Âm nhạc gợi nhiều cảm xúc, hoài niệm thời "ông bà anh"

Em và Trịnh, một bộ phim gợi nhiều cảm xúc khiến mình hoài niệm về cuộc sống ngày xưa của Sài Gòn trong giai đoạn khốc liệt của thời cuộc. Bộ phim tạo được dấu ấn với mình không chỉ nhờ diễn xuất của dàn diễn viên trẻ, mà còn nhờ giai điệu của những ca khúc nhạc Trịnh khiến bộ phim trông có hồn hẳn ra.  Ấy vậy mà cách kể chuyện cũng như khai thác nội dung lại chưa nhịp nhàng, khiến trải nghiệm xem chưa đủ mượt mà. Là một trong những dự án điện ảnh được đầu tư với 50 tỷ đồng, Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh quy tụ dàn diễn

Em và Trịnh, một bộ phim gợi nhiều cảm xúc khiến mình hoài niệm về cuộc sống ngày xưa của Sài Gòn trong giai đoạn khốc liệt của thời cuộc. Bộ phim tạo được dấu ấn với mình không chỉ nhờ diễn xuất của dàn diễn viên trẻ, mà còn nhờ giai điệu của những ca khúc nhạc Trịnh khiến bộ phim trông có hồn hẳn ra. 

Ấy vậy mà cách kể chuyện cũng như khai thác nội dung lại chưa nhịp nhàng, khiến trải nghiệm xem chưa đủ mượt mà.

Là một trong những dự án điện ảnh được đầu tư với 50 tỷ đồng, Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh quy tụ dàn diễn viên ở nhiều thế hệ: Trần Lực, Diệu Đức, Tấn Thi cho đến Avin Lu, Hoàng Hà, Bùi Lan Hương… Vì dự án được ra rạp với hai bộ phim mang hai góc nhìn khác nhau: Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh; nên ở bài viết này, mình chỉ đề cập những đánh giá liên quan đến Em và Trịnh có thời lượng dài 136 phút.

Em và Trịnh bắt đầu với câu chuyện gặp nhau của Trịnh Công Sơn (Trần Lực) và Michiko (Nakatani Akari) tại Pháp vào cuối những năm 1980. Với mong muốn hoàn thành luận văn về đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc sống cũng như phong cách sáng tác của người nghệ sĩ tài hoa. Xuyên suốt quá trình đó, Em và Trịnh đưa mình về giai đoạn của những năm 1960, từng trang ký ức tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn dần dần được mở ra.

>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Phim có nhiều cái đẹp, nhưng đẹp nhất là các "em"

Nhìn chung, Em và Trịnh mang một màu sắc rất riêng so với các bộ phim Việt khác năm 2022, tác phẩm đưa mình trở về những năm lịch sử khi đất nước phải gồng mình chiến đấu, bảo vệ nền độc lập. Giữa một thời cuộc đầy căng thẳng như thế, tâm hồn nghệ sĩ của Trịnh cùng dao đẩy theo rung động đầu đời khi anh gặp Bích Diễm, Dao Ánh và Khánh Ly.

Em và Trịnh chọn cách sử dụng khung hình 4:3 tái hiện sống động, chân thật về không gian, đẩy một bối cảnh trải đều từ Huế, Đà Lạt và Sài Gòn. Mình chắc chắn, thông qua câu chuyện tình của nhân vật chính, các bạn sẽ được gặp lại những hình ảnh tiêu biểu của một Sài Gòn cổ điển qua Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành, nhà hàng nổi bến Bạch Đằng, Dinh Độc Lập. 

Ngoài ra sẽ có những vật dụng cực kỳ quen thuộc như đèn pin cổ, chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Những thứ ấy đưa mình về “thời ông bà anh” đầy hoài niệm.

Bên cạnh đó, những khung cảnh quen thuộc trên Đà Lạt được tái hiện lại qua quán cà phê Tùng cùng những thiết kế xung quanh được dựng một cách tỉ mỉ. Khung cảnh ấy hòa quyện cùng những ca khúc nhạc Trịnh, khiến cảm giác mình được sống lại vào những năm tháng vàng son ấy.

Có thể thấy, lối xử lý hình ảnh cũng như dàn dựng bối cảnh của nhà làm phim hết sức kỹ lưỡng. Từ những chi tiết nhỏ như bao diêm, gói thuốc, vé tàu, bao thư cho đến quần áo, phụ kiện đều toát lên một không gian cổ xưa, thời điểm con người chỉ biết trao nhau những lá thư viết tay hoặc trân trọng các cuộc gặp mặt, cùng nhau nhâm nhi tách trà, cà phê.

Nói về âm nhạc, thật sự làm về Trịnh Công Sơn mà thiếu đi “linh hồn” lớn này là một chi tiết không thể bỏ qua. May mắn thay, Em và Trịnh đã làm tốt phần đó hơn những gì mình kỳ vọng, bộ phim không xây dựng hay đặc tả quá nhiều, dài dòng về phần này. 

Tuy nhiên, qua bàn tay của Đức Trí, gần 24 ca khúc của Trịnh Công Sơn được vang lên một cách không thể phù hợp hơn. Đặc biệt, cách sắp xếp bài hát qua những giai đoạn, xảy ra theo thời cuộc, phần nào phản ánh đúng tâm trạng tác giả.

Lúc thì văng vẳng bên tai nhờ chiếc đĩa than, radio, lúc thì được nghe chính giọng hát cực kỳ mùi mẫn của dàn diễn viên Bùi Lan Hương, Nhật Linh, Avin Lu. Mình thích nhất là ca khúc Diễm Xưa do chính Akari thể hiện bằng tiếng Nhật, bên cạnh đó còn là Ướt Mi, Sầu Đông, Tuổi Đời Mênh Mông, Em Nông Trường Anh Ra Biên Giới…

Em và Trịnh mang hẳn những di sản nghệ thuật mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại. Bộ phim gây ấn tượng mạnh bằng việc phối hợp đồng điệu giữa phần nhìn và phần nghe, làm mình không khỏi thốt lên rằng: “Trời ơi! Đẹp quá”, “Hay quá à”.

Nói về diễn xuất, mình thật sự đánh giá cao vai diễn Khánh Ly của Bùi Lan Hương, nhân vật tạo được nét riêng biệt rõ ràng với mình, cô không hề gượng ép bản thân hay cố diễn cho tròn vai, mọi thứ xảy ra một cách tự nhiên nhưng vẫn phảng phất đâu đó một Khánh Ly “sầu đời” nhưng vẫn ao ước được Trịnh Công Sơn quan tâm, dù chỉ là một ít. 

Chuyện tình của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly không giống tình yêu nam - nữ thông thường, mà đây là tâm hồn 2 người nghệ sĩ, những người phục vụ văn nghệ trao nhau những tiếng nhạc dễ gắn kết, để rồi cảm xúc nảy sinh một cách tự nhiên.

Khác với Dao Ánh và Michiko, chuyện tình của Khánh Ly khiến mình thấy rõ Trịnh Công Sơn và cô là những tri kỷ, họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của âm nhạc, ý nghĩa được thể hiện qua ca từ giàu cảm xúc của bài hát.

Điều khiến mình chưa thật sự hài lòng, đó là Em và Trịnh cho thấy rõ sự đuối dần về mặt nội dung ở nửa thời lượng sau. Bộ phim tạo một lối dẫn vào câu chuyện, đưa mình từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, qua nhiều bối cảnh, mọi thứ xây dựng đều thật sự thu hút ở nửa thời lượng đầu. 

>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời người

Sang đến các phân đoạn gần cuối phim, các tình tiết được cài cắm không tạo ấn tượng với mình, sự xuất hiện của Phạm Quỳnh Anh vào vai Dao Ánh lúc trưởng thành, cũng không có điểm đặc biệt nào đủ để mình ghi dấu bằng Hoàng Hà.

Hơn nữa, mình nghĩ việc ôm đồm nhiều mốc thời gian vào để làm rõ “flashback” của câu chuyện trong Trịnh Công Sơn sẽ khiến một số khán giả khó tính sẽ cho rằng phim không khai thác triệt để hoặc kể một cách vội vàng, nếu những ai chưa xem Trịnh Công Sơn, thì mình nghĩ trải nghiệm Em và Trịnh sẽ tạo ra nhiều dấu chấm hỏi cho họ.

Tóm lại, Em và Trịnh là một bộ phim đẹp ở mọi góc nhìn, đủ để mình hoài niệm về một giai đoạn thời “ông bà anh”. Hơn hết, cho thấy tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn của Trịnh Công Sơn qua những sáng tác của ông cũng như các lá thư gửi cho Dao Ánh. Bộ phim mang một phong cách rất riêng so với thị trường điện ảnh Việt Nam ngày nay, có thể nói là “old but gold”.

* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review

Nếu bạn yêu thích điện ảnh Việt Nam , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Em và Trịnh? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Có thể bạn muốn xem