web stats

Báu vật chốn rừng thiêng! (Phần 2)

Tôi và cả đoàn xì xụp húp cạn nồi nước lèo ngọt lịm, sau đó tức tốc sửa soạn hành trang để đi xuống thác K50 ngay gần đấy. NỘI DUNG CHÍNH BÀI VIẾT Ngày 2: Chinh phục thác K50 và thác K40 Đu dây xuống vực khám phác K50 Bị đánh thức bởi tiếng chim líu lo cùng tiếng nước chảy róc rách quen thuộc, tôi co ro xếp túi ngủ chui ra khỏi lều, bên ngoài là hơi sương rét mướt của núi rừng buổi ban mai, sống lưng có đôi chút ê ẩm vì tối qua ngủ trên nền đất không được bằng phẳng lắm. Lỉnh khỉnh đồ đạc leo xuống vực để chinh phục thác Lúc này

Tôi và cả đoàn xì xụp húp cạn nồi nước lèo ngọt lịm, sau đó tức tốc sửa soạn hành trang để đi xuống thác K50 ngay gần đấy.

NỘI DUNG CHÍNH BÀI VIẾT

Ngày 2: Chinh phục thác K50 và thác K40

Đu dây xuống vực khám phác K50

Bị đánh thức bởi tiếng chim líu lo cùng tiếng nước chảy róc rách quen thuộc, tôi co ro xếp túi ngủ chui ra khỏi lều, bên ngoài là hơi sương rét mướt của núi rừng buổi ban mai, sống lưng có đôi chút ê ẩm vì tối qua ngủ trên nền đất không được bằng phẳng lắm.

Lỉnh khỉnh đồ đạc leo xuống vực để chinh phục thác

Lúc này mọi người đang xúm quanh bếp lửa để ăn sáng, điểm tâm của chúng tôi sớm nay là món miến trụng thịt heo nóng hổi. Tôi và cả đoàn xì xụp húp cạn nồi nước lèo ngọt lịm, sau đó tức tốc sửa soạn hành trang để đi xuống thác K50 ngay gần đấy.

Dù đã được khuyến cáo là nên xách theo hành lý gọn nhẹ nhưng do chưa lường trước sự khó khăn trong chặn đường xuống thác nên đa số đoàn chúng tôi đều vác theo balo lỉnh kỉnh nào tripod, máy ảnh, ống kính để săn ảnh đẹp.

Đây quả là một quyết định sai lầm vì lập tức chúng tôi phải đối mặt với thử thách “khó nhằn” ngay buổi sáng đầu ngày: đu dây xuống thung lũng sâu hun hút – cũng là con đường duy nhất để đến được chân thác!

Cách điểm hạ trại không xa là con đường mòn dẫn đến trung tâm cuộc hành trình – chân thác K50! Lúc này đoàn chúng tôi đứng chen chút nối đuôi nhau trước một con dốc nhỏ hẹp, chờ đợi các anh em hỗ trợ xuống trước để căng dây bảo vệ.

Lại một lần nữa sợi dây sinh tồn ấy giúp chúng tôi bám víu để khỏi trượt chân xuống con dốc dựng gần 70 độ trước mặt.

Đường đất ẩm ướt khiến cho đế giày tôi quện đặc sình lầy, nắm chắc sợi dây trong tay, tôi nghe theo hướng dẫn: quay lưng đi ngược, nương theo sức nặng cơ thể mà tụt xuống.

Nhiều đoạn quá trơn trượt phải di chuyển từ từ

Trong không gian nhỏ hẹp và đầy trơn trượt này, tôi hiểu chỉ một bước chân đặt sai vị trí cũng có thể kéo tuột mình xuống vực. Nhìn những dấu giày kéo xước trên mặt đất của người đi trước, tôi càng thận trọng hơn trong mỗi bước di chuyển.

Đến một khe đá nhỏ hẹp, nơi mà chỉ một người có thể lách qua với điều kiện không mang vác gì, chúng tôi đành gởi tạm balo cho anh Mỹ đứng cạnh đó làm công tác trung chuyển, sau khi lần lượt chui qua không gian chật chội trên mới có thể đeo hành lý trở lại.

Quá trình di chuyển chậm chạp nhưng căng thẳng ấy tiêu tốn mất gần 30 phút, con đường sau đó tuy đỡ dốc hơn nhưng vẫn trơn như thoa mỡ, mấy lượt tôi trượt chân ngã xuống nhưng may nhờ bám vào bụi cỏ hai bên, tình hình vẫn không có gì đáng ngại.

Cuối cùng, sau đoạn hành trình gian nan, tay chân lấm lem bùn đất, chúng tôi đã chính thức nghe vang vọng bên tai tiếng nước đổ gầm gào của ngọn thác huyền thoại K50. Hình ảnh dòng thác hùng vĩ từ vách đá cao tuôn ầm ập xuống con suối bên dưới làm bốc lên một trời hơi nước trắng xóa khiến cho bao con tim như loạn nhịp!

Có một K50 hùng vĩ đầy huyền ảo

Càng đến gần ngọn thác, khung cảnh càng mờ mịt huyền ảo, hơi nước tản mác khắp thung lũng dù chúng tôi đã ở cách xa ngọn thác đến cả trăm mét.

Những bọt nước li ti táp lên mặt chúng tôi mát rượi, như chào đón, như hân hoan, như xoa dịu đoàn lữ khách sau cả một chặn đường mệt mỏi.

Cảnh tượng vừa hùng vĩ, vừa huyền ảo trong sương nước

Không ai bảo ai, tất cả đều nhanh chóng mang tripod, máy ảnh ra ghi lại khung cảnh tuyệt diệu của thiên nhiên này.

Người thì lội xuống con suối, ra tận giữa dòng phơi sáng ảnh; tốp lại tìm cách leo lên hang đá, tham quan hệ thực vật nguyên sơ phía sau dòng thác.

Tôi ban đầu cũng hăm hở tìm góc chụp nhưng vì các dụng cụ chống nước không đảm bảo như các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác nên đành ngậm ngùi lôi điện thoại ra tác nghiệp cho đỡ thèm.

Ngồi trên một bãi đá lớn ven suối, tôi mặc sức chiêm ngưỡng dòng thác đã từng một thời mê mẩn qua biết bao tranh ảnh, nay hiện hữu thật sự trước mắt, cảm giác đây đích thực là một báu vật vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho núi rừng Tây Nguyên và cho cả những lữ khách hữu duyên ghé thăm như chúng tôi nữa.

[embed]https://www.youtube.com/watch?v=tOSaQdq4jUk[/embed]

Vẻ đẹp hùng vĩ của dòng thác K50

Khoảnh khắc ấn tượng nhất trong cả chuyến đi chính là thời điểm khi những tia nắng bắt đầu lên cao, soi rọi xuống thung lũng sâu, hòa cùng những bọt nước li ti trắng xóa của K50, vẽ lên trước mắt mọi người một chiếc cầu vòng lấp lánh ảo diệu.

Chúng tôi sau phút sững sờ liền ồ lên thích thú, ai nấy đều tranh thủ dùng camera ghi lại thời điểm đặc biệt này.

Khi nắng lên, cầu vòng lại xuất hiện

Các bác nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tranh thủ ghi lại khoảnh khắc đẹp

Khám phá K50 đến gần trưa thì tôi tìm cách trở về trại trước, lúc này một số nhiếp ảnh gia đoàn chúng tôi vẫn còn ở lại tác nghiệp với ngọn thác, tôi men theo đường cũ leo lại con dốc mà không đợi người hỗ trợ theo cùng.

Mất kha khá sức lực để trèo lên con dốc nghiêng với độ cao hơn 50m ấy, cuối cùng tôi cũng xoay sở đưa được chiếc balo cồng kềnh của mình qua khe đá và về với trại an toàn.

Một số anh em porter đang nhóm bếp làm bữa trưa, tôi tranh thủ ra con suối rửa tay chân, không quên pha cho mình một cốc cà phê nóng hổi nạp lại năng lượng.

Nước suối trong vắt nhìn thấy tận đáy, tôi tranh thủ nắng đang lên cao liền xuống suối tắm táp cho thỏa thích dù nhiệt độ vẫn còn khá lạnh.

Đắm mình xuống con nước róc rách, tựa lưng trên một phiến đá ngầm nhẵn nhụi, tôi nhắm mắt tận hưởng những phút giây quý giá được một mình hòa quyện cùng thiên nhiên, cảm giác tuyệt diệu không gì so sánh được…

Buối trưa hôm ấy, ăn cơm ngon như mẹ nấu!

Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, thưởng thức bữa cơm dân dã với các loại thịt rừng và rau luộc qua tài nấu nướng của đội hậu cần.

Tôi không để ý món ăn ngon dở ra sao, chỉ nhớ chất gạo hôm đó thơm ngon kỳ lạ, báo hại mấy anh em vét tới miếng cơm cháy cuối cùng trong nồi vẫn còn chưa đã thèm!!

Vượt địa hình đá cheo leo tham quan thác K40

Đầu giờ chiều, chúng tôi chia ra hai tốp: một tốp gồm 7 bạn trẻ đi sang con thác K40 gần đó, tốp còn lại gồm các nhiếp ảnh gia tiếp tục trở xuống K50 để săn ảnh.

Tôi đương nhiên thuộc nhóm thứ nhất. Rút kinh nghiệm ban sáng, lần nay tôi nai nịch gọn nhẹ nhất có thể, lục tục theo chân anh Lực và team thanh niên băng suối đi ngược dòng về phía thượng nguồn K50.

Khoảng cách giữa hai con thác này có thể nói là không xa, nhưng việc di chuyển cũng tiêu tốn mất tầm 40 phút, chủ yếu là vượt suối nhảy qua các mỏm đá trơn trượt.

Nỗi ám ảnh vắt rừng lúc này đã thay thế bằng nỗi sợ trượt chân mỗi khi băng cắt qua các con suối, phần vì rêu bám rất trơn, phần vì giày của tôi lúc này đã dính kha khá đất bùn, mỗi một bước chân bám không vững đều có khả năng kéo cả người ngã theo.

Tôi di chuyển khá chậm trong 2/3 quãng đường, vừa đi vừa nguyền rủa đôi giày phản chủ tơi bời, đến cuối cùng chịu hết nổi đành chấp nhận tháo giày đi chân trần, tuy hơi ê ẩm bàn chân nhưng bù lại tốc độ đã cải thiện hơn khi không còn nơm nớp bị trượt chân nữa.

Thác K40 cuối cùng cũng e ấp hiện ra sau nổ lực vượt suối băng ghềnh của 7 chàng “hoàng tử” (hay “chú lùn”?) muốn diện kiến dung nhan “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Vẻ đẹp long lanh của thác K40

Ngọn thác nom từ xa như thể một dải lụa trắng mềm mại buông xõa từ trên vách cao phủ xuống dòng suối dưới chân rồi theo con nước trải dài đi vô tận.

Tuy không oai phong mạnh mẽ như K50 nhưng K40 lại mang một sắc thái riêng, dịu dàng và uyển chuyển hơn.

Bọt nước vẫn tung trắng xóa liên tục khiến cho chúng tôi như tắm mình trong một cơn mưa phùn.

Việc chụp ảnh trong tình trạng ẩm ướt này vẫn là một thách thức không nhỏ cho các thể loại máy DSLR, tôi ước gì mình vác theo một chiếc GoPro hay Osmo Pocket có lẽ sẽ phù hợp hơn trong hoàn cảnh hiện tại!

Thôi thì có gì xài nấy, chúng tôi tranh thủ dùng điện thoại ghi lại hình ảnh con thác vẫn còn nhiều bí ẩn so với người anh K50 này mất một lúc, sau đó lưu luyến chia tay “nàng công chúa” rừng xanh, tiếp tục men theo đường cũ quay về trại.

Cả nhóm chụp ảnh lưu niệm

Gần 4 giờ chiều, khi chúng tôi về đến căn cứ địa thân thuộc thì nhóm các anh nhiếp ảnh cũng đã chụp xong K50, đang lau chùi vệ sinh máy ảnh gần đấy.

Lúc này, vài anh em tranh thủ mang chày ra suối đánh cá, tiếc thay do hơi kém duyên nên bữa ăn tối hôm đó không được cải thiện thêm. Tôi và một số tay máy khác mon men ra bãi đá đầu đỉnh thác chụp cảnh hoàng hôn.

Bãi đá đầu thác K50 rộng rãi bằng phẳng, không gian thoáng đãng và có một bãi tắm trên cả tuyệt vời!

Tôi ngồi trên mỏm đá đầu thác, dõi mắt nhìn về dòng suối uốn khúc dưới thung lũng xa xa, xung quanh là rừng cây xanh um bao bọc tạo thành hình mái vòm.

Trên mái vòm ấy là sắc tịch dương đỏ lựng đang dần dần tan vào cõi mênh mông của đại ngàn, để lại cho lòng người một cảm xúc buồn mênh mang khó tả. Đó dường như là buổi hoàng hôn đẹp nhất trong đời tôi từng được chứng kiến!

Những con suối chảy róc rách ngày đêm đẹp đến nao lòng

Buổi chiều ấy, tranh thủ quăng mẻ chài tóm mấy con cá suối để nướng

Đêm cuối, hàn huyên tâm sự cùng anh em

Rồi thì bóng đêm lại nhanh chóng bao trùm, những ánh đèn pin le lói được thắp lên, tiếng suối chảy tỉ tê hòa tiếng côn trùng nỉ non như báo hiệu cho chúng tôi biết đêm nay là đêm cuối còn ở lại K50.

Quây quần bên bếp lửa, chúng tôi chia nhau những chung rượu ấm, thưởng thức món cơm ống cóot với gà nướng thơm lừng…

Anh em tứ phương hợp lại, sau mấy ngày đường đã bắt đầu thân thiết, thế là lại rủ rỉ chuyện trò về đủ thứ chuyện trên trần dưới thế mãi tận “khuya lơ khuya lắc”.

Một số anh lớn tuổi tranh thủ đi nghỉ ngơi trước, tôi và anh Vinh kiểm lâm sau khi chia nhau hết chai rượu cũng ngà ngà tìm chỗ ngả lưng.

Lại một giấc ngủ sâu không mộng mị lôi tuột tôi đi đêm hôm ấy….

(- Hết P2 -)

Tham khảo thêm:

Thực hiện: Nhật Quang

Biên tập và ảnh: Xuân Lộc, Vĩnh Hy

Có thể bạn muốn xem