7 ngọn núi trên dãy Thất Sơn

Rời chốn thị thành ồn ào náo nhiệt, hãy tìm về nơi miệt vườn sông nước An Giang - vùng đất “địa linh nhân kiệt” có dãy Thất Sơn hùng vĩ, khám phá 7 ngọn núi cao nổi tiếng ở xứ này.  Dãy Thất Sơn ở đâu? Dãy Thất Sơn An Giang có 37 ngọn núi lớn nhỏ, trong số đó có 7 ngọn lớn nhất, đẹp và linh thiêng nhất, cũng là điểm đến thu hút nhiều tín đồ du lịch phượt, yêu thiên nhiên và thích những câu chuyện huyền thoại. Người ta nghiên cứu và cho rằng, dãy núi này đã được hình thành từ khoảng triệu năm trước, sau hàng loạt các hoạt động tân kiến

Rời chốn thị thành ồn ào náo nhiệt, hãy tìm về nơi miệt vườn sông nước An Giang - vùng đất “địa linh nhân kiệt” có dãy Thất Sơn hùng vĩ, khám phá 7 ngọn núi cao nổi tiếng ở xứ này. 

Dãy Thất Sơn ở đâu?

Dãy Thất Sơn An Giang có 37 ngọn núi lớn nhỏ, trong số đó có 7 ngọn lớn nhất, đẹp và linh thiêng nhất, cũng là điểm đến thu hút nhiều tín đồ du lịch phượt, yêu thiên nhiên và thích những câu chuyện huyền thoại. Người ta nghiên cứu và cho rằng, dãy núi này đã được hình thành từ khoảng triệu năm trước, sau hàng loạt các hoạt động tân kiến tạo của tự nhiên.   

Dãy Thất Sơn có 37 ngọn núi lớn nhỏ, trong số đó có 7 ngọn lớn nhất, đẹp và linh thiêng nhất. Ảnh: dulichangiang

Phần nhô cao của dãy núi phân bố theo vành đai cánh cung, kéo dài gần 100 km, gồm nhiều đỉnh núi có hình dạng, độ dốc khác nhau. Xưa kia, nơi đây thuộc đất của Chân Lạp (nhà nước của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 – 802). Sau khi được chúa Nguyễn giúp đỡ để giành lại ngôi vua từ tay kẻ địch, Nặc Tôn đã hiến phần đất này cho Đại Việt năm 1757.   

Đây là bảy điểm "linh huyệt" của vùng Thất Sơn. Ảnh: zingnews

Trong 37 ngọn núi này có 7 ngọn núi lớn nhất và đẹp nhất là Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí thời nhà Nguyễn gọi đây là bảy điểm "linh huyệt" của vùng Thất Sơn. Du lịch An Giang, bạn đừng bỏ qua địa điểm này.    

Vẻ đẹp thơ mộng của dãy Thất Sơn. Ảnh: hit

Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn)

Núi Cấm An Giang cao 710 m so với mực nước biển, nằm ngay trung tâm của vùng Thất Sơn. Núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ. Trên núi có Bồ Hong –đỉnh núi cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Vì nằm trên cao và được bao bọc bởi mây trời bao la nên khí hậu ở đây khá mát mẻ, còn được ưu ái gọi là phiên bản “Đà Lạt thu nhỏ” của miền Tây. Cung đường lên núi Cấm cũng là cung đường phượt nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích.   

Cung đường lên núi Cấm cũng là cung đường phượt nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: dulichphuotvietnam

Người bản địa còn truyền tai nhau về những câu chuyện ngày xưa. Nghe nói nơi này khi đó có rất nhiều thú dữ, không ai lui tới trong nhiều năm nên trở thành vùng sơn lâm bí ẩn. Sau này, các nhà sư tìm tới để tu hành, các phường trộm cướp cũng chọn đất này làm nơi ẩn náu.

Để không bị lộ, họ tung tin đồn là trên núi có rất nhiều thần linh, người dân nếu lên quấy rầy sẽ bị thần trách phạt. Bấy giờ, người dân mới gọi đây là núi Cấm.   

Check-in trên núi Cấm. Ảnh: tago

Ngày nay, khu vực núi Cấm đã được quy hoạch thành khu du lịch, điểm đến nổi bật của tỉnh An Giang. Khu du lịch núi Cấm cách thành phố Long Xuyên 90 km và cách Châu Đốc 37 km, đường đi khá dễ dàng nên hằng năm tiếp đón một lượng khách rất đông.

Các hạng mục tham quan bao gồm Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn – nơi có bức tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m – tượng Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra khu du lịch còn có Hồ Thủy Liên, Vồ Bồ Hong, Công viên nước Thanh Long…  

Chùa Vạn Linh. Ảnh: dulichangiang

Núi Cấm đẹp nhất vào mùa xuân, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ ngát hương. Người thưởng cảnh hẳn sẽ thích ngắm nhìn vẻ đẹp trong lành vào buổi sớm ở các hồ nước, tắm trong ánh nắng vàng ươm vừa buổi trưa và xem mây bay la đà vào buổi chiều tối khi đến đây. 

Ngày 23-24/4 âm lịch hàng năm là lễ hội vía Bà Chúa Xứ. Còn ngày 29/8-1/9 âm lịch là lễ hội đua bò Tết Dolta của người Khmer. Đây là 2 mùa khá đông khách du lịch. Nếu muốn khám phá An Giang vào mùa nước nổi thì bạn có thể đến đây vào tháng 10, sau đó kết hợp du ngoạn lên đỉnh Thiên Cấm Sơn.   

Cáp treo lên núi Cấm. Ảnh: dulichangiang

Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn)

Cao 265 m so với mực nước biển, núi Dài Năm Giếng là ngọn núi cao thứ 4 trong 7 núi lớn thuộc dãy Thất Sơn An Giang. Sở dĩ có tên như vậy là vì trên núi có năm điểm địa hình mặt đất trũng sâu tựa như giếng nước. Chu vi núi khoảng hơn 8700 m, được ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp. 

Đường dẫn lên núi Dài Năm Giếng dài khoảng 2 km, đi bộ khoảng 45 phút là tới, khá vắng vẻ. Sườn dốc thoai thoải, cây cối um tùm, đây là nơi thích hợp để cắm trại, đi du lịch theo nhóm để ngắm cảnh thiên nhiên.   

Tầm nhìn từ núi Dài Năm Giếng. Ảnh: phuotangiang

Trên núi có Am cô Ba. Bên cạnh am có một điện thờ gọi là Điện Ngọc Hoàng khá khang trang. Ở khu vực Năm Giếng có 3 giếng lẻ và một giếng đôi, miệng hình bầu dục không đều, độ sâu là bao nhiều chẳng ai biết rõ, có điều chiều rộng thì khoảng 2 thước vuông. Dù là mùa khô thì giếng vẫn luôn luôn đầy nước. Nếu đi du lịch theo đoàn, bạn sẽ được nghe hướng dẫn viên kể về một số câu chuyện dân gian huyền bí rất hấp dẫn.   

Điện Ngọc Hoàng. Ảnh: baoangiang

Ngày nay, người dân trong vùng thường canh tác cây ăn trái và làm rẫy ở đây, nên dọc theo đường đi lên núi bạn có thể bắt gặp những chòi giữ rẫy nho nhỏ, đứng cô đơn giữa không gian rộng lớn. Bạn cũng có thể gặp những nhóm người đào bới đá cảnh, săn đá bông khi lên núi Dài Năm Giếng. Nghe nói khu này có nguồn tài nguyên đá xây dựng rất có giá trị.  

Giếng đôi ở khu vực Năm Giếng. Ảnh: phuotangiang

>> Xem thêm: Nếu Cái Răng giữ 'top 1 tìm kiếm' thì chợ nổi Long Xuyên cũng vị trí top 2

Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)

Núi Cô Tô là địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Thất Sơn An Giang. Ngọn núi này cao 614 m, rộng 3700 m. Núi Cô Tô có vẻ đẹp hùng vĩ và trù phú, được bao quanh bởi hồ Soài So cùng cánh động Tà Pạ xanh mướt nên cảnh quan vô cùng nên thơ.  

Núi Cô Tô là địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Thất Sơn An Giang. Ảnh: ivivu

Núi Cô Tô có khí hậu mát mẻ quanh năm. Do nằm cận biên giới, giáp ranh với Campuchia nên nếu lên đến đỉnh núi, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm toàn cảnh vẻ đẹp hoang sơ của nước bạn. 

Dưới chân núi là nhà cửa, cánh đồng lúa của người Kinh và người Khmer. Đến vùng đất này, bạn đừng bỏ qua cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm nét văn hóa hòa trộn độc đáo mới mẻ của người dân nơi đây.   

Dưới chân núi là nhà cửa, cánh đồng lúa của người Kinh và người Khmer.

Núi Cô Tô trên dãy Thất Sơn là một điểm đến tuyệt vời cho giới trẻ cắm trại theo nhóm và khám phá thiên nhiên. Thức dậy từ sáng sớm để ngắm bình minh hoặc ở lại khi chiều dần buông để ngắm hoàng hôn là những trải nghiệm không tồi.   

Đừng quên check-in ở biểu tượng chữ “TRI TÔN” ở khu vực “Sân Tiên” gần điện Năm Căn. Ảnh: hit

Đừng quên check-in ở biểu tượng chữ “TRI TÔN” ở khu vực “Sân Tiên” gần điện Năm Căn. Mỗi chữ cái đều cao khoảng 7 m, nằm trên bệ đỡ cao 1,5 - 2 m. Xung quanh có lắp hệ thống đèn chiếu sáng và hàng rào nên rất an toàn.

Một điểm check-in khác chính là Bàn Chân Tiên. Khu vực này vừa rộng lớn vừa sở hữu tầm nhìn bao quát tuyệt đẹp. Đứng từ đây, bạn có thể quan sát toàn bộ vẻ đẹp bên dưới núi, gồm những cánh đồng lúa và các ngôi nhà rải rác.  

Đừng quên check-in ở biểu tượng chữ “TRI TÔN”. Ảnh: dulichangiang

Miếu Bà Cố trên núi Cô Tô là điểm hành hương, chiêm bái lí tưởng được nhiều người dân trong vùng viếng thăm. Khách đến đây thường ghé miếu để cầu nguyện và ăn bữa cơm chay. Đó cũng là cơ hội để du khách được hiểu hơn về tấm lòng hiếu khách của người An Giang.   

Checkin núi Cô Tô. Ảnh: tago

Từ Miếu Bà Cố, đi thêm một đoạn nữa bạn sẽ đến được Dồ Hội Lớn và Dồ Hội Nhỏ - 2 tảng đá cực lớn trên núi Cô Tô. Dồ Hội là nơi thờ Phật và những vong linh đã mất. Trên những bệ đá có viết đầy chữ thư pháp tưởng nhớ người đã ra đi.

Dồ Hội có tầm nhìn rộng và thoáng. Từ đây, bạn có thể ngắm nhìn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp xanh rì của cánh đồng Tà Pạ và phóng tầm mắt nhìn sang núi Cấm – ngọn núi cao nhất dãy Thất Sơn.   

Ngắm hoàng hôn trên đỉnh Cô Tô. Ảnh: tago

Núi Dài (Ngọa Long Sơn)

Núi Dài dài khoảng 8000 m, cao 580 m so với mực nước biển, nằm trên đại bàn 3 xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì huyện Tri Tôn. Trên núi có nhiều loại gỗ quý như dầu, căm xe, lăng ổi, quế… thế giới động vật cũng vô cùng phong phú.   

Núi Dài dài khoảng 8000 m, cao 580 m so với mực nước biển. Ảnh: ivivu

Trên núi Dài có Ô Tà Sóc, là một trong những căn cứ địa quan trọng trong chiến tranh Việt Nam, do quân kháng chiến miền Nam kiểm soát. Ngoài ra, núi còn có Điện Trời Gầm, điện Huỳnh Liên, Vồ Cò, Vồ Cỏ Xã… đặc biệt là đồi Ma Thiên Lãnh, có hang rộng chứa hàng chục nghìn người, đóng vai trò quan trong ngày trước.   

Ô Tà Sóc, là một trong những căn cứ địa quan trọng trong chiến tranh Việt Nam

Đường vào khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc nhỏ, mát dịu với 2 bên là những cánh rừng tầm vông đẹp mắt. Lẫn trong đó là các nương rẫy trồng cây ăn quả của người bản địa. Do chưa được khai thác du lịch nhiều nên nơi đây vẫn còn khá hoang sợ và tự nhiên.   

Đường vào khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc. Ảnh: tago

Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)

Núi Tượng còn có tên chữ là Liên Hoa Sơn, núi thấp, nhỏ, chỉ có độ cao khoảng 145 m so với mực nước biển và chu vi khoảng 3825 m. Từ xa, núi nhìn giống hình dạng 1 con voi nên mới được người dân gọi là núi Tượng.   

Núi Tượng. Ảnh:ivivu

Nơi này từng diễn ra đại nạn thảm sát bởi quân Pôn Pốt vào năm 1978, số người tử vong khi đó là 3157 dân thường. Hiện nay, nhà mồ Ba Chúc đang trưng bày và cất giữ 1159 bộ hài cốt nạn nhân trong cuộc thảm sát này. Trên núi có chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu – 2 điểm hành hương chiêm bái linh thiêng được người bản địa thường xuyên ghé thăm.   

Nhà mồ Ba Chúc. Ảnh: ivivu

Núi Két (Anh Vũ Sơn)

Anh Vũ Sơn cao khoảng 225 m so với mực nước biển, có hình dáng là một tảng đá nằm nhô ra ngoài vách núi, nhìn từ xa giống một con két lớn. Đường lên núi dạng bậc thang, tương đối dễ đi. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là thời điểm tốt nhất để đi phượt núi Két. Lúc này trời có nắng, gió thoáng mát mẻ, thích hợp cho việc leo núi ngắm cảnh.   

Anh Vũ Sơn cao khoảng 225 m so với mực nước biển. Ảnh: dulichangiang

Núi Két có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, Trên núi có 3 di tích được nhiều người ghé thăm là Đình Thới Sơn, Chùa Thái Sơn, Chùa Phước Điền. Núi Két cũng có nhiều hang sâu và rộng, được cho là nơi tu hành của nhiều bậc cao nhân. 

Từ chân núi, bạn có thể đi bộ lên thông qua đường mòn dài 600 m trong khoảng 20 phút. Lên đến độ cao 100 m, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ của nơi này. Mỏ ông Két quay về hướng núi Dài Năm Giếng.

Từ đây, bạn có thể nhìn thấy Ngũ Hồ Sơn như một hòn non bộ khổng lồ. Phía sau Mỏ Ông Két là chư điện Năm Non Bảy Núi. Nơi đây thờ những vị có công khai khẩn vùng đất Thất Sơn An Giang. Năm Non là chỉ các Vồ, bao gồm Vồ Bồ Hong, Vồ Bướm, Vồ Đầu, Vồ Bà và Vồ Tiên Tuế.  

Mỏ Ông Két. Ảnh: dulichangiang

Ở đây còn có Bãi Giếng Tiên, dân gian kể là do thần tiên ban tặng. Nguồn nước có suốt quanh năm bất kể mùa khô hạn. Nước giếng cũng luôn trong vắt và mát rượi. Giếng nước này nằm sâu trong động, người ta tin rằng rửa tay bằng nước giếng này có thể giúp rửa tội, cầu điều an lành, may mắn. 

Điện U Minh trên núi Két là nơi thờ Diêm Vương, âm u như chính cái tên vậy. Trong điện có 2 pho tượng đá mãng xà khổng lồ. Đây được xem là linh thú canh cổng dẫn đến nơi diễn ra các hình phạt dành cho người tàn ác lúc sinh thời. Những người thích cảm giác phiêu lưu rộng lớn có thể đến check-in khu vực này.   

Khu du lịch núi Két. Ảnh: baoangiang

Núi Nước (Thủy Đài Sơn)

Thủy Đài Sơn cao khoảng 54 m, là ngọn núi nhỏ và thấp nhất trên dãy Thất Sơn. Núi nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách núi Tượng khoảng 600 m. Khu vực cao nhất của đỉnh núi gọi là sân tiên, ở đây có những tảng đá lớn, tương đối bằng phẳng, gió mát rượi và không gian tĩnh lặng.   

Thủy Đài Sơn cao khoảng 54 m, là ngọn núi nhỏ và thấp nhất trên dãy Thất Sơn.

Linh Bửu tự tựa lưng vào núi Nước, tương truyền trên đỉnh núi, thuở xa xưa có người đã chôn sâu một trụ đá khắc chữ Tàu, cốt để trấn ếm long mạch, nhưng sau này đã được Ngô Lợi (Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) cho đào lên phá hủy, và sau nữa người ta dựng lên ở đỉnh một con rùa bằng đá và xi măng. Đây cũng là một đáng để tham quan khi du khách lên Thủy Đài Sơn.   

Linh Bửu tự. Ảnh: baoangiang

Lưu ý khi đi du lịch An Giang khám phá dãy Thất Sơn

Du lịch dãy Thất Sơn nói riêng và vùng Thất Sơn An Giang nói chung, bạn có thể đi theo dạng phượt nhóm hoặc theo đoàn tham quan. Nếu tự tổ chức đi phượt thì hãy đi nhóm đông người. Muốn cắm trại qua đêm thì hãy đi sớm vào chiều hôm trước, ở lại và trở về vào sáng hôm sau. 

Ăn mặc thoải mái, kín đáo để lịch sự khi viếng thăm các chùa miếu. Mang giày thể thao chất lượng tốt một chút vì đa số đường đi đều là lối mòn trơn trượt. Đừng mang theo quá nhiều hành lý. 

Ở một số khu du lịch còn có dịch vụ ăn uống, nhưng ở các đỉnh núi ít nổi bật hơn thì rất hiếm dịch vụ này, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và nước uống. 

Tìm hiểu kĩ đường đi để tránh bị lạc đường. Khi bị lạc thì tìm kiếm người bản địa để được chỉ dẫn. 

Đừng xuất phát quá muộn vào ngày hôm trước và trở về quá muộn vào hôm sau, đường đi khá tối, không an toàn, nhất là đối với khách du lịch nữ. 

Chúc bạn có chuyến đi an toàn và vui vẻ!

Cẩm Luyến

Theo Báo Thể thao Việt Nam

Có thể bạn muốn xem