Chùa Hoằng Pháp – chốn tâm linh không vướng bụi trần ở Sài Gòn
Bên cạnh các điểm vui chơi sôi động và nhộn nhịp thì trong lòng Sài Gòn hoa lệ vẫn có rất nhiều những điểm đến cổ kính và bình yên đưa ta về những ngày xưa cũ, tiêu biểu trong đó là chùa Hoằng Pháp.
Giới thiệu về chùa Hoằng Pháp
Tổ Đình Hoằng Pháp là một ngôi chùa tọa lạc tại hẻm Tân Hiệp 6, đường Lê Lợi, thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, cách bến xe 19/5 – ngã ba Lam Sơn khoảng 800m và cách trung tâm quận 1 khoảng 20km về phía Tây Bắc.
Ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gòn (Ảnh @phuongnguyen_official)
Ngôi chùa này thuộc phái Bắc tông, được sáng lập từ năm 1957 bởi cố Hòa thượng Ngô Chân Tử trên một rừng chồi. Sau đó, vào các năm 1959, 1965, 1971 và 1995 chùa đã được tu sửa và xây mới để được hoàn thiện và khang trang như hiện nay.
Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, ngày nay, dưới sự trụ chì của Thượng tọa Thích Chân Tính, chùa Hoằng Pháp không chỉ là một chốn tâm linh nổi tiếng ở Sài Gòn và các vùng lân cận, mà còn là trung tâm văn hóa Phật Giáo lớn nhất Việt Nam, khiến du khách hành hương không thể bỏ qua.
Kiến trúc ấn tượng của chùa Hoằng Pháp
Ngôi chùa Hoằng Pháp đón chào du khách bằng cổng tam quan sừng sững, với màu vàng nổi bật và được thiết kế theo kiến trúc chùa chiền truyền thống như mái ngói hai tầng lát gạch đỏ, phần đuôi cong vút lên trời như hình đầu đao, pha lẫn với nét hiện đại ở các đường cong cách điệu uốn lượn mềm mại, không mang vẻ khô khan, cứng ngắc như những cổng chùa khác.
Hơn nữa, tên chùa hay các bức tự, câu đối và hoành phi đều được viết bằng chữ quốc ngữ trên những vật liệu hiện đại chứ không phải chữ Hán như những ngôi chùa cổ ở miền Bắc, qua đó tạo nên nét đặc trưng khiến du khách không thể quên được.
Cổng chùa nổi bật
Ngay khi bước chân qua cổng thì du khách sẽ lập tức cảm nhận được bầu không khí trong lành, tươi mát ùa vào, vì xung quanh khuôn viên chùa đâu đâu cũng là những cây xanh, từ những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng râm cho đến những chậu bon sai được cắt tỉa đẹp mắt.
Nổi bật nhất chùa Hoằng Pháp là tòa chính điện màu đỏ tươi được xây theo hình chữ “công”, nằm trên diện tích 756 m2, dài 42m và cao 18m với 2 tầng 8 mái đao được đỡ bởi hệ thống cột trụ đồ sộ, vững chắc.
Tòa chính điện nổi bật giữa trời xanh (Ảnh @bphan96)
Không sử dụng gỗ như các ngôi chùa truyền thống mà ở đây người ta xây dựng từ nền móng, cột, trần, tường hay mái đều bằng bê tông, giúp công trình vẫn luôn kiên cố vượt qua bao khắc nghiệt của thời gian và thời tiết. Đặc biệt, nền chùa còn được lót bằng gạch granit nhập khẩu từ Tây Ban Nha, nên trông rất sang trọng.
Khi bước vào tòa chính điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai con sư tử dung mãnh bằng vàng đặt ở hai bên thềm bậc tam cấp, như để bảo vệ cho sự bình yên và linh thiêng của ngôi chùa. Còn điện thờ bằng gỗ quý được trạm trổ tinh vi trong chùa thì gây ấn tượng với tượng Phật Thích Ca cao khoảng 4,5m đang ngự trên đài sen. Xung quanh tường thì được treo các bức phù điêu tái hiện hình ảnh cuộc đời đức Phật từ lúc xuất gia đến khi nhập niết bàn.
Tượng Phật uy nghi trong chùa
Song, nếu phải tìm điểm nhấn trong chùa Hoằng Pháp Hóc Môn thì người ta sẽ nghĩ ngay đến tháp Nhị Nghiêm – chốn an nghỉ cuối cùng của cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử - người khai lập nên chùa. Công trình này được thiết kế theo hình một quả chuông, thon dần về phía trên. Trên đỉnh tháp có đặt một chứ “Vạn” tượng trưng cho công đức vô lượng và sự vĩnh hằng của vũ trụ, qua đó thể hiện sự biết ơn và kính trọng của mọi người đối với ông.
Công trình tháp Nhị Nghiêm hoành tráng (Ảnh @thanhduy964)
Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm các công trình ấn tượng khác trong chùa như: tượng Phật Thích Ca tọa thiền dưới gốc cây bồ đề, tượng Quan Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch ngự giữa hồ, tháp Phổ Độ - nơi để cốt của bá tánh thập phương, hòn non bộ với cây cối xanh tươi và nhà trù, nhà dưỡng lão hay nhà ăn rộng rãi…
Tượng Quan Âm từ bi (Ảnh @thientam.030594)
Những hoạt động ý nghĩa tại chùa Hoằng Pháp
1. Các khóa tu
Khóa tu mùa hè là khóa tu nổi tiếng nhất của chùa dành cho học sinh và sinh viên – nơi giúp các em học sinh có thể tĩnh tâm sau những tháng ngày học tập miệt mài, dạy cho các em đạo làm người chân chính và rèn luyện cho các em có một sức khỏe dẻo dai hơn. Hoạt động này thường được tổ chức 1 năm 1 lần vào mùa hè trong 7 ngày, bắt đầu từ năm 2005. Năm đầu tiên, có hơn 300 em tham gia, đến năm thứ hai con số tăng lên là hơn 1600 em và đến ngày nay thì chùa Hoằng Pháp đã đón nhận hơn 6000 học sinh, sinh viên đến tham dự mỗi năm.
Bên cạnh đó, khóa tu Phật thất 7 ngày đêm ở luôn trong chùa cũng là hoạt động được rất nhiều người quan tâm. Chương trình này được bắt đầu khá sớm, từ năm 1999 và duy trì cho đến ngày nay, với số lượng người tham dự từ 70 đến nay đã lên tới hơn 7000 người. Qua khóa tu, tâm hồn con người sẽ luôn giữ được sự trong sáng và an nhiên, từ đó sống thanh tao, có kỷ luật hơn.
Rất nhiều người đến tham gia các khóa tu (Ảnh @peo.dang)
Ngoài ra, các bạn cũng có thể đăng ký tham dự khóa tu niệm Phật 1 ngày từ 7 giờ sáng đến 15 giờ 30 phút chiều ở ngôi chùa Tổ Đình Hoằng Pháp nếu không có quá nhiều thời gian, để được phổ cập những bài học và rời khuyên răn quý báu của nhà Phật, từ đó sống tốt và có ích hơn cho gia đình và xã hội.
Tất nhiên, trong các khóa tu các bạn cũng sẽ được thưởng thức những món cơm chay thơm ngon lại hoàn toàn miễn phí của nhà chùa, đảm bảo sẽ là những kỷ niệm quý giá trong đời mà bạn chẳng thể quên được.
Những món chay thơm ngon (Ảnh @ghienanchay)
2. Chương trình từ thiện
Từ xa xưa, chùa Hoằng Pháp Sài Gòn đã là nơi cứu vớt và nâng đỡ cho những số phận khó khăn. Điển hình như việc đón hơn 361 nhân khẩu mất nhà trong chiến tranh năm 1965 về nuôi suốt 8 tháng, sau đó mua nhà xây đất cho họ, đến năm 1968 thì lại tiếp nhận 365 trẻ em về nuôi dạy và năm 1975 lại nhận thêm các cụ già neo đơn cùng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dưỡng.
Đến ngày nay, nghĩa cử cao đẹp ấy vẫn được lưu giữ và phát huy rất tốt, khi mà chùa liên tục tổ chức các hoạt động từ thiện như: trao quà cho các cụ già gặp khó khăn hay giúp đỡ các em nhỏ không có điều kiện đến trường…khiến ai ai cũng ngưỡng mộ và tôn kính.
3. Các lễ hội
Nếu bạn muốn được hòa mình vào không khí lễ hội nhộn nhịp và rực rỡ nơi chùa Hoằng Pháp thì đừng bỏ qua các ngày lễ lớn được tổ chức hàng năm tại chùa như:
- Lễ Cầu An đầu năm – tổ chức ngày 15 tháng Giêng
- Đại lễ Phật Đản (ngày Phật Đản sanh) – tổ chức ngày 15 tháng 4 âm lịch
- Đại lễ Vu Lan (Vu Lan báo hiếu) – tổ chức ngày 15 tháng 7 âm lịch
- Lễ giỗ Tổ chùa Hoằng Pháp – tổ chức ngày 16 tháng 10 âm lịch
- Đại lễ hoa đăng kỷ niệm đức Phật A Di Đà – tổ chức ngày 17 tháng 11 âm lịch
Không khí đầu năm nhộn nhịp (Ảnh @p.t.thuphuong05)
Lễ vía Di Đà hoành tráng (Ảnh @annnam2810)
Một số lưu ý khi ghé thăm chùa Hoằng Pháp
Giờ mở cửa: 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.
Chi phí: Các khóa tu và vào cổng hoàn toàn miễn phí.
Trang phục: trang trọng, lịch sự và kín đáo.
Cách đến: Đi xe máy hoặc ô tô theo cung đường Nguyễn Văn Trỗi - Cộng Hòa - Trường Trinh - quốc lộ 22 / Xuyên Á, rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Thị Nuôi, khi đến đoạn giao nhau với đường Lê Lợi thì rẽ trái và vừa đi vừa nhìn sang phía tay phải là thấy chùa. Hoặc đi xe buýt trên các tuyến: 04, 13, 24, 74 và 94 là cũng đến được địa điểm cần tìm.
Cuộc sống ngoài kia quá xô bồ khiến bạn mệt mỏi thì hãy đến ngay chùa Hoằng Pháp ở Sài Gòn để tĩnh tâm và giải tỏa đi nào!
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet