, buôn bán ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân trong làng khấm khá, ấm no hạnh phúc hơn.

Đầu thế kỷ XX, dân ngày càng trở nên đông đúc. Và diện tích đình khá nhỏ, đường giao thông vào đình không được thuận tiện lại thiếu cảnh quan và không có mặt bằng để tổ chức hội làng. Thế nên, người trong làng đã tụ họp và quyết định chuyển ngôi đình sang vị trí mới thuộc phần đất của Trần Thị Triệu hiến tặng.

Đến năm 1922, đình đã được khởi công và xây dựng lại với vật liệu kiên cố hơn. Năm 1925, đình đã hoàn thiện xong và ngôi đình này đã tồn tại cho đến tận ngày nay. 

Trải qua nhiều đợt tu bổ, đình Tân Lộc Đông Cần Thơ ngày càng sở hữu diện mạo khang trang, mặt bằng mở rộng, cảnh quan đình thoáng đãng hơn. Và đây cũng là ngôi đình lớn nhất, tiêu biểu và là niềm tự hào của người Cần Thơ.

Ngày 22/05/2017, đình Tân Lộc Đông đã được ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Đình cổ gần 100 năm tuổi

Kiến trúc đặc sắc của đình Tân Lộc Đông - Cần Thơ  

Quy mô của đình

Đình Tân Lộc Đông Cần Thơ được thiết kế theo hình chữ Nhất với quy mô của đình rộng đến 2.884m2. Hiện nay, công năng chính của đình bao gồm các hạng mục chính: Cổng tam quan, võ qui, võ ca, chính điện, nhà khách, nhà bếp, nhà tiên sư...

Kiến trúc của đình

Là ngôi đình sở hữu nét đẹp kiến trúc truyền thống Việt Nam, kết cấu đình được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ liên kết chặt chẽ với nhau bằng cách ghép mộng khăng khít, chắc chắn. Hệ mái của đình được xây dựng theo hình chữ Bát hay thường gọi là bát dần với 3 tầng mái được lợp ngói âm dương. Hệ thống cột đình được xây dựng liên hoàn, liên tiếp nhau đã tạo lên 1 hệ thống kiến trúc đồng nhất, vững trãi, chịu lực tốt. Nhờ thế, nó nâng đỡ được những vì kèo và những tầng mái lên phía trên.

Về tổng thể, đình gồm 16 cột lớn. Mỗi cột có bề hoành rộng đến 1,4m và cột chính cao lên tận 10m. Trên nóc mái của đình được trang trí hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Đan xen với đó là những đường phào chỉ, đường gờ, đường xoi với mái diềm thân thuộc mang đặc trưng của kiến trúc phong kiến Việt Nam thời xưa. Vì thế, ngôi đình luôn sở hữu nét đẹp trang nghiêm, đặc sắc.

Không những vậy, đình còn được trang trí bởi những phù điêu, hoành phi câu đối. Trên cột thì được cham khảm hoa văn tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại nhìn rất cuốn hút. Đình thần Tân Lộc Đông vẫn còn lưu giữ những ché rượu cổ có từ thời nhà Thanh.

Hầu hết những chi tiết gỗ của ngôi đình đều được liên kết với nhau bởi ngàm, miệng kèo. Khi chạm khảm những hoa văn, họa tiết thì cột kèo, rường sẽ được những người thợ làm chau truốt, láng mịn. Và hệ thống cột kèo được ghép bằng mộng thủng xuyên khớp nối thay vì dùng đinh, bắt ốc. Như thế sẽ giúp ngôi đình kiên cố, vững trãi hơn.

Mang đậm kiến trúc Việt xưa

Cổng tam quan

Được xây dựng bằng chất liệu chính từ bê tông cốt thép rất kiên cố, chắc chắn. Mái cổng được thiết kế hình dáng bát dần và được lợp bằng ngói móc vảy cá. Trên hệ mái được trang trí thêm những đầu đao cong mềm và không quên khắc thêm dòng chữ quốc ngữ “Đình Thần - Tân Lộc - Phía Đông” với bức đại tự chữ Hán Nôm.

Lối vào cổng chính được đắp nổi hình tượng lưỡng long ôm chặt quanh cột. Bên dưới là tượng Kim Quy. Đặc biệt, cổng tam quan đình Tân Lộc Đông được trang trí cầu kỳ với hình tượng tứ linh “Long - Lân - Quy - Phụng”. Những bức bích họa được tái hiện và thể hiện rõ những điển tích thời xưa về Âu Cơ và Lạc Long Quân, hay đề tài làng quê...nhìn rất có hồn, đặc sắc.

Cổng tam quan

Võ ca đình

Võ ca đình Tân Lộc Đông chính là một nơi dành riêng cho những đoàn hát biểu diễn để phục vụ người dân trong những dịp lễ hội được tổ chức tại đình. Để tạo không gian thông thoáng, tường võ ca sẽ được xây dựng kiên cố và gắn những song bản gỗ. Mục đích lấy gió bên ngoài tạo sự mát mẻ cho nơi đây.

Hai bên võ ca chính là khoảng không rộng lớn với khán đài được dựng bằng gỗ theo bậc tam cấp để người dân ngồi dự lễ, xem hát dễ dàng. Đó chính là sự khác biệt của đình so với những ngôi đình khác tại Cần Thơ.

Võ qui đình

Trong võ qui đình chính là nơi bàn thờ của Quốc Tổ Hùng Vương và bàn thờ Hồ Chủ Tịch đặt ngay tại trung tâm. Hai bên là những bàn thờ Phó Bái, Đại Bái, Đông Hiến, Chánh Tế, Tây Hiến.

Bên trong võ quy của đình

Chính điện

Chính là nơi trang nghiệm nhất của đình và thờ vị Bổn Cảnh Thành Hoàng. Hai bên chính điện còn được bố trí thêm nhiều bàn thờ khác như: Tiền Hiền, Hữu Ban, Bạch Mã, Tả Ban, Thái Giám, bàn thờ Tiên Thường.

Giống như nhiều ngôi đình khác tại Nam Bộ, thì đình Tân Lộc Đông còn thờ những anh hùng liệt sĩ có công to lớn trong việc dựng nước, bảo vệ quê hương làng xóm. Hay những bậc tiền nhân có công trong việc khai hoang, lập ấp, lập xã giúp đời sống dân làng ấm no, hạnh phục, trù phú...

Bàn thờ chính điện

Giá trị nghệ thuật

Ngoài kiến trúc đặc sắc, đình Tân Lộc Đông cũng là ngôi đình lưu giữ những giá trị nghệ thuật qua hình tượng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo thể hiện rõ hình tượng Long - Lân - Quy - Phụng, hoa, lá, dây...trên bao lam, hoành phi, câu đối. Hoặc thông qua những bức bích họa về chủ đề Mai - Điểu; Sen le; Tam Đa. Bên cạnh đó, đình cũng còn lưu giữ những giá trị đặc sắc như: bản sắc phong, khánh thờ, những đồ thờ có tuổi đời gần 100 năm tuổi.

Lễ hội đình Tân Lộc Đông Cần Thơ

Hiện nay, lễ hội đình Tân Lộc Đông thường gồm 2 lễ hội chính:

Tổ chức lễ hội tại đình

Lễ hạ điền

Có ý nghĩa gắn liền với cuộc sống dân địa phương. Đây là lễ hội tượng trưng cho lễ xuống đồng, khai mùa cấy cày, tạ ơn trời đất, thần thánh đã giúp cho dân làng có mùa màng bội thu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và tổ chức vào ngày 11 - 13 tháng 4 âm lịch.

Lễ thượng điền

Ý nghĩa của lễ hội này được dân làng tổ chức để tỏ lòng biết ơn với Thần Thành Hoàng. Mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đồng thời đây là lễ hội hướng đến những công lao to lớn của anh hùng liệt sĩ, những người có công lớn trong việc bảo vệ và giữ nước. Lễ hội thường tổ chức vào 20,21 tháng 11 âm lịch.

Lễ hội Tết Đoan Ngọ

Cứ vào ngày 4 - 5/05 âm lịch, người dân Cù Lao Tân Lộc lại tổ chức lễ hội Tết Đoan Ngọ tại đình với ý nghĩa diệt sâu bọ phá hại mùa màng, cây cối. Vào năm 2018, lễ hội Tết Đoan Ngọc đã được nâng cấp lên quy mô lễ hội thành phố Cần Thơ với nhiều hoạt động tổ chức sôi động tại đình. Và đó cũng là lý do thu hút đông đảo khách tham quan tham dự khi đến Cần Thơ.

Là một trong những công trình văn hóa tâm linh tiêu biểu của Cần Thơ, đình Tân Lộc Đông vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, trang nghiêm của một ngôi đình cổ với nhiều di sản văn hóa lâu năm. Đến đây, ngoài được chiêm bái, cầu an. Du khách sẽ được thưởng lãm nét đẹp kiến trúc đặc sắc của ngôi đình cổ và được tham dự lễ hội truyền thống hàng năm sôi nổi tại đình đấy nhé.

Nguyễn Chiên (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

Có thể bạn muốn xem