Du lịch Sín Chải, thăm bản làng nhỏ nép mình dưới dãy Hoàng Liên Sơn
Thử một lần du lịch Sín Chải Sapa để thấy rằng có một bản làng mộc mạc, bình yên đối lập hẳn với sự ồn ào, náo nhiệt của của trung tâm thị trấn Sapa.
Bản Sín Chải ở đâu?
Du lịch Sín Chải chắc hẳn là một trải nghiệm đáng nhớ khi bạn đến Sapa. Nhắc đến thị xã mờ sương này, ai cũng nghĩ đến bản Cát Cát hay Tả Van nhưng Sín Chải cũng là một bản làng rất đẹp, rất đáng để đến thăm. Nơi này chỉ cách trung tâm Sapa khoảng 5 km và kết nối với đường đi bản Cát Cát rất thuận tiện để bạn khám phá.
Sín Chải là bản làng nhỏ nép mình ở dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Ảnh: @phtrung0611
Ngày nay, Sín Chải là một trong những bản làng lớn nhất Sapa, thuộc xã San Sả Hồ cũ, nằm nép mình ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Có một điều thú vị là dù vị trí gần Cát Cát nhưng bản làng này lại mộc mạc, nguyên sơ hơn. Nơi đây gần như không ồn ã tấp nập, cũng không có các công trình hiện đại hóa.
Bản làng này nằm gần bản Cát Cát. Ảnh: @luhotrung
Bản Sín Chải là địa bàn sinh sống của khoảng 1600 người H’mông, mang đậm vẻ đẹp của bản làng vùng cao với những dấu ấn đẹp trong kiến trúc nhà ở, đời sống, nét văn hóa truyền thống được người dân gìn giữ. Về với bản làng làng này, bạn không chỉ ngắm cảnh đẹpcủa núi đồi Hoàng Liên Sơn mà còn được tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người H’mông.
Du lịch Sín Chải có gì vui?
Cũng như nhiều bản làng đẹp ở Sapa khác, Sín Chải được mẹ thiên nhiên ban tặng sự hùng vĩ, nên thơ và mộc mạc. Đến đây, bạn sẽ được ngắm trọn vẹn cảnh đẹp của dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng tráng, được rong ruổi trên những con đường uốn lượn, được chìm vào vẻ đẹp vô tận của ruộng bậc thang tít tắp.
Bản làng đẹp và mộc mạc, thể hiện qua từng nếp nhà nhỏ đơn sơ. Ảnh: @nguoicongaitronxoe
Như nhiều điểm đến đẹp ở Tây Bắc khác, Sín Chải có đặc sản ruộng bậc thang đẹp mỹ mãn, hệt như một họa sĩ tài hoa kỳ công tô vẽ từng nét. Khi du lịch Sín Chải vào mùa nước đổ và mùa lúa chín, chắc hẳn du khách phải chụp đầy thẻ nhớ, chụp cạn pin máy ảnh vì cảnh sắc thực sự rất đẹp.
Ruộng bậc thang xanh mướt ở Sín Chải. Ảnh: @ilove_viet
Thời điểm lý tưởng nhất để khám phá bản làng này chính là mùa xuân, mùa hè và mùa thu. Mùa xuân có trăm hoa đua nở, có không khí trong lành mát mẻ. Hè về, bản làng này bước vào mùa nước đổ với những thửa ruộng bậc thang loang loáng nước tự chiếc gương soi. Rồi khi thu sang, lúa chín vàng óng ả khắp mọi nơi.
Cảnh đẹp nơi này đâu kém gì Cát Cát, Tả Van,... Ảnh: @demosbertran
Du lịch Sín Chải mùa lúa chín, bạn còn có thể nghe được mùi lúa thơm phảng phất khắp bản làng, len lỏi vào từng nếp nhà nhỏ của người dân. Cảm giác đi dạo trên các con đường, ra đồng để đứng trước cảnh vật bao la của đất trời, bạn sẽ thấy mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ của đất trời Tây Bắc.
Con đường quanh co trong bản Sín Chải. Ảnh: @harikanguyen
Dù sớm mai nắng vàng hay chiều hoàng hôn nhuộm tía, bản làng này vẫn mang một nét đẹp rất riêng đầy cuốn hút. Những thửa ruộng cong cong, những bông lúa nặng quằng, những gam màu rực vàng đối lập với màu xanh của núi rừng. Bức tranh Sín Chải mùa lúa chín đẹp chẳng kém gì Hoàng Su Phì, Y Tý.
Ở Sín Chải, người dân chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: @nguoicongaitronxoe
Ở bản làng xinh đẹp này, ngoài trồng lúa, cư dân còn trồng thêm thảo quả dọc theo triền núi. Để có thêm thu nhập, người H’mông còn kết hợp chăn nuôi trâu, ngựa bên cạnh trồng trọt. Dù du lịch chưa mang lại nguồn thu lớn cho người dân bản địa nhưng điều này hoàn toàn khả thi trong tương lai.
Sín Chải là địa bàn cư trú của đồng bào người Mông. Ảnh: @n.huong.92
Theo kinh nghiệm du lịch Sapa của nhiều bạn trẻ, có lẽ chỉ khoảng 1 ngày là đủ để khám phá bản làng này. Đến đây, du khách có thể chọn đi bộ dọc theo các con đường để ngắm cảnh, ghé thăm nhà người H’mông để hiểu thêm về cuộc sống, phong tục tập quán của họ.
Những nếp nhà nhỏ nằm giữa các thửa ruộng bậc thang. Ảnh: @michelee1
Hiện tại, du lịch Sín Chải bắt đầu trở mình phát triển với sự ra đời của các homestay trong bản. Du khách có thể chọn lưu trú qua đêm với giá từ 50.000 đồng trở lên. Tùy không chuyên nghiệp như Cát Cát nhưng nhờ vậy mà bản làng này giữ được cho mình nét đẹp hoang sơ, êm đềm.
Kinh nghiệm khám phá Sín Chải Sapa
Khi du lịch Sín Chải dần phát triển, du khách cần mua vé ở cổng thị trấn Sapa nếu muốn tham quan bản làng này. Giá vé tham quan chỉ 40.000 đồng/người. Đặc biệt, bạn còn có thể mua vé kết hợp tham quan bản Cát Cát với giá 70.000 đồng/người.
Giá vé vào thăm bản là 40.000 đồng/người. Ảnh: @humantree
Ở Sín Chải, du khách ngoài trải nghiệm ngắm cảnh, dạo chơi thì cũng có thể thưởng thức các món ngon đặc sản như bánh bắp, thắng cố, rượu ngô, rượu táo mèo… Chi phí ăn uống ở bản chỉ dao động từ 50.000 – 100.000 đồng nhưng chắc hẳn sẽ không làm du khách thất vọng vì hương vị đậm đà bản sắc ẩm thực Tây Bắc.
Đến Sín Chải, du khách được chiêu đãi nhiều món ngon địa phương hấp dẫn. Ảnh: @bubbles_inthesky
Một số lưu ý khi khám phá bản Sín Chải:
Nếu muốn vào thăm nhà người dân, bạn nên xin phép trước. Khi được đồng ý mới vào. Nếu quan sát thấy trước nhà hoặc đầu cầu thang cắm cành gai, cành lá xanh hoặc một tấm phên đan mắt cáo thì bạn không nên vào vì đây là biểu tượng của sự cấm kỵ. Trong mâm cơm của người H’mông có những quy định riêng về vị trí ngồi. Du khách sẽ không được ngồi vào các vị trí gần bàn thờ vì đó là vị trí dành cho các linh hồn người đã khuất. Bạn cũng không nên ngồi vào những vị trí dành riêng cho người cao tuổi. Khi ăn cơm, bạn hãy lắng nghe gia chủ tiến hành hết các nghi lễ mời tổ tiên hay chúc phúc. Dù có rất đói, bạn cũng không nên vội vàng gắp thức ăn trước để tránh thất lễ. Khi ăn xong, bạn cũng không nên úp bát xuống mâm. Khi khám phá bản làng này, bạn nên chủ động mang theo nước uống và đồ ăn vặt nếu không có nhu cầu ăn uống tại bản. Trường hợp lưu trú tại nhà dân, bạn nên nghe theo hướng dẫn của chủ nhà, tránh nằm quay chân về phía bàn thờ. Khách Tây hào hứng khám phá bản Sín Chải. Ảnh: @keitifaithloco
Việc tìm hiểu và thực hiện đúng các nguyên tắc này khi du lịch Sín Chải là cách để bạn hiểu hơn về bản làng này và có một hành trình đáng nhớ khi khám phá cảnh đẹp, con người, văn hóa ở Sín Chải.
Trà Văn (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Instagram