Chùa Hoằng Pháp – chốn tâm linh không vướng bụi trần ở Sài Gòn
Một địa điểm du lịch tâm linh hot nhất hiện nay, sẽ thật tiếc nuối nếu bạn không tham quan chùa Hoằng Pháp khi đặt chân đến Sài Gòn. Một ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc vô cùng độc đáo, nơi đây sẽ khiến khách du lịch “xao xuyến con tim”. Vậy bạn đã biết điểm đến vô cùng hấp dẫn này chưa? Nếu chưa hãy cùng khám phá với mình thông qua bài viết dưới đây nhé!
Chùa Hoằng Pháp ở đâu?
Chùa Hoằng Pháp là một trong số những ngôi chùa cổ, linh thiêng nhất tại Việt Nam. Do đó, rất nhiều du khách chưa từng tới đây đều tò mò không biết chùa Hoằng Pháp ở đâu?
Đây là ngôi chùa vô cùng nổi tiếng thuộc địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được xây dựng trên một khu đất có diện tích khoảng chừng 6ha.
Chùa Hoằng Pháp là một trong số những ngôi chùa cổ, linh thiêng nhất tại Việt Nam. Ảnh: luhanhvietnam
Lịch sử chùa Hoằng Pháp
Theo người xưa kể lại, tại một cánh rừng chồi, Hòa Thượng Ngộ Chân Tử đã khai phá và sáng lập ra chùa Hoằng Pháp vào năm 1957. Sau đó khoảng 2 năm, ngôi chùa được trùng tu lại bằng các nguyên vật liệu hiện đại, đẹp mắt nên ngày càng thu hút được nhiều du khách ghé thăm. Tới năm 1971 thì chùa được xây dựng một cách hoàn chỉnh và mở rộng khuôn viên.
Hòa Thượng Ngộ Chân Tử đã khai phá và sáng lập ra chùa Hoằng Pháp vào năm 1957. Ảnh: ytimg
Ngôi chùa không chỉ là nơi để du khách hành hương, là nơi tu hành của các chư Tăng Phật tử, thì chùa còn là nơi cưu mang, giúp đỡ rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và xấu số trong chiến tranh.
Vào năm 1965, cuộc chiến tranh ở Đồng Xoài đã khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Trước tình hình đó, Hòa thượng đã đón nhận 60 gia đình gồm 261 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng trong 8 tháng, sau đó mua đất xây cất 55 căn nhà cho đồng bào định cư.
Đây là nơi đã giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: luhanhvietnam
Năm 1968, do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh đã khiến cho những đứa trẻ trở thành mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa. Trước hoàn cảnh đó, Hòa thượng đã thành lập nên viện Dục Anh, tiếp nhận 365 em về nuôi dạy.
Đến 1995, đất nước lại xảy ra chiến tranh nên kiến trúc chùa bị ảnh hưởng nặng nề, cộng với sự tác động của thời gian khiến nơi đây xuống cấp trầm trọng. Nhờ sự ủng hộ cũng như cho phép của người dân địa phương, nên các trụ trì lâu năm đã khởi công trùng tu lại chùa, ngoài việc trùng tu lại những kiến trúc cũ và bị hư hại thì chùa cho xây thêm và mở rộng phần chánh điện.
Ngôi chùa đã được trùng tu lại sau khi bị ảnh hưởng của chiến tranh. Ảnh: luhanhvietnam
Cách di chuyển đến chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp nằm cách trung tâm quận 1 của thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20km về phía Tây Bắc. Nếu các bạn muốn di chuyển đến chùa thì bạn có thể lựa chọn những cách đi chùa Hoằng Pháp như sau:
- Tự lái xe: bạn hãy di chuyển tới đường Trường Trinh sau đó theo hướng đi Hoóc Môn dọc đường Xuyên Á (QL22) thì bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn lối đi chùa Hoằng Pháp.
- Đi xe bus: xe bus tới chùa Hoằng Pháp có tuyến số 13, 74, 94 (dừng ở ngã 3 Hồng châu) và 78 (dừng ở bãi xe bus số 19/5), những tuyến xe bus này đều có điểm dừng rất gần chùa Hoằng Pháp và bạn có thể đi bộ hay xe ôm vào chùa.
- Đi taxi/grab: đây là cách nhanh và thoải mái nhưng lại có chi phí đắt nhất so với hai cách trên. Bạn chỉ việc gọi điện cho các hãng taxi ở Sài Gòn hoặc mở các ứng dụng đặt xe online để tìm tài xế rồi sẽ có người đưa rước bạn tận nơi.
Có rất nhiều phương tiện để bạn có thể đi đến chùa Hoằng Pháp. Ảnh: tuoitredoisong
>> Xem thêm: 'Xuyên không' tới 3 điểm đến như Nước Mỹ thu nhỏ ngay Sài Gòn
Khám phá vẻ đẹp của chùa Hoằng Pháp
Để đi vào chùa, trước tiên mọi người sẽ phải bước qua cổng tam quan. Cổng có tên được viết bằng chữ quốc ngữ, trong đó phía bên trái là chữ “Từ Bi”, còn bên phải là chữ “Trí Tuệ”. Có thể thấy, ngay từ cổng đã ngụ ý hướng con người ta đến với những điều tốt đẹp.
Khuôn viên chùa. Ảnh: tinhte
Đi qua cổng chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của ngôi chùa Hoằng Pháp, những đường nét cực kỳ tinh xảo và đẹp mắt. Khuôn viên ngôi chùa được trồng rất nhiều cây xanh, lại nằm ở vùng ngoại ô cực kỳ yên ắng. Nên không khí ở chùa Hoằng Pháp luôn có sự thanh bình, dễ chịu đến lạ kỳ.
Đi qua cổng chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của ngôi chùa Hoằng Pháp. Ảnh: vietyouth
Phóng tầm mắt nhìn ra xa một tí, du khách sẽ nhìn thấy tòa đại điện của chùa Hoằng Pháp với mái ngói đỏ tươi vô cùng nổi bật trên nền trời trong xanh và cây cối tươi mát. Chùa được thiết kế khá cao ráo với kiến trúc 2 tầng 8 mái. Nâng đỡ cho ngôi chùa là một hệ thống cột cái và cột quân vô cùng chắc chắn.
Tòa đại điện của chùa Hoằng Pháp với mái ngói đỏ tươi. Ảnh: mogiatoc
Đi từ ngoài cửa vào là một hàng cột hiên rất cao lớn giúp mở lối vào rộng rãi. Hai bên bậc thềm tam cấp được trang trí bởi 2 chú sư tử vàng vừa uy nghiêm lại vô cùng mạnh mẽ. Ở ngay chính giữa lối đi có một đỉnh đồng lớn được chạm khắc các họa tiết bắt mắt.
Tượng Bồ Tát trong khuôn viên chùa. Ảnh: dieukhacdaduongtuc
Trong khuôn viên chùa có tháp Nhị Nghiêm, nơi an nghỉ cuối cùng của cố hòa thượng Ngộ Chân Tử - người đã có công sáng lập và khai dựng lên ngôi chùa.
Tháp không quá rộng lớn nhưng được xây dựng rất đẹp mắt, với móng được thiết kế bằng hình tròn, cao 3 bậc, càng lên cao vòng tròn lại càng hẹp dần. Ở phía bên trên được thiết kế thêm một tòa tháp có hình vòm ốp bằng gạch men.
Trong khuôn viên chùa có tháp Nhị Nghiêm. Ảnh: luhanhvietnam
Các khu vực thờ tự khác cũng được thiết kế rất trang trọng, uy nghiêm và hài hòa với thiên nhiên. Chùa Hoằng Pháp thường là nơi chiêm bái quen thuộc của mọi người khi du lịch Sài Gòn vào các dịp lễ tết hoặc cũng có thể là cả ngày bình thường.
Chùa Hoằng Pháp nổi tiếng bởi các khóa tu
Chùa đã tổ chức rất nhiều khóa tu Phật thất thu hút hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi về đăng ký tham gia. Trong 7 ngày tu tại chùa bạn sẽ được học rất nhiều điều bổ ích.
Khóa tu tại chùa Hoằng Pháp sẽ hướng dẫn bạn: Cách lễ bái, xá chào, cách lễ, cách chắp tay, lạy và ý nghĩa của chúng. Đến đây, bạn không chỉ tu tâm, tu tính mà còn được rèn luyện sức khỏe dẻo dai.
Chùa đã tổ chức rất nhiều khóa tu Phật thất thu hút hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi về đăng ký tham gia. Ảnh: hanhtrinhtamlinh
Hình thức các khóa tu Phật thất mang lại rất nhiều ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống tinh thần. Những Phật tử tu tại gia thường hay tham gia các khóa tu này để được thực hành và tu tập nơi cửa Phật. Qua 7 ngày 7 đêm của khóa tu, bạn sẽ cảm thấy tâm tính của bản thân mình ngày càng trong sáng, luôn giữ được sự an nhiên, bình tĩnh.
Hình thức các khóa tu Phật thất mang lại rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ảnh: vedepphatphap
Ngoài ra chùa Hoằng Pháp còn tổ chức các khóa tu mùa hè. Đối tượng không chỉ là các Phật tử, các bạn thanh niên mà còn có các bạn nhỏ tuổi. Khóa tu mùa hè là một nơi để các bạn có thể trải nghiệm hình thức tu tập sinh hoạt trong chùa.
Vào dịp hè các gia đình thường cho con em mình lên chùa Hoằng Pháp tham gia khóa tu để tu tập tâm tính, lòng vị tha, lối sống có kỉ luật.
Ngoài ra chùa Hoằng Pháp còn tổ chức các khóa tu mùa hè. Ảnh: luhanhvietnam
Một ngày ở chùa Hoằng Pháp, cuộc sống dường như trôi qua rất chậm, chậm đến nỗi nhiều người cảm thấy thời gian dường như ngừng chuyển động. Khi dành thời gian đến đây để hòa nhập vào bầu không khí này, bạn sẽ cảm thấy lòng mình yên ắng và thanh tịnh đến lạ thường, đó là điều vô cùng quý giá khi chúng ta đang ở giữa một thành phố tấp nập và đầy náo nhiệt này.
Hồng Ánh
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)