Khác biệt thú chơi cây cảnh Tết của người Hà Nội và Sài Gòn
Người Hà Nội trưng cây đào, còn người Sài Gòn chọn sắc mai vàng đón Tết.
Gần Tết, các gia đình đều trang hoàng nhà cửa bắt mắt, nhiều đồ trang trí trong số đó có màu sắc liên quan đến ngũ hành. Ở miền Bắc, đào là loài cây đặc trưng cho ngày Tết. Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Thiệu, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hoa đào sắc hồng đỏ mang hành hỏa, là loài hoa nhắc Xuân về, có ý nghĩa may mắn, xua đuổi tà ma. Đào đẹp thường là loại bông to, cánh thắm, gốc vững chắc, cành lá xum xuê, thế vươn cao. Nhiều gia đình khá giả sẽ đến vườn tìm những gốc đào thất thốn trăm tuổi, có thân xù xì, cánh đậm, giá thuê từ 20 đến 100 triệu đồng.
Cây đào thế lớn có giá thuê tới 30 triệu đồng. Ảnh: Giang Huy
Ngoài đào, người Hà Nội chơi Tết còn có hoa thủy tiên hoặc mai trắng. Hoa thủy tiên được người Hà Nội tìm mua từ 20 tháng Chạp để cắt tỉa sao cho hoa nở đúng giao thừa. Còn mai trắng - một trong hàng "thập đại danh hoa" của Việt Nam, có dáng mảnh dẻ, thuần khiết, mang ý nghĩa biểu tượng cho cốt cách người quân tử. Trưng hoa mai trắng trở thành thú vui tao nhã của nhiều người dân Hà Thành xưa nay, chỉ những nhà quyền quý mới có.
Những năm gần đây, người Hà Nội còn chơi các loại cây mới như tuyết mai. Hoa nhỏ trắng muốt, cành mảnh, cao khoảng hơn 1m, thường cắm lục bình và được các hộ chung cư ưa chuộng. Ngoài ra, người Hà Nội có trang trí quất cảnh, với quan niệm quất thế "tứ quý", trên mỗi cây cần đầy đủ quả xanh, quả vàng, lộc, lá xanh, và điểm hoa trắng.
Trong khi đó, nhiều người Sài Gòn quan niệm Tết phải có cây có quả, vì thế trong mỗi gia đình đều có cây mai, ít nhất 2 chậu tắc (người Bắc thường gọi là quất). Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho biết, người Sài Gòn ưa cây mai vì màu vàng tượng trưng cho yếu tố thổ - trung tâm của ngũ hành và cùng màu với kim tiền, đại diện cho sự cao sang, phú quý. Những cây mai đẹp là loại gốc mai to, dáng vươn lên dứt khoát và nhỏ dần về ngọn, đặc biệt là có nhiều nụ.
Hoa mai được ưa chuộng ở miền Nam vì phù hợp với khí hậu, ra hoa đúng dịp cận Tết. Ảnh: Hữu Khoa
Những năm gần đây, người miền Nam có xu hướng mua mai trưng đến hết mùng 10, hoặc cho đến khi hoa rụng hết sẽ gửi lại nhà vườn chăm sóc, để đến Tết năm sau lại đón cây về nhà. Tới Sài Gòn, du khách còn thấy sự phổ biến của cúc vạn thọ. Đây là loài hoa mang ý nghĩa cát tường, trường thọ và lại dễ chăm sóc, hợp khí hậu phương Nam.
Một điểm tương đồng trong phong cách trang trí Tết của người Hà Nội và Sài Gòn là mỗi gia đình đều mua thêm các loại hoa sặc sỡ, có hương thơm để bày biện trong nhà. Người Hà Nội thường chọn cành đào dăm, hoa ly hoặc hoa dơn, thược dược, violet... Còn người Sài Gòn thường mua hoa theo 2 mục đích khác nhau: Cúc vạn thọ thường dùng để thờ cửu huyền thất tổ (gia tiên) và các loại hoa cúng tùy theo sở thích của gia chủ để thờ thánh thần như hoa ly, hoa cát tường...
Phố Hàng Mã, Hà Nội là nơi bán đồ trang trí Tết thu hút đông đảo du khách mỗi dịp xuân về. Ảnh: Ngọc Diệp
Ngoài ra, trước Tết người dân đều tranh thủ dọn nhà, sắm thực phẩm và đồ trang trí. Người Hà Nội sẽ lên chợ Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược vừa ngắm phố phường, vừa mua lì xì, tràng pháo, câu đối, đồ trang trí theo con giáp. Còn người Sài Gòn thường đến đường Hải Thượng Lãn Ông - phố đồ Tết của người Hoa mua liễn, câu đối. Chữ trên liễn sẽ mang ước muốn của gia chủ về năm mới, như cầu sức khoẻ sẽ mua liễn chữ "Thọ", cầu tiền tài sẽ mua liễn chữ "Lộc".
Vào đêm giao thừa, người miền Bắc sẽ ra ngoài hái lộc đầu năm hoặc mua cặp mía nguyên rễ, ngọn về đặt 2 bên bàn thờ lấy may. Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Thiệu, trong quan niệm dân gian mía là "cây vũ trụ" nối trời với đất, như cầu nối cho thần linh trở về trời. Còn người miền Nam sẽ đi lễ chùa vào đêm giao thừa và hái lộc chùa cầu may mắn.
Ngọc Diệp - Thanh Hằng