Chàng trai đam mê lướt sóng ở Nha Trang
Khánh HòaĐam mê những con sóng, Nguyễn Thành Phú dành dụm khoảng 40 triệu đồng để sang Bali, Indonesia du học môn thể thao còn mới mẻ tại Việt Nam.
Đến bờ biển Bãi Dài, khách du lịch không chỉ ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên cuốn hút, mà còn có cơ hội học lướt sóng với sự hướng dẫn của một chàng trai gốc Nha Trang. Đó chính là Nguyễn Thành Phú, 24 tuổi.
Năm 16 tuổi, Phú bắt đầu tìm hiểu và đam mê với bộ môn lướt sóng. Cùng thời điểm đó, do gia đình gặp nhiều khó khăn, Phú buộc phải thôi học và theo chân dượng làm việc ở một trường thể thao nước, nơi có đủ loại hình thể thao dưới biển như lướt sóng, lướt ván diều, thuyền buồm... Đến năm thứ 3 thì trường đóng cửa, Phú bắt đầu đi làm cho các câu lạc bộ, dành dụm cho ước mơ mở một lớp dạy lướt sóng của riêng mình.
Chàng trai dựng 'chòi' dạy lướt sóng ở Nha Trang
Nguyễn Thành Phú lớn lên cùng biển và yêu những con sóng. Video: NVCC
Phú chia sẻ, lướt sóng đem lại nhiều cảm xúc: tự do, bình tĩnh và thử thách. "Nó giống như một bài học cuộc đời thu nhỏ. Khi gặp được con sóng đẹp, bạn sẽ không ngã. Nếu ngã, bạn sẽ bơi ngược lại để chờ và bắt những con sóng khác", anh nói.
Để trở thành một người lướt sóng chuyên nghiệp, chàng trai trẻ lên kế hoạch 2 năm tiết kiệm tiền để đến đảo Bali, Indonesia tham gia chương trình đào tạo của Hiệp hội lướt sóng quốc tế (ISA). Phú chi khoảng 40 triệu đồng cho tiền vé máy bay, học phí và ăn ở trong một tháng.
Được bạn bè và mẹ ủng hộ, Phú quyết định dùng tiền tiết kiệm sau những năm làm thuê để mở lớp chuyên dạy lướt sóng vào hè năm 2016. Lớp học của Phú ngoài biển xanh, cát trắng còn có một nhà chòi giản dị trên Bãi Dài, cách thành phố Nha Trang khoảng hơn 20 km. Anh treo một chiếc ván ghi "Local Surf" nghĩa là "Lướt sóng bản địa", thay biển hiệu cho lớp học.
Thời gian đầu mở lớp, Phú chật vật chiêu sinh. Anh đã phải xoay xở nhiều cách để tìm học sinh, chủ yếu nhờ bạn bè trợ giúp và thông qua mạng xã hội. Chàng trai chấp nhận thử thách của những năm tháng tuổi trẻ.
Theo Phú, thời điểm thích hợp nhất để lướt sóng là từ cuối tháng 9 tới cuối tháng 4 hàng năm, khi nhiều bãi biển có đủ điều kiện về sóng để thực hành bộ môn này. Ảnh: NVCC
Điều khiến Phú say mê và yêu công việc của mình là khoảnh khắc chứng kiến học trò của mình đứng được trên ván và cưỡi con sóng đầu tiên trong đời. Anh cho rằng đây là cảm giác không thể diễn tả lại bằng lời.
Với anh, lướt sóng là bộ môn dễ tiếp cận. "Biết lướt sóng, trải nghiệm đi biển của bạn sẽ trở nên thú vị hơn. Không quá khó khăn để bắt đầu bộ môn lướt sóng. Trẻ em và người lớn đều có thể chơi được. Để làm quen, bắt sóng và đứng lên ván chỉ mất khoảng 2 tiếng", anh nói.
Lớp học của Phú đón đông đảo khách trong nước đến trải nghiệm, và nhiều du khách Hàn Quốc (ảnh), bên cạnh khách Tây. Ảnh: NVCC
Phú nhận định môn lướt sóng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Bằng việc mở lớp học, Phú muốn lan tỏa tình yêu của mình, khiến bộ môn lướt sóng được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam, đem lại nhiều trải nghiệm hơn cho du khách du lịch biển.
Trung Nghĩa