Đến Lâm Đồng ghé thăm nhà thờ Ka Đơn
Nằm ẩn mình giữa rừng thông nhỏ của một thôn dân tộc thuộc huyện miền núi Đơn Dương, nhà thờ Ka Đơn như một ngôi nhà rông dành cho tất cả mọi người với không gian kết nối cùng thiên nhiên không kiến trúc Gothic, không mái vòm hay tháp chuông nhọn cao vút. Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa qua bao đời của đồng bào Churu.
Nhà thờ Ka Đơn Lâm Đồng không phải là một cái tên quen thuộc trên bản đồ xê dịch của nhiều người nhưng lại là một trong những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất ở xứ cao nguyên này. Không sở hữu vẻ ngoài hoành tráng với những đường nét thiết kế cổ điển đậm chất Âu Châu thường thấy của các nhà thờ ở những nơi khác, nhà thờ Ka Đơn mang dáng vẻ đơn sơ, đậm nét văn hóa churu và hòa mình giữa thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng rừng núi Đơn Dương.
Nhà thờ Ka Đơn là công trình kiến trúc độc đáo ở huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: @hoangvanpham
Khám phá nhà thờ Ka Đơn “mái nhà bình yên” của những người con Churu
Nhà thờ Ka Đơn tọa lạc ở thôn Krăng Go 2, xã Kơ Đơn huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng cách trung tâm của thành phố Đà Lạt 40km. Mặc dù không nằm trên tuyến đường du lịch phổ biến nhưng công trình kiến trúc này vẫn thu hút những du khách thích khám phá những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo lặn lội tìm về chiêm ngưỡng.
Nhà thờ nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 40km. Ảnh: FB/ giáo xứ Ka Đơn
Nhà thờ được xây dựng từ ý tưởng của Quản xứ giáo xứ Ka Đơn là Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc, và do vợ chồng kiến trúc sư nổi tiếng Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Tuấn Dũng thiết kế theo tính tinh thần đơn sơ, không nhiều màu sắc, ít trang trí, mang đậm vẻ đẹp tự nhiên, khiêm tốn, hòa mình vào thiên nhiên và đậm nét văn hóa Churu riêng có của vùng đất này. Sau hơn 4 năm thi công, nhà thờ Ka Đơn chính thức hoàn thành vào tháng 7/2014 và đã từng giành nhiều giải thưởng về Kiến trúc như giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu vào năm 201, giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế năm 2016 công bố ở Pavia, Italy.
Công trình đang trở thành điểm đến thu hút du khách. Ảnh:@erosjr2810
Nét kiến trúc giản đơn và đậm màu sắc bản địa
Cảm giác đầu tiên khi ghé thăm nhà thờ Ka Đơn của hầu hết du khách đó chính là sự bình yên, từ bên ngoài bạn sẽ đi tới một lối nhỏ đầy cây xanh dẫn vào nhà thờ. Nhà thờ nằm thấp thoáng ẩn hiện sau khu rừng thông xanh mướt, không gian xung quanh hoàn toàn mở, không bị tường rào hay những cánh cổng sắt kiên cố gò bó để bất cứ ai khi muốn đều có thể ghé lại thăm quan. Đặc biệt, không sở hữu diện mạo hoành tráng, lộng lẫy như hầu hết những nhà thờ thông thường, nhà thờ Ka Đơn là một công trình thấp với những đường nét rất đơn sơ, giản dị.
Nhà thờ có không gian mở hoàn toàn không bị gò bó bởi bê tông cốt thép. Ảnh:@vtarch99
Phần mái của nhà thờ lấy cảm hứng từ mái nhà rông Tây Nguyên cách điệu với thiết kế đơn giản nhưng vẫn rất ấn tượng. Vật liệu để xây dựng chính của nhà thờ là gỗ thông có sẵn tại địa phương và mái ngói màu đỏ, gỗ thông được sử dụng ở mọi kết cấu bên trong của nhà thờ, từ tường, trần, vách ngăn cho đến bàn ghế.
Phần mái lợp ngói đỏ được lấy cảm hứng từ mái nhà rông. Ảnh: FB/ giáo xứ Ka Đơn Mái hiên rộng với những cánh cửa luôn rộng mở. Ảnh:@rrxxmmkgd
Kiểu xây dựng độc đáo với những thanh gỗ thông nhỏ xếp song song tạo nên những mảng không gian gần gũi, thoáng rộng tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Cũng chính bởi vậy mà ở khu vực chánh điện của nhà thờ Ka Đơn bạn sẽ không thấy sự u tối nào mà thay vào đó là bầu không gian như bừng sáng. Không gian chính điện được trang trí rất đơn giản, các cảnh cửa luôn luôn rộng mở mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái hòa mình với thiên nhiên khác biệt hoàn toàn với kiểu không gian kín của Tây Phương.
Không gian phía bên trong của nhà thờ. Ảnh:@film.by.kyuubei Thiết kế giản đơn vừa tinh tế lại vừa gần gũi. Ảnh: FB/ giáo xứ Ka Đơn Bài trí bên trong cũng không cầu kỳ mà tối giản hết mức. Ảnh:@bi_ardil Một góc bình yên đến tận cùng ở nhà thờ Ka Đơn. Ảnh:@trinhhoaitri
Bảo tàng Churu với những nét văn hóa độc đáo
Ghé thăm nhà thờ Ka Đơn ngoài ngắm nhìn kiến trúc độc đáo, tận hưởng không gian yên bình giữa vùng rừng núi Đơn Dương, bạn còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa bản địa độc đáo tại bảo tàng Churu, nơi trưng bày bộ sưu tập vật phẩm về văn hóa, con người Churu của linh Mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc trong thời gian ông cai quản giáo xứ.
Khu trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ các hiện vật đặc trưng của văn hóa Churu. Ảnh: Hà Đức Trí
Không gian bảo tàng thu nhỏ này có nhiều bộ hiện vật biểu trưng của đời sống, văn hóa hoang dã và hoang sơ một thời của người Churu như bộ đàn đá, chum, cồng chiêng, đàn t’rưng, bình rượu, chén, bộ vũ khí phòng thân và săn bắn… Các vật dụng này chính là di tích của một thời quá váng, là biểu trưng của lịch sử, văn hóa mặc dù hiện tại có thể không tồn tại trong đời sống nữa nhưng vẫn là những biểu tượng sinh động mang đậm chất núi rừng và linh hồn của con người Tây Nguyên.
Những chiếc đàn đá cổ xưa của người Churu. Ảnh:Vnexfress Góc trưng bày cồng chiêng độc đáo. Ảnh: Đức Trí
Du lịch Lâm Đồng, nếu có cơ hội bạn hãy ghé thăm nhà thờ Ka Đơn để ngắm nhìn vẻ đẹp độc đáo của công trình kiến trúc này. Sự giản đơn, dung dị và một không gian tâm linh hòa quyện với vẻ yên bình, toinhx lẵng của vùng rừng núi Đơn Dương chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những phút giây thật nhẹ nhàng, thư thái.
Nguyệt Cát (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet