web stats

Đền Thủy Trung Tiên – Thực hư ngôi đền thờ thần Chó giữa lòng Thủ đô

Nghe nói Hà Nội có đền thờ thần Chó vô cùng lạ kì. Thế mà không hiểu sao đến Thủ đô rồi lại chẳng thấy ngôi đền nào thờ thần Chó cả. Dọc đường Thanh Niên, gặp cây cầu bắc ra đảo nhỏ giữa hồ Trúc Bạch, nơi lấp ló kiến trúc mái ngói cong cong dưới tàng cây rậm rạp, đầu cầu đặt một đôi chó đá, ấy chính là nền đất của đền “Cẩu Nhi” xưa, nay là đền Thủy Trung Tiên vậy.  Đền Thủy Trung Tiên - Thăng trầm lịch sử Thành phố Hà Nội có 3 cái hồ lừng danh: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Hồ Trúc Bạch trước kia là một

Nghe nói Hà Nội có đền thờ thần Chó vô cùng lạ kì. Thế mà không hiểu sao đến Thủ đô rồi lại chẳng thấy ngôi đền nào thờ thần Chó cả. Dọc đường Thanh Niên, gặp cây cầu bắc ra đảo nhỏ giữa hồ Trúc Bạch, nơi lấp ló kiến trúc mái ngói cong cong dưới tàng cây rậm rạp, đầu cầu đặt một đôi chó đá, ấy chính là nền đất của đền “Cẩu Nhi” xưa, nay là đền Thủy Trung Tiên vậy. 

Đền Thủy Trung Tiên - Thăng trầm lịch sử

Thành phố Hà Nội có 3 cái hồ lừng danh: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Hồ Trúc Bạch trước kia là một phần của hồ Tây. Hồ tuy nhỏ nhưng cũng có hai đảo tách biệt là đảo Châu Chử và đảo Ngũ Xã. Truyền kì về ngôi đền thờ thần Chó kì lạ khởi phát từ hòn đảo Châu Chử.  

Đầu cầu dẫn vào đền Thủy Trung Tiên đặt một đôi chó đá. Ảnh: dantri

Mấy chục năm trước, ai đi qua hồ Trúc Bạch cũng không khỏi tò mò về một công trình mái cong chìm lấp dưới bóng cây um tùm trên đảo giữa hồ. Chẳng ai biết nó đã có ở đó từ bao giờ, chỉ biết nó là một ngôi đền cổ xuống cấp trầm trọng. Ai có lòng tín muốn đến hương khói phải đi đò, rồi sau mới có một cây cầu gỗ mục ọp ẹp bắc sang.   

Hình ảnh hoang tàn của đền “Cẩu Nhi” xưa trên mặt hồ Trúc Bạch trước khi được phục dựng. Ảnh: vov

Quãng thập kỉ cuối thế kỉ XX, nhang đèn cũng tắt, vụ phá đền Cẩu Nhi dự định biến nơi đó thành nhà hàng, khách sạn gây xôn xao một thời. Đến lúc ấy, nhiều người mới giật mình một di tích cổ xưa quý giá đã suy sụp đến hơi tàn, hàng loạt đơn kiến nghị khôi phục lại ngôi đền được gửi lên Ủy ban Nhân dân thành phố.   

Ngôi đền hé lộ một lớp trầm tích văn hóa lắng đọng nơi kinh kì ngàn năm lịch sử. Ảnh: redsvn

Tranh cãi xoay quanh ngôi đền thờ thần Chó độc nhất vô nhị

Chính quyền quyết định phải trả lại đất cho ngôi đền thiêng, nhưng công cuộc phục dựng không suôn sẻ. Một ngôi đền cũ nát, hoang tàn, người tới lui tưởng nhớ chẳng còn ai. Ngay cả những người già cả sau bao bãi bể nương dâu, nhìn lại một mảnh phế tích cũ ấy cũng không chắp vá nổi từ kí ức một truyền thuyết rõ ràng.   

Tranh cãi vây quanh gốc tích của ngôi đền cổ kéo dài suốt hàng chục năm. Ảnh: hanoimoi

Có ý kiến cho rằng, làm gì còn dấu tích gì cho thấy từng có một ngôi đền từ thời Lý tồn tại trên đảo Châu Chử! Không một mẩu ngói vỡ, không một dòng ghi chép trong chính sử, không có cả lễ hội gắn liền với vị thần ngôi đền thờ phụng.   

Đền tên dân gian là Cẩu Nhi, thờ thần Chó – dấu tích tín ngưỡng xa xưa của người Việt. Ảnh: redsvn

Nói về vị thần được thờ lại càng… kì cục. Đền tên dân gian là Cẩu Nhi, thờ thần Chó. Bản đồ của chính quyền bảo hộ Pháp lại ghi là đền thờ thần Cá. Người dân địa phương tới thắp hương lại khấn Mẫu Thoải (tên Thủy Trung Tiên có nghĩa là “tiên trong nước”). Vậy rốt cục, ngôi đền này thờ… ai?  

>> Xem thêm: 10 địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội  

Đền Thủy Trung Tiên chồng lấp nhiều vệt văn hóa. Ảnh: redsvn

Tìm lại tích xưa, phải ngược dòng 1000 năm trước, từ tận cái ngày vua Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Tương truyền, năm Canh Tuất dời đô, có sự lạ một đôi chó mẹ con lội sông lên ở núi Khán đều hóa. Việc được tâu lên, vua nói là phúc thần, xuống chiếu dựng ngay một miếu trên núi thờ chó mẹ, một miếu trên hồ thờ chó con.

Đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch, tức là đền Thủy Trung Tiên bây giờ, ra đời từ đấy. Sách “Việt sử diễn âm” còn chép:

Lại nghiệm chó cái lội sông

Bơi ứng Thiên tự mà sang Long Thành.

để nói về điểm lành dời đô.   

Huyền sử của ngôi đền gắn với sự kiện dời đô 1000 năm trước. Ảnh: vov

Ngày nay, ta thường nghe sự tích cái tên Thăng Long bắt nguồn từ đám mây lành hình rồng bay trên bầu trời kinh đô mà không ai biết lại có cả điềm lành liên quan đến… thần cẩu. Từ những trang ghi chép của nhà văn Tô Hoài, có thể thấy người Hà Nội cho đến đầu thế kỉ XX vẫn còn thờ chó đá.

Ngày nay, tục thờ chó của người Việt đã phai nhạt theo dòng lịch sử, cũng như số phận một ngôi đền tưởng chừng đến lúc phải lụi tàn.    

Đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch, tức là đền Thủy Trung Tiên bây giờ, ra đời dưới chỉ dụ của vua Lý Công Uẩn từ thế kỉ XI. Ảnh: dantri

Phục dựng đền Thủy Trung Tiên

Sóng gió trong giới sử học khiến dự án khôi phục đền Cẩu Nhi hoãn đến 10 năm. Đền được phục dựng lại theo nguyên mẫu đền Thủy Trung Tiên (thờ Mẫu Thoải) với tổng kinh phí 16 tỷ. Khởi công năm 2015, đến 2017, đền chính thức khánh thành và được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.   

Đền Thủy Trung Tiên, chùa Trấn Quốc và đền Quán Thánh tạo thành một quần thể di tích du lịch tâm linh của Hà Nội. Ảnh: vietbao

Đền nằm ngay đối diện chùa Trấn Quốc, cách khoảng 3 phút đi bộ, cùng quần thể di tích với đền Quán Thánh. Đền Thủy Trung Tiên ngày nay đã trở thành một trong những điểm đến ở Hà Nội về văn hóa tín ngưỡng nườm nượp du khách thập phương, đặc biệt vào mỗi dịp đầu xuân.  

Ngày rằm mùng 1, người dân Thủ đô nườm nượp viếng thăm đền Thủy Trung Tiên. Ảnh: redsvn

So với các ngôi đền khác, ngay từ cổng vào đền Thủy Trung Tiên đã khác biệt. Từ đường Thanh Niên tấp nập còi xe, bước qua cây cầu đá canh giữ bởi đôi chó đá, du khách như bước vào một không gian mát mẻ, yên bình khác hẳn. Ngày Rằm, mùng 1 dân thôn bản hạt, khách du lịch Hà Nội tới lễ rất đông, còn ngày thường cảnh đền thanh tịnh, là chốn dừng chân cho những ai đã chán những nơi ồn ã, xô bồ.   

Không khí trong đền thanh tịnh, bình yên khác xa cảnh phố phường tấp nập bên kia cây cầu. Ảnh: dantri

Những ai có dự định thực hiện một chuyến du lịch tâm linh Hà Nội nên đánh dấu đền Thủy Trung Tiên lên chặng hành trình của mình. Hoặc chăng, bất cứ khi nào thèm một chốn thanh tịnh giữa đất phồn hoa đô hội, hãy rảo bước qua cầu đá dẫn lối lên Châu Chử. Sự đời biến thiên, dẫu không còn là thần cẩu, đôi chó đá vẫn ở đấy, như gợi nhắc về một kí ức văn hóa phủ mờ lớp bụi thời gian của đất kinh kì Thăng Long.

Rơm

(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)

Có thể bạn muốn xem