Bỏ túi Kinh nghiệm du lịch Huế tự túc, trọn bộ 2019
Huế từ lâu đã được biết đến là xứ sở mộng mơ, trữ tình, trầm lắng với những cung điện mang hơi thở cổ xưa của một thời cố đô. Những người con gái Huế với tà áo dài thướt tha, nhẹ nhàng cũng là một phần biểu tượng mỗi khi ai đó nhắc về xứ Huế. Không chỉ vậy, đến Huế bạn còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của người miền Trung. Bởi vậy, Huế luôn là một điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hãy cùng GTOP bỏ túi tấm bản đồ Kinh nghiệm du lịch Huế trọn bộ, tự túc nhé!
Thời điểm lý tưởng du lịch Huế
Huế vào mùa mưa
Thời tiết ở Huế được chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa ít mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 tới cuối tháng 12, mùa ít mưa kéo dài từ cuối tháng 12 cho đến khoảng tháng 4 năm sau. Từ tháng 4 đến tháng 8 là mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao có khi lên tới 40 độ C. Thời điểm lý tưởng để du lịch Huế thường vào tháng 11 hoặc đầu tháng 5 đến cuối tháng 9. Đây là thời gian khí hậu tại Huế ôn hòa, mát mẻ, thuận tiện cho việc tham quan, du lịch Huế. Đặc biệt, dịp lễ 30 tháng 4, Huế thường tổ chức các lễ hội festival với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Du khách cũng thường chọn thời điểm này tới Huế để thưởng thức những nét văn hóa đặc trưng, ý nghĩa của cố đô.
Đến Huế bằng phương tiện gì?
Máy bay
Hiện nay, từ Hà Nội có 3 đơn vị hàng không là VietjetAir, Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác đường bay đến Huế. Với chiều từ Sài Gòn sẽ có thêm hãng Jestar Pacific tới sân bay Phú Bài (Huế). Sân bay Phú Bài (Huế) cách trung tâm thành phố Huế 18 km, khoảng 25 phút để đi xe ô tô về Trung tâm thành phố. Giá vé máy bay từ Hà Nội đến Huế tùy thời điểm sẽ vào khoảng 1.000.000 – 2.500.000 VND khứ hồi Giá vé máy bay từ Sài Gòn đến Huế tùy thời điểm sẽ vào khoảng 1.000.000 – 3.000.000 VND khứ hồi Từ sân bay Phú Bài về trung tâm thành phố Huế, các bạn có thể đi bằng xe bus trung chuyển của sân bay hoặc taxi. Xe bus trung chuyển của sân bay có giá vé là 50.000 đ/người. Taxi đi từ sân bay Phú Bài vào trung tâm Thành phố Huế tầm 150.000 đ/lượt.
Tàu hỏa
Từ Hà Nội và Sài Gòn đều có tàu đến Huế, với những bạn thoải mái thời gian và muốn ngắm cảnh trên đường có thể chọn phương tiện này. Từ hai đầu ga Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày có 5 chuyến khởi hành đi Huế: Tàu SE1 và SE2 : [Hà Nội 19h30 – Huế 8h48] [Sài Gòn 19h30 – Huế 15h23] Tàu SE3 và SE4 : [Hà Nội 22h00 – Huế 10h27] [Sài Gòn 22h00 – Huế 16h39] Tàu SE5 và SE6 : [Hà Nội 9h00 – Huế 22h42] [Sài Gòn 22h00 – Huế 05h31] Tàu SE7 và SE8 : [Hà Nội 6h00 – Huế 19h47] [Sài Gòn 6h00 – Huế 1h28] Tàu TN1 và TN2 : [Hà Nội 13h10 – Huế 03h39] [Sài Gòn 13h10 – Huế 12h06] Giá vé sẽ tùy thuộc vào loại ghế bạn chọn. Di chuyển xa mất nhiều thời gian thì du khách nên lựa chọn ghế nằm mềm hoặc ngồi mềm để giữ sức khỏe tốt nhất cho chuyến du lịch của mình. Để đặt vé, các bạn có thể mua trực tiếp tại nhà ga hoặc tiện lợi hơn là đặt trực tuyến qua website chính thức của Đường sắt Việt Nam .
Xe khách
Từ Hà Nội và Sài Gòn hàng ngày có rất nhiều tuyến xe giường nằm chất lượng cao, xe open tour đi Huế. Thời gian di chuyển từ Hà Nội – Huế khoảng 13 tiếng, từ Sài Gòn – Huế khoảng 25 tiếng. Ở Hà Nội: bạn có thể đi xe của hãng Hưng Thành, Hoàng Long… khởi hành hàng ngày, giá vé từ 280.000 VND/ ghế. Nếu đi bằng open bus có các hãng xe như Camel ( 461 Trần Khát Chân ), Trekking, Thesinhtourist, An Phú… khởi hành lúc 18h và 8h sáng có mặt ở Huế, chiều về cũng tương tự. Ở Sài Gòn: bạn có thể đi xe của hãng Hoàng Long, Phương Trang, Phượng Hoàng… giá vé từ 450.000 VND/ ghế. Nếu đi bằng open bus có các hãng xe của hãng Phi Long, Ngọc Sanh, Thuận Thảo… khởi hành từ bến xe Miền Đông.
Phương tiện di chuyển khi du lịch Huế
Xe máy
Bạn có thể thuê xe máy để chủ động trong việc di chuyển và khám phá Huế. Giá thuê từ 100.000 – 150.000 VND/ xe/ ngày. Các địa điểm cho thuê xe đạp, xe máy nằm tập trung ở đường Hùng Vương, quãng đường từ cầu Trường Tiền đến ngã 4 Hùng Vương giao với Nguyễn Tri Phương. Khu vực thứ 2 là đường Lê Lợi, khu phố Tây đối diện khách sạn Hương Giang, các đường như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An đều có cho thuê xe. Một vài địa chỉ thuê xe uy tín tại Huế như: Trường Thiện: Địa chỉ: 19 Đường Hà Nội, Tp Huế Điện thoại: 054 3831236 Thuê xe tại Huế Địa chỉ: 3 Hùng Vương, Tp Huế Điện thoại: 0914099806
Xích lô
Khi tham quan khu vực Đại Nội, du khách nên trải nghiệm đi bằng xích lô để cảm nhận hết nét mộc mạc, bình dị ở đây. Xích lô ở Huế tiện lợi, an toàn vì rộng và mui cao. Khi cần có thể chở hàng hóa hoặc bật mui lên che nắng, che mưa cho du khách.
Ở đâu khi đến Huế?
Khách sạn
Huế hiện nay có khoảng 600 cơ sở lưu trú với gần 10.000 phòng, 17.000 giường nên ở Huế gần như không có hiện tượng cháy phòng xảy ra. Nhà nghỉ, khách sạn Huế giá rẻ tập trung chủ yếu ở phố Lê Lợi gần Cầu Trường Tiền, Huế. Giá dao động từ 150.000 – 300.000 VND/ đêm có thể ở được 4 – 5 người/ phòng. Tùy vào nhu cầu, du khách có thể lựa chọn cho mình một khách sạn phù hợp. Một vài gợi ý về khách sạn tại Huế cho các bạn: Than Thien – Friendly Hotel: Địa chỉ: 10 Đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế Mức giá từ 240.000 VND/ phòng Than Thien – Friendly Hotel là khách sạn 2 sao với vị trí đẹp, phòng đầy đủ tiện nghi. Nhân viên khách sạn thân thiện, dễ mến nên được rất nhiều du khách lựa chọn. Hong Thien 1 Hotel:
Khu vực bể bơi ngoài trời tại khách sạn Hong Thien 1
Địa chỉ: 35/6 Chu Văn An, Huế Mức giá từ 210.000 VND/ phòng Hong Thien 1 Hotel là khách sạn 3 sao gần cầu Tràng Tiền rất thuận tiện di chuyển đi chơi trong thành phố. Đáp ứng tốt dịch vụ 3 sao, khách sạn có kèm bữa sáng, hồ bơi ngoài trời, quán cafe và tiện nghi, nội thất đầy đủ. Gold Hotel: Địa chỉ: 28 Bà Triệu, Thành phố Huế Mức giá từ 240.000 VND/ phòng Gold Hotel là khách sạn 4 sao gồm 93 phòng. Khách sạn với tiện nghi đầy đủ theo chuẩn 4 sao, không gian xung quanh yên bình, thư thái. Khách sạn là điểm dừng chân đáng suy ngẫm của du khách khi khám phá Huế.
Homestay
Đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, homestay tại Huế cũng rất phát triển với với giá cả phù hợp. Một vài gợi ý về homestay tại Huế cho các bạn: Địa chỉ: số 22, xóm 7, thôn Lại Thế, Phú Vang, Huế Shmily homestay tọa lạc ở vùng ngoại ô thành phố, nếu bạn muốn tìm một không gian yên tĩnh thì đây là địa điểm dừng chân lý tưởng. Homestay có một sân thượng đẹp mê ly, là sự kết hợp hoàn hảo giữa những chậu hoa nhỏ xinh được sắp xếp xung quanh bộ bàn ghế nhỏ đặt ở giữa tạo nên điểm nhấn cho sân thượng. Homestay có 4 loại phòng với các mức giá khác nhau: Phòng Family: 280.000 đồng/ ngày Phòng Friendly: 90.000 đồng/ ngày Phòng Happy: 220.000 đồng/ ngày Phòng Lovely: 240.000 đồng/ ngày Green Field homestay Địa chỉ: Cư Chánh 2, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Giá phòng: từ 550.000 – 650.000 VND/ phòng/ đêm Tọa lạc ở vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố 5km. Homestay vẫn rất thuận tiện cho việc di chuyển vui chơi trong thành phố. Đến với Green Field, bạn sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản Huế do chính tay chủ nhà chế biến. Vào các buổi tối, bạn còn có thể giao lưu âm nhạc với các du khách khác. Homestay Mosaic Garden Huế Địa chỉ: Kiệt 11, Thôn Vân Dương, Xã Thủy Vân, Thị Xã Hương Thủy, Huế. Giá phòng: từ 200.000 – 500.000 VND/ phòng/ đêm Homestay Mosaic Garden Huế cách trung tâm thành phố Huế 3,5km. Homestay này là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại, một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên giữa lòng cố đô Huế. Ở homestay Mosaic Garden, bạn sẽ gặp một khu vườn nhỏ trồng vài luống rau, với mồng tơi, mướp.. được đặt tên ” Vườn của Ổi” theo tên con gái của chủ nhà.
Điểm du lịch Huế không thể bỏ lỡ
Hoàng thành Huế
Đến Huế, ngày đầu tiên bạn nhất định nên dành thời gian khám phá và tìm hiểu lịch sử dân tộc tại Hoàng thành Huế. Đây là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế với chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào xung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy. Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong được bố trí trên một trục đối xứng, với trục chính giữa được bố trí các công trình chỉ dành cho vua. Các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”. Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian). Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời).
Nghe ca Huế trên sông Hương
Sông Hương có hai ngọn nguồn là nguồn Tả Trạch và nguồn Hữu Trạch. Độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản – điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm. Sông Hương đẹp từ nguồn, chầm chậm chảy qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh sông Hương thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui không thể bỏ lỡ. Buổi tối, bạn có thể mua vé nghe ca Huế và thả đèn hoa đăng trên sông Hương thơ mộng. Mỗi vé nghe đàn ca và đi dạo trên sông có giá 80.000 – 120.000 VND/ lượt.
Phố đi bộ Huế
Phố đi bộ Huế đông nghịt ngày khai trương
Được khai trương cuối tháng 9/ 2017, phố đi bộ của Huế gồm các tuyến phố Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu và hoạt động từ 18h trong 3 ngày cuối tuần. Đến với phố đi bộ, các bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn địa phương, xem các tiết mục nghệ thuật đường phố hoặc chỉ đơn giản là nhâm nhi chút đồ uống cùng bạn bè.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ còn gọi là chùa Linh Mụ là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Đây là danh thắng không nên bỏ qua khi đến Huế. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Chùa thu hút nhiều du khách bởi giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời được thể hiện qua kiến trúc cổ kính, nguy nga nhưng cũng không kém phần thanh tịnh, nên thơ. Để đến Chùa Thiên Mụ, bạn có thể đi đò dọc theo sông Hương, vô cùng lãng mạn.
Bãi tắm Lăng Cô
Bãi tắm Lăng Cô dài khoảng 8km, nằm dọc Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn Quốc gia Bạch Mã 24km. Bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn, rất thích hợp để tắm biển, nghỉ dưỡng. Liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực bãi tắm còn có hòn Sơn Chà (đảo nhỏ), nơi đây còn bảo tồn nhiều loại động, thực vật hoang dã. Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Tất cả mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch khác nhau như: lặn biển, tìm hiểu hệ sinh thái động thực vật hoang dã, nghỉ mát,…
Ăn gì khi đến Huế?
Bún bò Huế
Gợi ý quán: Bún bò Huế ở khu chợ Cống, đường Nguyễn Công Trứ, quán chị gái số 3 Lê Huân… Món ăn có thể coi là ” quốc hồn quốc túy ” của vùng đất cố đô Huế. Hiện nay, ở Hà Nội, Sài Gòn hay bất kỳ nơi nào khác, bạn đều có thể ăn bún bò Huế nhưng khi thưởng thức món này tại nơi gốc gác của nó thì vị ngon sẽ còn đặc biệt hơn nữa. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả bò được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún. Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ. Bún bò Huế được bán ở khắp các con đường ở Huế. Bạn có thể ăn tại các quán ăn sang trọng, mát mẻ hoặc những gánh hàng rong bình dân những vẫn rất đông khách.
Cơm hến
Gợi ý quán: số 2 Trương Định, 98 Nguyễn Huệ hay số 1 Hàn Mạc Tử. Cơm hến là món ăn giản dị, lạ miệng, đặc trưng tại Huế. Chỉ đơn giản là cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt. Một suất cơm Hến vào một ngày mùa đông chắc chắn sẽ là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời cho bạn và người thân khi tới Huế.
Bánh bèo chén
Gợi ý quán: “phố bánh bèo” quanh cung An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm… Bánh bèo chén là món ăn đơn giản, thân thuộc với người dân Huế. Bánh bèo có thành phần chính là bột gạo, tôm xay nhuyễn rắc đều lên mặt bánh, ăn kèm nước mắm mặn ngọt. Bánh đựng trong từng chén tròn nhỏ, được xem là món ăn vặt quen thuộc tại Huế.
Chè hẻm
Gợi ý quán: quán chè nổi tiếng nhất là quán bà Linh Lan nằm sâu trong hẻm 27 trên đường Hùng Vương. Gọi là ” chè hẻm ” vì những hàng chè ở Huế thường nằm trong những con hẻm nhỏ. Và nói đến chè thì chắc không ở đâu có nhiều loại chè như ở Huế. Chỉ tính riêng chè cung đình đã có hơn 36 loại, cầu kỳ từ cách chế biến đến cách bày biện. Từ những món chè quen thuộc như chè đậu xanh, hạt sen, xanh dứa.. đến những món chè lạ tại như chè môn sáp vàng, chè bột lọc thịt quay..
Đến Huế, mua gì làm quà?
Tôm chua Huế
Đây là món ăn đặc sản tại Huế được lựa chọn mua về làm quà rất nhiều. Tôm chua đúng kiểu sẽ được làm từ những con tôm nước lợ thật tươi, chọn những con đều nhau và tương đối to. Tôm được ngắt đầu, rửa sạch, ngâm một lát trong rượu. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đều với các thứ phụ gia: riềng, tỏi, ớt đỏ, măng non, xôi nếp, nước mắm ngon. Tỏi to thái mỏng, ớt thái vát dài và mỏng, riềng và măng thái thành sợi mảnh để ướp chung cùng tôm. Trong một lọ tôm chua sẽ có đủ vị ngọt, bùi, cay, tất cả hòa trộn tạo nên một hương vị đầy quyến rũ. Tôm chua ăn cùng cơm và nước canh là một món ăn giản dị nhưng vô cùng ngon, gây thương nhớ cho bao người con xa quê hương.
Kẹo mè xửng
Mè xửng là loại kẹo ngọt dẻo, được làm từ mạch nha trộn với dầu từ đậu phộng, có mè rắc xung quanh. Kẹo được cắt từng miếng vuông nhỏ gói trong túi bóng. Kẹo mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng ẩm thực của Huế. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ, các bạn sẽ bỏ túi được những Kinh nghiệm du lịch Huế bổ ích, đầy đủ nhất để có một chuyến du lịch thật thú vị, ý nghĩa!