Chinh phục 5 ngọn thác hoang sơ hùng vĩ nhất Đà Lạt – Lâm Đồng

Thác Pongour Thác Pongour là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên. Do đó, nếu bạn đến Đà Lạt thì nhất định không được bỏ qua địa điểm thăm quan hấp dẫn này nhé. Thác Pongour thuộc huyện Đức Trọng, cách huyện lỵ 20km và xa trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km. Trên quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn, đến xóm Trung (phía núi Chai) rẽ về phía tay phải đi một quãng đường đất dài độ 8 km du khách sẽ đến được thác Pongour. Đường vào thác Pongour là khung cảnh khá yên bình và nên thơ, nếu bạn đi vào tháng 10 sẽ

Thác Pongour

Thác Pongour là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên. Do đó, nếu bạn đến Đà Lạt thì nhất định không được bỏ qua địa điểm thăm quan hấp dẫn này nhé.

Thác Pongour thuộc huyện Đức Trọng, cách huyện lỵ 20km và xa trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km. Trên quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn, đến xóm Trung (phía núi Chai) rẽ về phía tay phải đi một quãng đường đất dài độ 8 km du khách sẽ đến được thác Pongour. Đường vào thác Pongour là khung cảnh khá yên bình và nên thơ, nếu bạn đi vào tháng 10 sẽ bắt găp hình ảnh điệp vàng nở rộ, tạo nên một con đường cong dẫn vào thác với một màu vàng ươm đẹp mắt đến ngỡ ngàng.

Thác Pongour từng được công nhận là “Nam thiên đệ nhất thác” và được người dân địa phương gọi là thác bảy tầng bởi dòng thác chảy qua hệ thống đá bậc thang 7 tầng với độ cao gần 40m vô cùng kì vĩ. Vẻ đẹp đặc biệt của dòng thác nằm ở hệ thống các bậc đá bằng phằng, xếp thành lớp. Đá xếp không theo trật tự nào tạo nên những đường cắt, “xé” nguồn nước thành hàng trăm dòng nhỏ.

Thác được bao quanh bởi khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú và có rất nhiều câu cổ thụ, muông thú sinh sống…, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, hoang sơ và vô cùng đẹp mắt.

Thác gắn với truyền thuyết về mái tóc đẹp của người nữ tù trưởng Kanai và bốn con tê giác trung thành đã cùng nàng khai phá núi rừng đồi suối và đánh giặc bảo vệ buôn làng cho người K'ho của nàng. Pongour là dấu vết bốn con tê giác cắm xuống núi rừng Tây Nguyên để mở ra một kỷ nguyên văn hóa cho các dân tộc tại đây. Chính vì vậy, vào dịp trăng tròn đầu tiên của mùa ấm áp (ngày hội hằng năm vào rằm tháng Giêng), núi rừng khởi sắc để làm ngày "kỷ niệm" cho bộ tộc của nàng và tục lệ đó vẫn được duy trì đến ngày nay. Vào ngày này, nam thanh nữ tú Bắc Nam, Kinh-Thượng, Hoa-Việt, Thái-Tày... đều rộn rã du xuân, hồ hởi vượt qua bảy tầng thác Pongour, mong vào được chốn Thiên Thai. Đây là dịp mà người ta không còn phân biệt Kinh-Thượng. Họ tự trao đổi tâm tình, tìm hiểu và yêu mến nhau, họ cùng tham gia các nghi lễ và nhảy múa, vui chơi.

Năm 2000, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận thác Pongour là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia. Nhiều người còn cho rằng, nếu ngoài bắc có thác Bản Giốc thì phía nam có thác Pongour - đẹp và hùng vĩ không kém.

Thác Đamb'ri

Thác Đamb'ri thuộc Tp Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 100km và cách TPHCM 200km theo quốc lộ 20. Đến trung tâm Tp Bảo Lộc sẽ có đường hướng dẫn vào thác, đi khoảng 18km băng qua những vườn chè và cà phê xanh ngát hai bên đường sẽ đến thác. Đến cổng khu du lịch thác Đamb'ri đã nghe tiếng thác nước vang dội ầm ầm dù đang cách thác vài trăm mét. Thác Đamb'ri nằm trong một khu vực rộng 330ha gồm rừng nguyên sinh, khu du lịch, hai thác nhỏ khác là Đasara và Đạ Tôn cũng đẹp không kém cùng khu sinh thái nghỉ dưỡng nơi đây.

Đamb'ri theo tiếng K'Ho nghĩa là đợi chờ. Thác gắn với truyền thuyết đẹp về tấm lòng son sắt của người thiếu nữ dành cho chàng trai mình yêu. Người dân nơi đây kể rằng tên thác là sự kết hợp giữa tên của một chàng trai nghèo tên K'Đam và cô gái tên H’bi – con của một trưởng làng giàu có thuộc dân tộc K’Ho. Cả hai đem lòng yêu thương nhau nhưng vì chàng trai nghèo nên cha nàng H’bi ra sức ngăn cản mối tình đó, đẩy chàng K'Đam đi một nơi thật xa không hẹn ngày về. Nàng H’bi suốt ngày chờ đợi, từ năm này qua năm khác. Những lúc nhớ người yêu, nàng H’bi vào rừng khóc thương chàng K'Đam. Cuối cùng những giọt nước mắt ấy hoá thành dòng thác Đambri ngày đêm tuôn trào như ghi dấu tình yêu son sắt của đôi trẻ. 

Nếu một lần đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mỹ miều của ngọn thác huyền thoại này. Từ trên độ cao 60 mét, vào mùa khô, thác nước đổ xuống nhẹ nhàng như một dải lụa mềm hay như suối tóc của cô sơn nữ; vào mùa nước lớn, dòng thác ầm ầm tuôn trào trắng xoá giữa núi rừng như tiếng khóc tuyệt vọng của nàng H’bi khóc thương đợi chờ người yêu. Cả hai mùa lúc nào thác cũng mang một vẻ đẹp khiến người du ngoạn say mê.

Bạn có thể khám phá thác Đamb'ri bằng ba cách:  Thứ nhất, bạn men theo con đường được bê tông hoá hai bên thác và xuống chân thác, băng qua cánh rừng giúp bạn khám phá trọn vẹn hệ sinh vật phong phú tại thác Đamb'ri. Thứ hai, tại đây có thang máy cao 50 mét chạy song song với thác giúp bạn có thể "mục sở thị" thác Đamb'ri từ thượng nguồn đến chân thác, tận hưởng cảm giác mát lạnh từ những tia nước bắn ra từ dòng thác đang cuồn cuộn chảy. Thứ ba, có lẽ là cách thú vị nhất là "xé gió đại ngàn" trải nghiệm cảm giác mạnh với máng trượt dài 1.650m (hệ thống xe  trượt ống dài nhất Đông Nam Á) để khám phá thác Đambri theo một cách riêng thực sự thú vị.

Thác voi

Thác Liêng Rơwoa hay còn gọi là Thác Voi nằm ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách thành phố Đà Lạt 25km về hướng tây nam. Thác nằm trong khuôn viên của chùa Linh Phước, có độ cao gần 30m ngày đêm đổ nước trắng xóa. Đây là thác còn giữ được nhiều nét hoang sơ của vùng đất Tây Nguyên.

Tình yêu nồng nàn, thủy chung, son sắt của con gái vị tù trưởng vùng núi Jơi Biêng dành cho chàng trai nàng yêu hi sinh ngoài chiến trường đã khiến cho muông thú cảm động. Nàng cứ hát, hát mãi khúc ca nhớ nhung cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ và không bao giờ gượng dậy được nữa. Đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm. Người K'ho đã đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng - thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt để tưởng nhở đến mối tình thủy chung của đôi trẻ. Thác nước gắn liền với sự tích về mối tình thủy chung, bi tráng này đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2001.

Muốn xuống chân thác, du khách phải "chinh phục" 145 bậc tam cấp vòng vèo: khi là những bậc đá thiên tạo "ăn" vào vách núi cheo leo, lúc là các tấm ván của chiếc cầu gỗ xinh xinh chênh vênh bên bờ vực thẳm. Ngút tầm mắt là rừng đại ngàn với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân và cành chằng chịt dây leo. Dưới chân thác và trong cánh rừng già xuất hiện một số tảng đá lớn có hình thù hệt như những con voi. Thế nên, tiếng thác đổ ầm ào khiến người thưởng ngoạn tưởng như có một đàn voi chạy đua hoặc tung vòi phun nước đùa nghịch với nhau.

Phía sau dòng thác trắng xóa đang tung bụi nước mù mịt là những hang động sâu hun hút đầy bí ẩn. Đó là hang Dơi ăn sâu xuống lòng đất đến 50m với những vách đá có các hình thù, mầu sắc rất lạ mắt. Rễ cây và dây leo đan xen chằng chịt, càng xuống sâu, hang càng tối nhờ nhờ và lạnh lẽo như động của phù thủy. Đó là hang Gió với lối vào rất hẹp nhưng bên trong khá rộng, vi vút tiếng sáo gió trời.

Thác Hang cọp

Thác Hang Cọp cách thành phố Đà Lạt 15 km về hướng Đông, thuộc ấp Túy Sơn, xã Xuân Thọ. Thác nằm giữa khu rừng thông với diện tích 308 ha, chiều cao thác chừng 50 m, dài hơn 500 m. Thác Hang Cọp có nhiều tên gọi khác như: thác Ông Cọp, thác Ông Thuận, thác Đạ Sar, thác Thiên Thai, thác Long Nhân...

Men theo lối mòn quanh co, khúc khuỷu xuống một thung lũng hẹp, rừng đại ngàn thâm u, bí hiểm, khói sương mù mịt, một cây cầu treo lơ lửng giăng ngang mặt thác, trên độ cao 50 m, du khách sẽ nghe thấy tiếng thác va vào đá phát ra âm thanh như tiếng cọp gầm.

Bên cạnh thác có một hang đá thiên nhiên rộng chừng hai gian nhà bếp, có 3 ngăn, 1 ngách và 2 miệng. Người Chi’ll gọi là Hang Cọp. Theo truyền thuyết của người Chi’ll, xưa kia, tại vùng rừng núi này có một con cọp rất hung dữ hoành hành. Người ta rất khiếp sợ và gọi cọp bằng “ông Ba Mươi”. Một dũng sĩ người Chi’ll dũng cảm, quyết tâm trừ hại cho dân, sau nhiều ngày theo dõi, chàng đã gặp và “tặng” con cọp hung dữ ấy một mũi tên vào chân. “Chúa sơn lâm” đau đớn vùng chạy vào trong rừng sâu, từ đó không thấy xuất hiện nữa. Hiện nay, gần thác Hang Cọp có tượng dũng sĩ người Chi’ll đang giương nỏ bắn cọp.

Thác Datanla

Thác Datanla là một ngọn thác lớn nằm trong khu du lịch Đatanla – cách thác Prenn 8 km và thành phố Đà Lạt 10 km, thác nước hấp dẫn du khách với dòng nước trong veo chảy qua 7 tầng, rồi dội xuống những phiến đá lớn. Nơi đây thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, thác còn là nơi mọi người muốn đến một lần để trải nghiệm các trò chơi mạo hiểm như trèo thác, trượt máng, trượt zipline…. Nếu bạn là một fan của du lịch mạo hiểm thì chắc chắn phải ghé qua con thác này.

Hệ thống máng trượt ấn tượng dài 1 km là cách xuống thác tuyệt vời cho bạn. Uốn lượn quanh các sườn núi, bạn chỉ cần khoảng 2 phút để xuống thác Datanla cùng với một trải nghiệm tốc độ, từ trung bình để ngắm những vườn hoa rực rỡ sắc màu ở hai bên đường máng, cho đến chóng mặt lao vun vút xuống núi, tùy theo điều chỉnh của bạn.

Dưới chân thác, dòng suối Datanla chảy chậm lại, luồn lách qua những mỏm đá rồi chảy vào một hố sâu gọi là “Vực tử thần” nằm giữa hai bên vách đá thẳng đứng. Đặc biệt, với những ai thích phiêu lưu mạo hiểm, hẳn sẽ không thể bỏ qua bộ môn leo dây vượt qua đỉnh thác để khám phá hang Tử thần. Đặt chân xuống đáy vực Tử Thần, bạn sẽ nổi bồng bềnh trên dòng suối và được dòng nước chảy xiết đẩy đến một vực khác - vực Lưu Thủy. Nếu có sức khỏe tốt và muốn thử thách lòng can đảm của mình, bạn có thể chinh phục cả 7 tầng thác Datanla.

Có thể bạn muốn xem