8 kinh nghiệm du lịch bỏ túi giúp bạn có kỳ nghỉ lễ thuận lợi vào các dịp lễ
1.Tránh địa điểm nổi tiếng
Dù bạn đã mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn từ trước nhưng vào dịp nghỉ lễ những địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ đông lên gấp nhiều lần, kéo theo phát sinh không đáng có như xếp hàng lâu, chen chúc, tăng giá, trộm cắp,… Để ngày nghỉ diễn ra thuận lợi, bạn và gia đình nên chọn điểm đến không quá nổi tiếng, đông đúc.
Nếu bạn muốn đi du lịch biển thì tạm thời bỏ qua những cái tên đình đám như Phú Quốc, Lý Sơn, Nam Du, Bình Ba hay Đà Nẵng, bởi lẽ rất đông. Thực tình thì phong cảnh biển của những địa điểm này quá đẹp, nhưng bạn chỉ nên đi vào dịp thấp điểm. Bạn có thể thay thế bằng những cái tên hấp dẫn khác như: Đảo Phú Quý, Bình Tiên, hang Rái (Ninh Thuận), biển Tuy Hòa, Kỳ Co hay Lăng Cô (Huế)…
2. Đặt trước các dịch vụ
Việc đặt trước các dịch vụ như phương tiện di chuyển, nơi ở, vé tham quan,… giúp bạn chủ động hơn trong chuyến đi của mình. Hơn thế, sự chuẩn bị này cũng hạn chế được trình trạng “chặt chém” giá cả trong dịp lễ. Chỉ cần một cuộc điện thoại hay lên trang web của các công ty du lịch, lữ hành bạn có thể thao tác dễ dàng, nhanh gọn.
3. Lên kế hoạch du lịch sớm
Vào dịp lễ tết, giá vé máy bay, tàu xe, khách sạn, tour du lịch đều tăng cao. Bạn nên chuẩn bị kế hoạch du lịch sớm trước 2-3 tháng, thời điểm này nhiều hãng hàng không và lữ hành sẽ tung các chương trình khuyến mãi. Do đó, hãy cố gắng canh để book được vé giá rẻ nhé!!!
4. Giải quyết sao với nạn “chặt chém” dịp lễ
Đa phần các điểm du lịch dịp lễ đều xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách và để lại ấn tượng không tốt. Chính vì vậy, để tránh gặp phải tình trạng này bạn nên tránh xa các địa điểm đông đúc. Còn nếu bạn vẫn đi những địa điểm này hãy chú ý:
Nên tìm hiểu thông tin và đọc review của các khách hàng đã đi du lịch. Tuy chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng tốt nhất bạn nên lựa chọn những quán ăn có nhiều biển số của người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp quán có nhiều xe địa phương nhưng lại là xe của du khách thuê để chạy.
Tìm hiểu thực đơn của quán thường sẽ có thông tin giá cả đi kèm, tuy nhiên cần lưu ý các quán sẽ luôn có câu kèm theo là “giá cả thay đổi theo từng thời điểm”. Vì vậy, đây sẽ là cái cớ để các quán tự ý tăng giá và chặt chém du khách bạn hãy thật lưu ý để được hỗ trợ kịp thời. Tốt nhất là bạn nên hỏi về giá trước khi sử dụng dịch vụ...
5. Quản lý tài sản
Du lịch vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 thường rất đông người. Đây cũng là thời điểm kẻ gian lợi dụng móc túi. Bạn không nên mang theo nhiều tiền mặt trong người, chia thành nhiều nơi cất giữ khác nhau hoặc mang thẻ tín dụng, ATM.
6. Chuẩn bị hành lý chu đáo
Chuyến du lịch sẽ kéo dài khoảng 4-5 ngày, bạn nên có danh sách các vật dụng cần mang theo để đảm bảo đủ đồ dùng khi xa nhà. Ngoài những vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, sữa tắm, dầu gội,… bạn nên chuẩn bị thêm các loại thuốc như đau bụng, hạ sốt, đau đầu, cảm cúm, băng dán cá nhân. Chúng phổ biến nhưng có thể rất khó mua vào dịp lễ vì các cửa hàng đóng cửa.
7. Vui chơi và giải trí những điểm du lịch đông đúc thế nào?
Dịp nghỉ lễ nếu tới những địa điểm lớn như Đà Nẵng, Nha Trang hay Vũng Tàu thì bạn nên sắp xếp thời gian đi sớm hơn và tránh đi vào giờ cao điểm. Chẳng hạn, nếu đi Đà Nẵng thay vì tới những điểm đến đông đúc như Bà Nà, Bán Đảo Sơn Trà hay công viên Châu Á thì bạn có thể đi những địa điểm vắng hơn như: Đèo Hải Vân, làng Vân, Rạn Nam Ô cũng là gợi ý không tồi.
8. Mua sắm tại điểm du lịch
Với tâm lý, đi du lịch là phải có quà mang về tặng bạn bè, biếu người thân. Nên hầu hết mọi người đều đổ xô mua đồ để mang về, mặc dù biết là giá vô cùng đắt đỏ nhất là vào các dịp lễ thì ôi thôi, giá chắc được tăng lên gấp vài lần luôn. Đồng ý là đi du lịch về có chút quà tặng mọi người, nhưng bạn nên cân nhắc chỉ nên mua những gì cần mua, mua đặc sản thực sự của vùng miền mà bạn đến. Và bạn tham khảo giá trước khi mua để không bị mắc phải tình trạng chặt chém nhé!!!