Độc đáo kiến trúc cổ kính của chùa Đại Giác Đồng Nai
Không đồ sộ như thiền viện Thường Chiếu, cũng không có kiến trúc độc lạ như chùa Ông, nhưng nét cổ kính, trầm mặc nơi chùa Đại Giác Đồng Nai cũng đủ khiến du khách phải lưu luyến.
Giới thiệu về chùa Đại Giác Đồng Nai
Đại Giác cổ tự hay chùa Phật Lớn, chùa Tượng là ngôi chùa cổ thuộc phái Bắc Tông, tọa lạc tại số 393 / A2, khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, xưa là thôn Bình Hoành, xã Hiệp Hòa của vùng đất cổ Cù Lao Phố.
Theo những tài liệu được ghi chép lại thì chùa được hình thành vào giữa thế kỷ 17 khoảng năm 1664 bởi thiền sư Giác Liễu. Ban đầu nó chỉ là một ngôi chùa nhỏ, thấp nhưng sau nhiều đợt trùng tu và bổ sung vào các năm 1779, 1820, 1959 và 1967 thì đã thành một công trình khang trang, rộng rãi như ngày nay.
Chùa Đại Giác cổ kính (Ảnh Fb Lap Tung Ha)
Hơn nữa, chùa Đại Giác Đồng Nai cùng với chùa Bửu Long còn là chứng tích cho bước đường Nam tiến ở nửa đầu thế kỷ 17 của ba nhà sư thuộc phái Lâm Tế tông ở Đàng Trong, vì vậy vào năm 1990, nó đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc cổ kính của chùa Đại Giác
Mặc dù không nổi tiếng và đồ sộ như chùa Đại Giác ở Sài Gòn, nhưng mỗi khi bước đến đây, một khung cảnh bình yên của những gốc đa già tỏa bóng mát, của dòng sông Đồng Nài hiền hòa cùng vẻ trầm mặc của những công trình đã phủ đầy rêu phong và bong tróc mất lớp sơn tường, đều khiến du khách cảm thấy vô cùng dễ chịu.
Chùa Đại Giác Đồng Nai chào đón du khách bằng chiếc cổng màu vàng cổ kính, với hai lớp mái lợp ngói âm dương màu xanh, tên chùa màu đỏ bắt mắt ghi ở giữa và trên đỉnh cổng được đặt những bức tượng rồng được điêu khắc tinh xảo, công phu đang chầu long, trông cực kỳ ấn tượng.
Cổng xổ kính (Ảnh @mayuta_tokyo)
Các công trình trong chùa được thiết kế thành ba dãy nhà ngang nối liền nhau theo hình chữ “Tam”, với tường vàng ngói đỏ và mái hiên thấp quen thuộc như các ngôi nhà ở nông thôn Việt Nam xưa. Kiến trúc bên ngoài thì có vẻ không bắt mắt cho lắm, nhưng bên trong lại cực kỳ ấn tượng với các cột tròn cao vút tạo không gian thoáng đãng, trên các cột thì đều được ghi các bức hoành phi câu đối bằng chữ Đại và chứ Giác.
Công trình được nhiều người quan tâm nhất tại chùa Đại Giác có lẽ chính là tòa chính điện nằm ở trung tâm. Vì bên trong điện ở giữa thờ bộ Tam Tôn là đức Phật A Di Đà và hai tượng Thích Ca, cùng với đó là các tượng bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí, tượng Đản sanh, tượng Tiêu Diện, hai vị Hộ Pháp, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và Thất Phật Dược Sư… Hai bên thì có bàn thờ Thập điện Minh Vương, bàn thờ Đạt Ma và bàn thờ Già Lam.
Trong điện thờ rất nhiều thần Phật (Ảnh Fb Toms Susi)
Phía sau chánh điện là nhà thờ Tổ được xây dựng vào năm 1967, thờ tượng Ma Đạt tổ sư cùng di ảnh và long vị của các vị chư tổ như: thiền sư Thành Đằng (đời 34), thiền sư Phật Ý Linh Nhạc và Giác Liễu Thiệt Truyền (đời 35) và tổ sư Mật Hoằng (đời 36)… Ngoài ra, trong chùa Đại Giác ở Đồng Nai còn có nhiều công trình phụ như: nhà khách thờ phật Chuẩn Đề và Linh Sơn thánh mẫu, lầu chuông, lầu trống, phòng chư tăng, trai đường và nhà bếp…để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các nhà sư trong chùa.
Song, ấn tượng nhất có lẽ là tượng Bồ Tát được đúc bằng đá trắng đặt trên đài sen trước tòa chính điện, tượng Phật A Di Đà cao 2,25m đặt dưới gốc si già, cây bồ đề lớn linh thiêng trồng ở giữa sân, các khu vườn bảo tháp nằm xung quanh vườn và nhiều bức tượng cổ khác… vừa là những điểm tâm linh để lễ bái lại vừa giúp ngôi chùa ở nên thu hút hơn.
Các tiểu cảnh trong chùa (Ảnh @nhomaituoi_hoctro89)
Có gì thú vị ở chùa Đại Giác Đồng Nai?
Là một nơi thờ rất nhiều các vị thần Phật linh thiêng, nên vào những ngày mồng một, ngày rằm hoặc những ngày lễ Tết lớn luôn có rất nhiều người mang theo lễ vật và những nén hương thơm thành kính đến chùa lễ bái, cầu nguyện, làm cả không gian chùa nghi ngút khói hương, cực kỳ huyền ảo.
Lễ bái tại chùa (Ảnh @ltb_1996)
Bên cạnh đó, do xung quanh chùa Đại Giác Biên Hòa được trồng rất nhiều cây cối từ cổ thụ đến các chậu bonsai được cắt tỉa cẩn thận, nên không khí lúc nào cũng trong lành, mát mẻ, kết hợp với nét cổ kính của các công trình kiến trúc, khiến lòng người bình yên và an nhiên đến lạ.
Một điểm thú vị nữa tại đây là có buffet chay cực ngon với giá 100.000 đồng / người, từ 10 giờ đến 13 giờ, nên những lữ khách phương xa khi đến thăm chùa thường sẽ nán lại để thưởng thức xong bữa trưa rồi mới trở về. Bật mí, tiền ăn này còn được sử dụng để làm từ thiện, siêu ý nghĩa luôn đấy.
Cơm chay ở chùa rất ngon (Ảnh @hieu.ricky)
Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, trong ngôi chùa Đại Giác còn được trang trí rất lung linh và rực rỡ bởi những cành đào, cành mai và các tấm lụa đỏ, cùng các tiểu cảnh thân thuộc như nhà lá, đống rơm, bàn ghế đan bằng tre nứa…và nhiều trò chơi, chương trình thú vị, vì thế dù bạn không có ý định lễ Phật thì cũng có thể đến đây làm vài bức ảnh sống ảo siêu đỉnh đấy nhé.
Khung cảnh lung linh khi xuân đến (Ảnh Fb Nguyễn Thảo My)
Cách di chuyển đến chùa Đại Giác Đồng Nai
Từ thành phố Biên Hòa bạn đi theo đường Võ Thị Sáu, đến Phòng Kinh Doanh Dịch Vụ internet FPT thì rẽ trái vào đường D12, tại Công Ty TNHH TMDV BĐS Ngọc Thắng Land thì rẽ phải vào đường N1, rồi rẽ trái vào đường D4 và nhập vào đường Nguyễn Thành Đồng. Sau đó đi qua cầu Hiệp Hòa và rẽ phải vào Đỗ Văn Thi là thấy chùa ở bên trái đường.
Nếu bạn đang tìm một chốn bình yên làm dịu đi bao xáo trộn trong tâm hồn, lại không quá xa trung tâm thành phố thì chùa Đại Giác Đồng Nai là một điểm đến không tồi đâu nhé.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet