Bình yên nơi làng hương Phia Thắp ở Cao Bằng
Không mang vẻ đẹp hào nhoáng và hoa lệ nhưng sự chân chất, thân thiện của con người và vẻ đẹp hữu tình, bình yên của thiên nhiên nơi làng hương Phia Thắp ở Cao Bằng vẫn khiến du khách khi đặt chân đến phải “nhất kiến chung tình”.
Tọa lạc dưới chân núi Phà Hùng (núi To) của xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, làng hương Phia Thắp với khung cảnh đẹp như tranh và những nét văn hóa truyền thống ấn tượng đang là điểm du lịch cộng đồng hot hit nhất nhì vùng Đông Bắc.
Cách di chuyển đến làng hương Phia Thắp
Nằm trên tuyến đường đi đến huyện Trùng Khánh, lại cách trung tâm thành phố Cao Bằng không xa, chỉ khoảng 26km, vì vậy bạn có thể dễ dàng đến làng du lịch cộng đồng Phia Thắp theo cung đường sau: từ vòng xuyến đi vào KH-BG, đến hết đường thì rẽ phải vào quốc lộ 3, cứ thế đi thẳng sẽ thấy ngôi làng ở bên phải đường.
Ngôi làng bình yên nỏi bật dưới chân núi (Ảnh @xuannambl)
Nghề làm hương truyền thống tại làng hương Phia Thắp
Vì là làng hương nên sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến nghề làm hương truyền thống của Phia Thắp. Mặc dù không ai biết làng nghề này có mặt từ bao giờ nhưng hơn 100 năm nay chỉ cần cây mai vẫn lớn thì hương vẫn được ra đời, thậm chí hiện nay trong thôn có 53 hộ dân thì cả 53 hộ đều làm hương thủ công.
Ngay từ lúc bình minh, trong tiếng gà gáy vang vọng khắp xóm là làng nghề nhang đã bừng tỉnh và tất bật với các công việc cho ngày mới. Người lên rừng chặt cây mai (tre mạy mười) vừa thẳng vừa dẻo, lại dễ bắt lửa về chẻ nhỏ rồi vót bằng tay thành từng que thật nhỏ và tròn đều.
Người chân chẻ cây mai thành các que nhỏ (Ảnh @dangq.hieu)
Người thì đi hái lá cây bầu hắt – loại lá đặc trưng chỉ có làng hương Phia Thắp trồng được trên rừng về phơi khô, tán nhỏ để dùng làm chất keo kết dính. Còn có người lại đi gom vỏ cây nghiến đỏ, cây mạy khảo hay mùn cưa…để làm bột hương hay tìm gỗ thông mục đem về nghiền nát thành bột để tạo màu…Tất cả đều hoàn toàn tự nhiên mà không có một chút hóa chất nào.
Sau khi các nguyên liệu đã được chuẩn bị đầy đủ thì người thợ sẽ nhúng que nhang vào chất keo dính, rồi lăn qua lớp bột hỗn hợp gồm mùn cưa và bột trầm vừa đủ 4 lần. Nhưng cần phải chú ý lượng keo không được quá nhiều vì như vậy sẽ không thành hương được, đồng thời khi lắc cũng phải nhanh tay để bột vừa bám dính vừa đảm bảo độ tròn cho cây hương.
Lắc bột thật đều tay (Ảnh Fb Bùi Thanh Hà)
Tất cả các công đoạn nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng nếu không phải người có kinh nghiệm và có cổ tay dẻo như múa thì chắc chắn rất khó để thành công, cũng như sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành.
Tẩm xong bột thì đem đi phơi nắng gió tự nhiên chứ không sấy bằng lò. Đó là lý do vì sao khi đến du lịch làng hương Phia Thắp bạn sẽ thấy bất kỳ chỗ nào: từ hiên nhà, sân, bờ tường cho đến các con đường và góc ruộng đều được bày kín các ống hương.
Hương phơi ở khắp nơi (Ảnh @emre.kilinc.photography)
Đặc biệt, để que hương đạt được độ khô nhất định, người ta phải chọn thời điểm phơi là giữa trưa khi nhiệt độ cao nhất. Nếu nắng đẹp thì chỉ cần 1 ngày là khô, còn nếu lúc nắng lúc râm thì phải phơi đến 2 hoặc 3 ngày mới được. Thậm chí, nếu thời tiết không ủng hộ khiến trời mưa thì còn phải phơi trong bếp mới kịp đem đi bán.
Hương sau khi đã khô thì sẽ được nhuộm màu cho chân, thường thì sẽ là màu đỏ, hồng, đôi khi sẽ nhuộm cả màu cam, xanh, tím…để thêm phần bắt mắt, rồi đem đi phơi lần nữa cho khô tiếp. Mỗi bó hương sẽ có 20 que và được người dân đem đi bán ở khắp các nẻo đường hoặc cho các khách du lịch, nhưng chủ yếu vẫn là ở chợ phiên Quảng Uyên.
Hương sau khi đã khô thì bó lại đem đi bán (Ảnh Fb Hong Linh Nguyen)
Vì nhang của làng hương Phia Thắp Quảng Uyên có mùi thơm tự nhiên của trầm hương, dễ cháy, khi cháy hết tạo ra được dáng đẹp và bảo quản được khá lâu, nên không chỉ các gia đình ở Cao Bằng mà các vùng lân cận như Bắc Kạn hay Hà Giang cũng có rất nhiều người ưu dùng.
Ngày nay, dù cho phải cạnh tranh với nhiều chủng loại hương, với nhiều loại mẫu mã nhưng do chất lượng tốt được nhiều người tin dùng, nên mặc cho mỗi bó hương bán chẳng được mấy đồng tiền thì bà con nơi đây vẫn lạc quan giữ vững niềm tin với nghề như một cách để bày tỏ lòng biết ơn với việc ông cha đã truyền lại nghề cho con cháu.
Hương của làng chất luợng tốt nên vẫn được tin dùng (Ảnh @greendoor_bangioc)
Hơn nữa, theo người dân trong làng, hương là một sản phẩm kết nối những người còn sống và tổ tiên ở cõi âm với nhau nên những ai làm hề này đều phải có một cái tâm sạch và tấm lòng thành kính, đó là lý do mà tất cả người dân ở đây đều rất nhiệt thành và niềm nở ngay cả với những người xa lạ.
Những trải nghiệm thú vị tại làng hương Phia Thắp
Đến với cộng đồng du lịch Phia Thắp du khách không chỉ được người dân bản địa chỉ dẫn cho cách làm nên một nén hương thơm, được chụp ảnh với những bó hương siêu độc đáo, mà còn được tham gia vào rất nhiều các công việc thường ngày như: thu hoạch hoa màu trên các thửa ruộng bậc thang, tìm hiểu nét văn hóa bản địa, giao lưu văn nghệ, thưởng thức những món ẩm thực thơm ngon và đạp xe đi khắp làng để khám phá những vẻ đẹp ẩn giấu ở nơi đây.
Hương đem ra phơi cũng đẹp đến lạ kỳ (Ảnh FB Ngô Tú Như)
Ngôi làng có rất nhiều điều để khám phá (Ảnh Fb Quyen Nhat Pham)
Bật mí, trong làng có món bánh bao ngõ huyện nhân đậu xanh ngọt lịm và cà phê ca cao sữa siêu thơm béo và nóng hổi, ngồi trong buổi bình minh se se lạnh nơi núi rừng mà được thưởng thức chúng thì tuyệt đến mức “muốn bay lên luôn”, vậy nên bạn nhất định không được bỏ qua đâu nhé..
Song điểm thu hút nhất tại làng hương Phia Thắp đối với các “thánh sống ảo” lại chính là vườn hoa hướng dương bát ngát được trồng ở giữa làng. Khu vườn chào đón du khách bằng một cổng chào được đan bằng mây và treo đầy những lá cờ đủ màu sắc phấp phơi trong gió.
"Đồi hoa mặt trời" đẹp như họa (Ảnh Fb Hiền Thu)
Ngay khi đặt chân vào, du khách sẽ lập tức bị choáng ngợp bởi sắc vàng rực rỡ như muốn át cả ánh nắng mặt trời của những bông hoa. Có vẻ như hợp khí hậu và đất đai nên hoa ở đây còn khá to, cao và có màu vàng đậm, khiến bạn dù đứng ở góc nào, tạo kiểu dáng nào thì cũng có thể chộp được những bức hình sống ảo siêu ứng ý.
Lên hình đẹp lung linh luôn (Ảnh @_ngbich226)
Lưu trú khi du lịch làng hương Phia Thắp
Đi lại khá nhanh nên bạn có thể ở luôn tại các homestay trong thành phố Cao Bằng như: Classique Homestay, Primrosé Homestay, Cao Bằng Eco Homestay, Full House Cao Bằng, Sa's Home hoặc Jodevi Homestay…
Còn nếu muốn được trải nghiệm nếp sống của người dân làng Phia Thắp thì hãy lựa chọn Mr Kim’s Homestay, với thiết kế theo kiến trúc nhà sàn gỗ 2 tầng quen thuộc của người dân tộc Nùng. Dù vẻ ngoài của nó có thể không bắt mắt cho lắm nhưng bên trong rất sạch sẽ và đầy đủ chăn, đệm, đèn, quạt, rèm…cộng với việc cô chủ còn biết làm rất nhiều những món đặc sản thơm ngon, nên chắc chắn sẽ cho bạn những phút giây nghỉ ngơi “cực đã” đấy nhé.
Homestay rất đẹp và đủ đầy (Ảnh @kyoko_overseas)
Cuộc đời là những chuyến đi, hơn nữa trên dải đất hình chữ S thân yêu lại có biết bao nhiêu những nền văn hóa độc đáo đang chờ bạn khám phá, vậy nên còn chờ đợi gì mà không làm trọn vẹn thanh xuân với chuyến du lịch đến làng hương Phia Thắp ở Cao Bằng đi nào!
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn
Ảnh: Internet