Khách sạn 120 năm tuổi xứ Huế
Khách sạn Sài Gòn - Morin vừa kỷ niệm 120 năm thành lập vào ngày 26/3. Khách sạn được khởi công xây dựng vào năm 1901, tức chỉ hai năm sau ngày hoàn thành cây cầu Trường Tiền - một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng về lịch sử - văn hóa của đất cố đô. Đây là công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng bên bờ Nam sông Hương.
Hơn một thế kỷ, dù phải trải qua bao nốt thăng trầm trong dòng chảy lịch sử xứ Huế, khách sạn Sài Gòn - Morin vẫn đứng uy nghiêm, trầm mặc đón nhận những làn gió mát lành từ dòng sông Hương thơ mộng và hướng nhìn bao dòng người xuôi ngược qua cây cầu huyền thoại Trường Tiền.
Mặt tiền khách sạn Sài Gòn - Morin nhìn từ đầu cầu Trường Tiền.
Dưới đây là những chia sẻ của quản lý Sài Gòn - Morin về lịch sử hoạt động và quá trình phát triển của khách sạn này.
Điểm đến của những yếu nhân
Khách sạn Sài Gòn - Morin từng đón tiếp và phục vụ nhiều nhân vật nổi tiếng của thế giới. Trong số những vị khách đặc biệt này phải kể tới vua hề Charlie Chaplin, lưu trú tại khách sạn trong dịp ông cùng vị hôn thê đi hưởng tuần trăng mật vào năm 1936, hay nhà văn người Pháp André Malraux.
Từng chọn khách sạn Morin làm nơi lưu trú trong các chuyến công du đến Việt Nam có các nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Pháp Francois Fillon (năm 2009), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Lim Chae Jung (2008), Chủ tịch Quốc hội Na Uy Anne Marit Bjørnflaten (2008), Phu nhân Tổng thống Pháp Madam Bernadette Chirac (2004).
Hàng nghìn du khách nói tiếng Pháp và những người từng làm việc ở Đông Dương trước đây cũng chọn khách sạn Morin như nơi chốn của sự hoài niệm. Khách sạn còn là một trong những điểm đến hàng đầu tại Huế để tổ chức các hội nghị mang tầm cỡ quốc tế, quốc gia.
Chứng nhân lịch sử
Lịch sử của khách sạn Sài Gòn - Morin bắt đầu vào năm 1901 khi ông Henri Bogaert, chủ nhà máy gạch ngói Long Thọ và nguyên là một sĩ quan quân đội Pháp, cho khởi công xây dựng. Năm 1905, nhà buôn người Pháp Alphonse Guerin đã mua lại khách sạn, lấy tên là Grand Hotel de Hue. Đến năm 1907, ông Wladimir Morin - đại diện nghiệp đoàn của anh em nhà Morin tại Đà Nẵng - đã mua lại khách sạn và chính thức xác nhận quyền sở hữu của mình bằng cách lấy tên của dòng họ đặt tên cho khách sạn, thành Hôtel Morin Frères (khách sạn anh em nhà Morin). Cái tên Morin gắn liền với lịch sử của khách sạn từ đó đến mãi tận hôm nay.
Thời gian đầu hoạt động, ngoài việc phục vụ du khách, khách sạn Morin còn đảm nhiệm vai trò như một nhà khách của chính phủ Nam triều và chính phủ bảo hộ, cơ quan Trung kỳ. Khách sạn nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại, văn hóa và du lịch của kinh đô Huế thời nhà Nguyễn. Từ năm 1930 đến đầu Thế chiến lần thứ nhất, nhiều người châu Âu sống ở Huế hay quá cảnh ở xứ sở này đều được gia đình Morin đón tiếp tại đây.
Thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, khách sạn có 70 phòng ngủ, nhà hàng 120 chỗ, quầy café, quầy rượu, cửa hàng thịt, rạp xinê, một xưởng may, một kho chứa hàng lớn... Đến năm 1957, khách sạn là cơ sở của trường Đại học Huế, sau đó là Đại học Tổng hợp Huế từ những năm sau ngày giải phóng. Năm 1991, khách sạn được Công ty Du lịch Thừa Thiên - Huế tiếp quản, phục vụ du khách Tây ba lô, khách du lịch tự do.
Từ năm 1994 trở đi, khi tiếp nhận quản lý, Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã lần lượt cải tạo và nâng cấp thành khách sạn 3 sao, rồi 4 sao. Tháng 6/2004, khách sạn đã được xây dựng thêm một tầng, nâng quy mô phục vụ lên con số 180 phòng ngủ, với các dịch vụ cao cấp, tiện nghi sang trọng nhưng vẫn giữ nguyên không gian cổ kính, nét kiến trúc Pháp tinh tế như diện mạo hiện nay.
Trong suốt 120 năm hình thành và phát triển, khách sạn Sài Gòn - Morin như một "chứng nhân" lịch sử đã trải qua bao biến cố thăng trầm của xứ Huế. Có ít nhất ba lần Sài Gòn - Morin hứng chịu sự tàn phá do khí hậu, thiếu sự bảo dưỡng và đặc biệt là do chiến tranh. Năm 1904, cơn bão năm Thìn đã làm cho khách sạn hư hỏng nặng. Từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, khách sạn đã bị phá hủy và bị đốt cháy một phần. Năm 1968, trong đợt "Tổng tấn công Tết Mậu Thân", khách sạn đã một lần nữa bị tổn thất nặng nề trong chiến dịch này tại Huế.
Tâm điểm văn hóa, thương mại và du lịch của đất cố đô
Nhờ sở hữu vị trí đắc địa ở khu trung tâm nổi bật của Huế, nằm bên bờ sông Hương, ngay trước đầu cầu Trường Tiền, gần các tòa nhà công và trung tâm giải trí của người phương Tây, vào thời kỳ hoàng kim, khách sạn là tâm điểm của những hoat động văn hóa, thương mại và du lịch của đất cố đô. Tòa nhà này từng là "siêu thị" đầu tiên, có khả năng đáp ứng tất cả yêu cầu của khách hàng tại vùng đất kinh kỳ...
Khách sạn phô diễn vẻ đẹp lung linh bên dòng sông Hương thơ mộng và cầu Trường Tiền lịch sử khi đêm về.
Khách sạn Morin từng là một trong những địa điểm văn hóa quan trọng. Rạp chiếu phim thơ mộng Cinéma Morin nằm bên trong tòa nhà chính, ở vị trí của phòng hội thảo hiện nay, từng là rạp chiếu phim đầu tiên của thành phố. Thư viện ở đây cũng luôn thu hút đông đảo độc giả. Khách sạn còn là văn phòng du lịch của vùng, văn phòng thư tín của ngành du lịch cả xứ Đông Dương thời Pháp. Nơi này từng ở vị trí là xuất phát điểm trực tiếp của các chuyến tham quan và du ngoạn các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng.
Viết tiếp câu chuyện của khách sạn cổ nhất xứ Trung kỳ
Mang trong mình cả một "gia tài" đồ sộ về văn hóa - lịch sử, khách sạn Sài Gòn - Morin sở hữu một vị thế đặc biệt. Dường như mỗi góc bên trong hay ngoài khách sạn cũng đều mang hơi thở của thế kỷ. Chuyến du ngoạn vào xứ Huế mộng mơ của bạn sẽ thêm phần thi vị và đáng nhớ khi gối mộng lên chiếc gối êm ái trong lòng khách sạn cổ 120 năm tuổi này.
Trước khi nhận phòng khách sạn, bạn hãy dành ít phút dừng lại ngay quầy lễ tân để chiêm ngưỡng bức tượng bán thân bằng đồng khắc tạc chân dung Wladimir Morin, ông chủ người Pháp đã làm nên tên tuổi của khách sạn. Bức tượng do cháu nội ông thực hiện tại Pháp vào năm 1997, sau đó chuyển tặng lại cho khách sạn. Lang thang dọc theo hành lang các tầng lầu khách sạn, bạn như được quay ngược dòng thời gian, sống lại những năm đầu thế kỷ trước, khi chiêm ngắm 500 bức ảnh tư liệu quý được trưng bày tại đây.
Bạn cũng nhớ hỏi thăm nhân viên phục vụ để được hướng dẫn tới xem cầu thang gỗ ở khu cổ của khách sạn, giữ gìn nguyên vẹn từ năm 1901 và dãy hành lang cổ từ năm 1925. Đặc biệt, bạn hãy ghé thăm căn phòng số 111, nơi cặp vợ chồng Vua hề Charlie Chaplin từng lưu trú vào năm 1936. Và bạn hãy khám phá xem vì sao nhà hàng sân vườn Le Rendez-Vous được nhà phê bình ẩm thực Steven Downes bình chọn là một trong 100 địa điểm ẩm thực nên thưởng thức trước khi lên thiên đường.
Còn nếu là tín đồ ẩm thực, ít ai bỏ qua nhà hàng Le Royal được thiết kế theo kiến trúc cung đình của triều Nguyễn vào thế kỷ 19, nơi bạn vừa thưởng thức các món ăn cung đình, vừa khoác chiếc áo long bào sắm vai vua hoặc hoàng hậu.
Nhiều năm về trước, Michael Hitchcock - diễn viên, nhà biên kịch và nhà sản xuất phim truyền hình người Mỹ nổi tiếng - đã đến đây và đã thốt lên những mỹ từ dành cho khách sạn Sài Gòn - Morin: "Heritage heart land of Hue" (Mảnh đất trái tim di sản của xứ Huế). Lời cảm tưởng cô đọng sau này đã được dùng làm câu slogan của khách sạn. Và đến lượt mình, bạn có thể viết tiếp câu chuyện của khách sạn cổ nhất xứ Trung kỳ này bằng vài dòng lưu bút trên cuốn sổ cảm tưởng đặt trang trọng ngay tại tiền sảnh khách sạn.
Được bảo tồn theo lối kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp, khách sạn Sài Gòn - Morin ngày nay cung cấp dịch vụ phòng ngủ đầy đủ tiện nghi với diện tích phòng thoáng rộng, 40-120 mét vuông. Tất cả phòng tắm đều được lát đá cẩm thạch sang trọng. Các ban công hướng sông là điểm phù hợp để du khách chiêm ngưỡng dòng sông Hương, cầu Trường Tiền lịch sử và toàn cảnh thành phố Huế thơ mộng. Khách sạn có bốn mặt tiền tại các giao lộ Lê Lợi - Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám - Trương Định, thuận tiện để du khách đi đến các điểm tham quan hàng đầu xứ Huế, nhiều trung tâm thương mại và tụ điểm giải trí ngày, đêm.
Nhà hàng sân vườn Le Rendez-Vous được nhà phê bình ẩm thực Steven Downes bình chọn là một trong 100 địa điểm ẩm thực nên thưởng thức trước khi lên thiên đường.
Với vị trí địa lý - lịch sử đặc biệt cùng vẻ đẹp về nghệ thuật kiến trúc, khách sạn này đã được đưa vào danh mục 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế cần được bảo vệ. Đây cũng là một trong 5 khách sạn cổ ở Việt Nam và là khách sạn cổ của miền Trung - Tây Nguyên.
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập (26/3/1901-26/3/2021), khách sạn Sài Gòn - Morin giới thiệu chương trình khuyến mãi đặc biệt, với giá phòng chỉ từ 899.000 đồng một đêm, dịch vụ buffet sáng chỉ từ 160.000 đồng một khách, thực đơn set menu giá chỉ từ 220.000 đồng một khách. Thời gian chương trình được áp dụng từ nay đến ngày 30/6.
Liên hệ: Khách sạn Sài Gòn - Morin (Hotel Saigon Morin)Địa chỉ: 30 Lê Lợi, phường Phú Nhuận, thành phố HuếĐiện thoại: 0234 3823 526Email: [email protected]: www.morinhotel.com.vn
Thư Kỳ (ảnh: khách sạn Sài Gòn - Morin)