Có một chùa Hiển Mật độc đáo, thanh bình như thế trong lòng Đồng Nai!
Không quá cổ kính, cũng không rộng lớn nhưng khung cảnh thanh tịnh và các công trình kiến trúc độc đáo nơi chùa Hiển Mật vẫn đủ để khiến du khách “một lần đến vạn lần nhớ”.
Chùa Hiển Mật ở đâu?
Chùa Hiển Mật là ngôi chùa ni thuộc phái Bắc tông, do tọa lạc bên một cánh đồng bao la của ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, nên còn được người dân gọi với cái tên dân dã mà thú vị là chùa Ruộng Lớn.
Được biết, ban đầu sư tổ của chùa là ni sư Thượng Pháp Hạ Bảo tu tại Linh Sơn Thạch ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhưng vì một số lý do mà người ta không cho ở đó nữa nên sư xuôi về Nam và chọn vùng quê Long Khánh hẻo lánh để xây dựng nên ngôi chùa nhỏ vào năm 1984.
Sau đó, nhờ có sự giúp công, giúp của của người dân tốt bụng trong vùng nên ngôi chùa đã được xây dựng ấn tượng như ngày nay, với diện tích khoảng 1ha. Để rồi thu hút rất nhiều khách hành hương đến viếng thăm mỗi ngày.
Công trình nằm trên một khoảng đất rộng rãi (Ảnh Fb Dong Nai Discovery)
Kiến trúc độc đáo của chùa Hiển Mật
1. Cổng chùa
Điểm thú vị đầu tiên của ngôi chùa Hiển Mật Đồng Nai là cổng chùa. Thay vì xây cổng tam quan hay ngũ quan đồ sộ như các ngôi chùa khác thì nơi đây lại sử dụng hình ảnh rất thân thuộc của nông thôn Việt Nam là cây tre. Theo đó, những cột tre lớn màu vàng điểm chút lá xanh mướt uốn cong cong chụm lại vào nhau thành một vòm cung để tiếp đón du khách.
Trên đỉnh cổng thì được đặt một bức tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay bằng ngọc trắng đang tọa trên đài sen, bao quanh là những nhành hoa mai và hai cây sala bằng xi măng khổng lồ – loài cây tượng trưng cho nhà Phật, trông cực kỳ nổi bật và cuốn hút.
Trên cổng chùa là tượng quan âm nghìn tay độc đáo
Ngoài ra, cây tre còn được thiết kế làm thành cầu bắc ngang qua dòng suối nhỏ. Bởi trước đây đường vào chùa Hiển Mật cũng có những rặng tre lớn, đồng thời trong Phật giáo thù tre trúc mọc theo bụi chính là biểu tượng quần tụ của tín đồ và tre trúc rỗng thì biểu tượng cho tâm không dẫn dắt Phật tử trở về với bản thể.
Cây tre nổi bật trước cổng
Từ đó có thể thấy, cổng chùa không đơn giản chỉ là nơi mời chào du khách đến với chùa mà còn như một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng bao tình cảm to lớn đối với Phật giáo của người thiết kế và xây dựng nên nó.
2. Tòa chính điện
Chánh điện của chùa Ruộng Lớn Long Khánh có diện tích 30 m2 - lớn nhất trong tất cả các công trình và được xây theo phong cách Tịnh độ tông độc đáo, với hình bát giác, lợp ngói đỏ tươi, nằm giữa khu vườn rộng lớn, tượng trưng cho tám con đường giải thoát khỏi bể khổ khi tu hành.
Bên trong điện thờ chính chỉ có tranh ảnh Phật cỡ lớn được đặt trong lồng kính và vài bức tượng nhỏ bằng gỗ. Có thể nhiều người sẽ thấy kỳ lạ nhưng khi đặt trong hoàn cảnh dựng chùa thì nó lại cực kỳ hợp lý. Ngôi chùa chỉ được xây dựng bằng tiền của các nhà sư và người dân nghèo trong vùng, vì thế nguồn kinh phí có hạn không đủ để đặt một bức tượng Đức Phật uy nghi bằng đồng hay dát vàng như các ngôi chùa khác.
Bên trong điện thờ khá đơn sơ
Nhưng điều đó cũng không thể làm giảm đi sự tín ngưỡng to lớn đối với Phật tổ của các ni sư và những người theo đạo, cũng như không thể làm “mờ” đi vẻ đẹp ấn tượng của ngôi chùa. Bởi vậy, ngày nào cũng có rất nhiều người đến để viếng thăm, làm không gian trong chùa lúc nào cũng nghi ngút khói hương..
3. Khuôn viên
Khi bước qua cánh cồng của chùa Hiển Mật, du khách sẽ thấy một khung cảnh êm đềm, xanh mát hiện ra trước mắt, với một thảm cỏ trải dài tít tắp và rất nhiều những bóng cây cổ thụ hay chậu bonsai được cắt tỉa khéo léo bày biện ở khắp mọi nơi.
Nổi bật trong đó là công trình tháp chuông, tháp trống nằm ngay trước chính điện, được đặt trên một trụ bê tông cao và 3 tầng mái ngói đỏ tươi, mang phong cách kiến trúc đặc trưng của các đình đền cổ với phần đuôi cong vút lên trởi tựa như chiếc thuyền. Bên trên đỉnh thì được đặt một bình hồ lô bằng sứ màu xanh ngọc, tượng trưng cho bình đựng rượu tiên của các vị Phật.
Bảo tháp nổi bật tại chùa (Ảnh Fb Dong Nai Discovery)
Bên cạnh đó, những vườn tượng tái hiện lại các tích Phật giáo trong chùa cổ Hiển Mật cũng khiến du khách phải trầm trồ không thôi. Đó là hình ảnh Phật Bà Quan Âm đang ngồi trên lưng chim phượng hoàng, là 12 lời nguyện của Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi, là vườn lộc uyển – nơi Đức Phật lần đầu tiên dạy bài pháp dưới tán cây bồ đề và là bờ sông Anoma với hồ nước trong veo, hoa sen tinh khiết cùng những viên đá nhiều hình thù – nơi mà Phật tổ cắt tóc tu hành…Tất cả tạo thành những kiệt tác đẹp đến “ná thở”.
Khu vườn Phật độc đáo (Ảnh Fb Nguyễn Hương)
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có rất nhiều những tảng đá với nhiều kích thước khác nhau dược mài giũa công phu thành những bộ bàn ghế, những bức tượng hay những mảnh chén sứ, sành được cắt gọt khéo léo, rồi ghép thánh thuyền rồng cùng những bục tịnh họa tinh tế, làm ai cũng cực kỳ yêu thích. Điều tuyệt vời là hầy hết chúng đều do người dân nghèo làm nương, rẫy trong vùng tìm thấy và mang đến tặng chùa, qua đó có thể thấy tấm lòng của họ quý giá và đáng trân trọng đến nhường nào.
Các ảnh chén sứ được đắp khéo léo
Cách di chuyển đến chùa Hiển Mật
Từ thành phố Biên Hòa, bạn đi theo đường Nguyễn Ái Quốc đến Xa lộ Hà Nội / quốc lộ 1A tại Tân Biên, sau đó đi dọc theo quốc lộ 1A đến đường Hồ Thị Hương tại Suối Tre, Thị xã Long Khánh. Khi đến ngã tư lớn thứ 2 thì rẽ trái vào đường Hoàng Diệu, đi hết đường lại rẽ trái vào Ngô Quyền, đến ngã 3 đầu tiên thì rẽ phải vào đường Duy Tân, rồi cứ đi thẳng đến đường Hàm Nghi, tại cửa Hàng Tạp Hóa Kim Loan, bạn rẽ phải rồi vừa đi vừa nhìn bên trái đường là thấy chùa.
Chùa Hiển Mật ở Đồng Nai có thể nói là điểm tham quan lý tưởng cho những du khách muốn khám phá văn hóa tâm linh và tận hưởng những phút giây bình yên, thanh tĩnh, thanh lọc tâm hồn.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet